Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CHUYỆN GÃ CHĂN NGỰA BLOG VĂN CHƯƠNG (Phần II)

Lan man chuyện Quê choa thuở mưa không thuận gió chẳng hòa
http://quechoablog.files.wordpress.com/2011/01/bolap.jpg
“Suốt tháng nay bà con luôn hỏi bọ: bao giờ thì nhà bọ mới mở khoá để bà con vào chơi? Nhiều tin nhắn, email và các cuộc gặp gỡ ngoài đời đã hỏi bọ câu đó. Thực tình bọ cũng không biết nói thế nào...đành phải khóa còm đợi ngày mưa thuận gió hoà.”  (Trích LỜI TRẦN TÌNH CỦA BỌ)
 Xin đọc Phần I ở Quê choa blog.  hoăc ở KênhKiablog

1.  Trong Hợp Tác Xã nơi lão Nập ở, không chỉ có trại ngựa Quê choa mà còn nhiều trang trại khác nuôi đủ thứ từ gia súc trâu, bò, chó, lợn đến gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng; đến cả những động vật nguồn gốc hoang dã gọi là gia…dã khỉ, rắn, nai, hùm.  Đến nỗi, HTX quyết định phải thành lập một hiệp hội của những người chăn nuôi gọi tắt là Hội Súc Dã Cầm có tên giao dịch tiếng Anh là SDC Association do một kẻ vừa giàu vừa có thế lực là lão chủ trại trâu làm chủ tịch Hội.
    Hội viên của Hội Súc Dã Cầm gồm đầy đủ các chủ trang trại trong vùng. Ngay khi có thông báo về việc thành lập Hội, các chủ trại trong vùng đã ùn ùn kéo đến nộp đơn đề đạt nguyện vọng thiết tha xin được gia nhập Hội.
    Chỉ trừ bọ Nập, chủ trang trại ngựa đua Quê choa là kiên quyết không gia nhập Súc Dã Cầm. Lão chủ tịch  Hội đã năm lần bảy lượt gửi giấy mời nhưng bọ Nập dứt khoát từ chối. Tuy cáu tiết lắm nhưng lão chủ trại trâu cũng xuống nước đích thân đến Quê choa chiêu dụ bọ Nập.
     Sau một hồi thao thao về tương lai sáng lạn của Súc Dã Cầm, lão chỉ ra những rủi ro kèm theo cả ngụ ý  đe dọa nếu như trang trại Quê choa không chịu vào khuôn phép. Cuối cùng lão xa xôi rằng sẽ để cho bọ Nập thay cái chân thư kí Hội mà lão chủ trại lợn vốn...ngu như lợn đang giữ. Kết thúc bài thuyết giảng hùng hồn ấy chủ tịch Hội Súc Dã Cầm tự tin hỏi: “Ý ông thế nào, xuôi rồi chứ?”. Câu trả lời của lão chủ trại ngựa Quê choa có lẽ không thể ngắn hơn: “Ẻ quẹt! Choa nỏ vô!”.                                                                                
http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/12/quanglap11.jpg
2.   Năm ấy, trời hành một trận dịch không chỉ lở mồm long móng mà long lở từ đầu đến chân lây lan khủng khiếp trong các trang trại chăn nuôi. Gia súc gia cầm cùng các loại động vật nuôi thi nhau lăn đùng ra chết như ngả rạ. Nhiều trang trại thưa vắng hẳn, chỉ còn lơ thơ vài con vật ngơ ngác chả hiểu bạn bè bỏ đi mô hết.
      Điều kỳ lạ là đám ngựa đua của lão Nập trang trại Quê choa lại chẳng hề hấn gì, ngược lại chúng vẫn cứ khỏe mạnh như...voi. Hàng ngày, từ vươn thở cho đến tận tiếng thơ, từng dòng người nói cười hỉ hả vẫn kìn kìn đổ về Quê choa cho ngựa ăn. Các chủ trại khác vừa lo sốt vó vừa căm tức Quê choa vô cùng.
      Tình hình khẩn cấp đến nỗi  HTX quyết định phải cứu Hội Súc Dã Cầm  bằng cách tổ chức một hội nghị mời các chuyên gia giỏi bàn biện pháp chống lại nạn dịch mà gia súc gia cầm gia dã đang mắc phải gọi tắt là Hội Nghị Mắc Dịch.  Lão chủ tịch Hội và đồng bọn mừng lắm, hạ quyết tâm nhân dịp này phải tìm cách trị bọ Nập và Quê choa cho bỏ tức. Một cuộc họp kín bàn cách triệt hạ Quê choa giữa lão chủ tịch Hội Súc Dã Cầm với đám lâu la diễn ra vô cùng bí mật tại trại trâu.
      Lão chủ tịch và đám tay chân không thể ngờ được rằng toàn bộ cuộc họp ma quỷ này lai bị một điệp viên của Quê choa ghi lại không sót một chi tiết nhỏ nào. Điệp viên này mang bí danh Đ.M178 do cố vấn an ninh của Quê choa là CH30 cài vào SDC từ lâu.
3.   Có lẽ phải mở một cái ngoặc đơn để nói về hai nhân vật đặc biệt này. Trang trại Quê choa có một cố vấn an ninh cực kì lợi hại. Gã vốn là một vị tướng quân đội đã nghỉ hưu. Bà con xứ Quê choa rất kính nể gã và trìu mến gọi gã là Cụ Chánh. Nhưng Cụ Chánh đáng kính của chúng ta lại bị hen kinh niên nên gã chết danh là Chánh Hen. Vì vậy để dễ bề hoạt động bọ Nập đặt cho lão biệt danh CH30. Con số 30 thêm vào đây chả có nghĩa gì, chỉ để cho nó giống…X30 phá lưới thôi. Chánh Tín với Chánh Hen chưa biết mèo nào cắn mĩu nào, he he.
     Thế còn Đ.M178 là ai? Đó là một gã chăn trâu cho chính chủ trại trâu. Điều đáng nói gã này chiếm được lòng tin gần như tuyệt đối của chủ trại trâu do những kinh nghiệm và thành tích chăn trâu tuyệt vời của gã. Chả ai biết tên thật của gã là gì, chỉ biết rằng gã hành nghề chăn trâu và mang luôn cái tên cúng cơm Mục Đồng từ bé. Khắp vùng ai cũng biết tiếng về tài nghệ chăn trâu của gã. Đàn trâu nào mà vào tay gã thì đều béo tốt phương phi và không hề suy suyển một sợi lông. Nghe đâu kiếp trước gã từng chăn...tê giác, nên chuyện chăn trâu đối với gã nhỏ như con...nghé.
     Thực ra thì lúc đầu bọ Nập đặt cho gã biệt danh MĐ178, MĐ là tên còn 178 là tháng sinh năm đẻ của hắn. Nhưng được hai hôm thì hắn tìm bọ Nập mếu máo: “Bọ đặt cho con tên khác đi hu hu, bọn trẻ chăn trâu chúng nó gọi con là Móc Đít ”. Bọ Nập suy nghĩ một hồi rồi quyết định: “Thế thì ta đổi lại là MD178 vậy, cho nó giống tây. Người tây không dùng chữ Đ, chú ưng bụng chưa?”. Mục Đồng sướng rân người, cười tít mắt: “Dạ! Giang hồ đồn bọ văn hay chữ tốt quả không ngoa. Con đội ơn bọ, he he he” .
     Nhưng rồi cũng được đúng hai hôm thì hắn lại tìm đến Quê choa nước mắt lưng tròng. “Chiện gì nữa đây?”, bọ Nập hỏi. “Dạ, thưa bọ bây giờ thì chúng nó lại gọi con là Mò Dái, hu hu”. Bọ Nập bóp trán suy nghĩ hung lắm, cuối cùng chém gió: “Thôi được rồi, đã thế ta đổi chổ cho chữ Đ ra trước. Từ nay chú là ĐM178, nghe vừa ngầu lại vừa mang hơi hưởng...chưởi thề, hề hề”
      Quả nhiên ổn. Không thấy hắn kêu ca than vãn chi nữa, ĐM178! Đáp lại công ơn trời biển của bọ Nập, điệp viên ĐM178 hoạt động rất hăng, cung cấp cho Quê choa biết bao là tin tình báo có giá trị mà đỉnh cao chính là cái thẻ nhớ 14GB ghi lại bằng điện thoại di động đời mới toàn bộ cuộc họp ma quỷ nói trên. Để có được nó, khỏi phải nói ĐM178 đã phải dũng cảm mưu trí, hy sinh gian khổ đến thế nào. Cố vấn an ninh CH30 đã đề đạt với chủ trại Quê choa thưởng cho điệp viên Đ.M178 hẳn một tuần xin nghỉ chăn trâu đi...ngắm sóng ở sông Nhật Lệ.
4.   Tối hôm ấy, tại phòng media của trang trại Quê choa, cố vấn an ninh CH30 cùng bọ Nập dán mắt vào màn hình  nghiên cứu đối tượng rất chăm chú. Tóm tắt diễn biến cuộc họp quái quỷ ấy là thế này. Sau bài mở đầu dài lê thê như trâu đái của lão chủ trại trâu kể về công trạng của lão và thành tích to lớn của Hội Súc Dã Cầm  trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lão quay sang kể tội bọ Nập và trang trại Quê choa là phần tử chậm tiến, lại còn dám coi thường cả Hội Súc Dã Cầm. Cuối cùng, lão đề nghị mọi người hiến kế để dạy cho Quê choa một bài học nhớ đời.
     Chủ trại rắn xung phong trước: “Em đề nghị chúng ta thuê một chiếc xe tải nhân lúc lão Nập ra đường húc cho hắn một nhát là xong.” Chủ tọa - lão chủ trại trâu gạt đi: “Không được! Mày đúng là ác còn  hơn rắn độc! Thằng này rất ít khi ra đường, nếu có ra thì chỉ đi bộ trên lề. Chả nhẽ cho xe tải leo lên lề à? Với lại như thế thì nặng tay quá, ta chỉ định cho nó một bài học thôi mà.”
     Đến lượt lão chủ trại bò: “Hay là ta thuê một bọn côn đồ xông vào trại Quê choa lôi lão Nập ra dần cho một trận? Rồi sau đó...”. Chưa hết câu lão chủ trại trâu đã chặn ngang: "Ngu như bò! Phải có lí gì thì mới xông vào nhà người ta chứ, nó không vi phạm luật, ngựa nó chuyên đua lề phải cơ mà. Với lại, cái ngữ chân vẽ chân xóa như hắn mà thuê cả bọn côn đồ ra tay thì chả đáng mặt anh hào. Chưa kể trang trại của lão luôn có cả trăm người túc trực toàn thứ dữ bảo vệ lão Nập đến cùng. Lạng quạng coi chừng ăn đòn gánh của họ. Tìm cách khác đi.”
    Một cái đít đỏ nhoi lên, thì ra là lão chủ trại khỉ. Lão chậm rãi: “Thưa đại ca, tại sao ta không lợi dụng cái đám người hàng ngày vẫn vào cho ngựa lão Nập ăn cỏ? Ta cử người trà trộn vào mang theo ít cỏ quốc cấm, vài bó cần sa chẳng hạn rồi báo công an đến gô cổ lão lại nhập kho một thời gian cho lão sáng mắt ra. Người vào trang trại lão đông thế làm sao mà lão kiểm soát hết được.”
    Cả Hội khen rối rít hay! hay! Ý kiến hay! Lão chủ trại trâu cũng khen hay! hay! Trò khỉ của mày được lắm, cứ y án thế mà mần.
     Đèn bật sáng, lão Nập mặt tái nhợt, mồ hôi túa ra như tắm thều thào: “Mần răng chừ eng hè?” Cố vấn CH30 mặt lạnh như tiền chẳng biểu lộ một cảm xúc gì, rõ là bản lĩnh cao cường của một cao thủ. Lão lặng lẽ chiêu một ngụm nước tranh thủ uống viên thuốc chống hen rồi thủng thẳng: “Chiện nhỏ như con...nhộng ấy mà, bọ cứ yên tâm đi ngủ đi, choa đã có cách”.
5.   Sáng hôm sau, như thường lệ, mới tinh mơ là hàng đoàn người đã lại tay liềm tay hái, kiũ kịt  gánh, trĩu nặng lòng Quê choa thẳng tiến. Khí thế của họ bị chặn đứng bởi hai cánh cổng sắt của trang trại Quê choa lạnh lùng đóng kín cùng một bảng thông báo rõ to: “Đang có nạn dịch long lở toàn thân lây lan rất kinh. Bọ tạm thời khóa cổng. Mong bà con thông cảm”. Xong om!
     Thiên hạ ra sức gõ cửa, gửi tin nhắn, email, gọi điện thoại...đủ kiểu nhưng hai cánh cổng vẫn không thèm nhúc nhích. Gọi chán không được họ ngồi bệt trước cổng quay ra bàn tán. Quái lạ lâu nay đâu có nghe lão Nập nói gì chuyện dịch dọt đâu nhỉ? Qua lỗ khóa thậm chí vẫn thấy ngựa nhà lão khỏe mạnh cả cơ mà? Hay là tối qua lão đi nhậu về bị ngộ gió không tiếp khách được? Hay là lão đã bán trang trại cho người khác, bỏ nghề nuôi ngựa đua? Hay là...hay là...Thôi thì đủ kiểu đoán già đoán non. Nhiều mụ nạ dòng mau nước mắt ôm đòn gánh khóc hu hu. Có kẻ chép miệng động viên: “Mà chắc là đúng đấy, các mụ nín đi. Không lẽ bọ Nập lại nói dối chúng ta. Chả phải HTX ta sắp tổ chức Hội Nghị Mắc Dịch đấy sao. Thôi bà con ta cứ yên tâm mà về. Đợi xong Hội Nghị, tình hình long lở qua đi chắc bọ Nập lại mở cổng trại thôi.”  
     Mọi người nghe thấy có lí lại lau mồ hôi lục tục ra về, kiũ kịt gánh trĩu nặng lòng. Tuy thế nhưng ngày nào cũng có cả đoàn người tụ tập trước trang trại, mắt lom lom nhìn cánh cánh cổng lạnh lùng mà lòng tràn đầy hi vọng. Nhiều kẻ nhòm qua lỗ khóa ngắm đàn ngựa cho đỡ nhớ rồi cắp nón ra về. Một ngày như mọi ngày.
6.   Lại nói chuyện lão Nập. Sau khi đóng cổng trang trại, lão thấy nhẹ nhõm hẳn. Khỏi phải ngay ngáy lo canh chừng cái “cộng đồng cho ngựa ăn” lúc nào cũng hừng hực như đám kiến lửa. Lão mà không canh kỹ thì không chừng cả ngựa lẫn lão đều cháy ra tro bởi đàn kiến lửa ấy.
     Ăn ngon ngủ yên được đúng hai hôm,  đến hôm thứ ba thì lão bắt đầu thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ một cái gì đó vốn dĩ rất thân quen. Cảm giác giống như một người nghiện thuốc lâu năm nay phải cai, “nhớ gì như nhớ thuốc lào...”, nhạt miệng làm sao, ray rứt làm sao.
     Mà còn hơn cả nhớ thuốc lào ấy chứ, cái “cộng đồng cho ngựa ăn” tuy đầy hỉ nộ ái ố là thế mà đáng yêu làm sao, thân thiết làm sao. Lão đâm nhớ cái tiếng lao xao của những lọn cỏ comments tuy có làm gã mệt đấy nhưng cũng giúp lão bớt đi được cái cảm giác trống trải hàng ngày giữa bốn bức tường vô cảm. Tuyên bố đóng cửa trại cũng đồng nghĩa với việc từ nay lão đơn thương độc mã với bầy ngựa của mình. Thực ra thì lão thừa sức “Cày chuyện xưa, bừa chuyện nay” một mình mà chả cần ai giúp, nhưng “...làm một mình cực thân”, các cụ đã chẳng bảo thế là gì.
     Sau sự cố bọ Nập đóng cửa trang trại, cư dân của Quê choa chạy tứ tán. Họ thừa dịp tạt vào thăm chuồng trại của nhau, những chú ngựa còm của họ bỗng dưng được no cỏ bất ngờ. Có kẻ tức tốc dựng chuồng tình nghĩa rồi “đẻ” vào đấy những chú ngựa con con xinh xinh phần lớn để làm cảnh chứ chả để đua điếc gì. Nhưng cũng nhờ thế mà bà con Quê choa có chổ đi về tám với nhau cho nhẹ bớt gánh, dịu bớt lòng.
    Thế mới thấy, bác Thích Ca có nhọc công khuyên mọi người dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ những dính mắc ở đời mà sống cho bình an tự tại thì cũng còn lâu chúng sinh của ngài mới dẹp bỏ được cái bản năng bầy đàn vốn có. Thưa Phật, giữa cõi đời này, chúng con vẫn còn thấy cô đơn lắm, thấy vẫn còn cần nhau lắm. Một khi cả đến “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” thì cũng xin Đức Thế Tôn thông cảm cho việc chúng con chưa thể trở thành những đệ tử thấu suốt giáo lý của ngài, ít nhất là trong kiếp này, hu hu.
    Ngay cả đến lão Nập, sau khi đóng cửa trại, buồn tình lão cũng tay liềm tay hái nhấc đít đi cắt cỏ cho ngựa hàng xóm ăn.Vốn có tài lại đào hoa lão có khối ả sồn sồn say mê từ thời Quê choa trẩy hội.  Các ả tranh giành nhau chí chóe về chuyện ai là người yêu gã hơn cả. Không những thế các ả còn mang các bộ phận của lão ra bình luận từ mắt, tay, miệng...rồi tổng kết thành vè chép vào sổ tay chuyền nhau đọc: Mắt sát gái/Dái xà nang/Miệng đĩ đàng/Tay Quốc Toản...nghe cứ như kinh nghiệm chọn trâu của Mục Đồng: Sừng cánh ná/Dạ bình vôi/Mắt ốc nhồi/Tai lá mít/Đít lồng bàn..., he he. Có lẽ lão Nập cũng tiếc các mụ nạ dòng này lắm nên rất chăm chỉ xách quần đi rảo chuồng ngựa các mụ, hòng chờ khi mưa thuận gió hòa còn tranh thủ canh tác. Có hôm mới nhọ mặt người, mụ Bạch - một fan cuồng nhiệt của Quê choa-vừa mở cửa dắt ngựa ra đã thấy lão sấn vào đòi bóc tem mụ, he he.
     Nói gì thì nói, ai từng dan díu với Quê choa đều cảm nhận một thời đằm thắm yêu thương biết bao. Người có công gieo cái nhịp cầu thân ái ấy còn là ai khác ngoài lão Nập, ông chủ đáng mến của trang trại Quê choa. Chả biết lão Nập có tâm tư gì không chứ đối với fan Quê choa cái tiếng comments vẫn hoài lao xao trong lòng mọi người. Như lời trần tình của lão, bà con cũng mong đợi cái ngày lại được dịp lũ lượt tay liềm tay hái ca lên khúc khải hoàn nhong nhong ngựa ông đã về  lắm.
    Cứ giả dụ cái ngày ấy không đến nữa thì với một thời Quê choa mưa thuận gió hòa, ếch nhái à uôm, cây trái đâm chồi nảy nụ, chim hót líu lo, cá tôm sung sướng, bà con cũng cám ơn bọ Nập lắm lắm.
    Cái thuận hòa của mưa gió diễn ra khi nào, kéo dài được bao lâu thì còn tùy...trời, nhưng cái thuận hòa của lòng người thì luôn hằn in dấu ấn và hãy còn ngân vang rất lâu, có khi đến tận cuối đời, bọ hè.
photo

06/01/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét