Kính tặng quá khứ, hiện tại và tương lai.
Người ta bảo những người có tuổi hay hoài cựu, thì ra mình đã già rồi cơ đấy, he he.
Người ta bảo những người có tuổi hay hoài cựu, thì ra mình đã già rồi cơ đấy, he he.
1.
Đi
tìm nguồn cội
Một tuổi rưỡi mất bố, những gì mình biết về bố
là qua tấm ảnh trên bàn thờ và những câu chuyện kể đứt đoạn của anh chị. Khi mình
ra đời thì các anh chị đều đã lớn và đều đi học đi làm xa nhà cả, thi thoảng
mới ghé về thăm nhà một đôi ngày rồi ra đi, kịp để mình hiểu rằng mình có một
ông anh và một bà chị đang tồn tại trên đời.
Mạ mình suốt cả một đời kể từ khi về làm dâu nhà
chồng-một gia đình quan lại phong kiến cực kỳ khó tính-chỉ biết cung cúc thờ
chồng, suốt ngày lo chợ búa bếp núc phục vụ chồng con không quan tâm đến thứ gì
khác. Nghe anh mình kể, đến cả biết đọc biết viết cũng là nhờ chồng bắt làm học
trò, nhờ thế sau nay bà có thể viết thư hoặc đọc được thư con. Mình sống với mạ
cho đến hết thời học sinh chưa bao giờ nghe bà kể một điều gì về gia phả dòng
họ, về những truyền thống nhà chồng, cứ như những thứ đó chả liên quan gì đến
bà, hi hi.
Mình, một thằng bé lêu lổng ham chơi nên lúc nhỏ
cũng chả mấy quan tâm đến gia phả, tổ tông. Học cấp hai mình bắt đầu thấy hơi
ngạc nhiên khi nhiều bà trong làng cùng hội chợ búa với mạ mình cứ quả quyết là
thằng cu Túy phải học giỏi lắm, trong khi chính các bà còn chưa biết kí tên, hoặc
thậm chí chưa biết con cái các bà học hành thế nào. Có bà con cầm tay mình trầm
trồ: “Ua chầu! Thằng ni có bàn tay ngòi bút, học giỏi phải biết”, he he.
Mãi đến thời học cấp ba Ba Đồn, có đôi chút ý
thức tìm hiểu cội nguồn cộng với chuyện kể của một số vị cao niên trong làng,
mình mới hiểu ra đôi điều. Thì ra tổ tông nhà mình cũng oai phết, từ cụ tổ năm
đời của mình Nguyễn Quốc Hoan đến tận ông nội mình đều làm quan triều Nguyễn,
cụ Hoan làm đến hàm Thượng thư bộ Lại; đã bốn đời nay dòng họ luôn có người có
học vị đến Tiến sĩ.
Mình còn nhớ cuối năm cấp ba mình vào Đồng Hới
thi đại học xong về làng thấy sau hồi nhà hai cái săng (quan tài) to đùng. Mình
tá hỏa hỏi mạ thì mới biết người ta vừa
mới bốc mộ ông quan Thượng (từ của dân làng hay gọi cụ Thượng Hoan). Hai cái
săng còn nguyên vẹn sau hơn trăm năm chôn dưới đất và còn thoang thoảng thơm mùi
trà, thứ hương liệu trước đây người ta thường dùng để ướp xác trước khi chôn.
Cái săng của cụ Thượng to như cái phản, sơn màu đỏ có con rồng vàng cuộn xung
quanh rất đẹp, còn săng của bà Thượng cũng sơn đỏ nhưng nhỏ hơn và không có
rồng. Nghe mọi người kể lại lúc mở nắp săng cụ Thượng ai cũng hoảng hồn bỏ chạy
vì trông cụ như người còn sống, mặt mũi phương phi còn cả râu ria áo mão như
một ông quan đang ngủ, phải một lúc sau xác mới “tan” ra. Người ta bảo mả như
thế là đang “kết”, sẽ rất có lợi cho con cháu trong làm ăn, công danh sự
nghiệp.
Phí của, thế mà bỗng dưng lại đi bốc mộ di dời,
hèn chi cái thằng cháu năm đời của cụ là mình đây cứ mãi lao đao lận đận.
Người ta gỡ những thứ gắn trên áo mão chôn theo
cụ Thượng được một bọc giao cho mạ mình
cất giữ. Khổ thân bà cụ ngày đêm lo lắng bị kẻ cướp viếng nhà vì người ta đồn
có rất nhiều vàng. Mình tò mò lôi ra xem thì thấy một loạt những con rồng
phượng và nhiều thứ linh tinh khác lấp lánh vàng. Nghe đâu sau đó hội đồng gia
tộc kéo nhau đi thử thì chỉ là kim loại mạ vàng. Không biết đến bây giờ, những
kỷ vật vô giá ấy đi đâu cả, may mà thời ấy mình kịp thời chôm được một con rồng
nay còn có cái mà bỏ lên bàn thờ các cụ.
Người kể cho mình khá nhiều chuyện về gia phả là
anh Nguyễn Quốc Cừ con bác ruột, một vị Giáo sư Tiến sĩ lâu năm của trường Đại
Học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đặc biệt anh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của các
cụ như bút tích của cụ Hoan, sắc phong của vua Thành Thái cho ông nội, đôi câu
đối của một vị đại quan triều Nguyễn tặng riêng gia đình do chính bố mình khắc
chạm…Lần nào có dịp ra Hà Nội mình đều say sưa nghe anh kể bao nhiều là chuyện
thú vị, ngắm lại những kỷ vật ông cha mà như cảm nghe được hơi ấm từ ngàn xưa
phảng phất.
Điều làm mình thấy cảm động và hãnh diện nhất là
chuyện các cụ ngày xưa đều là những công thần nổi tiếng trung chính, thanh liêm
và sự tận tụy phục vụ dân. Cụ Nguyễn Quốc Hoan làm quan suốt ba đời vua: Minh
Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lên đến chức Tổng Đốc, hàm Thượng thư bộ Lại mà vẫn
nghèo. Đại Nam
quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại rằng; “Sau khi mất đi, tài sản của Quốc Hoan
để lại là một nhà sách”. Cụ được vua Minh Mạng tặng kim khánh Thanh Thận Cần, sau này được vua Tự Đức
tặng kim khánh Thanh liêm cần cán. Mình
còn nhớ thời chiến tranh, khi ấy mình còn nhỏ, mạ mình phải huy động bức kim
khánh rất hoành tráng của vua Minh Mạng ra làm hầm tránh bom Mỹ, hết chiến
tranh lấy ra thì nó đã mục mất. Ông anh mình phải vào Huế thuê thợ làm lại một
bức có nội dung cũ nhưng hồn thì mới tinh.
2.
Giai
thoại cha ông
Những giai thoại này
mình nghe được từ các cụ cao niên trong làng và từ những ghi chép của anh mình
ở Quảng Bình. Thực ra thì còn nhiều giai thoại nữa nhưng mình biết lõm bõm nên
chỉ chép ra đây ba trong số những điều được nghe.
CHUYỆN VUA MINH MẠNG TIÊN ĐOÁN
Làng
mình từng có một vị Tiến sĩ nữa tên là Ngô Khắc Niệm cũng làm quan từ thời vua
Minh Mạng. Cụ Nguyễn Quốc Hoan tuy chỉ
là cử nhân nhưng lại làm quan to hơn cụ Niệm. Một hôm hai ông quan làng Lộc
Điền cùng vua dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, vua đề nghị mỗi người hãy bứt
một bông hoa. Cụ Ngô Khắc Niệm tiện tay bứt một bông râm bụt còn cụ Nguyễn Quốc
Hoan hái một bông hồng. Vua Minh Mạng nhìn hai bông hoa cả cười mà phán với hai
cụ quan rằng: Nhà họ Ngô chỉ có một đời là tiến sĩ, còn nhà họ Nguyễn sẽ có năm đời làm tiến sĩ.
Chả
biết đúng sai thế nào nhưng kể từ đời con của cụ Hoan cho đến mình là bốn đời
đều có tiến sĩ. Thời con nít nghe được chuyện này mình bừng bừng khi thế quyết
tâm học cho tới tiến sĩ, cố gắng tới hói đầu cũng chỉ tới được ông thạc. Trong
khi ông anh con bác ruột chả mấy cố gắng thì giời bắt làm tiến sĩ, he he.
CHUYỆN CHỮ LÓT “QUỐC” CỦA NAM CHO ĐẾN
NAY
Cụ Hoan làm quan dưới thời Minh Mạng
thực ra chỉ có 11 năm, nhưng được thăng từ Hành tẩu bộ Lễ lên đến Bố chính Hà
Nội – Nam Định là sự phấn đấu phi thường. Qua đó cũng thấy vua ông vua nổi
tiếng biết sử dụng hiền tài Minh Mạng ưu ái đến cụ. Triều Nguyễn có một bài thơ
gọi là “Đế hệ thi” gồm hai mươi chữ của riêng nhà vua dùng đặt tên đệm cho con
cháu trực hệ của mình. Người ngoài dòng tộc nếu không được vua ban tặng mà cứ
tự tiện dùng có khi bị khép vào tội khi quân.
Bài thơ như sau:
Miên
Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo
Quý Định Long Tường
Hiền
Năng Kham Kế Thuật
Thế
Thụy QUỐC gia xương.
Người ta bảo cụ Hoan được vua Minh Mạng
ban thưởng chữ QUỐC làm tên đệm cho dòng tộc cùng với kim khánh Thanh Thận Cần.
Kể từ cụ Hoan đến nay con cháu đều dùng chữ này làm tên đệm cho nam. Thừa nhận
rằng trong số các loại Quốc thì Quốc Túy là...hay nhất, he he.
CHUYỆN QUYẾT TÂM TRẢ NỢ CHỮ NGHĨA
Mình khoái nhất câu chuyện này, nó thể hiện một
bản lĩnh rất tuyệt của các cụ, so với các cụ cháu con bây giờ hơi bị yếu khoản
này.
Chuyện rằng: Lễ thượng nguyên (rằm
tháng giêng) năm 1846, lý trưởng Lộc Điền rước cụ Nguyễn Quốc Hoan và cụ Ngô
Khắc Kiệm về dự. Chức sắc làng đi cho cụ Kiệm hai lọng xanh, đi cho
cụ Hoan ngoài hai lọng xanh còn thêm hai lọng vàng. Thấy thế, cụ Kiệm mắng lý
trưởng: "Sao ông hỗn thế , chỉ đi cho tôi có hai lọng xanh, tôi là
tiến sĩ kia mà ?". Lý trưởng khúm núm: " Bẩm, cụ là tiến sĩ nhưng
mới hàm án sát, còn cụ Hoan tuy cử nhân nhưng lại hàm thợng thư, làng đi thế
là đúng điển lệ...". Sau buổi lễ ấy, cụ Hoan về kể lại sự tình với
hai con trai (sinh đôi) là Nguyễn Quốc Uyển và Nguyễn Quốc Thành. Nghe
xong, hai ông quỳ xuống thưa: "Các con sẽ trả nợ câu nói ấy
của cụ án Kiệm". Tối hôm ấy, ông Thành dùng dao nhọn khắc vào cột đình 8
chữ: “不得 花 笏
不 到 亭中”
(bất đắc hoa hốt bất đáo đình trung)
. Ý rằng, không đỗ
tiến sĩ, không ra làm quan, thì không trở về làng. Tối hôm sau, cụ án
Kiệm cho người ra khắc vào bên cạnh lời thề của cụ Thành hai chữ: "大言" (đại
ngôn) tức là nói khoác. Khoa thi năm ấy ông Uyển và ông Thành cùng đỗ cử nhân.
Năm năm sau (1851), ông Thành đỗ tiến sĩ được bổ làm tri phủ huyện Ứng Hoà.
Một lần leo lên Ngọ Môn Huế mình đã đọc trong bia ghi các tiến sĩ triều Nguyễn
thấy cái tên Nguyễn Quốc Thành làng Lộc Điền, thấy sướng củ tỉ, hi hi.
3.
Chuyện
về đôi câu đối
Mình bé tí đã thấy đôi câu đối treo trong nhà.
Phải nói hoành tráng nhất trong căn nhà xiêu vẹo của hai mạ con thời đó là cặp
câu đối và bức kim khánh của vua Minh Mạng (nói trên). Thời chiến tranh cặp câu
đối này thất lạc mấy lần nay được anh Cừ thỉnh về treo tại Hà Nội.
Có lần mình hỏi xuất xứ thì được anh mình kể
rằng cặp câu đối này do một vị đại quan triều Nguyễn do cảm phục gia phong nhà
Nguyễn Quốc mà tặng cho ông nội mình khi ấy cũng đang làm quan triều vua Thành
Thái. Cái đáng quý nữa là cặp câu đối này do chữ của ông anh (bác Nguyễn Quốc
Huỳnh-bố của anh Cừ) viết và ông em ( Nguyễn Quốc Toản-bố mình) khắc chạm.
Chữ trên
câu đối là:
周 編 國 重 申 侯 命
唐 榜 家 傳 柳 子 名
Nghĩa
hán việt:
Chu biên quốc trọng Thân Hầu mệnh
Đường bảng gia truyền Liễu Tử danh
Về nội dung của đôi câu
đối mình nghe anh mình rồi anh Cừ giảng giải mấy lần nhưng cứ cảm thấy chưa
thỏa mãn lắm. Tết canh dần 2010 mình quyết định khăn gói lên nhà thầy Phạm Phú
Thành, một Cư sĩ Phật học khá uyên thâm hán học ở Đà Lạt, nhờ thầy giải thích.
Những kiến giải của thầy về ý nghĩa câu đối theo mình là hợp lí nhất.
Thầy Thành dịch
nôm:
(Sử sách) đời Chu
ghi lại-đất nước coi trọng (sứ) mệnh Thân Hầu.
Bảng (vàng) nhà Đường (đã nêu)
gia truyền danh tiếng của Liễu Tử.
Cũng
theo thầy, ở Trung Hoa đời nhà Chu có Thân Bất Hại (Thân Hầu)có thể sánh ngang
với Hàn Phi Tử; đời nhà Đường có Liễu Tôn Nguyên (Liễu Tử) được vua Đường rất
coi trọng. Cả hai ông Thân Bất Hại, Liễu Tôn Nguyên đều là những vị quan chính trực, thanh liêm,
văn hay chữ tốt, một đời tận tụy phục vụ nhân dân.
Ý người
tặng câu đối muốn ví đức độ, gia phong của người được tặng có thể sánh ngang với
những tấm gương lớn như thế.
***
Ở xã Quảng Thanh làng Tân An (tên mới của làng
Lộc Điền) nhắc đến dòng họ Nguyễn Quốc thì rất nhiều người biết, họ vẫn nhắc
tới với sự kính trọng. Không lí gì chính con cháu của các cụ Nguyễn Quốc xưa
lại mơ hồ về chính tổ tiên của mình.
Hai “đại ca” còn lại của dòng họ hiện nay có thể
kể là anh Nguyễn Quốc Cừ nghỉ hưu ở Hà Nội và ông anh mình Nguyễn Quốc Toàn,
nghỉ hưu ở Đồng Hới. Các anh thuộc hàng lão làng của dòng họ hiện nay. Hơn thế
nữa hai anh đều là những người học rộng biết nhiều và còn lưu giữ nhiều hiểu
biết về lịch sử, giai thoại gia đình. Đáng tiếc là vì một lí do trọng đại nào
đó mà các “đại ca” chưa chịu biên soạn lại sử sách dòng họ cho con cháu lưu
truyền, ít nhất là một bộ gia phả chi tiết.
Quá khứ dù vàng son đến đâu thì cũng đã đi qua,
không ai có thể sống chỉ bằng hào quang của quá khứ, chỉ chực chờ “ăn mày dĩ
vãng”. Tuy nhiên mình có thể đoan chắc rằng cuộc đời của một con người sẽ không
đi tới đâu nếu quá khứ không hề hiện diện trong tâm thức anh ta. Quá khứ luôn
có mặt trong hiện tại và cả tương lai, cả ba thì này có mối quan hệ hữu cơ, tác
động qua lại lẫn nhau. Những viên gạch của hiện tại là quá khứ, còn hiện tại,
đến lượt mình sẽ là chất liệu của tương lai, không thể khác được.
Và, như Raxun Gamdatôp từng nói: “Nếu anh bắn
vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét