Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

MỆ TÁ


 Ảnh chỉ có tính minh họa

Bỗng dưng lại nhớ tới mệ Tá, người “bạn” hàng xóm già từ thời ấu thơ của mình. Mệ Tá sống cùng con cháu ngay bên cạnh nhà mình, chỉ cách nhau cái hàng rào mận hảo. Gọi là hàng rào cho oai thế thôi chứ ở nhà quê thời ấy hàng xóm thường qua nhà nhau xuyên qua hàng rào, chả mấy khi đi đường chính. Mình đã từng xuyên táo từ đầu đến cuối làng chỉ bằng cách đi băng qua hàng rào từng nhà, kết quả khám phá của rất nhiều lần cùng trẻ con trong làng chơi trò trốn bắt.
Chẳng biết mệ hiện diện trên mặt đất từ hồi nào, chỉ biết từ khi mình tập tọng viết được hai chữ “mệ Tá” rõ to đem khoe thì mệ đã già lắm. Tóc mệ bạc trắng, cắt ngắn như đàn ông, mệ chống cái gậy nhằm đỡ cái tư thế đi còng như cây thước thợ.  Thời con nít, mình coi mệ như “bạn”. Chả là mệ thường  ở nhà một mình, con cháu đi học đi làm lụng cả ngày, mình học được cái gì mới, có cái gì hay thường chạy qua khoe mệ. Những lúc ấy mệ thường cười thật tươi rồi xoa đầu mình khen một câu chưa thấy khác bao giờ: “Ua chầu! Thằng cu Túy giỏi hè, giỏi hè!”.
Mệ cũng rất thương và chấp nhận mình như  một thứ “bạn” đại đại vong niên của mệ, he he. Mệ vẫn thường hay có quà cho mình, khi thì đồng quà, tấm bánh, khi thì vài quả tắt quả ổi. Có hôm mệ mang qua nhà, có hôm thì mệ mang ra hàng rào mận hảo gọi mình ra lấy. Những lúc ấy, mệ cười tươi hạnh phúc lắm, mình vẫn còn nhớ cái “nét cười đen nhánh sau tay áo” của mệ cùng cái xoa đầu kèm phát ngôn bất hủ “Thằng cu Túy giỏi hè, giỏi hè!”.
Chẳng ai biết mệ bao nhiêu tuổi, ngay cả mệ cũng chẳng nhớ mình đã qua mấy cái xuân xanh. Có lần, khi đang học cấp hai Quảng Thanh thì phải, mình tò mò hỏi tuổi mệ thì mệ bảo “Mệ nỏ biết, nhưng phải hơn tám chục”. Lúc ấy mình cũng chả quan tâm cái tuổi ấy là nhiều hay ít. Chỉ biết rằng mệ còn khỏe lắm, mắt tinh, tai thính, hàm răng đen nhức còn nhai được cả cơm cháy.   
Lúc nào cũng thấy mệ vui tươi, đặc biệt là mệ thuộc rất nhiều thơ ca hò vè và câu đố. Mình khoái nhất là món câu đố của mệ, hễ có dịp mệ qua nhà chơi là mình gạ mệ đố mặc dù chả bao giờ mình giải được một câu. Tiếc là thời ấy mình không nghĩ đến chuyện ghi lại kho câu đố của mệ. Giờ thì chỉ còn nhớ được đúng một câu mà mệ giải đố là đôi giày: Song song hai chiếc thuyền câu/ Từ quan tới lính đi đâu cũng cần. 
Mùa đông giá buốt, sau những ngày mưa dầm gió bấc mịt mù, thỉnh thoảng  lại có những ngày nắng ráo. Những lúc ấy lại nghe tiếng mệ ngân nga từ bên kia hàng rào mận hảo: “Cốc! Cốc! Cốc! Ai có l. mốc thì đem mà phơi, mai mốt trở trời rồi phơi không được, bơ làng xóm!” , he he.
Thời cấp ba phải đi học ở Ba Đồn, mình ít gặp mệ hơn phần vì bài vở nhiều, phần  vì bạn bè đàn đúm mải đi chơi “đánh bắt xa bờ” nhiều hơn. Tuy thế tuần nào mình cũng qua thăm mệ. Mệ Tá cũng có vẻ yếu hơn, đi lại khó khăn hơn. Có điều niềm vui, niềm lạc quan trong đôi mắt mệ thì chưa bao giờ tắt. Vẫn thơ ca hò vè nhưng mệ không còn ra câu đố cho mình nữa. Có khi mệ nghĩ mình đã lớn rồi chăng? Lớn cái nỗi gì, càng lớn thì đời càng có nhiều câu đố giải không chịu ra đây mệ Tá ơi là mệ Tá ơi.
Có lần mình cắc cớ hỏi mệ: “Mệ Tá nời, mệ có sợ chết không?”. Câu trả lời của mệ đáng ghi vào cuốn cẩm nang sống thiền hay nhất: “È he, sợ kít chi con. Đói ăn rau/ Đau uống thuốc/ Chết thì chôn/ Ai bỏ vô l. mà sợ”. Trong bài thơ thiền nổi tiếng của mình, vị Vua Phật, Thiền sư  Trần Nhân Tông cũng từng  khuyên tha nhân một điều thật đơn giản “Đói thì ăn, mệt thì ngủ” (Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên) đó thôi.
Phải chăng mệ Tá cũng thấm được cái bí quyết “Cư trần lạc đạo” ấy nên mệ đã sống rất thanh thản và thượng thọ. Hết cấp ba, mình rời làng cùng mạ vào Huế định cư. Mãi hơn mười năm sau mình mới có dịp về lại làng xưa thì nghe bà con trong làng nói mệ Tá vừa ra đi, rất nhẹ nhàng, nghĩa là đến lúc ấy mệ gần trăm tuổi.
Còn nhớ như in buổi chiều trước khi rời làng, mình chạy qua chào mệ thấy mệ đang ngồi ngạch cửa ngó ra xa xăm đâu đó. Sống cùng mệ lâu năm mình ít khi bắt gặp mệ trong trạng thái ấy. Cầm bàn tay mệ đã khô khốc vì năm tháng, chỉ còn da bọc xương mình chỉ kịp nói: “Mệ ở lại khỏe nha” rồi chạy vội về...
Hơn nữa đời người bươn chải, nếm đủ buồn vui đời người, thi thoảng nhớ về mệ mình vẫn thường chiêm nghiệm về triết lí sống mộc mạc của mệ. Và, rất nhiều lần, triết lí sống ấy đã giúp mình trụ vững giữa bao nghiêng ngã ở đời.
Vâng! Đơn giản biết bao nhưng cũng khó khăn biết bao:  Đói ăn rau/ Đau uống thuốc/ Chết thì chôn...
Dalat 9 - 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét