Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Đường đời mười đoạn - Phần I

Phải nói ngay là "Đường đời mười đoạn" này nỏ có liên quan gì đến cái "Đường lưỡi bò chín đoạn" trên biển Đông của anh bạn hảo hảo "Bốn tốt" với "Mười sáu chữ vàng" đâu đấy nhé.
Chả là các nhà tâm sinh lí phát hiện ra rằng sau mỗi chu kì bảy năm thì đời người lại có những thay đổi rất đáng kể. Và nếu bạn hưởng dương bảy mươi cái xuân xanh thì cuộc đời bạn đã qua mười chu kì cuộc sống, vòng đời của bạn được chia làm mười đoạn, thế thôi, hi hi.
Luân hồi tái sinh đầu thai chuyển kiếp (kỳ 6) - Tin180.com (Ảnh 2)
Phần I: BA LẦN BẢY HĂM MỐT
Trời có bốn mùa, đất có bốn hướng, “sông có khúc, người có lúc”,... có vẻ như mọi thứ trên đời đều được chia thành những giai đoạn với những đặc trưng, những biến đổi thăng trầm riêng của mỗi giai đoạn. Đời người cũng thế thôi, nếu không bị Diêm Vương buồn tình gọi về chầu sớm thì một đời người hẳn phải được chia thành những “lúc” với những đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng chứ không chỉ là những thịnh suy về vật chất tầm thường.
Cùng với quan niệm vô thường, nhà Phật cho rằng không riêng gì con người, một vòng đời của vạn pháp đều trải qua một chu kỳ sinh lão bệnh tử. Dựa vào sự trưởng thành của cơ thể thì nhân loại lại thường phân chia cuộc đời con người ra các thời: thời thơ ấu (nhi đồng). thời thiếu niên, thời thanh niên, thời trung niên (sồn sồn) và cuối cùng là thời lão niên kéo dài cho đến...cạn niên. Những kẻ ngạo đời bèn bĩu môi bảo thế thì trong các cuộc nhậu chả có gì để bàn luận cả, họ bèn chia phận người ra làm năm hồi, nghe cứ như một vở kịch: hồi nhỏ, hồi hộp, hồi xuân, hồi sức (cấp cứu) và hạ màn bằng hồi...trống.
Những cách phân chia như thế hoặc nghe ba lơn cho vui hoặc không có một căn cứ khoa học nào, chỉ đơn thuần là theo cảm tính. Với các nhà sinh lí học thì khác hẳn, theo họ cứ bảy năm một lần, thân thể và tâm trí trải qua những cơn khủng hoảng và thay đổi, được đổi mới hoàn toàn. Nếu trung bình bạn sống bảy mươi tuổi, thân thể bạn chết đi 10 lần. Cứ mỗi bảy năm mọi sự lại thay đổi – cũng giống như đổi mùa. Nếu đường đi từ sinh đến tử là một vòng tròn, thì vòng tròn này hoàn chỉnh trong bảy mươi năm với mười phân chia.
Căn cứ vào những nghiên cứu về sự biến đổi của cơ thể con người thì có thể thấy rằng cách phân chia này là khá phù hợp. Không những thế những biến đổi tâm linh của con người cũng ăn khớp với chu kì bảy năm này. Tuy nhiên cũng cần nói rằng, những phần chia này chỉ thực sự chuẩn khi con người ta sông hoàn toàn đúng với quy luật tự nhiên của nó. Than ôi, trừ...muông thú, cây cỏ có ai được sống đúng như thế đâu, xã hội đè lên đầu lên cổ bạn biết bao là định chế là bài học khiến bạn bị tròng cho một cái vòng kim cô  khó lòng thoát khỏi, khó lòng sống với bản năng tự nhiên của mình.
Cứ giả sử bạn hưởng dương được bảy mươi năm – cổ lai hy rồi đấy nhá - vậy thì xin mời bạn lên đường vẽ cái vòng tròn bảy mươi năm cuộc đời mình xem sao. Ta hãy xuất phát với bảy năm đầu đời kể từ khi thoát khỏi bụng mẹ.
Trong bảy năm đầu tiên đứa trẻ coi mình là trung tâm, cứ dường như nó là trung tâm của thế giới. Toàn thể gia đình xoay quanh nó, nó trở thành một ông vua. Bất kì thứ gì nó cần là mọi người chạy quắn đít đáp ứng cho nó ngay lập tức; bằng klhông nó sẽ nổi cơn tam bành, giận dữ, cuồng nộ. Trong bảy năm đầu, đứa trẻ vẫn còn tuyệt đối là bản ngã, lấy mình làm trung tâm, tự thỏa mãn cho chính mình.
 Sau bảy năm, từ 7 đến 14 tuổi, một sự đột phá -  đứa trẻ không còn lấy mình là trung tâm nữa, nó trở thành lệch tâm. Bây giờ nó không còn quan tâm nhiều tới bản thân nữa; nó quan tâm đến người khác, thế giới lớn hơn. Nó đi vào cuộc phiêu lưu để truy tìm xem “người khác” này là ai. Thế là nó trở thành đứa hay hỏi, nó có cả triệu câu hỏi. Nó làm bố mẹ phát ngán, nó trở thành nỗi phiền toái. Nó sẵn sàng giết con bướm để xem cái gì bên trong, nó phá đồ chơi chỉ để xem đồ chơi hoạt động thế nào, nó làm người lớn đau hết cả đầu vì đủ thứ trò đôi khi không lường được. Nó trở nên quan tâm tới người khác nhưng vẫn còn cùng giới với nó. Một cậu bé sẽ không quan tâm đến con gái, nếu có một cậu bé khác chơi với con gái thì nó sẽ nghĩ bọn họ là chị em. Cũng như thế với các cô bé, chúng luôn tụ tập quanh mình một nhóm con gái hú hí với nhau suốt ngày, nếu có cô bé nào chơi với` con trai thi dưới mắt chúng đó là đứa không bình thường, là dở hơi...Giai đoạn thứ hai này các nhà phân tâm và tâm lí sẽ gọi là giai đoạn “đồng dục”. Đó là lí do tại sao bất kì tình bạn nào xảy ra trong giai đoạn này đều rất sâu sắc.
Sau 14 tuổi cánh cửa thứ 3 mở ra: con trai không còn quan tâm đến con trai, con gái không còn quan tâm đến con gái, đây là giai đoạn của dị dục.  Một cậu con giai khỏe mạnh, bình thường đã  bắt đầu quan tâm đến con gái, bắt đầu lượn lờ tán tỉnh. Thơ ca lãng mạn nảy sinh, nhiều nhà thơ nhạc sĩ đã bắt đầu sáng tác từ giai đoạn này với những tác phẩm yêu đương chan chứa. Những o con gái chum chúm chũm cau bắt đầu say mê “những hẹn hò cuống quýt, trên lối xưa thiên đàng” với một chàng trai nào đấy.
Tuổi mười bốn trở đi là tuổi của cách mạng lớn lao. Dục trở nên chín muồi, người ta bắt đầu nghĩ ngợi về dục; những phóng túng dục trở thành nổi bật trong giấc mơ. Ở lứa tuổi này có rất nhiều bi kịch nảy sinh cho bọn trẻ, chúng rất dễ trở nên nổi loạn, cứng đầu, bất trị ... mà thủ phạm không phải ai khác chính là những định kiến xã hội, những kiểu ép buộc vô lối của chính bố mẹ.  Ở phương Đông dục không được coi là phổ biến mà nói thẳng ra là người ta chống dục. Nhưng ông bố bà mẹ luôn luôn cố gắng làm một điều trái với tự nhiên giải thích là tìm cách cho con trẻ tránh xa thậm chí cấm đoán dục, rằng con còn bé, phải lo học hành, chuyện đó tính sau...vv ...vv.  Người lớn cứ luôn trông chờ vào con trẻ rằng chúng còn ngây thơ trong trắng lắm, chúng chẳng biết gì chuyện trai gái đâu. Nhưng nào có được, quy luật vẫn cứ là quy luật, để làm vừa lòng người lớn phần lớn trẻ con phương Đông cứ phải kìm nén, lén lút; chúng có những giấc mơ làm...ướt quần và chúng phải che dấu điều đó.
Rõ ràng là mọi giáo huấn bài xích dục cho trẻ ở độ tuổi này đều là ngu xuẩn. Trẻ bắt đầu khám phá sự dối trá của người lớn của bố mẹ. Họ bịt mũi xua tay khi giáo huấn về dục cho con trẻ nhưng họ cũng say sưa đến thế trong việc chìm vào dục lạc, bạn có bắt bọn trè tin vào những lời giáo huấn dối trá ấy được không? Chưa nói đến việc, mọi sự kìm nén đều gây ra tật bệnh cho tâm hồn. Đứa trẻ bị kìm nén bản năng tự nhiên luôn bị mặc cảm, luôn tìm cách bùng ra khi có dịp. Những tật bệnh tâm hồn này sẽ còn đeo đẳng đứa bé suốt đời. Nếu anh ta sống thời thơ ấu một cách trọn vẹn thì anh ta sẽ trở thành một thanh niên đẹp tươi, không bị vẫn đục bởi tuổi thơ. Nếu đứa trẻ không sống tuổi thơ mình cho đủ, thì thời thơ ấu chưa được sống đủ đó sẽ tiếp tục đi vào trong phần đời còn lại của nó, năng lượng bị kìm nén phải được giải phóng.
Các nhà tâm lí quả quyết rằng trong độ tuổi này nếu đứa trẻ được phép có dục tự do, tuyệt đối tự do (như trẻ ở phương Tây), sau này nó sẽ chẳng bận tâm về dục nữa. Nó sẽ hoàn toàn tự do. Nó sẽ chẳng lén lút xem phim ảnh sex, chẳng đi chọc ghẹo đàn bà, chẳng thể nào trở thành thằng cha dê cụ, báo chí tìm đỏ con mắt cũng chẳng kiếm đâu ra một vụ hiếp dâm mà khai thác...Nghe ra thì hay thật, nhưng thưa các nhà tâm lí đáng kính ơi, làm sao mà thuyết phục xã hội, thuyết phục phụ huynh hãy cho con trẻ được tự do chơi trò tình dục đây? Phải kiến nghị với Bộ Giáo dục Đào tạo đưa thêm môn học “Tự do dục” từ bậc Trung học cơ sở chắc? Chính Phủ có thông qua không? Khó quá! Hu hu!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét