Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CHUYỆN GÃ CHĂN NGỰA BLOG VĂN CHƯƠNG

Nhà văn Nguyễn Quang Lập-gã chăn ngựa blog văn chương.
Chăn ngựa thì liên quan quái gì đến văn chương cơ chứ! Chắc có bác sẽ kêu lên như thế khi đọc cái tiêu đề này.Vâng! Các bác có lí. Nhưng xin hãy bình tĩnh nghe tui giãi bày đôi điều bà con sẽ thấy tui cũng có lí đấy chứ.
 Biết là hôm nay Quê choa blog ẵm ba triệu pv mà suốt buổi sáng không mó tới cái bàn phím được, sốt rọt quá. Chiều nay bèn quyết tâm bỏ Sở sớm kiếm một cái quán net, một ve vang xứ hoa đào, một laptop  vẩn vơ cùng chiếu rượu Quê choa với những hoài niệm buồn vui từ thuở mang…bàn phím đi còm (nghe giống mang gươm đi mở cõi, he he).
Trong cái vẩn vẩn vơ vơ tơ lơ mơ đó bỗng nhiên tui lại thấy công việc của ông chủ chiếu rượu giông giống công việc của…gã chăn ngựa, một kiểu chăn ngựa blog văn chương vô tiền khoáng hậu only in Quêchoa.
Cái trang trại ngựa đua của gã mang tên Quêchoa với nhiều chuồng mang các tên rất mỹ miều:  “Viết về tôi”; “chuyện cuối tuần”; “nghĩ ngợi linh tinh”… Chủ trang trại là lão Nguyễn Quang Nập, tục gọi là bọ Nập. Ngựa trong các chuồng có thể được gã chủ tuyển đâu đó về hoặc do chính gã “đẻ” ra. Vì đặt dưới sự quản lí của Hợp tác xã “Lề Phải” nên cái đặc biệt của giống ngựa đua trang trại Quê choa là chúng sinh ra chỉ để đua ở…lề đường bên phải. Không biết có phải vì thế không mà ông Trời lại cũng bắt tội gã bên tươi bên héo, gã cũng chỉ lành lặn mỗi bên phải. Nếu quả thế thì cái gã phù phiếm mang tên là Trời kia đã quá nhẫn tâm và bất công.
Mang tiếng chăn ngựa nhưng chả bao giờ gã phải cho ngựa ăn. Thiên hạ, vốn yêu mến ông chủ trang trại cùng những chú ngựa đua của gã, cộng thêm chút máu đỏ đen trên các sới đua nên tập trung về hỗ trợ gã nuôi ngựa. Lập trang trại chưa được bao lâu mà thống kê cho thấy đã có hơn ba triệu lượt người mang cỏ tới cho ngựa gã ăn. Kinh!
Mà cái chuyện cho ngựa ăn cũng đâu có đơn giản. Mọi người phải kê khai sơ yếu lí lịch hay chí ít cũng phải để lại một cái nickname cùng địa chỉ email mới có thể đút cỏ vào mõm ngựa nhà lão được. Chả thế mà đa số họ toàn dân sĩ trí thức học hành tử tế ăn nên làm ra cả. Quá nể.
Một đôi ngày, chọn lúc đẹp trời gã lại quẳng ra cánh đồng blog một con ngựa. Chỉ chờ có thế, bà con xa gần mỗi người sẵn một bó cỏ trên tay rùng rùng kéo tới cứ thế mà xúm vào đút cho ngựa ăn rất nhiệt tình. Thôi thì đủ các loại cỏ từ khắp mọi miền trong  nước và cả trên thế giới với đủ mọi loại hương sắc mùi vị. Bó cỏ nào được ông chủ trại cho một lời bình phẩm hay khen ngợi thì chủ nhân của nó sướng củ tỉ, lòng tràn đầy quyết tâm bận sau phải kiếm cho bằng được một bó cỏ chất lượng cao hơn.
Gã chủ trại sau khi thả ngựa ra rồi thì trải chiếu bày rượu thịt chó ra ngồi lai rai, mắt thì lom lom canh chừng. Tuy nhiên chả phải gã canh chừng chú ngựa mà lại canh chừng…chính những người cho ngựa ăn. Chả là gã sợ có kẻ hứng chí đút cho ngựa gã ăn phải thứ cỏ dơ hay cỏ nhiễm độc. Ngoài ra ngựa của lão là ngựa XHCN chuyên đua lề phải, lỡ có kẻ “phản động” nào cho ăn phải thứ cỏ Tư bản làm lũ ngựa lăn đùng ra giãy chết thì bỏ mẹ. HTX sẽ không để gã yên thân, nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì dẹp luôn trại ngựa của gã, thậm chí nếu cần HTX cũng thừa sức phanh thây gã như phanh thây một con ngựa. Chả thế mà ngay từ cửa trang trại gã đã treo một cái biển rõ to cảnh báo những thứ cỏ cấm không được mang cho ngựa gã ăn.
Như một xã hội thu nhỏ, “cộng đồng cho ngựa ăn” xuất thân từ nhiều tầng lớp, nhiều nghề nghiệp, nhiều tính cách, nhiều lứa tuổi…, có người mới gia nhập cộng đồng không bao lâu nhưng cũng có người có thâm niên cho ngựa ăn tới dăm bảy năm là ít. Cái cộng đồng cho ngựa ăn ấy thế mà vui đáo để. Đút cho ngựa ăn rồi họ quay ra trò chuyện, tán tỉnh nhau rôm rả như trẩy hội. Nhờ cho ngựa ăn mà họ có thêm được bạn mới, thậm chí họ còn gán vợ ghép chồng với nhau rồi thì giận hờn, ghen tuông …đủ cả, vui hơn tết. Có người còn tranh thủ dắt theo cả con ngựa con thế mà lại cũng có khi no cỏ, lại còn được chủ trại tuyển luôn vào chuồng của gã làm ngựa đua thế mới tài! Trừ một số kẻ chầu rìa chỉ thích vòng tay đứng ngó; một số khác (thường là các bác đứng tuổi) có phong thái từ tốn, đạo mạo hoặc do tuổi cao sức yếu không thích cảnh chen lấn đám đông nên đôi khi mang cỏ đến rồi lại ngậm ngùi mang về vứt cho con ngựa già ở nhà nó nhai rồi thẫn thờ ngồi ngạch cửa chiêm nghiệm về cái văn hóa cho ngựa ăn mà thấy cuộc đời sao còn lắm nỗi xô bồ quá thể…Chả thế mà thỉnh thoảng bà con cộng đồng lại phát hiện thiếu vắng đi đâu một số thành viên đáng kính đã rất thân quen với cộng đồng như các bác anmo, nguoilangcom…
Đông đúc thế nhưng đừng hòng có kẻ nào tìm cách phá bĩnh được đấy nhé. Chỉ cần có ai đó tòi ra mớ cỏ vớ vẫn nào đấy là bị bà con xúm vào chỉ mặt liền. Tui nhớ trường hợp một thành viên có cái nick rất dễ thương: Thanh Trà. Không hiểu sao tui cứ đinh ninh  đây là một nàng con gái Huế, không chỉ vì xứ Thần Kinh có thứ bưởi nổi tiếng mang tên Thanh trà mà còn vì những bó cỏ còm rất nết na thùy mị của nàng nữa. Thế mà chỉ một lần nàng lỡ miệng gọi cộng đồng này là “đàn cừu” mà bị  thiên hạ xúm vào “chơi” hội đồng làm nàng chạy biến đi đâu mất cả dép. Ôi! Thanh Trà nàng ơi! “Đàn cừu” đã hại nàng, chữ nghĩa đã hại nàng. Nàng đang ở phương trời nao? Ta vẫn nhớ thương lắm hương vị thơm ngon của múi bưởi Thanh trà xứ Huế.
Chả biết cái trang trại ngựa của gã Bật Mã Ôn thời a còng này sẽ còn tồn tại được bao lâu. Chỉ biết là gã chủ trại đã có vẻ mệt mỏi lắm rồi. Bằng chứng là thời còn chăn thả bên mạn yahoo, gã rất sốt sắng quan tâm đến từng người, bình phẩm chu đáo đến từng lọn cỏ. Kể từ ngày chuyển sang cánh đồng wordpress có lần gã kêu đọa rồi, chỉ đủ sức để ý đến cỏ cho ngựa của chính gã nhân giống ra thôi. Chuyện ấy cũng chỉ xảy ra một thời gian ngắn. Đến nay thì chỉ thi thoảng gã mới thều thào đôi lời xét thấy cần thiết cho bất kể cỏ nào ngựa nào.
Mà gã mệt mỏi cũng phải thôi. Chưa kể gã đã ở cái tuổi tri thiên mệnh thì thực ra chăn nuôi ngựa blog đâu phải là công việc chính của gã. Như có lần gã tâm sự, đây chẳng qua là kết quả mà con gái gã hướng nghiệp cho bố hầu tránh để cho bố hay tụ bạ ăn nhậu, nghĩ quẩn rồi hư người thôi. Với lại, không mệt mỏi sao được khi trong trò chơi này (chính xác là thế) gã đã chẳng quy ra thóc được bao nhiêu để nuôi vợ con mà trái lại còn phải hàng ngày lo canh chừng bao nhiêu thứ, kể cả cái búa của HTX luôn treo lơ lửng trên đầu.
Công bằng mà nói gã cũng có thêm nhiều bạn bè, nhiều người thương quý từ cái trại ngựa văn chương này. Nhưng than ôi! Cuộc sống vẫn trần trụi với những nhu cầu rất thực của nó mà gã phải đối diện. “Có thực mời vực được đạo”, các cụ đã chẳng bảo thế.
Cứ vận cái lẽ vô thường của bác Thích Ca ra mà quán chiếu thì sẽ thấy có cả ngàn lẻ một lí do để cái trang trại ngựa –văn chương này cũng không thoát khỏi quy luật sinh diệt vô thường như vạn pháp. Năm năm, mười năm, hoặc lâu hơn nữa…, nhưng chắc chắn đến một lúc nào đó, trang trại ngựa-chiếu rượu Quê choa nổi tiếng rồi cũng sẽ chỉ còn được nhắc đến trong các câu chuyện kể. Ai cũng biết thế cộng đồng cho ngựa ăn biết thế, gã chủ trại cũng biết thế. Nhưng thôi, đó là chuyện tương lai mịt mờ. Bác Thích Ca cũng chỉ khuyên mọi người hãy biết thưởng thức cho trọn vẹn phút giây hiện tại cơ mà.
Mà hiện tại thì đang có hơn ba triệu người khắp thế giới đến thăm trang trại ngựa của bọ Nập; hiện tại thì mọi người đều thông cảm và yêu mến lão chủ trại, chẳng ai trách móc hay đòi hỏi ở lão điều gì, mà lão đối với mọi người trong cộng đồng hình như cũng thế. Còn gì bằng?
Thiên hạ vẫn đang sẵn sàng bó cỏ trong tay, sẵn sàng xúm tới cho chú ngựa đua lề phải của bọ Nập ăn rồi quay ra tán tỉnh nhau rôm rả. Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao!
Nhong nhong ngựa ông đã về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét