Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

LAN MAN CHUYỆN VÕ CHUYỆN VĂN*

(*) BÀI THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI LIÊN ĐOÀN VÕ THUẬT LÂM ĐỒNG LẦN THỨ I
NHIỆM KÌ 2012 – 2017,  NGÀY14/9/2012
  photo
Kính thưa...
 Từ lâu con người đã nhận ra rằng vũ trụ của chúng ta được tạo dựng, cuộc sống được vận hành, con người được thoát thai từ những cặp phạm trù tưởng như đối lập nhau: âm và dương, nhu và cương, đêm và ngày, thuận và nghịch, có và không, tốt và xấu… qua đó mà sinh sinh hoá hoá đến khôn cùng, trong đó có cặp phạm trù Văn và Võ.
Có lẽ nhận ra điều đó nên trong suốt qua trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, các bậc tiền nhân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm về ứng xử, về phép tu thân liên quan đến cặp phạm trù Văn-Võ. Trong văn hóa dân gian Việt Nam cũng tồn tại nhiều câu đúc rút liên quan đến Văn & Võ như: “Văn võ song toàn”, “Văn ôn võ luyện” hay “Văn dốt võ dát”...Tôi rất thích một câu nói dân gian đầy triết lí như thế: "Văn không võ là văn nhu nhược. Võ không văn là võ bạo tàn".  như một lời khuyên hay không chỉ cho việc tu thân, mà còn cho cả công cuộc giữ nước, chống ngoại xâm.
Nhân Đại Hội này, tôi xin được nêu lên đôi điều suy nghĩ, có thể còn thô thiển của mình xung quanh câu nói này với mong muốn cung cấp một phương hướng, một cách nhìn cho chúng ta, những người Thầy, những Huấn luyện viên Karatedo tiếp tục hoàn thiện mình cũng như truyền dạy cho võ sinh về cái đẹp của võ cùng phương pháp kết hợp giữa võ và văn trong việc hoàn thiện nhân cách con người mới, những người chủ tương lai của đất nước.
   Trước hết, theo tôi không nên  hiểu Văn và Võ chỉ theo nghĩa đen của nó, đại loại: văn là người dạy văn và học văn, là văn chương, văn học; Còn võ là người dạy võ và học võ, là cơ bắp là đấm đá...
Tuy không minh bạch như khái niệm đêm và ngày, nhưng vẫn có thể định hình khái niệm Văn và Võ. Văn, thuộc phạm trù của nhu, của tĩnh; của tình cảm, tâm hồn, yêu thương, bao dung, hoà hợp, hoà bình, cảm thông, chia sẻ… lai láng và tĩnh lặng như nước. Võ, thuộc phạm trù của cương, của động, của đối kháng, của sức mạnh, niềm tin, ý chí, bản lĩnh, tiết tháo… rần rật và dữ dội như lửa.
Trong sự hiểu như thế thì những biểu hiện song đôi Văn-Võ dường như vẫn hiện diện bàng bạc trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày xung quanh ta.
Hãy xem xét vế đầu của câu nói: "Văn không võ là văn nhu nhược”- điều này thì đã quá rõ. Đã có những cuốn sách, bài thơ, bài hát (Văn)…mà sau khi tiếp xúc người ta bỗng cảm thấy buồn nản, suy giảm ý chí, mất niềm tin…đó đích thị là “Văn không võ” và hậu quả “nhu nhược” của nó là nhãn tiền: Con người mất hết nhuệ khí. Đến nỗi có nhà thơ đã phải cảnh báo  Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Vậy thì thế nào là “Văn” có “Võ” ? Những tác phẩm văn nghệ có giá trị đích thực luôn mang lại cho người đọc, người xem một cảm nhận tốt đẹp, một nghị lực sống mới để làm hành trang trong đời. Muốn thế, tác phẩm phải chứa đựng những giá trị nhân văn được số đông người trong  xã hội chấp nhận và coi đó là phương châm sống, phương châm hành động của mình . Đó chính là tính võ trong văn.
 May thay, dân tộc ta có không ít những áng văn đẹp như thế; những nhà văn biết dùng ngòi bút của mình để “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Từ xa xưa trong lịch sử chống Bắc thuộc, cha ông ta đã từng dùng Văn - một thứ vũ khí trí tuệ sắc bén để “trị” kẻ thù.  Những câu đối đáp thông minh sắc sảo qua những lần đi sứ; những áng văn bất hủ như “Hịch tường sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi… thấm đẫm lòng nhân ái nhưng cũng mang đầy khí phách dân tộc Việt. Là con dân Việt, ai mà chẳng biết đến áng thiên cổ hùng văn "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt trên trận tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) chống quân Tống xâm lược. Chỉ là một thứ vũ khí “văn” nhưng tương truyền: "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống thì sợ khiếp đảm, không đánh đã tan". Mới thấy sức mạnh của võ trong văn là không hề nhỏ.
Văn và Võ đôi khi thể hiện nội tại bên trong một con người, một hành động. Người xưa có vẻ rạch ròi khi quan niệm về văn và võ. Đã là quan văn thì phải “dài quần” còn quan võ thì dứt khoát phải “Râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Phải thế chăng mà cho đến nay nhiều người vẫn quan niệm rằng võ đồng nghĩa với “vai u thịt bắp”?  Họ đã không biết rằng sức mạnh thực sự của võ không ở trong cơ bắp mà chứa đựng trong cái nhu nhuyễn, trong cái tâm bình an thư thái, nghĩa là trong văn?
Bên cạnh những người yếu ớt cả về thể xác lẫn tinh thần “trói gà không chặt”, lúc nào cũng nhớn nhác, tâm trí đầy hãi sợ, chỉ chực chạy trốn; hay ngược lại có những kẻ lúc nào cũng phồng mang trợn mắt thích lên mặt dọa người (nhưng thực chất là những kẻ hèn nhát), tôi rất ngưỡng mộ những người mà bề ngoài trông có vẻ nhu hòa mềm mỏng nhưng bên trong họ chứa đựng một sức mạnh vô biên không thể khuất phục. Tính võ trong những con người này ẩn tàng sau một cái bề ngoài rất văn và dưới một cái tâm tĩnh lặng như mặt hồ. Lịch sử nước Việt ta có không ít những tấm gương như thế.
Đàn ông vốn luôn tự hào là “phái mạnh”, còn phụ nữ - một nửa nhân loại đáng yêu của thế giới – lại được xem là “phái yếu” có lẽ do cái bề ngoài rất “văn” của họ? Thôi, có lẽ khỏi bàn về cái đẹp tuyệt vời của phụ nữ mà tạo hóa ban cho họ, chỉ có điều xin đừng nhầm lẫn khi cho là phe tóc dài là “yếu” là chỉ biết nhu nhược nhé. 
Trong  bức hình “O du kích nhỏ”,  “Thằng Mỹ” đích thị là phái mạnh, là võ, còn “O du kích nhỏ” là phái yếu, là văn, nhưng hãy cứ xem ai là võ ai là văn thì biết:

O du kich nho.jpg
          O du kích nhỏ giương cao súng
          Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
          Ra thế! to gan hơn béo bụng
          Anh hùng đâu cứ phải mày râu
Có lẽ chúng ta cũng không quên hình ảnh chị Võ Thị Sáu mảnh mai trên đường ra pháp trường , mái tóc cài hoa, miệng hát vang bài ca Cách mạng, bình thản đón nhận cái chết. Giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cách mạng đến phút cuối cùng:
"Người con gái trẻ măng /Giặc đem ra bãi bắn /Đi giữa hai hàng lính /Vẫn ung dung mỉm cười /Ngắt một đóa hoa tươi /Chị cài lên mái tóc /Đầu ngẩng cao bất khuất ...". ( Chị Võ Thị Sáu _Tố Hữu).
Thế đấy! Chất võ - khí phách hiên ngang của con cháu bà Trưng bà Triệu trong con người tưởng như mềm yếu của các chị khiến các chi luôn luôn là kẻ chiến thắng. Trong khi những tên lính rằn ri trang bị đến tận răng thì lại run sợ, khiếp vía. Với tư cách là một “phái mạnh”, tôi xin được nghiêng mình trước các chị.
Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa “Văn võ song toàn” đã luôn là mơ ước của nhiều người, của những ông bố bà mẹ trong việc giáo dục con cái. Các triều đình xưa cũng luôn phải có hai hàng quan văn quan võ mỗi khi Vua thiết triều bàn việc nước. Trong việc tu thân Văn và Võ như là hai chân cần thiết để con người bước đi một cách vững chãi trong đời, thiếu đi một trong hai chân ấy con người ta khó lòng mà đi đến bến bờ hạnh phúc. Vấn đề là người ta phải biết kết hợp sử dụng văn và võ như thế nào cho hiệu quả.
Phật giáo có khái niệm Bi - Trí - Dũng. Nhân từ và yêu thương, nếu không có trí huệ sáng suốt phân định và soi đường thì Bi ấy sẽ dẫn đến mù loà, lầm lạc. Có Bi và Trí, mà không có dũng khí để thực hiện thì Bi và Trí chỉ là lời nói suông. Trong đời, không phải ai cũng làm được những việc kinh thiên động địa, nếu như không có sức mạnh và dũng khí. Nhưng nếu sức mạnh và dũng khí ấy không được đặt trên nền tảng trí tuệ và nhân văn thì hắn ta sẽ trở thành kẻ ác nhân, tàn bạo, huỷ diệt; như cướp của, giết người, gieo rắc chiến tranh.
Một nhà giáo dục phàn nàn rằng, ngày nay người tài không hiếm mà người dũng thì khó tìm. Cho nên, những ai đã có duyên đến với võ, hãy cố công trui rèn sao cho thấu đạt được tinh thần của võ, đạo đức và cốt cách của võ, để sống mà không ai phải chê trách mình: Có tài có đức đấy nhưng sao hèn quá.
Con người ta sinh ra ai cũng sống. Nhưng điều quan trọng là sống như thế nào. Sống mà hèn hạ, cúi lòn là sống nhục. Cho nên, con người hoàn thiện là con người có đôi chân văn - võ song toàn: một trí tuệ sáng suốt, một trái tim yêu thương, một nhân cách chân chính - “Không thấy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không trước bạo lực mà sợ”; luôn mang lại điều tốt lành cho nhân quần xã hội; là niềm tin yêu và kính trọng của mọi người…sống như thế cho dù có phải hy sinh vì chính nghĩa thì tiếng tăm vẫn lưu mãi đời sau.
Ở bình diện của một quốc gia việc kết hợp nhuần nhuyễn cả Văn và Võ trong quan hệ bang giao lại càng có ý nghĩa sống còn. Một đất nước nhu nhược thì sớm muộn cũng bị kẻ mạnh lân bang thôn tính; ngược lại một quốc gia chỉ biết hiếu chiến thì cũng dẫn đến suy vong. Triết lí hài hòa âm dương của phương Đông từ xưa vẫn còn nguyên giá trị đến nay.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tôi rất tâm đắc với nhà thơ Huy Cận khi ông tổng kết sức mạnh Việt Nam:
          “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững,
          Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.
          Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng,
          Rất hiên ngang mà nhân ái chan hoà.”
Thế đấy, ngọn bút và cây gươm, nhân ái chan hoà và hiên ngang bất khuất, văn và võ, nhu và cương. Đó là hai dòng nguyên khí tạo nên sức mạnh, niềm tin, và khí phách Việt Nam. Ngày nay, đất nước ta hoà bình, thống nhất, thịnh vượng nhưng cũng không thiếu những nguy cơ. Chúng ta có nhiều bạn bè, nhiều đối tác khắp năm châu, chúng ta đang hân hoan vươn ra biển lớn nhưng chúng ta cũng không thiếu những kẻ thù lăm le xâm chiếm bờ cõi. Thiết nghĩ, dù đứng trước kẻ thù hay đứng trước đối tác làm ăn, mỗi dân tộc đều phải cần có sức mạnh, niềm tin, và khí phách. Thiếu sức mạnh, niềm tin, và khí phách, thì không thể đánh thắng giặc ngoại xâm; thiếu sức mạnh, niềm tin, và khí phách, cũng không thể làm ăn sòng phẳng với người.
Và, chúng ta – những người thầy đang huấn luyện võ, huấn luyện Karatedo cho nhiều lớp thế hệ trẻ tại địa phương Lâm Đồng, liệu chúng đóng góp được gì cho sức mạnh, niềm tin, và khí phách Việt Nam? Chẳng lẽ mục đích mở lớp võ của chúng ta chỉ để thu tiền? Hay chỉ để tìm mọi cách giành giật những chức danh phù du nào đó?
Xin quý vị hãy tự trả lới câu hỏi này.
Xin cám ơn Đại Hội đã lắng nghe.

photo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét