Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

THÀNH CÔNG HAY HẠNH PHÚC?

Thế giới ngày nay đang nói quá nhiều về sự thành công, nhân loại đang bò lê bò càng trên con đường ma-ra-tông dẫn tới nấm mồ của chính mình để quyết tâm trở thành người thành đạt. Có vẻ như trong cái thế giới quá coi trong vật chất này, con người đang ngày càng rời xa tiêu chuẩn sống tối thượng của mình là hạnh phúc. Có vẻ như thiên hạ không chịu hiểu ra rằng thành công và hạnh phúc không phải luôn luôn là bạn đồng hành của nhau mà thậm chí đôi khi là đối chọi nhau như nước với lửa.
      Mọi thứ đang được vật chất hóa, đang được đong đếm một cách rất cụ thể, sòng phẳng kể cả những thứ thuộc về tình cảm thiêng liêng. Thành công-theo cái sắc thái mà thế giới này vẫn hiểu về điều đó-chính là tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị...toàn những thứ có thể lượng hóa bằng vật chất. Nhưng theo ý nghĩa mà những bậc vĩ nhân ở đời như Đức Phật hay Chúa Jesus vẫn quan niệm thì sự thành công phải được đo bằng hạnh phúc, bằng niềm vui sướng; một người thành công là người đã sống cuộc đời của mình mà mỗi giây phút đều là lễ hội, mỗi hơi thở đều chứa chan niềm vui sống.
Ai đúng ai sai bây giờ? Phái vật chất bèn gân cổ lên: “Đừng có mà bàn luận nhiều, hạnh phúc của bọn tớ ấy à, là phải nhà lầu xe hơi kèm thêm cái cửa hàng buôn bán vàng bạc đá quý thật to...”. Phái Chúa Phật ngồi yên như núi, chả thèm tranh luận gì, chỉ mỉm cười độ lượng, họ đang bận...hạnh phúc. Tra vấn quá thì Phật bèn đưa tay chỉ trăng rồi ôn tồn “Quý vị cứ tự trải nghiệm, tự đi mà tìm lấy chân lí”.
Ừ thì thử trải nghiệm nào. Ôi thôi! Hóa ra thế gian đầy rẫy những kẻ thừa mứa vật chất mà bất hạnh thì vẫn hoàn bất hạnh. Hàng tá những diễn viên màn bạc giàu có danh giá ở Hàn Quốc, cả tổng thống nghỉ hưu, cả những ông tỉ phú giàu sụ trên thế giới...vẫn đua nhau đi tìm cái chết, tìm cách tự kết liễu đời mình. Nói đâu xa, ở Việt Nam mình có biết bao nhiêu là quan chức lớn nhỏ, những người mà tiền bạc và quyền lực không hề thiếu lại như đang sống trong địa ngục vì cảnh vợ đi ngoại tình, những đứa con đều hành nghề “bác sĩ” (nghiện ngập, chích choác). Mình từng nghe có những quan chức lớn chỉ cầu mong làm ông xe ôm, ba gác mà cứu được cuộc đời của những đứa con đang tàn lụi theo ma túy.
Căn bệnh “nghiện” vật chất đã biến phần đông nhân loại thành những cỗ máy kiếm tiền, mở mắt ra là tìm cách kiếm tiền, đến cả trong giấc mơ cũng tiền. Người ta luẩn quẩn đến mức bỏ ra cả tuổi trẻ, sức lực để kiếm tiền để rồi cuối đời lại hốt hoảng bỏ tiền ra tìm lại tuổi trẻ, tìm lại sức lực (?). Người ta quên cả sống, chỉ lo chạy chọt kiếm tìm đến mướt mồ hôi cho đến khi chợt nhận ra nghĩa địa đã ở ngay trước mặt.
     Thế thì thế giới này hình như đang bị thần kinh à? Thật lạ là đối với nhiều người, niềm vui sướng không được coi là thành công; thành công phải là thứ gì khác cơ. Thậm chí nó có thể là một bất hạnh, và dù biết rõ nó sẽ dẫn ta tới những điều bất hạnh, thì họ vẫn cứ không ngừng tiến tới. Con người ta dường như sẵn sàng đón lấy những khốn khổ mà thứ vẫn được gọi là thành công kia mang tới. Vậy thì đâu mới là thành công đối với họ? Thành công là sự thỏa mãn cái tôi chứ không phải là hạnh phúc, bạn cảm thấy thật hả dạ khi cái xe bạn xịn hơn xe hàng xóm, cái mả tổ nhà bạn hoành tráng hơn của hàng xóm... Thành công là khi người khác nói rằng ta là người thành đạt, bạn cảm thấy “oai” hơn khi làm lãnh đạo, trong khi thằng X con Y kia chỉ là nhân viên. Nhưng chúng ta có thể đã mất đi tất cả mà không nhận thấy, mất cả tâm hồn, mất đi toàn bộ sự trong sáng vô ngần mang tới niềm vui sướng, mất đi sự yên bình trong mỗi con người, sự lắng đọng, và mất đi cả những gì có thể mang ta tiến gần hơn đến những điều tuyệt diệu nhất. Con người ta có nguy cơ mất đi tất cả đồng thời trở thành một kẻ điên loạn, nhưng trong con mắt của thế giới chung quanh, chúng ta vẫn được tán dương là những con người thành đạt. Bởi một lẽ đơn giản là tất cả những gì họ trông chờ không phải là niềm hân hoan vui sướng, mà là sự đánh giá cao của thế giới này, cộng với sự thỏa mãn cái bản ngã của chính họ.
     Rõ ràng là, sự thành đạt không phải là tiêu chuẩn, vì sự thành đạt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, hạnh phúc chính là tiêu chuẩn, vì hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất, đó chính là bản thân mỗi con người. Con người ta có thể không đạt tới thành công theo quan niệm của số đông thế giới hiện nay, bởi chúng ta có biết bao đối thủ là những người chung quanh. Cho dù bạn là người khôn ngoan đi chăng nữa, thì người khác vẫn có thể hành động khôn ngoan hơn, nhanh nhạy hơn, có tính toán hơn, thô bạo hơn và thậm chí là vô đạo đức hơn. Do đó mà thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nó là một hiện tượng xã hội. Và nhìn chung thì không có gì lạ nếu con người ta không đạt được thành công, hoặc không trở thành người thành đạt. Trong khi đó nếu bạn muốn, nếu bạn biết tập trung vào chính bạn thì sẽ là người hạnh phúc, là người thành đạt theo quan niệm của Chúa-Phật, bởi vì điều đó chỉ phụ thuộc duy nhất vào chính bạn.
     Ai dám phát biểu rằng Jesus đã thành công? Bị hành hình trên cây thập ác không thể được coi là thành công, nếu như không muốn nói rằng đó là một thất bại thảm hại nhất. Một người đàn ông đã bị đóng đinh trên cây thập ác khi anh ta mới chỉ có ba mươi ba tuổi thì có thể coi là kiểu thành công gì được đây? Chẳng ai biết tới anh ta, trừ một vài dân làng không có nhiều chữ nghĩa, là môn đồ. Ở thời điểm đó, Jesus không có vị trí gì, không uy tín và cũng không quyền lực. Vậy thì đó được gọi là kiểu thành đạt gì đây? Rõ ràng là không thể cố gọi việc bị hành hình ấy là thành công hay thành đạt. Nhưng Jesus thấy mình hạnh phúc. Người cảm thấy hạnh phúc đang tràn đầy, dù cho có bị đóng đinh trên thân thể. Còn những người đã đóng đinh lên thân thể Jesus, mặc dù sau đó vẫn còn tiếp tục tồn tại thêm một thời gian, nhưng cuộc sống của những con người ấy cứ ngắc ngoải trong khổ sở.
    Vậy thì thực tế mà nói, ai mới là kẻ bị hành hình? Đó mới là điểm mấu chốt. Người thật sự bị hành hình là Jesus hay những kẻ đã đóng đinh lên Người? Chỉ biết Người đã rất hạnh phúc với hành động của mình, mà hạnh phúc thì liệu có ai hành hình hay đóng đinh lên được? Chúng ta chỉ có thể giết chết thân xác chứ làm sao giết chết được tâm hồn. Chị Võ Thị Sáu ra pháp trường nhận cái chết nhưng vẫn hạnh phúc với lí tưởng cách mạng của mình nên Đi giữa hai hàng lính /Vẫn ung dung mỉm cười / Ngắt một đóa hoa tươi / Chị cài lên mái tóc ... trong khi hai hàng lính với súng ống đầy mình thì lại cảm thấy run sợ đến nỗi sau này có đứa phát điên. Những kẻ đã hành hình Jesus, những kẻ bắn vào Người con gái Đất đỏ, chúng sống, nhưng cuộc đời chúng không có gì ngoài sự kéo dài về mặt thời gian, diễn đạt theo một cách khác, thì cuộc sống như thế cũng chỉ là một quá trình bị hành hình chậm rãi, tất cả đều chìm trong khốn khổ, thảm thê và bất hạnh.
      Trước đây Đức Phật cũng là người thất bại trong con mắt của bạn bè, gia đình, trong mắt người vợ của Người, vua cha của Người, trong mắt những ông thầy và trong con mắt của toàn xã hội. Người đã từng chỉ là một kẻ ăn xin. Có kiểu thành công nào như thế? Đáng lẽ ra Người đã có thể trở thành một vì hoàng đế vĩ đại dựa trên những phẩm chất, cá tính và trí tuệ vốn có, nhưng sao chỉ là một kẻ xin ăn. Liệu bạn có cho rằng những gì Người lĩnh hội được dưới gốc bồ đề năm xưa là của dổm? Rằng một người thừa mứa hạnh phúc tới mức cả thế giới xây chùa đúc tượng ngày đêm cầu xin Người một chút hạnh phúc là người thất bại vì không chịu làm vua? Có Ai dám bảo vua Trần Nhân Tông là dở hơi khi bỏ cả ngai vàng quyền lực mà lên núi Yên Tử đánh bạn với gió mây? Rõ ràng là những gì mà Đức Phật hay vị vua nhà Trần đã quyết định bỏ qua, hoàn toàn không có chút giá trị nào xác đáng.
     Thế thì họ có thành công hay không? Theo ý nghĩa mà những người như Đức Phật hay Chúa Jesus vẫn định nghĩa về thành công, thì câu trả lời sẽ là: chắc chắn. Sự thành công ấy được đo bằng hạnh phúc, bằng niềm vui sướng, hay là bất cứ thứ gì, thậm chỉ chẳng liên quan. Cho dù cái thế giới này có chế giễu rằng chúng ta đã thất bại, hay biến ta thành ngôi sao, hoặc là tung hô ta như một điển hình thành đạt thì điều đó cũng chẳng làm nên chút gì khác biệt . Điều quan trọng là đứng ở bất cứ góc độ nào, chúng ta cũng cảm nhận được rằng mình đang hạnh phúc, đang hoan hỉ.
     Hãy tẩy rửa trí óc của mình, đừng biến mình thành người chỉ chăm chăm hướng tới thành công. Cái vẫn được gọi là thành công đôi khi lại là thất bại thảm hại nhất trên thế giới. Cho nên, đừng cố đấm ăn xôi nếu như không muốn biến chính mình thành kẻ bại. Không ai cấm bạn thành công trong cuộc sống, thậm chí nếu bạn vừa thành công vừa hạnh phúc thì càng quý chứ sao, nhưng trước hết hãy nghĩ về cuộc sống tươi vui hạnh phúc. Hãy hướng suy nghĩ của mình về những tầm hạnh phúc cao hơn và xa hơn trong mỗi phút giây. Có thể lúc ấy, cả thế giới không ai không nói rằng bạn là người thất bại, nhưng hơn ai hết bạn biết rằng mình không hề thất bại. Nói cách khác là bạn đã đạt tới thành công thực sự.
     Sống với những gì có thật, chúng ta có thể gặt hái được thành công trong chính cuộc đời mình. Những ai muốn được tung hô trong thế giới ảo, hãy cứ đi theo đường dẫn mà những con người đang mải mê vật lộn với gian trá, lanh ma, cạnh tranh, ghen tuông và bạo lực. Nhưng rồi cuối cùng, chính họ cũng phải nhận ra rằng dù cho có chiến thắng cả thế giới này, họ cũng không thể giữ được một thứ ở ngay gần: đó là chính bản thân mình. Jesus đã nói: “Con người ta sẽ được những gì nếu như thu lượm được cả thế giới nhưng lại đánh mất chính tâm hồn mình?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét