NGUYỄN HỮU THÁI HÒA
(Từ trái sang) Thái Hoà, Đoàn Dũng, Văn Long
|
Dễ thường đã hơn 10 năm, vào hè năm 1999, tôi từ Canada trở về
Việt Nam đã lập tức cùng thầy Trưởng tràng hệ phái Suzucho Karate - võ
sư Nguyễn Văn Dũng đi tham dự giải karate tỉnh Lâm Đồng mở rộng tổ chức
tại Đà Lạt với tư cách trọng tài và thành viên ban tổ chức.
Cuộc thi kết thúc, như thường lệ luôn có sự tranh cãi, tỵ hiềm
và ấm ức từ phía những người thua cuộc. Đặc biệt lần ấy là chiến thắng
gần như tuyệt đối của đoàn chủ nhà Đà Lạt do võ sư Nguyễn Quốc Túy, một
môn sinh xuất sắc của Phân đường Nghĩa Dũng karate Huế vào Đà Lạt xây
dựng phong trào hơn 10 năm.
Trưa hôm đó tôi có tâm sự với thầy Dũng về tâm trạng chưa thông của
một số anh em từ các địa phương. Tôi hỏi thầy về giải pháp: “Làm sao để
anh em biết cách thua mà vẫn ngẩng cao đầu như một người quân tử, biết
“để gió cuốn đi” như Trịnh Công Sơn thường hay nói?”. Thầy Dũng trầm
ngâm…
Chiều tối đó, anh Túy đại diện bộ môn karate TP Đà Lạt tổ chức một
buổi cơm tối giao lưu và chia tay các đoàn địa phương bạn tại nhà hàng
Thủy Tạ bờ hồ Xuân Hương. Giữa buổi tiệc, thầy Dũng đứng dậy nói: “Xin
phép quý vị, tôi có một môn sinh đã hơn 10 năm từ xa vừa mới trở về, khi
ở Canada các em bươn chải khá thành công trong cuộc sống và vẫn liên
kết được với nhau dưới mái nhà karate để thành lập Phân đường Nghĩa Dũng
tại Canada. Nhưng điều đặc biệt hơn là mối nhân duyên giữa các võ sinh
đồng môn này lại bắt đầu từ âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nay tôi mời quý vị
nghe vài bản nhạc đặc biệt này… Thái Hòa, mời anh đàn lại những bản nhạc
mà anh và HLV Phạm Anh Đức đã gặp nhau tại Canada năm 1993 cho thầy và
mọi người nghe lại nhé…”. Mọi người hơi chững lại, ngạc nhiên, có người
dừng đũa lắng nghe, có người nhìn đầy dò xét, bởi với chuyện một võ sinh
karate chơi dương cầm vốn là điều xa xỉ…
Tôi bước đến bên phím đàn và rải những nốt nhạc bài Hạ trắng của
Trịnh Công Sơn… Gọi nắng cho vai em gầy đường xa áo bay, nắng qua
mắt buồn lòng hoa bướm say… Rồi tiếp nối với Diễm xưa, Cát bụi,
Rừng xưa đã khép, Như cánh vạc bay… Tiếng đàn vừa dứt, xen lẫn
trong những tiếng vỗ tay, có tiếng cười hỷ hả, ngạo nghễ của con nhà võ,
và có cả ánh mắt nhìn thiện cảm từ những người anh em võ sĩ mới đây
thôi còn hậm hực vì tưởng rằng bị các trọng tài xử ép… Cái đẹp của nghệ
thuật nói chung và cái thánh thiện của âm nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng
qua tiếng đàn dương cầm của một võ sinh bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng đã
xóa bỏ bớt những sâu hận trong lòng người, làm người ta xích lại gần
nhau trong không gian ấm áp của tình người, của cái đẹp trong võ đạo
karatedo.
Hôm đó tôi còn kể về truyền thuyết Hạ trắng trong nhạc
Trịnh: Trịnh Công Sơn được chứng kiến tình cảm khăng khít của hai ông bà
già là ba mẹ của một người bạn ở Huế. Họ sống yêu thương suốt đời không
rời nhau. Sau khi vợ mất mà bị con cái giấu không cho biết, đêm nào ông
cũng ôm chiếc áo nâu nhàu nát của vợ ra tấm phản nằm, và mất theo bà
một tuần sau đó… Vì thế Trịnh Công Sơn mới viết lên được những câu hát
đầy tình người, đẹp đến mức thánh thiện: áo xưa dù nhàu, cũng xin
bạc đầu gọi mãi tên nhau… Anh em võ sinh nghe xong câu chuyện thích
quá bắt tôi đàn lại bài Hạ trắng thêm lần nữa.
Bao nhiêu năm qua, mỗi lần có dịp ngồi lại hàn huyên với thầy Dũng,
tôi vẫn hay nhắc thầy về cảm xúc lạ lùng của buổi chiều hôm đó… Tiếng
đàn và câu chuyện về Hạ trắng bên bờ hồ Xuân Hương thật sự đã theo tôi
đi rất xa…
nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201014/20100403210033.aspx
(viết từ Hongkong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét