Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI HÁI PHÙ DUNG

Tết, tình cờ đọc lại tập thơ "Người hái Phù dung" chợt nhớ những kỷ niệm về ông, nhà văn, nhà thơ, nhà Huế học Hoàng Phủ Ngọc Tường.

photo

Bìa tập thơ Người hái Phù dung của HPNT
Mình biết đến cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường từ những năm đầu thập niên 1980 khi còn là một chàng sinh viên trường Đại Học Sư phạm Huế. Thời ấy đọc tạp chí Sông Hương thỉnh thoảng mình bắt gặp một số bài bút kí của  nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng nói thật lúc ấy mình không mê thể loại văn chương này lắm. Là một anh chàng Bọ rin, tuyệch toạc, thẳng ruột ngựa và hiếu thắng, mình chỉ mê các chuyện tình báo trinh thám, hoặc những tiểu thuyết tình lãng mạn sướt mướt chứ chưa quen với giọng văn chầm chậm, đều đều đầy chất suy tưởng của nhà Huế học Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chưa bao giờ mình đọc hết một bài bút kí của ông, thậm chí cả khi mình nghe báo chí công bố tên ông đạt rất nhiều giải về kí, lại còn được mệnh danh “Vua bút kí”…Vì thế, cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường trước đây không mấy ấn tượng với mình.
Tháng 12 năm 1993 mình tổ chức kì thi Huyền đai thường niên cho võ sinh Lâm Đồng. Nhân cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, mình mời sư phụ - thầy Nguyễn Văn Dũng từ Huế vào. Thầy Dũng thông báo là sẽ có bạn thầy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi cùng. Đấy cũng là lần đầu tiên mình được diện kiến ông “vua bút kí”. Nói thật, ngay cả lần đầu tiên nhìn thấy ông mình cũng chả thấy ấn tượng gì ngoài cái nốt ruồi rất to ở dưới cằm là đáng nhớ. Hoàng Phủ Ngọc Tường đây ư? Một người đàn ông nhỏ thó, có phần khắc khổ nữa.
photo

HPNT (áo đỏ) tại Đà Lạt tháng 12 - 1993
Kì thi kết thúc, mình mời hai thầy về nhà (mình gọi luôn Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy) trong bữa cơm chiều. Kể từ đó mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong bữa cơm và suốt những ngày sau đó trong những cuộc nhậu hay ở quán cà phê, ông nói hết chuyện này sang chuyện khác, lạ là toàn những chuyện loanh quanh ở Đà Lạt mà mình chẳng biết tí gì. Mình cứ nghĩ sao ông có nhiều chuyện đến thế, mà chuyện nào cũng hay. Càng rượu vào ông nói càng hay, mình chỉ biết há hốc miệng ngồi nghe say sưa và vô cùng thán phục sự uyên bác của ông. Mình còn phát hiện ở ông có một sự tinh tế, nhạy cảm thường thấy ở những người sống minh triết, có tấm lòng  với tha nhân. Trong tập thơ  “Người hái Phù dung” tặng mình, ông ghi “Thương mến tặng Nguyễn Quốc Túy và người mà Túy đang yêu thương” kèm với lời giải thích “Người mà Túy đang yêu thương ở đây có thể là vợ hoặc một ai đó ngoài vợ”. Quả là rất…Hoàng Phủ, bái phục.
Mình bắt đầu tìm đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường từ thơ đến bút kí, từ tác phẩm xuất bản đến các bài đăng trên báo, càng đọc càng mê. Hết cái thời ngông nghênh hiếu thắng, bị cuộc đời tặng cho mấy đòn nốc ao mình đâm ra biết điều hơn, biết chiêm nghiệm cuộc sống hơn. Phải thế chăng mà mình rất thích những trải nghiệm nhân tình thế thái được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa uyên bác và đầy lãng mạn của nhà văn miền núi Ngự sông Hương. Đọc ông, mình còn phát hiện ra một nỗi buồn da diết bàng bạc trong các sáng tác của ông. Mình còn nhớ mình đã rúng động như thế nào khi đọc xong bài thơ “Sinh nhật” của ông. Một cái tựa lung linh đến thế mà nội dung thì… “Mai này tôi về ngủ trên đồi/ Nắng trải hoa vàng quanh chổ tôi/ Con chim sơn ca thời thơ bé/ Nó bay về khóc mãi không thôi.”.  Hình như trong lòng những người sống có tấm lòng với đời, nhận ra cái phù du vô thường  của đời người như ông, như bạn thân của ông Trịnh Công Sơn, đều mang một nỗi buồn nhân thế. Ông từng phát biểu “…Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. Ôi! Lẽ nào bao trùm cuộc sống là nỗi buồn? Lẽ nào những ai có cái tâm bao la với đời thì phải sống trong nỗi buồn? Hèn chi Trinh Công Sơn đã tự mình tìm cách  cân bằng cuộc sống với trải nghiệm “buồn vui kia là một”?
Đâu khoảng năm 1998 mình nghe tin ông bị tai biến trong một lần thức khuya xem bóng đá Euro. Hè năm 1999 mình mới có dịp ghé thăm ông ở Huế. Thật xót xa khi một con người của những chuyến đi và viết nay ngồi thúc thủ trong xe lăn nhờ sự chăm sóc của người thân, mà gần gũi nhất không ai khác là vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Dịp này ông tặng mình tập nhàn đàm “ Người ham chơi”, nhìn ông khó nhọc viết lời đề tặng mà mình cứ rơm rớm nước mắt. Nghe thầy mình nói, vốn dĩ đã buồn ông càng buốn bã hơn sau cái tai nạn vừa đột ngột vừa đương nhiên ấy. Ông thường tỏ ra hốt hoảng, thậm chí còn giận hờn khi những người bạn đến thăm ông ra về, ông sợ quá khi phải ở một mình.
Tết Đinh Hợi năm 2007 mình lại có dịp ghé thăm ông  thấy ông “mập” ra nhưng lại có vẻ tiều tụy, thất thần hơn. Có lẽ đó là kết quả của việc hàng ngày phải nằm một chổ với bốn bức tường trong sự thiếu vắng hơi thở của cuộc sống và tiếng lao xao của bạn bè?
photo

HPNT và vợ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1999...
photo

...và HPNT năm 2007
Biết làm sao được, ông là người hiểu rất rõ “bản chất phù hư của thế giới” (chữ của HPNT) nên mình tin rằng ông có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để thấy “buồn vui kia là một” mà sống nốt cuộc đời tài hoa của mình trong an lạc. Hơn ai hết ông là người đủ minh triết, đủ thời gian để hiểu và chấp nhận rằng bản chất loài người là sự cô độc, điều mà bạn thân ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phát hiện “Trời cao đất rộng một mình tôi đi, đời như vô tận một mình tôi về, với tôi".
Một điều hiển nhiên là, cái tâm và cái tài của ông đã kịp ghi dấu một cách sâu đậm trong lòng người đọc nhiều thế hệ và trong văn đàn Việt Nam.Dù ông có mệnh hệ gì thì điều này sẽ vẫn còn mãi với thiên thu. Chắc chắn thế.
photo
Thủ bút của nhà văn HPNT tháng 12 năm 1993...
photo

...và khi đã ngã bệnh năm 1999.

Đọc thêm

Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh hoa phù dung

"Tôi phản đối xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Những điều này đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Đó là nguồn mỹ cảm nuôi cảm hứng sáng tạo của cả loài người", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tâm sự.












Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn).






Cơn bạo bệnh kịch phát cách đây mấy năm đã để lại cho Hoàng Phủ Ngọc Tường những di chứng nặng nề, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc viết và liên hệ với thế giới bên ngoài.
"Nhà tôi phố Đạm Tiên", Hoàng Phủ Ngọc Tường thường chỉ đường như vậy, với nét cười thoáng qua khóe môi. Chút hài hước chấp nhận thân phận, thêm một lần xác nhận thế cuộc phù du.
Huế không có phố Đạm Tiên. Nếu có một phố tên là Đạm Tiên thật thì buồn quá. Ai lấy tên của một kỹ nữ tài hoa chết trẻ mà đặt tên phố để thành xui xẻo, mà mang lấy cái nghiệp bạc như vôi. Phố Đạm Tiên của nhà thơ nay ở Phan Bội Châu.
Đôi nhà thơ nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ đang được che chở dưới mái một ngôi nhà xinh xắn, do Mỹ Dạ thiết kế lấy kiểu dáng. Cuộc hôn nhân bắt đầu năm 1973. Họ cùng đi qua những thăng trầm sóng gió cuộc đời, ngọt ngào nhưng cũng nhiều cay đắng, luôn bên nhau trong những lúc hiểm nghèo. Khi Hoàng Phủ Ngọc Tường phải gắn lưng trên chiếc xe lăn, Mỹ Dạ là người bạn đời nâng giấc dịu dàng.
Nói về vợ, nhà thơ luôn cười vui: "Tui lấy một người vợ làm thơ, đến lúc xây nhà mới biết là lấy nhầm phải một nhà thiết kế. Trong khi tôi, cũng như những đàn ông khác, chỉ phải gánh một gánh là trách nhiệm với chính mình, thì Mỹ Dạ phải gánh gấp đôi, thêm cả bổn phận người phụ nữ. Làm đàn ông thời này thoải mái sung sướng hơn đàn bà rất nhiều".
Hoàng Phủ Ngọc Tường liệt nửa người, bị bạo bệnh giam cầm trong bốn bức tường. Nhiều bạn bè theo anh và Mỹ Dạ đến tận chân giường, đôi khi đồng hành trong những cuộc đi chữa bệnh khó nhọc và tốn kém.
Sau chuyến đi mới đây, hai vợ chồng như được tiếp thêm sức lực và hy vọng vì sức khỏe khá lên. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có thể ngồi khá lâu trên xe lăn, những dòng chữ viết bởi bàn tay duy nhất còn cử động đã bớt vụng dại. Giọng nói đã rõ ràng hơn. Ông có thể ngồi trên xe trò chuyện hàng giờ mà không quá mệt. Trên xe lăn mà vẫn như ngồi trên một con thuyền thúng, nôn nao nỗi đời. Huế yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến mức một tiếng ong bay cũng có thể làm xao động. "Huế rất tốt cho việc làm thơ và ngâm ngợi, cho "một cõi đi về" nhưng thiếu rộn ràng cho công việc, giao lưu và cõi ở", nhà thơ tâm sự.
Dường như trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi hoa. Điều đó, dù cuộc đời lận đận những ngày tù cộng với những năm tháng bôn ba khắc nghiệt của chiến tranh không tước đoạt nổi của ông.
Ông viết rất nhiều về hoa. Thiên nhiên trong thơ ông hiện lên mong manh, rưng rưng, như vẻ đẹp của thiếu nữ, như giọt sương mai. Đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có cả tập thơ mang tên Người hái phù dung. Dung nhan của loài hoa sớm nở tối tàn này thường trở đi trở lại trong văn thơ ông. Trong Hoa bên trời, trên xe lăn trong những ngày giao thời 2005, ông viết: "Hoa phù dung biểu lộ lòng ham thích cuộc sống, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ".
Mô tả nhiều sắc hoa với rất nhiều ưu ái và lưu luyến, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một người mang nợ: "Đã lâu rồi tôi không nhắc đến hoa. Tôi thấy có lỗi với những người bạn tâm tình ấy suốt quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh đi qua, có nhiều cái đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ thành những vết sẹo".
Thôi em, cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về...
(Đêm qua - Người hái phù dung)
(Theo Phụ Nữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét