Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Đường đời mười đoạn - Phần cuối

Đến độ tuổi 70 bạn đã sẵn sàng rồi. Tuổi 70 là tuổi của trời,  9 tháng trước cái chết của bạn - bạn sẽ trở nên nhận biết rằng cái chết đang tới. Như đứa trẻ phải trải qua 9 tháng trong bụng mẹ để ra đời, cùng chu kì này được lặp lại hoàn toàn, vòng tròn nào cũng phải kín. Bây giờ bạn đang đi vào bụng mẹ lần nữa, bây giờ bạn trở về “bông mo”, trở về lại số “không”, một con zero tròn trĩnh...
Phần III: MƯỜI LẦN BẢY ... ZERO.
photo

Vòng đời của con người
 Đến tuổi 49 thì việc tìm kiếm đã trở nên rõ ràng: phải mất 7 năm cho sự tìm kiếm trở nên rõ ràng. Nếu mọi sự đi đúng – phải nhắc lại điều này vì thực tế mọi sự chẳng bao giờ đi đúng cả - người ta trở nên không còn quan tâm tới dục nữa. Toàn bộ mọi sự có vẻ giống như thiếu niên, hơi chút chưa trưởng thành. Có lẽ phải dừng lại cà kê dê ngỗng hơi lâu một chút vì những thay đổi lớn lao về cơ thể ở độ tuổi này.
Nếu ở độ tuổi 14 dục phát sinh tự nhiên thì tại độ tuổi 49 nó tự nhiên giảm đi. Nó phải như vậy vì mọi vòng tròn đều phải hoàn chỉnh. Thế nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản thế, các nhà tâm lí, các nhà xã hội học, phân tâm học và một số “nhà” nữa dựa trên cái gọi là “nghiên cứu” của mình họ bắt đầu bĩu môi “Chỉ đươc cái vớ vẩn, bạn cứ làm tình đi, đàn ông có khả năng dục mãi đến tuổi chín mươi kia. Bạn cứ vui chơi thật lực vào, bạn còn tiếp tục làm tình thì máy của bạn vẫn chạy tốt. Còn nếu dừng lại ấy à? Bạn sẽ liệt dương, năng lượng sống của bạn sẽ tụt giảm, bạn sẽ chóng chết.”
Nguy quá! Nguy quá! Thế nhưng chưa hết, bạn chưa yên thân được đâu. Nếu bạn định buông súng, định trốn tránh trách nhiệm thì người bạn đời yêu dấu của bạn bèn lập tức nhắc nhở “Ơ kìa! Anh làm sao thế? Người ta bảo đàn ông có thể đạp mái tới tận chín mươi tuổi cơ mà”. Tự ái của thằng đàn ông bị xúc phạm, họ nghiến răng thề quyết vùng lên.
Thế là một nửa nhân loại mày râu rùng rùng lên non xuống bể quyết tìm cho ra thần dược những mong kéo dài cái chuyện trời ơi đất hỡi ấy thêm được tuổi nào hay tuổi ấy. Cứ chịu khó quan sát gầm chạn, xó bếp trong nhà mấy gã sồn sồn thế nào cũng phát hiện được mấy hũ rượu thuốc ngâm hằm bà lằng đủ thứ mà qua miệng gia chủ thì dứt khoát là “ông uống bà khen”. Những là “Minh mạng thang”, “Nhất dạ ngũ giao”, rồi thì các loại rễ củ nhằng nhịt, bò cạp, rắn rết, bổ củi, hải mã...tóm lại là từ rừng tới biển. Tây hơn thì có Viagra, thuốc xịt, các loại thuốc kích dục, phim sex...
Nghĩa là có hẳn một công nghệ vô cùng hoành tráng nhằm trợ  giúp cánh đàn ông tăng cường khả năng “chiến đấu” với phe tóc dài. Nhưng kết cục thì ai cũng biết, phe đàn ông cơ bắp bao giờ cũng nhận phần thất bại trước chị em mềm yếu, bài học xưa như trái đất: nhu thắng cương. Thực ra thì cánh đàn ông cũng không chịu thua một cách dễ dàng. Trong các cuộc nhậu, sau khi khoe thành tích uống, các trự thường khoe thành tích chăn gối siêu hạng, không có đối thủ của mình để rồi sau đó đêm nào cũng như đêm nào cứ mò về đến nhà là lao vào giường ngủ như chết chẳng còn nhớ là trăng đang tròn hay khuyết. Hi hi.
Cũng ở độ tuổi này, con người lại bắt đầu rơi vào một mặc cảm mới. Hình như xã hội chưa bao giờ mất đi những kìm nén, mặc cảm. Nếu ở độ tuổi 14 người ta mặc cảm vì phải kìm nén dục thì nay, ở độ tuổi mà đáng lẽ người ta nên được nghỉ ngơi mà vui vầy con cháu, mọi người lại bị buộc vẫn còn trong dục, mọi người vẫn còn hì hục với dục. Họ đã được xã hội dạy dỗ rằng phải chín mươi tuổi  mới được “gác kiếm”, kết quả là bạn lại mặc cảm rằng mình không làm tình được nhiều như đáng ra mình phải cáng đáng. Rất nhiều đấng mày râu mà bản lĩnh đàn ông có đôi chút hư hao ở tuổi này cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin. Họ thường nhìn đồng loại có khả năng “Nhất dạ ngũ giao” một cách ngưỡng mộ khát khao mà cám cho cái cảnh của mình không biết bao nhiều là “dạ” đi qua mà chả “giao” được phát nào. Hu hu.
Bạn cần phải nhớ cho rằng, mọi thứ tới đều phải ra đi. Mọi con sóng nảy sinh đều phải biến mất, phải có thời điểm nó ra đi. Cái “thằng nhỏ” của quý ông cũng không ngoài quy luật. Cho dù có một thời nó luôn ngẩng cao đầu, cho dù nó từng có những giấc mơ ướt quần thì cũng phải đến lúc nó làm...ướt giày, không thể nào khác được, he he. Vào 14 tuổi dục tới và vào độ tuổi 49 nó bắt đầu ra đi. Và như thế là tự nhiên, như thế là đẹp. Tất cả những gì tự nhiên đều đẹp. Dục cũng thế, dục là đẹp vào thời và mùa vụ của nó và dục là xấu nếu không đúng mùa vụ, không đúng thời. Dục là bệnh hoạn khi nó có trong ông già chín mươi tuổi. Đó là lí do  tại sao mọi người gọi là “lão già dơ dáy”, nó quả thực là dơ dáy. Có cái gì đó rất sai, thân thể không hoạt động đúng trong một ông lão độ tuổi sáu mươi còn có thể làm tình năm lần một ngày. Cũng thế, có điều gì đó sai rồi trong thân thể một thanh niên mười bảy, mười tám tuổi không hề có ham muốn dục, anh ta cần được chữa trị.
Vòng đời của "thằng nhỏ" từ ướt quần tới ướt...giày, he he.
Thế thì, thưa các đấng mày râu sồn sồn khốn khổ, xin hãy đừng tin vào mớ lí thuyết vô bổ mang tên là “nghiên cứu” ấy nữa. Thực ra nếu bạn phung phí năng lượng vào tuổi này thì đồng nghĩa với việc bạn đang phi nước đại thẳng đến ngôi mộ của chính mình, bài học về những ông vua chết trẻ trong dục lạc vẫn còn đó. Chỉ còn cách là bạn hãy lắng nghe và bằng lòng với cơ thể mình, “bằng lòng đi người yêu nhỏ bé”, bằng lòng đi mà hát điệu lý qua cầu với phần đời còn lại của mình trong an vui và hãy đừng quan tâm bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu.
Vào độ tuổi 49 người ta nên bắt đầu nhìn về rừng rậm, đi vào nội tâm, trở thành ngày một mang tính thiền và tính cầu nguyện hơn, đó là cách sống khôn ngoan nhất.
Ở độ tuổi 56 lại một thay đổi tới, một cuộc cách mạng. Bây giờ chỉ ngồi nghĩ về Tây Trúc là không đủ; người ta thực sự du hành, người ta phải khăn gói quả mướp mà lên đường. Cuộc sống đang chấm dứt, cái chết đang tới ngày một gần hơn, bản nhạc giao hưởng của cuộc sống đang tới khúc ending. Vào độ tuổi 49 người ta trở nên không quan tâm tới dục khác giới nhưng vào độ tuổi 56 người ta thậm chí không quan tâm đến người khác, tới xã hội, tới các nghi lễ xã hội. Người ta trở nên trưởng thành về tâm linh khi thoát ra ngoài mọi vướng víu xã hội. Kết thúc rồi! Người ta đã sống đủ, đã học tập đủ, đã noi gương đủ bây giờ người ta nên cám ơn mọi người, cám ơn cuộc đời và bước ra khỏi nó: “Dù đến rồi đi, ta cũng xin cảm ơn đời, cảm ơn người” (TCS). Cuộc sống có một lối vào cho mọi người và nó nên có một lối ra; bằng không nó sẽ trở nên ngạt thở, trở nên bế tắc.
Đến độ tuổi 63 bạn lại trở thành giống đứa trẻ, chỉ quan tâm tới bản thân mình. Lần nữa bạn trở thành đứa trẻ - tất nhiên là đứa trẻ đã được làm giàu rất nhiều bởi cuộc sống, rất trưởng thành, hiểu biết và thông minh lớn lao. Bây giờ bạn lại trở thành hồn nhiên, một sự hồn nhiên rất đẹp. Ở tuổi này nếu bạn không thể hồn nhiên được thì dứt khoát bạn sẽ gặt hái khổ đau. Bạn không “hồn nhiên” được thì bạn cũng không thể “bình minh”. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh, Trịnh Công Sơn bảo thế.
Bạn phải bắt đầu đi vào nội tâm, bạn phải chuẩn bị cho cái chết lúc này đang mỉm cười ngoài ngõ cùng với tiếng mài lưỡi hái xoèn xoẹt. Sáu mươi ba là thời điểm người ta hoàn toàn khép lại trong mình. Toàn thể năng lượng đi vào, đi vào và đi vào. Bạn bắt đầu kép kín cái vòng tròn năng lượng, không nói nhiều. Ngày một im lặng hơn, ngày một trở nên bản thân mình hơn. Năng lượng cứ ngày một sụt giảm dần.
Đến độ tuổi 70 bạn sẵn sàng rồi. Và nếu bạn đã tuân theo hình mẫu tự nhiên này thì chỉ ngay trước cái chết của bạn - 9 tháng trước cái chết của bạn - bạn sẽ trở nên nhận biết rằng cái chết đang tới. Như đứa trẻ phải trải qua 9 tháng trong bụng mẹ để ra đời, cùng chu kì này được lặp lại hoàn toàn, lặp lại đầy đủ, lặp lại trọn vẹn, vòng tròn nào cũng phải kín. Bây giờ bạn đang đi vào bụng mẹ lần nữa. Bụng mẹ này không trong người mẹ, bụng mẹ này ở ngay bên trong bạn. Đó là lí do người Ấn Độ gọi điện thờ bên trong nhất của ngôi đền là garbha – bụng mẹ. Khi bạn đi tới ngôi đền thì phần bên trong nhất của ngôi đền này được gọi là bụng mẹ. Một cách gọi biểu tượng nhưng rất có chủ ý. Trong pha cuối cùng – chín tháng cuối cùng của đời người – người ta đi vào chính bản thân mình, thân thể riêng của mình trở thành bụng mẹ. Điện thờ bên trong nhất là nơi ngọn lửa bao giờ cũng cháy, nơi ánh sáng bao giờ cũng có, nơi thượng đế bao giờ cũng hiện hữu.
Độ tuổi bảy mươi là “tuổi của trời”rồi. Bạn đang như ngọn đèn trước gió. Bạn phải sẵn sàng để chết. Bạn phải xem đó như một điều tự nhiên. Và nếu thế thì chẳng có gì mà bạn phải “xót xa” như câu hát “nghe xót xa hằn lên tuổi trời” của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Nếu bạn đã SỐNG cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc, thì toàn bộ cuộc đời bạn là lễ hội, bạn sẽ không một chút tiếc nuối vấn vương cuộc sống. Bạn mãn nguyện ra đi, bạn “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”.
Đến đây, bạn có thể giãy nãy lên mà cự nự rằng: tớ sẵn sàng cho mọi thứ trừ cái chết, ngu gì mà đi sẵn sàng cho cái chết cơ chứ! Tùy bạn thôi, chỉ xin lưu ý bạn rằng vào một ngày đẹp trời nào đấy con thuyền bốn dài hai ngắn cũng sẽ đến rước bạn đi qua bên kia thế giới cho dù bạn có sẵn sàng hay không. Với lại bất kì cuộc chơi nào cũng vui cũng có ý nghĩa khi người ta sẵn sàng. Bạn muốn sự ra đi của bạn là có ý nghĩa hay trong đau khổ? Tùy bạn thôi!
Bạn cũng cần nhớ thêm điều này, khi chiếc compa vừa nối kin vòng tròn đời bạn thì điểm cuối cùng trùng với điểm đầu tiên. Sinh tử kia là một, “buồn vui kia là một”, cuối ngày là đêm, cuối đêm chính là ngày. Thân thể cũng như vạn pháp trong vũ trụ đều phải tuân theo quy luật sinh tử. “Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời”, ừ thì nằm, nhưng đó là thân thể bạn nằm chứ không phải bạn, bạn đã vào bụng mẹ lại rồi, bạn đang sẵn sàng cho một vòng tròn cuộc đời mới. Mà thôi, coi chừng lại sa đà vào chuyện sống chết - vấn đề muôn thuở của nhân loại. Mai mốt có khi phải mần một èn riêng về chuyện này. Giờ phải kết thúc cái vòng tròn, phải trở về “bông mo”, trở về với con zero tròn trĩnh đáng yêu cái đã.
Khi người ta cám ơn tất cả và sẵn sàng chết thì bỗng nhiên cái chết trở thành đẹp.Thế thì cái chết không phải là kẻ thù, nó là người bạn lớn nhất bời vì nó là cao trào của cuộc sống. Nó là đỉnh cao nhất mà cuộc sống đạt tới. Cái chết không phải là kết thúc cuộc sống, nó là cực đỉnh. Bạn nghĩ rằng nó là chổ kết thúc bởi vì bạn chưa bao giờ biết cuộc sống, với người đã biết cuộc sống nó dường như là đỉnh cao, đỉnh cao nhất. Cuộc sống không hề kết thúc trong cái chết cũng như đêm không phải là kết thúc của ngày, đêm chuẩn bị cho một ngày mới; cuộc sống nở hoa trong cái chết.
Và, để nhận chân được tất cả những điều này, bạn chỉ có một việc duy nhất phải làm: SỐNG!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét