Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

BẢN NĂNG HƯỞNG THỤ


Ai trong chúng ta cũng có sẵn thói quen yêu thích cảm giác dễ chịu và kháng cự lại những cảm giác khó chịu. Đây cũng là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, con người đã nghiệm ra được đâu là con đường đi tới hạnh phúc chân thật. Trên con đường ấy, kẻ lữ hành đôi khi phải chấp nhận những cảm giác khó chịu, phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, tại vì chỉ có cách đó thì những chất liệu tinh anh của con người mới phát tiết ra được. Nói cách khác, một con người hạnh phúc không phải là một con người luôn may mắn, mà ngược lại, đó chính là kẻ có nội lực vững vàng, có khả năng ôm ấp và chuyển hóa mọi đối tượng mọi hoàn cảnh.
    Cố nhiên do cấu trúc tâm sinh lý mỗi người khác nhau nên bản tính cũng khác nhau, điều này ảnh hưởng nhiều  nhất từ di truyền hoặc do môi trường lớn lên. Nhưng phần lớn mọi người đều có khuynh hướng tìm tới sự hưởng thụ, thích được cưng chìu, thích ăn sung mặc sướng, thích là tâm điểm chú ý của kẻ khác, thích được công nhận và khen ngợi ngay từ khi mới bắt đầu trưởng thành. Một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh quá thuận lợi, muốn gì được nấy, sớm có cơ hội bộc lộ tài năng, đi từ thành công này đến thắng lợi khác, tuy nhìn đứa bé ấy có một tương lai xán lạn đang mở ra nhưng trong chiều sâu vẫn thiếu một chất liệu cực kỳ quan trọng. Đó là khả năng chịu đựng những cảm xúc xấu.
    Bởi đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nếu ta không trang bị cho mình một khả năng có thể đối đầu và ứng phó mọi hoàn cảnh, thì sẽ có lúc ta ngã nhào hoặc rơi tỏm vào vực thẳm khổ đau. Và chỉ có những điều bất như ý, những hoàn cảnh trái ngang xảy đến mới giúp cho những phản ứng bảo vệ cái tôi hiện ra, giúp ta tập làm quen với những phiền não trong lòng mình, để ta hiểu và tự học cách chuyển hóa nó. Trong đời sống ta đã từng gặp có những kẻ có đầy quyền lực, danh tiếng, rất đông người ngưỡng mộ, nhưng họ rất dễ bị tự ái, tổn thương, một chút điều bất như ý xảy ra cũng có thể làm cho họ cuống cuồng, đau khổ. Đó là một kẻ yếu đuối, chưa biết cách sống và chưa có vốn sống.
    Ta có thể nhận ra nội lực yếu kém của mình ngay từ thuở nhỏ như không thích chơi các môn thể thao hay các công việc có tính chất vận động nhiều đến tay chân, không thích những người bạn có cá tính tức là họ không theo sở thích của mình, không muốn đến những nơi mà người ta không quý mến mình, không thích làm cái gì có tính chất động não hay tốn nhiều công phu, không hứng thú với những môn học khô khan, không muốn đối diện với chính mình khi gặp khó khăn, không ưa những thực phẩm có tính chất bổ dưỡng nhưng lại không hợp khẩu vị, không thích những lời nói cứng cỏi dù đó là những lời góp ý chân tình, cái gì thích là phải có cho bằng được nhưng lại mau nhàm chán, còn vốn sống thì luôn dừng lại ở kinh nghiệm cũ chứ không chịu cập nhật hay khám phá…
    Vì thiếu hiểu biết nên ta lầm tưởng cứ sống thật với bản năng của mình là được. Nhưng đến khi đối đầu với những trận giông bão lớn lao trong đời, ta mới phát hiện ra mình có quá nhiều lỗ hổng trong hiểu biết. Cái này bằng cấp không thể thay thế được. Vậy đó, ta đã bỏ ra hằng chục năm trời để nhồi nhét kiến thức, mục đích cũng chỉ để kiếm được nhiều tiền hay muốn được công nhận và cho đó là sự nghiệp cả đời người, chứ có mấy ai để ý tới việc nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn. Để rồi một lúc nào đó ta sẵn sàng xô ngã sự nghiệp khổ công gầy dựng ấy, thậm chí ta muốn hủy diệt luôn cả mạng sống của mình chỉ trong một cơn cảm xúc không kềm tỏa được. Dường như con người ngày càng bị cuốn vào vòng hưởng thụ bất tận của một xã hội văn minh, nhưng lại trở nên mờ mịt và bất lực với chính mình hơn bao giờ hết. Đây chính là bi kịch lớn nhất của thời đại.
Giảm phẩm chất đời sống
    Có bao giờ ta tự hỏi mình mỗi khi ta muốn dừng lại một cuộc vui để trở về nhịp sống bình thường, muốn tắt ti vi hay rời internet để đi ngủ sớm, muốn nói cho người kia biết là mình đang rất mệt mỏi nên không thể lắng nghe câu chuyện ấy tiếp tục, muốn nói lời từ chối vì biết nhận công việc này rồi ta sẽ trở nên căng thẳng và đánh mất sự sống của chính mình, muốn đừng trễ hẹn để người kia không than phiền hay coi thường mình nữa, muốn công việc không bị ngâm tới giờ phút cuối rồi mới chịu giải quyết, muốn suy xét tận tường trước khi làm một quyết định… tại sao là một trở ngại quá lớn đối với ta?
    Ngay cả khi ta biết người kia đang rất sai và cần được nhắc nhở hay soi sáng, nhưng ta lại không thể mở lời. Những buổi trưng cầu ý kiến ta biết mình cần nên đóng góp chút kinh nghiệm thành công, nhưng lại lo sợ không được thính chúng ủng hộ. Mỗi khi ta muốn bộc lộ tình cảm hay chia sẻ cho người kia biết những thao thức của mình, nhưng thường dễ bị khựng lại khi thấy bên kia đang hờ hững. Đến khi người kia muốn mời ta ngồi xuống để chấp vấn về những vụng về lầm lỡ của ta vừa qua, thì ta luôn tìm cách tránh né hay phản ứng quyết liệt. Nói chuyện với người ngoài thì lúc nào ta cũng cảm thấy thoải mái và muốn kéo dài câu chuyện, nhưng về lại gia đình thì ta cứ như một tảng băng.
    Tất cả những phản ứng đó ta thường nghĩ là bản năng tự vệ của con người, mỗi người một kiểu sống, nhưng kỳ thực đó là những nút thắc tâm lý rất nguy hại, làm phẩm chất đời sống của chính bản thân ta hay những liên hệ chung quanh ta bị suy giảm rất nhiều. Tên gọi của nó là “nghiện cảm xúc”, hay nói bằng một thái độ phê phán thì đó là tính cách của một kẻ yếu đuối. Dường như đời sống của ta là một chuỗi cảm xúc chập chùng buồn -vui, yêu- ghét, khó chịu- hài lòng, sung sướng- khổ đau, chứ ta chưa bao giờ để cho tâm ý của mình được nghỉ ngơi một cách trọn vẹn. Tâm ý ta chưa từng được thảnh thơi để quan sát vào bất kỳ đối tượng nào cũng không thành kiến, để chiêm nghiệm những chân lý của cuộc sống, để phát triển những phẩm chất quý giá trong tâm hồn.
    Ta nên nhớ bản chất chân thật của hạnh phúc là phải có chất liệu của sự bình an, một trạng thái tâm lý không bị ràng buộc bởi bất kỳ đối tượng giao động nào ở bên ngoài. Hạnh phúc mà không có bình an thì coi chừng đó chỉ là một cơn cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời, nó đến và đi vội vàng như một cơn gió lốc để lại sự xáo trộn và ngỗn ngang trong tâm hồn như một chuyến tàu đêm. Nghĩa là chỉ khi nào ta vượt khỏi sự khống chế của những cơn nghiện cảm xúc, sử dụng nó một cách linh hoạt và tự tại, thì ta mới thiết lập được một đời sống vững vàng và đem lại hạnh phúc thật sự cho kẻ khác.
Từ nương tựa đến hệ lụy
    Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi, do mãi mê trò chuyện nên cậu ta không hay trời đã tối. Người bạn mới thúc giục cậu bé nên về sớm và trao cho cậu một cây đèn. Cậu bé mù tức cười quá, vì đối với cậu ban ngày và ban đêm có khác gì nhau đâu, không hiểu người bạn đưa cây đèn cho mình để làm gì. Người bạn liền giải thích “Anh cầm cây đèn này đi, người ta thấy anh người ta sẽ tránh”. Nghe có lý, cậu bé hoan hỷ cầm cây đèn ra về. Trên đường về cậu bé cứ đưa cây đèn lên và lủi thẳng về phía trước, vì cậu nghĩ hôm nay chắc ai cũng sẽ tránh mình cả, cây đèn sẽ đưa mình về tới nhà an toàn. Được một đoạn đường, bỗng dưng có một người đâm sầm vào cậu và cả hai đều ngã nhào. Bực quá, cậu hét to: “Bộ không thấy câu đèn của tôi sao mà không chịu tránh vậy?”. Người kia cười lớn: “Cây đèn của anh đã tắt lâu rồi anh đui ơi”.
    Tự thân của cậu bé có thể đi đường vào ban đêm theo thói quen đã rèn luyện của mình, nhưng từ khi được trao cây đèn thì cậu lại đánh mất chính mình, đem cả sinh mệnh của mình phó thác cho cây đèn mà thực tế chưa hề thấy được chân tướng của nó. Cây đèn là vật ngoài thân, bản chất của nó là luôn thay đổi, nó có thể hết dầu hoặc bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, nhưng vì bị mù nên cậu bé chỉ biết ra nó qua sự giới thiệu hời hợt của kẻ khác. Cậu bé thật tội nghiệp khi cứ đinh ninh là cây đèn sẽ mãi soi sáng cho mình trên suốt lối về, kết quả là cậu đã ngã một cú đau điếng mà vẫn không rõ nguyên do nên cứ đổ thừa và trách giận kẻ khác.
    Ai trong chúng ta cũng có những cây đèn, nhưng thái độ cầm đèn của mỗi người khác nhau. Có người sử dụng nó như một sự hỗ trợ để thăng hoa phẩm chất đời sống, nhưng có kẻ lại bị kẹt vào cây đèn và trở thành kẻ hệ lụy. Ngay từ vạch xuất phát có thể ta cũng ý thức được tiền bạc, quyền lực hay tình cảm chỉ là tiện nghi của đời sống, nghĩa là nó sẽ làm cho cuộc sống của ta thêm hương vị và trôi chảy. Không ngờ đi được một đoạn đường không xa, ta bỗng phát hiện ra sự nương tựa trong ta đã biến thành thái độ hệ lụy mất rồi. Vì vậy khi những cây đèn của ta bị chao đảo hay vụt tắt thì cuộc đời ta dường như cũng bị chao đảo và muốn tắt lịm theo, ta không còn gì để sống cả.
    Đó cũng là lý do tại sao hiện nay số lượng người tự tử cứ tiếp tục gia tăng, mà phần lớn là những người trẻ, rất thành đạt, rất nổi tiếng, hay ở những quốc gia văn minh cường thịnh. Có thể họ không muốn rời xa cõi đời này nhưng họ đã không còn lối thoát, hoặc cũng có thể họ cho rằng con người và xã hội này quá tồi tệ nên họ phải đi tìm một thế giới khác hẫp dẫn hơn. Nhưng dẫu sao để tìm tới cái chết thì đó vẫn là một quyết định rất khó khăn, rất đau khổ, họ gần như không còn sự lựa chọn nào tốt hơn để giải quyết vấn đề, mà thực chất chính là giải quyết cơn cảm xúc xấu trong họ đang bùng vỡ. Đây là kết quả của đời sống vùi mình vào những cơn cảm xúc đến mức nghiện ngập, để rồi một hôm cây đèn mang tới cảm xúc kia vụt tắt thì cuộc đời họ bỗng trở thành đen tối đến hoang vu.
     Ta hãy nhìn vào cách sống của mình để biết mình có đang hệ lụy vào những cây đèn không? Hãy tưởng tượng cây đèn kia nếu không tồn tại nữa thì ta sẽ ra sao? Và nếu gan dạ thì ta hãy thử tách lìa một thời gian những cây đèn nào mà ta biết rằng mình đang có khuynh hướng vướng kẹt vào nó để xem nội lực của mình còn được bao nhiêu.Ví dụ bạn hãy khóa máy điện thoại trong Nếu tệ, ta vẫn còn  vài hôm thì sẽ hiểu rằng sự hệ lụy đang ở cấp độ nào..?Lúc ấy mới kịp để trở về chăm sóc đời sống tinh thần của mình, vẫn còn kịp để không bị những cây đèn hấp dẫn kia đưa mình vào vũng lầy tăm tối. Nếu thấy khó, ta nên bắt đầu từ những cây đèn nhỏ nhất, tập buông xả những điều kiện tiện nghi dư thừa dù là vật chất hay tình cảm, để thần lực của ta không còn những chỗ tiêu tốn mà chấp nhận quay về.
Mỗi khi phát sinh ý niệm muốn tìm kiếm thêm những cây đèn thì ta hãy tự nhắc nhở mình là có thật sự cần thiết không, mình đã có những cây đèn này chưa, ta có tin rằng khi cầm cây đèn này thì cuộc đời mình sẽ tỏa sáng hơn hay sẽ đưa tới sự ràng buộc? Bằng tâm trạng cô đơn lạc lõng hay tham đắm mà ta quyết định chọn cây đèn ấy tức là ta đã đem cuộc đời của mình ra để làm một chuyến phiêu lưu mạo hiểm rồi. Cho nên vượt qua được bản năng, chiến thắng được những bóng ma trong lòng đích thực là chiến công oanh liệt nhất của con người. Kẻ nào làm chủ được chính mình, biết điều tiết cảm xúc một cách hợp lý, thì kẻ ấy có bản lĩnh đi vào cuộc đời đầy biến động này một cách bất động.
    Thương thay những kẻ vì muốn đem đến cho đời những tuyệt phẩm mà vô tình nuôi lớn những cảm xúc lừng lẫy trong chính mình. Họ đã chấp nhận kiếp tơ tầm vì không thể cưỡng lại niềm đam mê cháy bỏng, nhưng lại cứ lầm tưởng rằng đó là số phận hay vì thương quá cuộc đời này. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng ru mình trong ngậm ngùi “Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình, xin người hãy gọi tên”. Có những lúc con tim lý trí phải đứng lặng câm chào thua những giọt máu cuồng điên, khiến tôi lại đem cuộc đời mình ra rao bán, thì xin những người bạn hãy gọi đúng tên tôi để tôi được thức tỉnh. Ôi con tim xanh xao gầy guộc từ thuở ấy, ta đã chịu dừng lại để mở ra một chân trời bình yên hay vẫn khôn nguôi cuộc dông ruỗi tội tình, chứ cuộc đời nào khẩn thiết gọi tên!
(st)

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Đức Phật dạy con như thế nào




Thái tử Tất Đạt Đa – sau này chính là đức Phật, có đứa con trai duy nhất là La Hầu La khi chưa xuất gia.  Song, ít ai biết rằng sau khi đạt Chính Đẳng Chính Giác, đức Phật đã trở thành thầy dạy dỗ rất quan trọng cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu của con Ngài. Kể từ khi La Hầu La lên bảy tuổi, Ngài đã là một người cha rất mực mô phạm: La Hầu La đã đạt được giác ngộ viên mãn khi mới tròn 20 tuổi. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi, đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái?
Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa đức Phật và La Hầu La, nhưng đâu đó có để lại những dấu hiệu thú vị đáng lưu ý về việc đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường trưởng thành. Mặc dầu trước các kinh điển này đã có những mẩu chuyện nói về việc La Hầu La đã trở thành đồ đệ của đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những chi tiết này nằm trong ba bài pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau, thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La bảy tuổi, đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, đức Phật dạy cho con thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi đôi với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.
 
Đạo Đức
 
Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về lòng chính trực (integrity) như thế nào. Lúc lên tám tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La trong Trung Bộ Kinh, 61,  kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi mang đến một thau nước cho cha rửa chân theo như phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:
Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”
Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.
Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Sau đó, Đức Phật hất đổ hết nước trong thau ra và nói: “Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Sau đó Ngài dạy con: “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”
Câu chuyện trên đây nhắc nhở rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.
Sau bài thuyết giảng ngắn mà nghiêm khắc, rõ ràng về việc nói dối đó, đức Phật đã chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình.
Ngài hỏi – “Cái gương dùng để làm gì?
Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp.
Đức Phật lại dạy:
Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”
 
Có thể nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, đức Phật đã dạy cho con suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự tự tri (self-awareness) lẫn lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” sẽ giúp đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.
Phương pháp giáo hoá của đức Phật đã gieo vào tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về mỗi hành động của ta sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.
Đức Phật cũng dạy cho La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Đó là cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng cha mẹ chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.
 
Thiền Định
 
Câu chuyện thứ hai trong Trung Bộ Kinh, 62 nói về việc Đức Phật đã dạy thiền cho La Hầu La ra sao, nhằm phát triển nền tảng của nội tâm. Lúc đó La Hầu La được 10 tuổi. Câu chuyện bắt đầu lúc hai cha con đang đi thiền hành. Trong lúc đi, La Hầu Ha chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình, và Đức Phật đã đọc được tư tưởng đó. Ngài nói với con:”Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi (me), không phải là của tôi (mine), không phải là tự ngã của tôi (myself).”
Đức Phật đã dạy cho La Hầu La tỉnh giác về tưởng-hành-thức đã tạo nên ý niệm về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi. Nghe những lời dạy này xong, La Hầu La cảm thấy hổ thẹn, lui về thiền viện, và không thiết gì đến việc ăn uống suốt ngày hôm đó.
Tâm lý học về trẻ em cho rằng ở vào lứa tuổi này điều lo nghĩ đến diện mạo rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về “cái tôi” đi tìm kiếm bản thân mình. Như thế, có nên trách cứ một trẻ em ở vào lứa tuổi này về những ý tưởng phù du như vậy hay không? Có phải đức Phật đã xen vào tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để chúng tự khám phá?
Thật ra, nếu không có hiểu biết về “cái tôi”, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với một tâm lý thăng bằng? Câu trả lời nằm ở những gì Đức Phật dạy con Ngài ở đoạn sau đây.
Sau hôm đó, La Hầu La đến xin cha dạy cho mình phương pháp thiền quán. Trước hết, đức Phật dùng thí dụ để minh hoạ làm sao để buông xả trong lúc thiền định. Ngài dạy:
Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không dính mắc cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy thiền tập như đất, như nước, như gió, và như lửa để không còn bị chi phối bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích, và như thế sẽ không còn bị trói buộc vào những gì cả.”
- Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của ĐẤT.
 


Dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hương hoa, nước ngọt, sữa thơm.. hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác.. thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc, cũng không oán hờn ...
Tại sao ? Tại vì đất là địa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hoá. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi thứ bất như ý và những thứ ấy không thể làm cho con khổ đau được.
- Này La Hầu La, con hãy học cách ứng xử của NƯỚC.


 
Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho ... hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn, hôi hám... , thì cũng không vì thế mà nước bị vướng mắc, hoặc cảm thấy oán hờn, ...
Tại sao ? Tại vì nước là thuỷ đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn bao la vô lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi tất cả mọi thứ bất như ý và những thứ ấy không thể làm cho con khổ đau được...
- Này La Hầu La con hãy học cách cư xử của GIÓ:
 

 
- Gió có thể tiếp nhận, thổi và di chuyển hoa mọi mùi hương .. dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào, buồn khổ, hay tủi nhục...
Tại sao? Tại vì gió là phong đại có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường. Nếu tâm con có khả năng chuyển hoá và di động, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất như ý ... mà kẻ khác trút lên con và những thứ ấy không thể làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con.
- Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của LỬA.


  
Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ , dù là những cái xấu dơ bẩn... , lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục , buồn khổ, chán chường.
Tại sao ? Tại vì lửa là hoả đại có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hoá tất cả nhưng gì người ta đem tới. Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất như ý ... và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn hạnh phúc và bình an trong con.
Và trước khi dạy cho La Hầu La phép quán niệm hơi thở, Đức Phật dạy cho con về quán tâm từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâm xả để ngăn chặn những thương ghét.
Sau đó, Ngài mới bắt đầu dạy cho con phép quán niệm hơi thở qua 16 giai đoạn. Những giai đoạn này chia làm 3 phần:
a) Tịnh tâm và thân.
b) Nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác.
c) Buông xả.
Cuối cùng, đức Phật lưu lại một dấu ấn đậm nét về giáo lý của Ngài với La Hầu La bằng cách nhấn mạnh rằng qua sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, chúng ta sẽ có khả năng nhận biết hơi thở cuối cùng của mình vào giây phút cận tử một cách hoàn toàn bình thản.
 
Qua cách thức đức Phật dạy con phép thở để nhận biết thân tâm của mình, có thể thấy đó cũng là một phương pháp để nhận biết “cái tôi” không thực. Và phải chăng các em thiếu niên ở mọi thời đại hay chấp vào “cái tôi” của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, bởi các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác? Thiết nghĩ, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa nếu các em cảm thấy an vui được với chính mình cũng như thoải mái với người chung quanh.
 
Khi giảng dạy thiền cho thiếu niên, có thể nhận thấy rằng khả năng thiền của các em nhảy bực vào khoảng 13-14 tuổi. Có nhiều em có thể nhập thiền rất sâu, tuy rằng các em không duy trì được trạng thái này lâu lắm. Kinh nhgiệm đã cho thấy rằng rất nhiều người trẻ dùng phương pháp thiền định để ổn định tinh thần và tìm về sự thảnh thơi an lạc giữa những thử thách của tuổi mới lớn.
 
Kỳ thật, thiền quán hơi thở không chỉ ích lợi cho các em thiếu niên, mà nó còn là cuộc hành trình suốt đời. Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho La Hầu La thấy giá trị của việc tập quán niệm hơi thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
 
Tuệ Giác

Trong bài pháp thứ ba cuối cùng nơi Trung Bộ Kinh - 147, đức Phật đã hướng dẫn La Hầu La trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát.

Khi La Hầu La tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng con trai của mình đã gần đến bờ giải thoát. Ngài đã làm một việc hết sức cảm động: Ngài đi bộ cùng với con vào sâu trong rừng. Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn La Hầu La một cuộc pháp đàm rất kỹ về thuyết vô ngã. Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như La Hầu La, thì những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát.
 
Ngồi nghe Đức Phật giảng, La Hầu La đã chứng đắc được tính vô ngã của vạn pháp, và đó chính là nấc thang cuối cùng giúp La Hầu La đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.
 
Thuyết vô ngã của đức Phật có thể khó hiểu. Người ta rất dễ ngộ nhận nó là một triết thuyết trừu tượng, mà không thấy được thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông xả tất cả các chấp mắc cực đoan là nguồn gốc của mọi bế tắc khổ đau.

Việc đức Phật dạy con về thuyết vô ngã trong rừng sâu rất cần thiết. Bởi cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại sẽ giúp mình dễ thoát ra được ý niệm về ngã hơn so với khi ở giữa phố thị. Quán chiếu về sự biết mình (tự tri) và buông xả trong khi đọc một cuốn sách về Phật pháp ở trong nhà, là rất khác so với bên ngoài, dưới một gốc cây, giữa khung cảnh thiên nhiên.

Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Ước mong rằng con cái của chúng ta sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi, và an lành nơi sự giác ngộ. Và có lẽ, trên con đường trở thành người lớn, mong rằng chúng sẽ được dạy về đạo đức, thiền định, và tuệ giác như La Hầu La vậy.
 
The Buddha as a Parent
by Gil Fronsdal Email