Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Ả LUÂN

Con kính tặng mạ
Tết vừa rồi tình cờ xem ti vi về một làng quê phía Bắc thấy cảnh người dân đi gánh nước giếng tự nhiên nhớ tới ả Luân, một cô hàng xóm cùng lối với mình. Định bụng viết cái gì đó về ả nhưng cả một núi công việc sau tết đến nay mới thư thư đôi chút để trả nợ tình quê.
Cách thị trấn Ba Đồn chừng ba cây số, làng Tân An của mình thuộc loại đẹp hiếm có, dân trong làng vô cùng tự hào với ngôi làng của mình. Có một anh trong làng đi Liên Xô về kể bên ấy có thành phố Lê Nin Gờ rát đẹp lắm, một người chậc lưỡi nói, è he đẹp cũng nỏ bằng Tân An Gờ rát. Thế là cái tên Tân An Gờ rát chết danh từ đó, tết gọi điện về quê bạn bè còn trách mình răng lâu ni không về làng, mi quên Tân An Gờ rát rồi à, hi hi.
Mặt tiền của làng hướng ra dòng sông Gianh với con đường dọc sông rợp bóng cây xanh và đỏ rực màu hoa phượng vĩ mỗi độ hè về. Phía sau làng là cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt trải dài đến tận làng Pháp Kệ. Làng có bốn Chòm, từ chòm Một đến Chòm Bốn, giữa hai mặt của làng là những con đường nhỏ gọi là lối. Kiểu xưng hô với phụ nữ trong làng cũng lạ, cứ lớn hơn vài tuổi đến vài chục tuổi đều được gọi bằng ả (chị) hết, kịp đến khi thấy tóc bạc lưng còng thì chuyển sang kêu bằng “mệ”, ả Tuận, ả Mẹt Tác, ả Cu Chuyết, mệ Bộ, mệ Tá…
http://blog.yimg.com/1/rp7YYUB7s5_PBntUJKmaUUnebB3INymbgfy5LHLFlEfDSlFHVWEtTw--/27/o/yWl8xH_cKJXoupFimP.WiA.jpg
Sông Gianh thơ mộng
Nhà mình và nhà ả Luân ở trên cùng một lối của Chòm Ba nhưng nhà mình ở giữa còn nhà ả thì phía sau làng, quay ra cánh đồng. Ả Luân con ông mệ Ròn, ả hơn mình chắc chỉ độ vài tuổi, mình biết thế vì khi mình đang học cấp hai Quảng Thanh thì bạn bè ả đang học cấp ba Ba Đồn. Nói ả là con ông mệ Ròn nhưng nhiều người bảo ả là con riêng của ông Ròn còn ông mệ Ròn không có đứa con chung nào.
Ở tuổi mười tám đôi mươi nhưng trong kí ức của mình thì ả đã lớn lắm. Ả cũng chẳng được học hành gì, người thì bảo ả học không ra chữ, bao nhiêu năm đi học chỉ viết được mỗi chữ “Luân” rồi nghỉ học, người thì bảo mệ Ròn không cho ả đi học mà bắt ở nhà làm việc lại còn thường xuyên đánh đập chửi bới ả. Ông Ròn tuy cũng thương ả nhưng mải mê rượu chè đàn đúm chẳng mấy khi tỉnh táo, cứ chân nam đá chân chiêu ngã dúi ngã dụi bờ ao bụi chuối suốt ngày còn đâu thời gian mà quan tâm đến ả con gái nữa.  Nhà ở gần nên mình chứng kiến cảnh ả làm việc đầu tắt mặt tối, ngày nào cũng như ngày nào hết quần quật ruộng vườn lại đi gánh nước ngọt bán cho dân làng. Đôi khi có việc đi ngang qua nhà, mình còn nghe tiếng mệ Ròn la hét, tiếng roi quật và cả tiếng khóc cố nén của ả.
Thi thoảng mình có bắt gặp ả thơ thẩn một mình trên lối vắng, rất chậm chạp từ tốn như một vị thiền sư đang thiền hành, khác hẳn với những động tác nhanh thoăn thoắt khi ả làm việc. Và lần nào cũng như lần nào diện mạo của ả không thay đổi: bộ quần áo màu đen cũ kỷ với những quầng mồ hôi muối trắng trên lưng, chân không dép, một tay ngoáy tai, cái nón mê lật ra sau gáy bất kể trời mưa hay nắng. Điều gây ấn tượng cho mình nhất là ở nét mặt của ả, nó hoàn toàn vô cảm, không buồn không vui, không quan tâm đến ai không nhìn bất cứ cái gì xảy ra trên đường đi. Cứ thế, thong thả, từ từ ả bước đi như người mộng du, cứ như thể đó chỉ là cái xác đang bước còn linh hồn của ả đang phiêu diêu cực lạc ở một miền mộng tưởng nào đó.
Gặp ả trong trạng thái như thế mình cứ hơi rờn rợn. Đôi lần mình thử cất tiếng gọi “Ả Luân nời” thì ả vẫn cứ lừng lững bước như  không nghe thấy. Có lần mình gọi to tiếng đến lần thứ ba “Vơ ả Luân nời” thì ả có đáp lại bâng quơ “Chi rứa mi ?” trong khi vẫn vừa bước vừa ngoáy tai mà không hề quay đầu lại. Duy chỉ khi mình nói một câu, tựa như  câu thần chú vừng mở ra: “Ả gánh cho mạ tui gánh nước”  là ả quay đầu dừng lại ngay lập tức: “Rứa à? Khi mô”, “Chiều ni”, “ì, chiều tau gánh”. Đúng cuối chiều một gánh nước giếng Hướng Phương trong veo ngọt lịm gần như không sánh ra ngoài giọt nào được ả đổ vào vại nhà mình, không sai hẹn bao giờ.
Làng mình bên con sông trong xanh là thế nhưng quanh năm khổ sở về cái khoản nước ngọt. Nước sông thì mặn, bất cứ cái giếng nào được đào lên thì đều nược lợ, chỉ có thể dùng nấu nướng vài món. Không biết bây giờ thì sao chứ thời trước cả làng đều phải đi gánh nước uống tận giếng làng Thanh Sơn cách vài cây số hoặc xa hơn là tận làng Hướng Phương. Cứ sáng sớm hoặc chiều là trong làng lại í ới rộn ràng rủ nhau “đi nước”. Thời học cấp hai mình có tập tọng “đi nước” vài lần, thường là sau gần nửa ngày vừa đi vừa la cà mình cũng mắm môi mắm lợi đưa được hai cái thùng về nhà trút ra vừa được một chậu thau nước đục ngàu, có khi lẫn cả cá lia thia (cá đuôi cờ” do mình bắt dọc đường về chơi. Mỗi lần như thế mình cứ xem như là vừa lập một thành tích kinh khủng lắm, khổ thân mạ mình cứ chạy quắn lên lo bồi dưỡng cho thằng con giai làm lụng vất vả, hi hi. Đến thời học cấp ba Ba Đồn, viện cớ bài vở nhiều, mình thoát được cái cảnh “đi nước”. Mọi chuyện “nước non” trong nhà đều chuyển qua ả Luân, mỗi gánh năm hào.
photo

Làng Tân An bên Sông Gianh
Phải nói là mình phục ả Luân về cái khoản gánh nước vô cùng. Ả gánh gần như cho cả làng, ai có nhu cầu chỉ cần ới một tiếng là ả phục vụ ngay, theo đúng thứ tự đăng kí. Gánh này đến gánh khác, nhà này đến nhà khác không sót một ai, không nhầm lẫn bao giờ. Vào mùa tết có khi ả đi gánh từ gà gáy đến tận giao thừa không ngơi nghỉ. Đặc biệt cái dáng gánh nước của ả thì không lẫn vào đâu được, dẻo dai, thoăn thoắt, nhanh nhẹn, tung tăng cứ như nghệ sĩ múa, cứ như ả sinh ra để gánh nước vậy. Đứng trong làng nhìn ra bờ đê trong tấp nập bà con gánh nước mình luôn nhận ra gánh ả Luân tung tẩy trong ráng chiều trên bờ đê xanh cỏ. Cũng chỉ thế thôi, bộ áo quần màu đen có quầng mồ hôi muối trắng, chiếc nón cời lật ra sau gáy, đi chân không, nhưng hình như cái dáng gánh nước của ả có một vẻ đẹp riêng, một ngôn ngữ riêng. Có một dáng đứng Việt Nam của anh chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất; có một dáng mẹ tận tụy cấy cày trên rẫy lúa nương khoai; có hình dáng thành thơ “bên hoa dáng người tình/ bên rau hình người vợ” thì cũng có dáng ả Luân mềm mại bên gánh nước ngọt cho dân làng Tân An Gờ rát của mình chứ, tại sao không?
Mấy lần mình định hỏi răng ả không trích tiền mua lấy bộ đồ tử tế với đôi dép để đi nhưng lại ngại nên thôi. Người ta bảo bao nhiêu tiền gánh nước ả đều phải nộp cho mệ Ròn hết, vài lần ả cũng đã ngỏ lời xin mệ rồi nhưng mỗi lần như thế đều bị ăn đòn, bị chửi bơi nên ả không dám hỏi xin nữa. Thực ra cũng có một lần, một lần duy nhất trong đám cưới anh Bàng-anh bà con của ả, mình thấy ả có mang đôi dép lê màu vàng, quần đen mới và cái áo pô-pơ-lin trắng. Trông ả hoạt bát lắm, chạy chổ này bưng cái kia, quát bọn trẻ con, chào hỏi người lớn rất tưng bừng. Sau cái hôm đám cưới thì mọi chuyện đâu lại vào đấy, bộ áo quần màu đen có quầng mồ hôi muối trắng, chiếc nón cời lật ra sau gáy, đi chân không, xác một nơi hồn một nẻo.
Mình có một kỷ niệm nhớ đời với ả. Ấy là đâu khoảng năm 76-77 gì đó khi mình đang học cấp hai. Thời ấy mới sau giải phóng một hai năm, trong trào lưu “Miền Nam nhận họ miền Bắc nhận hàng” mình cũng nhận được một chiếc xe đạp do ông chú trong Tam Kỳ gửi cho. Có thể nói không ngoa là khi ấy bỗng nhiên bà con miền Bắc có nhiều xe đạp hẳn lên là do miền Nam chi viện. Vì thế mà cứ chiều chiều là xuất hiện cái cảnh dân làng  rủ nhau đi tập xe đạp trên mọi con đường làng ngõ xóm. Cứ một người leo lên yên tập đạp thì thì có một hoặc hai người giữ phía sau rồi buông dần ra cho đến khi đương sự tự chạy được xe.
Một lần, mình rủ ả Luân ra đường cái quan đất đỏ (nối từ Ba Đồn lên Tuyên Hóa) tập xe đạp, ả vui vẻ nhận lời. Để chắc ăn mình rủ thêm thằng Sinh béo lớp trưởng của mình cùng đi. Hai thằng hì hục giữ xe cho ả tập đạp, vất vả lắm ả Luân cũng bắt đầu tự đạp xe được. Hai thằng cứ lẽo đẽo chay sau hễ thấy ả loạng quạng là giữ xe lại cho khỏi ngã. Đến một lúc thấy có vẻ yên ổn, mình và thằng Sinh không chạy theo nữa. Ai dè ả không thể dừng xe lại được, thì ra hai thằng huấn luyện viên xe đạp đoảng chưa hề hướng dẫn ả cách dừng xe, xuống xe. Kết quả là ả Luân muốn dừng xe nhưng chân thì cứ vẫn đạp rất đều đặn về phía Ba Đồn. Sợ quá, ả vừa guồng chân vừa khóc như mưa, người đi ngược chiều và cả bà con Quảng Phong đang làm ruộng thấy thế thì rất thông cảm, cứ nghĩ là chắc cô này đang trên đường đi thăm mẹ ốm nặng ở bệnh viện huyện. May thay đến gần cầu Kênh Kịa ả nhắm mắt húc thẳng vào một con trâu đang gặm cỏ bên vệ đường, con trâu bỏ chạy trối chết còn ả đứng dậy toét mồm cười phủi đít dắt bộ về.  Từ đấy ả cạch, mình rủ thế nào ả cũng không tập xe đạp nữa, he he.
Có một dạo, mình nhớ khoảng mùa hè khi mình vừa kết thúc lớp chín, bỗng nhiên trong làng rộ lên cái tin ả Luân có mang. Nghe nói mệ Ròn phát hiện ra ả hay trốn ra sau nhà nôn mửa, gặng hỏi kiểu gì à cũng không hé môi lấy một lời, chỉ cắn răng chịu đòn và nghe mệ nhiếc móc. Ả cũng trở nên mệt mỏi, mất đi cái nhanh nhẹn thường ngày, những chuyến “đi nước” của ả thưa dần. Thiên hạ nghi ngay cho lão mẹt Ngáo, nhà ở ngay bên phải nhà mệ Ròn. Mà nghi cho lão thì cũng phải, lão Ngáo người nhỏ thó, tướng đi khuỳnh khuỳnh, cặp mắt lão lúc nào cũng ngầu đỏ, suốt ngày chỉ thấy lão uống rượu và đi chim gái. Tướng tá trông thì xấu thế nhưng lão chim được ối gái trong làng suốt từ Chòm Một đến Chòm Bốn, thế mới tài. Hễ có mấy chén rượu vào là lão khoa chân múa tay nói toàn các kiểu mần tình. Đám thanh niên khoái lắm coi lão như thần tượng, đi đâu cũng thì thào lão Ngáo bảo thế này, lão Ngáo bảo thế nọ, cứ như lãnh tụ tinh thần, hi hi. Nói là gái cho oai thế thôi chứ lão quan niệm rất đơn giản, không cần phân biệt già hay trẻ, xấu hay đẹp miễn là thuộc giống cái, miễn là có cái...lỗ giữa hai chân là được, he he. Mấy lần làng xóm họp đưa lão ra kiểm điểm, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.
Chỉ tội cho ả Luân, sau cái sự cố ấy hình như đòn roi chửi rủa của mệ Ròn lại càng nặng nề hơn. Có điều lạ là chỉ nghe thấy tiếng mệ tru tréo, tiếng roi quật đen đét nhưng lại  ít nghe tiếng khóc của ả Luân hơn. Mọi người cũng ít khi nhìn thấy ả ra khỏi nhà như trước kia.
Đến lớp mười cuối cấp ba mình ở trọ hẳn Ba Đồn cho tiện việc học hành, chỉ thỉnh thoảng mới đạp xe về nhà xin tiền mạ. Mình cũng gần như quên bẵng đi chuyện ả Luân cho đến một hôm. Hôm ấy được nghỉ học sớm, cả nhóm bạn mình bèn rủ nhau đạp xe xuống phà Gianh chơi. Gọi là đi chơi thế thôi chứ cũng chẳng có gì mà chơi, cứ đạp xe nghênh ngang giữa đường, chọc gái, cà khịa đánh nhau hoặc xuống đi phà Gianh qua bờ bên kia mua mía ăn rồi quay về, thế thôi nhưng vui đáo để.
Ra giữ sông bọn mình đang khoa chân múa tay khua môi múa mép thì bỗng mình nhìn thấy dáng ai quen quen. Thì ra ả Luân. Ả đứng bên mạn phải của phà sát phía sau một chiếc ô tô, vẫn bộ đồ đen nhưng không có quầng mồ hôi muối trắng, cái nón mê lật ra sau gáy, chân đi đôi dép lê màu vàng, đôi dép ả đã đi trong đám cưới anh Bàng hôm nào, vai ả đeo cái tay nải bằng vải. Ả đứng đó mặt đăm đăm quay về phía làng Tân An, đôi mắt ậng nước. Ả đứng đó, rất thực không phiêu diêu xa vắng như bao lần mình gặp ả thẩn thơ trên lối xóm. Ả đứng đó, cả hồn và xác đều có mặt, và trên gương mặt khắc khổ đang chan chứa nước mắt ấy là hình ảnh một ả Luân hoàn toàn khác mà mình chưa hề bắt gặp, vừa buồn thương vừa quyết liệt.
Hơi ngạc nhiên nhưng không muốn  khuấy động ả, mình lẻn lên đứng phía đầu phà. Đó cũng là những hình ảnh sau cùng của ả Luân mà mình bắt gặp cho đến giờ. Cuối tuần ấy về làng mình nghe mọi người xôn xao cái tin ả Luân bỏ nhà đi đâu không rõ, ông Ròn tất tả đi tìm con mấy hôm nay mà không thấy. Mình quyết định không nói với ai về việc đã nhìn thấy ả Luân ở phà Gianh. Cho đến giờ thì mình vẫn thấy quyết định không nói của mình là đúng. Có thể ả đang trên đường tự đi tìm cho mình một cuộc sống mới, có thể ả sẽ sinh nở đâu đó rồi làm lụng rồi lại gánh nước kiếm tiền nuôi con lớn lên mà cảm nhận cái hạnh phúc rất thực trong tình mẹ con, quên đi cái quá khứ cực nhọc của mình.
Mấy lần có dịp về làng nhưng cứ vội vội vàng vàng rồi ra đi. Hội làng năm tới, kỷ niệm cái tuổi tri thiên mệnh, mình sẽ lại về làng Tân An Gờ rát, chắc chắn khi đó mình sẽ hỏi dò tin tức ả Luân xem sao. Hãy cứ mong rằng ả đang có một gia đình hạnh phúc, biết đâu mình lại có dịp ngồi nhà ả uống trà và kể lại cho ả nghe chuyện tập xe đạp năm nào, biết đâu đấy.
image
Đà Lạt, ngày giỗ đầu của mạ,  16/3/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét