Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

BẢN NĂNG HƯỞNG THỤ


Ai trong chúng ta cũng có sẵn thói quen yêu thích cảm giác dễ chịu và kháng cự lại những cảm giác khó chịu. Đây cũng là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, con người đã nghiệm ra được đâu là con đường đi tới hạnh phúc chân thật. Trên con đường ấy, kẻ lữ hành đôi khi phải chấp nhận những cảm giác khó chịu, phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, tại vì chỉ có cách đó thì những chất liệu tinh anh của con người mới phát tiết ra được. Nói cách khác, một con người hạnh phúc không phải là một con người luôn may mắn, mà ngược lại, đó chính là kẻ có nội lực vững vàng, có khả năng ôm ấp và chuyển hóa mọi đối tượng mọi hoàn cảnh.
    Cố nhiên do cấu trúc tâm sinh lý mỗi người khác nhau nên bản tính cũng khác nhau, điều này ảnh hưởng nhiều  nhất từ di truyền hoặc do môi trường lớn lên. Nhưng phần lớn mọi người đều có khuynh hướng tìm tới sự hưởng thụ, thích được cưng chìu, thích ăn sung mặc sướng, thích là tâm điểm chú ý của kẻ khác, thích được công nhận và khen ngợi ngay từ khi mới bắt đầu trưởng thành. Một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh quá thuận lợi, muốn gì được nấy, sớm có cơ hội bộc lộ tài năng, đi từ thành công này đến thắng lợi khác, tuy nhìn đứa bé ấy có một tương lai xán lạn đang mở ra nhưng trong chiều sâu vẫn thiếu một chất liệu cực kỳ quan trọng. Đó là khả năng chịu đựng những cảm xúc xấu.
    Bởi đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nếu ta không trang bị cho mình một khả năng có thể đối đầu và ứng phó mọi hoàn cảnh, thì sẽ có lúc ta ngã nhào hoặc rơi tỏm vào vực thẳm khổ đau. Và chỉ có những điều bất như ý, những hoàn cảnh trái ngang xảy đến mới giúp cho những phản ứng bảo vệ cái tôi hiện ra, giúp ta tập làm quen với những phiền não trong lòng mình, để ta hiểu và tự học cách chuyển hóa nó. Trong đời sống ta đã từng gặp có những kẻ có đầy quyền lực, danh tiếng, rất đông người ngưỡng mộ, nhưng họ rất dễ bị tự ái, tổn thương, một chút điều bất như ý xảy ra cũng có thể làm cho họ cuống cuồng, đau khổ. Đó là một kẻ yếu đuối, chưa biết cách sống và chưa có vốn sống.
    Ta có thể nhận ra nội lực yếu kém của mình ngay từ thuở nhỏ như không thích chơi các môn thể thao hay các công việc có tính chất vận động nhiều đến tay chân, không thích những người bạn có cá tính tức là họ không theo sở thích của mình, không muốn đến những nơi mà người ta không quý mến mình, không thích làm cái gì có tính chất động não hay tốn nhiều công phu, không hứng thú với những môn học khô khan, không muốn đối diện với chính mình khi gặp khó khăn, không ưa những thực phẩm có tính chất bổ dưỡng nhưng lại không hợp khẩu vị, không thích những lời nói cứng cỏi dù đó là những lời góp ý chân tình, cái gì thích là phải có cho bằng được nhưng lại mau nhàm chán, còn vốn sống thì luôn dừng lại ở kinh nghiệm cũ chứ không chịu cập nhật hay khám phá…
    Vì thiếu hiểu biết nên ta lầm tưởng cứ sống thật với bản năng của mình là được. Nhưng đến khi đối đầu với những trận giông bão lớn lao trong đời, ta mới phát hiện ra mình có quá nhiều lỗ hổng trong hiểu biết. Cái này bằng cấp không thể thay thế được. Vậy đó, ta đã bỏ ra hằng chục năm trời để nhồi nhét kiến thức, mục đích cũng chỉ để kiếm được nhiều tiền hay muốn được công nhận và cho đó là sự nghiệp cả đời người, chứ có mấy ai để ý tới việc nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn. Để rồi một lúc nào đó ta sẵn sàng xô ngã sự nghiệp khổ công gầy dựng ấy, thậm chí ta muốn hủy diệt luôn cả mạng sống của mình chỉ trong một cơn cảm xúc không kềm tỏa được. Dường như con người ngày càng bị cuốn vào vòng hưởng thụ bất tận của một xã hội văn minh, nhưng lại trở nên mờ mịt và bất lực với chính mình hơn bao giờ hết. Đây chính là bi kịch lớn nhất của thời đại.
Giảm phẩm chất đời sống
    Có bao giờ ta tự hỏi mình mỗi khi ta muốn dừng lại một cuộc vui để trở về nhịp sống bình thường, muốn tắt ti vi hay rời internet để đi ngủ sớm, muốn nói cho người kia biết là mình đang rất mệt mỏi nên không thể lắng nghe câu chuyện ấy tiếp tục, muốn nói lời từ chối vì biết nhận công việc này rồi ta sẽ trở nên căng thẳng và đánh mất sự sống của chính mình, muốn đừng trễ hẹn để người kia không than phiền hay coi thường mình nữa, muốn công việc không bị ngâm tới giờ phút cuối rồi mới chịu giải quyết, muốn suy xét tận tường trước khi làm một quyết định… tại sao là một trở ngại quá lớn đối với ta?
    Ngay cả khi ta biết người kia đang rất sai và cần được nhắc nhở hay soi sáng, nhưng ta lại không thể mở lời. Những buổi trưng cầu ý kiến ta biết mình cần nên đóng góp chút kinh nghiệm thành công, nhưng lại lo sợ không được thính chúng ủng hộ. Mỗi khi ta muốn bộc lộ tình cảm hay chia sẻ cho người kia biết những thao thức của mình, nhưng thường dễ bị khựng lại khi thấy bên kia đang hờ hững. Đến khi người kia muốn mời ta ngồi xuống để chấp vấn về những vụng về lầm lỡ của ta vừa qua, thì ta luôn tìm cách tránh né hay phản ứng quyết liệt. Nói chuyện với người ngoài thì lúc nào ta cũng cảm thấy thoải mái và muốn kéo dài câu chuyện, nhưng về lại gia đình thì ta cứ như một tảng băng.
    Tất cả những phản ứng đó ta thường nghĩ là bản năng tự vệ của con người, mỗi người một kiểu sống, nhưng kỳ thực đó là những nút thắc tâm lý rất nguy hại, làm phẩm chất đời sống của chính bản thân ta hay những liên hệ chung quanh ta bị suy giảm rất nhiều. Tên gọi của nó là “nghiện cảm xúc”, hay nói bằng một thái độ phê phán thì đó là tính cách của một kẻ yếu đuối. Dường như đời sống của ta là một chuỗi cảm xúc chập chùng buồn -vui, yêu- ghét, khó chịu- hài lòng, sung sướng- khổ đau, chứ ta chưa bao giờ để cho tâm ý của mình được nghỉ ngơi một cách trọn vẹn. Tâm ý ta chưa từng được thảnh thơi để quan sát vào bất kỳ đối tượng nào cũng không thành kiến, để chiêm nghiệm những chân lý của cuộc sống, để phát triển những phẩm chất quý giá trong tâm hồn.
    Ta nên nhớ bản chất chân thật của hạnh phúc là phải có chất liệu của sự bình an, một trạng thái tâm lý không bị ràng buộc bởi bất kỳ đối tượng giao động nào ở bên ngoài. Hạnh phúc mà không có bình an thì coi chừng đó chỉ là một cơn cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời, nó đến và đi vội vàng như một cơn gió lốc để lại sự xáo trộn và ngỗn ngang trong tâm hồn như một chuyến tàu đêm. Nghĩa là chỉ khi nào ta vượt khỏi sự khống chế của những cơn nghiện cảm xúc, sử dụng nó một cách linh hoạt và tự tại, thì ta mới thiết lập được một đời sống vững vàng và đem lại hạnh phúc thật sự cho kẻ khác.
Từ nương tựa đến hệ lụy
    Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi, do mãi mê trò chuyện nên cậu ta không hay trời đã tối. Người bạn mới thúc giục cậu bé nên về sớm và trao cho cậu một cây đèn. Cậu bé mù tức cười quá, vì đối với cậu ban ngày và ban đêm có khác gì nhau đâu, không hiểu người bạn đưa cây đèn cho mình để làm gì. Người bạn liền giải thích “Anh cầm cây đèn này đi, người ta thấy anh người ta sẽ tránh”. Nghe có lý, cậu bé hoan hỷ cầm cây đèn ra về. Trên đường về cậu bé cứ đưa cây đèn lên và lủi thẳng về phía trước, vì cậu nghĩ hôm nay chắc ai cũng sẽ tránh mình cả, cây đèn sẽ đưa mình về tới nhà an toàn. Được một đoạn đường, bỗng dưng có một người đâm sầm vào cậu và cả hai đều ngã nhào. Bực quá, cậu hét to: “Bộ không thấy câu đèn của tôi sao mà không chịu tránh vậy?”. Người kia cười lớn: “Cây đèn của anh đã tắt lâu rồi anh đui ơi”.
    Tự thân của cậu bé có thể đi đường vào ban đêm theo thói quen đã rèn luyện của mình, nhưng từ khi được trao cây đèn thì cậu lại đánh mất chính mình, đem cả sinh mệnh của mình phó thác cho cây đèn mà thực tế chưa hề thấy được chân tướng của nó. Cây đèn là vật ngoài thân, bản chất của nó là luôn thay đổi, nó có thể hết dầu hoặc bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, nhưng vì bị mù nên cậu bé chỉ biết ra nó qua sự giới thiệu hời hợt của kẻ khác. Cậu bé thật tội nghiệp khi cứ đinh ninh là cây đèn sẽ mãi soi sáng cho mình trên suốt lối về, kết quả là cậu đã ngã một cú đau điếng mà vẫn không rõ nguyên do nên cứ đổ thừa và trách giận kẻ khác.
    Ai trong chúng ta cũng có những cây đèn, nhưng thái độ cầm đèn của mỗi người khác nhau. Có người sử dụng nó như một sự hỗ trợ để thăng hoa phẩm chất đời sống, nhưng có kẻ lại bị kẹt vào cây đèn và trở thành kẻ hệ lụy. Ngay từ vạch xuất phát có thể ta cũng ý thức được tiền bạc, quyền lực hay tình cảm chỉ là tiện nghi của đời sống, nghĩa là nó sẽ làm cho cuộc sống của ta thêm hương vị và trôi chảy. Không ngờ đi được một đoạn đường không xa, ta bỗng phát hiện ra sự nương tựa trong ta đã biến thành thái độ hệ lụy mất rồi. Vì vậy khi những cây đèn của ta bị chao đảo hay vụt tắt thì cuộc đời ta dường như cũng bị chao đảo và muốn tắt lịm theo, ta không còn gì để sống cả.
    Đó cũng là lý do tại sao hiện nay số lượng người tự tử cứ tiếp tục gia tăng, mà phần lớn là những người trẻ, rất thành đạt, rất nổi tiếng, hay ở những quốc gia văn minh cường thịnh. Có thể họ không muốn rời xa cõi đời này nhưng họ đã không còn lối thoát, hoặc cũng có thể họ cho rằng con người và xã hội này quá tồi tệ nên họ phải đi tìm một thế giới khác hẫp dẫn hơn. Nhưng dẫu sao để tìm tới cái chết thì đó vẫn là một quyết định rất khó khăn, rất đau khổ, họ gần như không còn sự lựa chọn nào tốt hơn để giải quyết vấn đề, mà thực chất chính là giải quyết cơn cảm xúc xấu trong họ đang bùng vỡ. Đây là kết quả của đời sống vùi mình vào những cơn cảm xúc đến mức nghiện ngập, để rồi một hôm cây đèn mang tới cảm xúc kia vụt tắt thì cuộc đời họ bỗng trở thành đen tối đến hoang vu.
     Ta hãy nhìn vào cách sống của mình để biết mình có đang hệ lụy vào những cây đèn không? Hãy tưởng tượng cây đèn kia nếu không tồn tại nữa thì ta sẽ ra sao? Và nếu gan dạ thì ta hãy thử tách lìa một thời gian những cây đèn nào mà ta biết rằng mình đang có khuynh hướng vướng kẹt vào nó để xem nội lực của mình còn được bao nhiêu.Ví dụ bạn hãy khóa máy điện thoại trong Nếu tệ, ta vẫn còn  vài hôm thì sẽ hiểu rằng sự hệ lụy đang ở cấp độ nào..?Lúc ấy mới kịp để trở về chăm sóc đời sống tinh thần của mình, vẫn còn kịp để không bị những cây đèn hấp dẫn kia đưa mình vào vũng lầy tăm tối. Nếu thấy khó, ta nên bắt đầu từ những cây đèn nhỏ nhất, tập buông xả những điều kiện tiện nghi dư thừa dù là vật chất hay tình cảm, để thần lực của ta không còn những chỗ tiêu tốn mà chấp nhận quay về.
Mỗi khi phát sinh ý niệm muốn tìm kiếm thêm những cây đèn thì ta hãy tự nhắc nhở mình là có thật sự cần thiết không, mình đã có những cây đèn này chưa, ta có tin rằng khi cầm cây đèn này thì cuộc đời mình sẽ tỏa sáng hơn hay sẽ đưa tới sự ràng buộc? Bằng tâm trạng cô đơn lạc lõng hay tham đắm mà ta quyết định chọn cây đèn ấy tức là ta đã đem cuộc đời của mình ra để làm một chuyến phiêu lưu mạo hiểm rồi. Cho nên vượt qua được bản năng, chiến thắng được những bóng ma trong lòng đích thực là chiến công oanh liệt nhất của con người. Kẻ nào làm chủ được chính mình, biết điều tiết cảm xúc một cách hợp lý, thì kẻ ấy có bản lĩnh đi vào cuộc đời đầy biến động này một cách bất động.
    Thương thay những kẻ vì muốn đem đến cho đời những tuyệt phẩm mà vô tình nuôi lớn những cảm xúc lừng lẫy trong chính mình. Họ đã chấp nhận kiếp tơ tầm vì không thể cưỡng lại niềm đam mê cháy bỏng, nhưng lại cứ lầm tưởng rằng đó là số phận hay vì thương quá cuộc đời này. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng ru mình trong ngậm ngùi “Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình, xin người hãy gọi tên”. Có những lúc con tim lý trí phải đứng lặng câm chào thua những giọt máu cuồng điên, khiến tôi lại đem cuộc đời mình ra rao bán, thì xin những người bạn hãy gọi đúng tên tôi để tôi được thức tỉnh. Ôi con tim xanh xao gầy guộc từ thuở ấy, ta đã chịu dừng lại để mở ra một chân trời bình yên hay vẫn khôn nguôi cuộc dông ruỗi tội tình, chứ cuộc đời nào khẩn thiết gọi tên!
(st)

6 nhận xét:

  1. Con người đánh mất chính mình khi bắt đầu có ý thức, rồi lại từ ý thức con người đi tìm lại mình, một vòng lẩn quẩn... Vấn đề còn lại là có được sự tỉnh thức không thôi, phải không Túy?

    Trả lờiXóa
  2. 100% "Con người đánh mất chính mình khi bắt đầu có ý thức", nhưng chả được mấy người "từ ý thức đi tìm lại mình", đó mới là bi kịch. Vì thế làm sao mà "có được sự tỉnh thức", hu hu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị nghĩ có nhiều người đi tìm chứ em? Có điều là đường nhiều ngã ba quá, nên lạc lối đó thôi! Hihi...

      Xóa
  3. Đúng như rứa chị, tìm thì nhiều mà thấy chẳng bao nhiêu...

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết thật là lắng đọng nói hết cả những đấu tranh để trở thành "người" của một đời người! " Ai trong chúng ta cũng có những cây đèn, nhưng thái độ cầm đèn của mỗi người khác nhau." Thật là sâu sắc lắm thay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, quá trình sống đúng nghĩa đó chính là tự mình thắp sáng cây đèn có sẵn trong ta chị TTM nhỉ.

      Xóa