Huế
cổ kính, Huế xưa, Huế di sản,…là những từ người ta thường dùng để nói về đất
Thần Kinh này. Rời Huế từ 1985, nay có
dịp quay về ngó nghiêng đôi chút, thấy Huế vẫn xưa cũ như thuở mình còn là một
anh sinh viên nghèo. Thì vẫn có những cao ốc, khách sạn mới mọc lên, những con
đường hay khu dân cư mới mở, nhưng đằng sau những cái gọi là mới đó, “chất Huế”
không giấu vào đâu được. “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, nhà thơ Thu Bồn
bảo thế, phải chăng vì cái “rất sâu” ấy mà hồn Huế vẫn cứ hoài lãng đãng lặng
lờ cùng dòng sông Hương thơ mộng.
1. Khu giảng đường và cổng trường vẫn còn nguyên
dòng chữ “Đại học Sư phạm” như xưa, mặc dù Sư phạm đã trở thành một Khoa trong
Viện Đại Học Huế. Một sự cố tình lưu giữ hay “tư duy đập phá” chưa kịp hỏi
thăm? Dù sao hãy cảm ơn một mảnh quá khứ đẹp vẫn còn lưu dấu ít nhất là cho đến
nay.
2. Đã có quá
nhiều bài báo, phóng sự truyền hình cảnh báo về tình trạng xâm phạm cảnh quan
thiên nhiên, di tích lịch sử, những báu vật làm nên bản sắc Huế. Liệu Huế rêu
phong cổ kính có bị vùi lấp dưới những tòa cao ốc như thế này:
3. Trong cái mới,
cái hiện đại có vẻ như bất chấp truyền thống ấy, người dân Huế vẫn cố bươn
chải, chòi đạp để mưu sinh. Dễ thấy trên nhiều con đường Huế, đằng sau những
khách sạn sang trọng lấp lánh là những gánh bún vỉa hè đơn sơ, là hình dáng các
bác xích lô gày gò còm lưng bên những chiếc xe cũ kỹ. Cũng là xích lô nhưng ở
Hà Nội và Sài Gòn là những chiếc xe đẹp trang hoàng lộng lẫy cùng những bác tài
hồng hào tươi vui còn xích lô Huế thấy mà thương chi lạ…
4. Thật may,
những hình ảnh thân thương một thời nghèo khó của Huế vẫn còn: Một chị bán
trứng lộn co ro trong hiên nhà vì mưa lạnh cùng rổ trứng có ngọn đèn dầu hỏa
kiên nhẫn chờ khách; Một thiếu phụ còn trẻ với nét mặt chẳng biết buồn hay vui
bên những củ sắn củ từ bốc khói… Không ai muốn cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, nhưng
cứ thử hình dung một ngày kia Huế không còn những hình ảnh này thì liệu lữ khách
có nhớ đến câu thơ Tố Hữu “Ta nện gót trên đường phố Huế/Dửng dưng không một
cảm tình chi”.
5. Về Huế lần này
là để khánh thành tổ đường Nghĩa Dũng Suzucho Karatedo, phòng tập cũ xưa chật
hẹp nay đã thay bằng một Đạo đường hoành tráng hiện đại. Thầy trò, Huynh đệ
ngày xưa nay đã tóc bạc da mồi, vẫn tìm thấy trong mắt nhau long lanh những
nghĩa tình không hề xưa cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét