Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Karatedo gần 30 năm “bén rễ” trên thành phố hoa

Thành phố Đà Lạt mộng mơ với khí hậu mát mẻ quanh năm không chỉ là miền đất của cảm hứng nghệ thuật thơ, ca, nhạc, hoạ mà nơi đây còn quy tụ nhiều võ phái đến truyền bá, phát triển. Karatedo (Không thủ đạo) là một trong những môn võ đã bén rễ và mang lại thành công trên thành phố hoa gần 30 năm nay.
Các võ sinh Karatedo Đà Lạt luyện binh khí
Các võ sinh Karatedo Đà Lạt luyện binh khí

Những người đi truyền võ đạo

Người đầu tiên đưa môn Karatedo lên với thành phố sương mù Đà Lạt đó là võ sư Nguyễn Quốc Tuý - Huyền đai Đệ Ngũ đẳng, trọng tài quốc gia, cán bộ chuyên trách môn Vật lý của Sở GD - ĐT Lâm Đồng. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế, võ sư Nguyễn Quốc Tuý lên Đà Lạt dạy học và mang theo “truyền mệnh” của thầy mình là võ sư Nguyễn Văn Dũng (Phân đường Nghĩa Dũng ở Huế), đó là “phải ươm mầm và phát triển phong trào Karatedo trên thành phố sương mù”. Thực hiện lời dặn của thầy, võ sư Nguyễn Quốc Tuý vừa dạy học vừa mở lớp dạy võ cho các học sinh của mình. Môn Karatedo mà võ sư Nguyễn Quốc Tuý đưa lên với thành phố hoa Đà Lạt thuộc hệ phái Suzucho do võ sư người Nhật Bản tên là Suzuki Choji trực tiếp truyền bá vào Việt Nam những năm 50 của thế kỷ trước cùng với tinh thần võ đạo truyền thống của Tổ sư Funakoshi Gishin. Suzucho Karate Do hay còn gọi là Linh trường Không thủ đạo luôn hướng con người đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ và không ngừng vươn lên chiến thắng chính mình. Với tinh thần võ đạo ấy, ngoài những giờ lên lớp trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Quốc Tuý lại đóng võ phục và lên sân tập để dạy cho học sinh những đòn thế cơ bản, những bài quyền và cả những triết lý nhân sinh thông qua võ đạo. Lớp võ đầu tiên của huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuý được mở tại xã Xuân Trường - thành phố Đà Lạt và võ sinh chủ yếu là những học sinh phổ thông trên địa bàn. Những võ sinh của lứa đầu tiên ấy sau này nhiều người đã trở thành những vận động viên xuất sắc và những huấn luyện viên kỳ cựu của làng võ Karatedo trong và ngoài tỉnh.

Sau võ sư Nguyễn Quốc Tuý thì Karatedo Đà Lạt đã được bổ sung thêm hai huấn luyện viên xuất sắc nữa, đó là võ sư Lê Vĩnh Đắc và Lê Thanh Phong. Họ đều là những môn sinh xuất thân từ Võ đường Nghĩa Dũng ở Huế. Sau một lần cùng các đồng môn từ Huế vào tham gia biểu diễn ra mắt môn phái tại thành phố Đà Lạt, trong đó có võ sư Lê Vĩnh Đắc (nay là giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt) với các đòn thế hoa mỹ, đẹp mắt đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ các nam thanh nữ tú trên thành phố hoa. Từ đó võ sư Lê Vĩnh Đắc đã tình nguyện ở lại với thành phố sương mù để làm nghề dạy học và phát triển Linh trường Không thủ đạo nơi xứ hoa đào này. Đến nay đã có hàng ngàn võ sinh được anh đào tạo ra lò và nhiều người đã trở thành những huấn luyện viên, vận động viên ưu tú xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của phong trào thể dục thể thao tại địa phương. Cũng giống như võ sư Lê Vĩnh Đắc, lần đầu đặt chân đến và say đắm với nét duyên dáng và mộng mơ Đà Lạt nên chàng trai lãng tử Lê Thanh Phong đã tìm cách đến với thành phố Cao nguyên để vừa học văn khoa Đại học Đà Lạt vừa “gieo võ”. Thế rồi cứ ban ngày cùng bạn bè đồng môn cắp sách lên giảng đường để tiếp thu những tinh hoa văn chương của nhân loại, rồi tối đến chàng sinh viên văn khoa Lê Thanh Phong lại khoác Kimono trắng lên sân tập truyền bá tinh hoa võ học Không thủ đạo cho các giảng viên dạy mình và đồng môn văn khoa. Sau khi đã lĩnh hội được những kiến thức văn chương dưới mái trường đại học, Lê Thanh Phong lại tiếp tục “xuống núi” lập nghiệp, tiếp tục truyền bá võ thuật Linh trường Không thủ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Văn võ song toàn, ngoài những bài quyền, đòn cước đẹp mắt thì Lê Thanh Phong là một nhà báo giỏi, một cây bút phóng sự và chính luận nổi tiếng không chỉ riêng ở tờ báo Lao Động. Cũng chính nhờ những đòn thế tinh hoa của Karate mà anh đã tránh được sự hành hung của kẻ xấu trong những lần tác nghiệp nơi nguy hiểm.

Karatedo không ngừng nở rộ trên thành phố hoa

Từ 10 võ sinh ban đầu do võ sư Nguyễn Quốc Tuý tuyển chọn đào tạo tại xã vùng ven Xuân Trường – Đà Lạt, Karatedo đã phát triển và lan truyền mạnh mẽ đến các địa phương khác trong tỉnh. Trải qua gần 30 năm ươm mầm và phát triển Karatedo ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã có những bước đi vững chãi và gặt hái nhiều thành công đáng ghi nhận.

Năm 1989, sau một thời gian ngắn mở lớp dãy võ, võ sư Nguyễn Quốc Tuý đã tự túc kinh phí xin phép Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) dẫn 3 vận động viên Đà Lạt đại diện cho Lâm Đồng ra Hà Nội tham gia giải Karatedo quốc gia thử nghiệm. Trong lần đầu tiên tham gia giải đấu ấy, thật bất ngờ các vận động viên đã giành được tấm Huy chương Đồng và cũng từ đó mà Karatedo được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm nhiều hơn. Để củng cố cho sự phát triển bền vững của Karatedo trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt, năm 1990, Hiệp hội Karate Lâm Đồng ra đời và chỉ một năm sau Karatedo Lâm Đồng thêm một lần nữa được khẳng định khi vận động viên Trần Anh Minh - một trong những võ sinh Karatedo đầu tiên của Đà Lạt tham gia giải Vô địch quốc gia lần thứ I năm 1991 tại Hà Nội và mang về chiếc Huy chương Vàng cho đoàn Lâm Đồng. Sau đó, hàng năm, các vận động viên Karatedo Đà Lạt đã tham gia đều đặn các giải đấu khu vực và toàn quốc và luôn giành được huy chương.

Hiện nay, Lâm Đồng có 26 câu lạc bộ Karatedo với hơn 1.500 võ sinh tham gia tập luyện. Trong đó, riêng cái nôi Đà Lạt có 5 câu lạc bộ với hơn 300 võ sinh đang theo học. Đội ngũ huấn luyện viên và hướng dẫn viên Karatedo toàn tỉnh hiện có hơn 30 người, trong đó có 16 huấn luyện viên từ 3 đẳng trở lên. Karatedo Lâm Đồng hiện có một kiện tướng quốc gia đó là vận động viên Nguyễn Thị Kim Lan đã giành Huy chương Vàng vô địch tuyệt đối ở Cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc năm 2001. Tháng 9/2012 vừa qua, Liên đoàn Karatedo Lâm Đồng đã được thành lập để đưa phong trào Karatedo ngày càng phát triển.

Đánh giá về hoạt động của Karatedo Lâm Đồng, ông Vũ Văn Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: “Trải qua gần 30 năm truyền bá và phát triển trên thành phố Đà Lạt cũng như các địa phương khác trong tỉnh, Karate đã góp phần giáo dục con người mới đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

DUY NGUYỄN
http://baolamdong.vn/thethao/201301/Karatedo-gan-30-nam-ben-re-tren-thanh-pho-hoa-2213023/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét