Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Đường đời mười đoạn - Phần II

Từ 42 đến 49 là gia đoạn nguy hiểm trong đời bạn. Bạn sẽ gặp những biến đổi sâu sắc cả về cơ thể và tâm hồn. Khi bạn bước qua giai đoạn này một cách trót lọt thì có thể coi như bạn vừa được tái sinh, một sự tái sinh tâm hồn...
Bạn đã chuẩn bị bút giấy chưa? Chúng ta cùng vẽ tiếp vòng đời của mình nhé.

Phần II: BẢY LẦN BẢY BỐN CHÍN
Sau tuổi 21, nếu mọi chuyện diễn ra bình thường, đứa trẻ trở nên quan tâm tới tham vọng, hoài bão nhiều hơn tình yêu. Nó muốn là người thành công, nó muốn nổi tiếng, nó mơ những giấc mơ lớn.  Tiền bạc, quyền lực, danh tiếng trở thành mối quan tâm hàng đầu của nó. Bây giờ nó không chỉ đi vào thế giới tự nhiên, nó đang đi vào thế giới con người, vào bãi chợ. Bây giờ nó đi vào thế giới của phiêu lưu, của điên khùng. Những ông bố bà mẹ cần phải biết kiềm chế, phải tập sự bình tĩnh nếu không muốn vỡ tim mà chết vì những ý tưởng đôi khi là quái đản của những đứa con thân yêu ở độ tuổi này. Anh bạn mình có cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học hôm trước hôm sau đã đề nghị bố đầu tư cho 2 tỷ để mở công ty chuyên đào tạo các nữ chân dài làm bảo vệ cho các xếp. Chưa kịp hoàn hồn thì tháng sau đã thấy cậu cả xuống bếp năn nỉ mẹ cung cấp vốn làm...nhà máy sản xuất rượu vang. Hết biết.
Từ 21 tới 28 người ta sống trong phiêu lưu, nhưng nếu mọi sự đi đúng, cứ tuần tự nhi tiến - vì thực tế nó chẳng bao giờ đi đúng cả, thì đến tuổi 28 người ta trở nên tỉnh táo hơn rằng: tất cả các ham muốn không thể được hoàn thành hết, rằng nhiều ham muốn là không thể được. Nếu bạn ngu thì bạn có thể cứ theo đuổi chúng, nhưng những người thông minh lại đi vào một cánh cửa khác của tuổi 28 đến 35. Họ trở nên quan tâm đến an ninh và tiện nghi, ít phiêu lưu và tham vọng hơn. Họ bắt đầu lắng đọng, bắt đầu trở nên thực tế hơn. Họ không còn muốn làm Rockefellers hay làm thủ tướng nữa, thay vì thế họ muốn có một ngôi nhà để sống cùng với một số dư ngân hàng nho nhỏ. Bây giờ kẻ lêu lổng không còn là kẻ lêu lổng nữa. Anh ta mua nhà và bắt đầu sống trong đó; anh ta trở nên văn minh. Từ văn minh – civilization bắt nguồn từ từ civis, công dân. Bây giờ anh ta trở thành một phần của thị trấn của thành phố, của một định chế. Anh ta không muốn đi đâu nữa, đã du hành đủ rồi, đã biết đủ rồi; bây giờ anh ta muốn định cư và nghỉ ngơi đôi chút.
Vào tuổi 35 năng lượng sống đạt tới điểm đỉnh của nó. Vòng tròn cuộc đời đã hoàn thành một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Người ta bắt đầu chống lại mọi cuộc cách mạng, người ta bắt đầu chống lại mọi sự biến đổi; người đó muốn giữ nguyên trạng bởi vì bây giờ người đó đã lắng đọng và nếu bất kì cái gì thay đổi thì mọi sự sẽ bị đảo lộn.  Bây giờ người đó đã thực sự trở thành một phần của định chế. Người ta bắt đầu tin vào tín ngưỡng, tin Chúa, tin Phật. Bỗng nhiên bạn lại bắt đầu để mắt đến nhà thờ, nhà chùa; bạn thành kính và lắng đọng hơn hẳn mỗi lần thắp nhang trước bàn thờ gia tiên...
Từ  tuổi 42 đến 49 mọi loại ốm yếu thể chất và tinh thần bột phát, bởi vì bây giờ cuộc sống đang suy giảm. Năng lượng đang hướng tới cái chết. Nếu như trong nữa vòng tròn đầu, năng lượng của bạn đã đi lên, bạn đã trở nên ngày một sống động và mạnh mẽ hơn – bây giờ thì điều ngược lại đang xảy ra, bạn trở nên ngày một yếu hơn.
 Thế nhưng thói quen của bạn vẫn còn dai dẳng. Bạn đã ăn đủ cho đến tuổi 35, bây giờ nếu bạn tiếp tục thói quen của mình thì bạn sẽ bắt đầu tích trữ mỡ. Bây giờ năng lượng của bạn đang suy giảm, bạn đang đi về phía nghĩa địa, cuộc sống không cần nhiều thức ăn đến thế. Vì thế nếu bạn cứ tọng đầy bụng mình như bạn đã làm đã từng trước đây, thế thì đủ loại bệnh tật sẽ xuất hiện: cao huyết áp, đau tim, mất ngủ...42 tuổi là một trong những điểm nguy hiểm nhất. Tóc bắt đầu rụng, bạc dần, cuộc sống biến vào trong cái chết. Ở giai đoạn này tôn giáo lần đầu tiên bắt đầu trở thành quan trọng – bởi vì tôn giáo có liên quan sâu sắc tới cái chết. Cái chết đang lại gần và ham muốn đầu tiên về tôn giáo nảy sinh.
Thực ra vào độ tuổi bốn mươi hai bạn hãy còn là một đứa trẻ trong thế giới của tôn giáo. Đó là lí do tại sao người ta thường nói về sự tái sinh trong giai đoạn này – một sự tái sinh tâm hồn chứ không phải tái sinh thể xác. Đó cũng là lí do người ta muốn tin vào lời khuyên trong lí thuyết hóa thân: “Đừng sợ. Bạn sẽ được sinh ra lần nữa mà, cứ sinh đi sinh lại nhiều kiếp lắm. Cái bánh xe luân hồi cứ quay tít thế kia cơ mà. Đừng sợ: có đủ thời gian có đủ vĩnh hằng trước mặt – bạn có thể đạt tới được, yên tâm đi!”.
Rốt cuộc thì người ta vẫn cứ thấy sợ, vẫn cứ thấy hoang mang. U50 rồi, đời đã xanh rêu rồi, quỹ thời gian đời người còn lại ngắn quá. Không hoang mang sao được khi trên đường đua cuộc đời bạn đã bị gạt sang một bên, bạn đành phải đứng xớ rớ ven đường nhường chổ cho những kẻ dưới băm nhăm tràn trề sinh lực. Khi bạn ở độ tuổi mười bốn thì xã hội là tốt bởi vì xã hội cho đủ dục – toàn thể xã hội đều mang tính dục; dục dường như là món hàng duy nhất ẩn kín trong mọi món hàng. Nếu bạn muốn bán từ một chiếc xe hơi hay một lọ dầu gội đầu thì bao giờ cũng có bóng dáng các em chân dài hàng hóa phì nhiêu đứng uốn éo tạo dáng bên cạnh, chí ít cũng là một nụ cười ong mật.
Cho nên xã hội này, xã hội trần tục này là tốt cho người trẻ. Nhưng khốn thay, có ai trẻ mãi được đâu. Khi họ đến độ tuổi bốn mươi hai bỗng nhiên xã hội lãng quên họ. Họ trở nên thần kinh vì không biết phải làm gì bây giờ, họ chưa bao giờ được huấn luyện, không kỷ thuật nào được trao cho họ để đối diện với cái chết. Xã hội đã trang bị cho họ sẵn sàng cho cuộc sống nhưng không ai dạy cho họ sẵn sàng cho cái chết.
Có khi phải đề nghị (lại đề nghị) Bộ Giáo dục và  Đào tạo chia các Đại học thành hai phần: một phần cho người trẻ, phần kia cho người già. Người trẻ sẽ tới để học nghệ thuật của cuộc sống – dục vọng, tham vọng, tranh đấu, yêu đương. Thế rồi khi họ trở nên già hơn, cỡ độ tuổi U50, thì họ sẽ quay lại Đại học để học về cái chết,  về Thượng đế, về Thiền... Họ cần huấn luyện kỷ thuật mới để cho có thể thích nghi với pha sống mới trước mắt. Hy vọng lúc đó, những người tốt nghiệp đại học này chả còn ai sợ cái chết đến thế; họ coi cái chết như người bạn thân lâu ngày gặp lại, họ dìu nhau qua bên kia thế giới như một cuộc dạo chơi.
Hiện thời thì chưa  mấy ai đủ can đảm mà hoan hô tuổi già một cách chân thành hay viết cả sách “Già ơi chào bạn” như ông bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đâu. Hiện thời thì bạn vẫn cứ ngơ ngác  con nai vàng, chân nam đá chân chiêu đi giữa đời với niềm thôi thúc đầu tiên nảy sinh, mơ hồ, không rõ ràng, lẫn lộn. Bạn thậm chí không nhận biết về điều đang xảy ra, nhưng bạn bắt đầu nhìn vào đền chùa với sự quan tâm xen lẫn hy vọng thiết tha. Đôi khi nhân tiện, như một khách thăm vô tình, bạn ghé vào cả nhà thờ. Lại đôi khi – lúc có thời gian, chẳng phải làm gì – bạn tần mần lôi cuốn kinh Phật đầy bụi ra khỏi kệ sách ngắm nghía rồi lại tần mần gác lên kệ sau khi lật qua lật lại được mấy trang mà chả đọc dòng nào. Mơ hồ, không đích xác rõ ràng, hệt như đứa trẻ nhỏ mơ hồ về dục bắt đầu nghịch ngợm bộ phận sinh dục của mình mà chẳng biết mình đang làm cái giống gì. Đôi khi người ta lại ngồi một mình im lặng, bỗng nhiên cảm thấy an bình, chẳng biết mình đang làm gì, lại còn lẩm nhẩm hát Trịnh Công Sơn: “Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi...". Tóm lại là lẩn thẩn, là...thần kinh, he he.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét