KỶ NIỆM 35 NĂM NGHĨA DŨNG KARATEDO
Tình
cờ thế nào mà cả cửa sổ phòng làm việc và phòng tập của mình đều hướng về phía
ngọn LangBiang. Đã không biết bao lần trong vô thức cũng như hữu thức mình
chiêm ngắm ngọn “núi đôi” huyền thoại miền Tây nguyên này và phát hiện ra rằng
hình ảnh LangBiang không lần nào giống lần nào. Dưới cái nắng vàng cao nguyên
thì LangBiang hiện rõ mồn một tươi tắn như một tiếng reo vui hạnh phúc; Những
sớm mai ngọn núi được bao quanh bằng một màng mây mỏng manh huyền ảo như ở chốn
bồng lai; Trong màn mưa giăng thì ngọn núi vẫn thẫm xanhmột màu mà nhà thơ Lâm
Thị Mỹ Dạ từng thốt lên “Ôi màu xanh, màu xanh, màu xanh/ Thắm trong mưa màu
xanh kỳ lạ quá” …Và, trong rất nhiều lần tình tự với LangBiang như thế, tâm
tưởng mình thường quay về với Bạch Mã, ngọn núi mà bất cứ ai từng là võ sinh Karatedo
võ đường Nghĩa Dũng – Huế không thể nào không biết đến.
Lí
thuyết nhà Phật bảo rằng mọi thứ trên đời này là do tương duyên, tương hợp mà
thành, còn thành ra cái tốt hay xấu còn tùy vào nghiệp căn, nghiệp lực của vạn
pháp. Mình tin rằng đã có một cơ duyên tuyệt vời đưa mình đến với Võ đường Nghĩa Dũng
Karatedo, cơ duyên ấy rọi cho mình chút ánh sáng hiểu biết để mình yên tâm bước
đi giữa đời.
ĐƯỜNG LÊN BẠCH MÃ
̃Nhìn từ đỉnh Bạch Mã
Bạch
Mã là một ngọn núi ở phía nam Huế cao
gấp ba đèo Hải vân. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút ký “Ngọn núi ảo
ảnh” thì những người già vùng Cầu Hai nói rằng ngày xưa khi đi rừng, người ta
thường gặp tiên ngồi đánh cờ. Ngựa của tiên mải đi ăn ở đồng cỏ xa, khi trở lại
thì tiên đã bay về trời. Ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng.
Núi mang tên Bạch Mã là do vậy, nhìn từ xa đỉnh núi tựa như một chú ngựa trắng khổng lồ đang
tung bờm phi về hướng đông.
Ngoài mọi điều đã nói, Bạch Mã còn là
biểu trưng của Nghĩa Dũng Katatedo, vì vậy đối với chúng tôi, những môn sinh
của võ đường Nghĩa Dũng, ngọn núi này còn mang một ý nghĩa tâm linh mà nói như
nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “…Họ theo sư
phụ lên
Bạch Mã để ôn luyện võ thuật nhưng chủ yếu là để tu dưỡng tâm pháp được truyền
dạy rằng học võ thuật là để không bao giờ cần sử dụng bạo lực. Hoá ra là thế,
những giá trị tâm linh bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao”. Ngày
ghi danh vào võ đường Nghĩa Dũng hẳn ai cũng mơ được một lần “theo sư
phụ lên
Bạch Mã”.
Mình
mê võ từ hồi còn bé tí. Tuy nhiên, thời ấy ở một làng quê nhỏ bé bên Sông Gianh Quảng Bình kiếm đâu ra
một nơi để tập. Đành gửi gắm đam mê của mình vào mấy bụi chuối, gốc cây, đụn
rơm trong vườn nhà mà kết quả thường là bươu đầu mẻ trán và đôi khi kết thúc
bằng một trận lôi đình của mạ. Cũng vì thế mà đến cái thời sinh viên Sư phạm
vào Huế học đầu thập niên 1980 mình bị choáng vì nhiều lò võ quá, cảm giác
giống như một người đói lâu ngày nay bỗng ngồi vào một bữa tiệc đầy sơn hào hải
vị chẳng biết nên bắt đầu bằng món nào. Sau một tuần đạp xe lang thang đi xem
các lớp tập Judo, Taekwondo, Thiếu lâm, Hầu quyền…mình bị hút hồn bởi lò
Karatédo của Thầy Nguyễn Văn Dũng (đường Trương Định) Huế. Đến giờ mình
vẫn còn nhớ cái cảm giác đầy ngưỡng mộ khi đứng dán mắt qua những cái cửa tò vò
nhỏ xíu say sưa quan sát những môn sinh Karatedo trong bộ kimono trắng đẫm mồ
hôi tung quyền múa cước cùng những tiếng thét kiai dũng mãnh. Mình đã trở
thành một võ sinh Karatedo Nghĩa Dũng đường ngay sau hôm đó.
Không
biết bao nhiêu là vất vả, không biết bao nhiêu là mồ hôi và cả máu đã đổ ra qua
những ngày tháng trui rèn Không Thủ Đạo. Nhìn lại cái thời “máu lửa” ấy mình
nhận ra rằng, nếu không có được lòng đam mê cùng quyết tâm sắt đá thì mình khó
lòng mà vượt qua những khó khăn cả về vật chất và tinh thần vào cái thời mà cả
dân tộc cùng đói khổ ấy. Và vì thế mình cảm thấy biết ơn chính mình, biết ơn
những tháng ngày lăn lộn với Karatedo cùng võ đường Nghĩa Dũng. Nhờ những vết
thương rỉ máu ấy mà tinh thần cao đẹp của võ đạo Karatedo đã kết tinh như một
viên ngọc sáng ngời giúp mình bước những bước đi vững chãi và bình an giữa đời.
Bài học quý giá nhất mình rút ra từ đó là muốn làm được một việc gì gọi
là có ý nghĩa ở đời phải quyết tâm đến tận cùng và phải tập trung
vào công việc với một ý chí cao độ, không bao giờ lui bước.
Thế
rồi thời sinh viên cũng qua đi, mình thi huyền đai mấy tháng trước khi
tốt nghiệp đại học. Ngày được
Thầy mang huyền đai mình hạnh phúc lắm. Mà không hạnh phúc sao được
khi mang đai đen là mơ ước của bất cứ ai tập Karatedo. Với lại lớp
Karatedo của mình lúc khai giảng khoảng 120 đứa toàn là sinh viên các
trường đại học ở Huế khí thế lắm vậy mà chỉ còn duy nhất mình lên tới
đại đen. Vui lắm, tự hào lắm! Hành trang đi làm thầy của mình ngoài
mảnh bằng tốt nghiệp đại học sư phạm Huế là cái Chứng thư huyền đai
của hệ phái Suzucho Karatedo, Phân đường Nghĩa Dũng.
Bốn năm trên ghế trường Đại học Sư phạm
giúp cho mình những kiến thức, những kỷ năng làm người giáo viên đi truyền thụ
những tri thức tiền nhân để lại cho học sinh. Cũng ngần ấy thời gian, việc
luyện rèn Không thủ đạo với võ đường Nghĩa Dũng cung cấp cho mình những yếu quyết
để biết hướng đời mình theo con đường Chân-Thiện-Mỹ, để không ngừng hoàn thiện
chính mình. Mảnh bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mang dấu ấn của những tháng
năm gian khổ dùi mài kinh sử trên ghế giảng đường. Trong khi cái Chứng thư
huyền đai nhắc nhớ mình về tình nghĩa thắm thiết vững bền giữa Thầy –Trò,
Huynh – Đệ. Phải thế chăng mà mình luôn
cảm thấy rằng trên mỗi bước đi của cuộc đời, mình vẫn luôn được nâng đỡ, luôn
tìm thấy một chổ dựa tin cậy nơi một võ đường mà bất kỳ ai từ đó ra đi đều mang
theo sự vững chãi, đều hướng tâm thức của mình về ngọn núi tâm linh Bạch Mã.
Nơi đó, nói như Sư huynh Lê Thanh Phong trong bút kí Tâm thức núi, đã
“…giúp tôi hình thành một nhân cách để bước vào đời.”.
ĐẾN VỚI LANG BIANG
Ngày đầu của Karatedo Lâm Đồng
Có
giàu tưởng tượng lắm thì mình cũng không nghĩ là có ngày mình lại
làm thầy dạy võ trên xứ hoa đào này. Năm 1985 mình trở thành thầy giáo
ở một trường trung học vùng ven Đà Lạt thì năm 1986 lớp Karatedo đầu
tiên ra đời với chỉ chục võ sinh. Khỏi phải nói tới những khó khăn thử thách lúc
đầu mà mình gặp phải khi một thân một mình nơi xứ lạ này, chỉ biết rằng nếu
thiếu sự vững vàng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời và đầy hiệu quả của Thầy và
huynh đệ thì có lẽ mình đã buông xuôi và trở thành kẻ có lỗi với Thầy, với Karatedo
Lâm Đồng. Thế rồi từ đốm lửa Karatedo nhỏ nhoi đầu tiên ấy phong trào ngày một
phát triển với số võ sinh lúc đông nhất lên tới hàng trăm. Đến nay, thì
các câu lạc bộ Karatedo đã xuất hiện trong hầu hết các địa phương của
tỉnh Lâm Đồng với khoảng 500 võ sinh luyện tập thương xuyên, tạo được
chổ đứng khá vững chắc trong làng võ thuật Lâm Đồng. Đã có cả ngàn võ sinh
được mang Huyền đai Karatedo qua 19 kì thi huyền đai nâng đẳng kể từ
lần thi đầu tiên năm 1990, trong đó có võ sinh dự thi Tứ đẳng được
Thầy đánh giá là xuất sắc.
Lâm Đồng cũng từng là địa phương có
mặt sớm trong các giải Karate quốc gia. Kể từ giải Hữu nghị quốc gia
tại Hà Nội năm 1989 và sau đó là các giải vô địch quốc gia với
nhiều võ sinh đoạt huy chương quốc gia, trong đó có cả huy chương vàng.
Năm 2001, tại Thành phố Hồ Chí Minh vận động viên Nguyễn Thị Kim Lan
được phong kiện tướng quốc gia sau khi giành Huy chương vàng vô địch
tuyệt đối.
Quan
tâm đến việc phát triển phong trào và thành tích nâng cao nhưng Hội karatedo
Lâm Đồng cũng chú ý đến các hoạt động xã hội từ thiện. Như truyền
thống của võ đường Nghĩa Dũng, Hội karatedo Lâm Đồng coi các hoạt
động xã hội từ thiện như một phương cách giáo dục võ sinh tinh thần
tương thân tương ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Với
một Hội quần chúng nhỏ nhưng Karatedo Lâm Đồng đã quyên góp được nhiều
triệu đồng cùng với áo quần, sách vở cho công tác từ thiện. Đó tuy
chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi nhưng đã làm nên bản sắc riêng của
làng Không thủ đạo nơi xứ cao nguyên LangBiang này.
Sẽ là thiếu
sót nếu chưa nhắc tới các sư huynh đã cùng góp phần xây dựng nền
móng cho Karatedo Lâm Đồng. Năm 1990, sau một chương trình biểu diễn hoành
tráng ra mắt môn phái Karatedo trong làng võ Lâm Đồng tại thao trường Lâm Viên
Đà Lạt do các “cao thủ” từ Huế vào phụ trách, nhiều nam thanh nữ tú phố núi kéo
nhau đi ghi danh học Karatedo. Một cao thủ trong đội hình biểu diễn, anh Lê
Vĩnh Đắc, tình nguyện ở lại với xứ hoa làm huấn luyện viên Karatedo. Đòn thế
sắc sảo, tấn pháp vững chắc của anh đã thực sự chinh phục được nhiều trang hảo
hớn cao nguyên mà ngay từ lần đầu bước chân vào phòng tập vẫn còn vấn vương đôi
chút nghi hoặc với những chàng trai xứ Huế trông có vẻ “văn” hơn là “võ”. Vì
thế mà không có gì lạ khi dưới tay anh Đắc, nhiều võ sinh, huấn luyện viên ưu
tú được đào tạo.
Cũng năm đó, chàng lãng tử Lê Thanh
Phong đắm say với nét duyên Đà Lạt cũng quyết tâm ta bà lên Nam Tây nguyên “làm
một cuộc vong thân của những gã Lưu Nguyễn thời hiện đại”. Chẳng bao lâu sau đó
chàng trở thành sinh viên Đại Học Đà Lạt với đầu vào thủ khoa khoa văn. Những
năm chàng là sinh viên, có một hình ảnh độc đáo thế này, ban ngày cùng với bạn
bè đồng môn, có một anh sinh viên tên Phong mang cặp lên giảng đường cúi đầu
trước các “sư phụ” khoa văn trường Đại Học Đà Lạt tiếp thu những tinh hoa văn
chương của nhân loại để rồi cứ mỗi chiều chiều nhiều “sư phụ” văn chương và cả
bạn đồng môn văn khoa lại khoác kimono trắng ra sân kiên trì theo “sư phụ” không
thủ đạo Lê Thanh Phong từ bài Téwaza 1. Phải chứng kiến cảnh một dojo trắng xóa
võ phục dưới những tán thông xanh mát cao nguyên, ở đó có anh sinh viên đang
hướng dẫn thầy bạn mình tung quyền múa cước mới thấy cuộc sống sao có những lúc
đẹp đẽ, chân thực và lãng mạn đến nao lòng. Dan díu với những nàng kiều Đà Lạt có
“đôi môi dâu, đôi má hồng đào” chỉ chừng dăm năm thì chàng phải dứt áo ra đi về
Thành Phố Hồ Chí Minh, tiếp tục cái hành trình bất tận của đời người. Nhưng may
quá, cái linh khí của núi rừng Bạch Mã, cái thanh thoát lãng mạn của xứ cao
nguyên LangBiang đã giúp chàng có được thiên bút kí Nghĩa Dũng để đời đẹp như
bức tranh: Tâm thức núi . Mình vẫn
xem Tâm thức núi như là tuyên ngôn
của võ đường Nghĩa Dũng. Đọc nó không hiểu sao mình cứ hình dung ra một cái
cổng chào. Một cái cổng kết đầy hoa đỗ quyên rừng Bạch Mã “không đón đưa mà
cũng chẳng đợi chờ”. Cái cổng ấy dẫn đến một chốn yên vui mang tên Nghĩa Dũng
đường Không thủ đạo. Ở đó, nói như Lê Thanh Phong “…là máu thịt của tình đồng
môn, nghĩa thầy trò, là bao ý tưởng đẹp dung dị” - những viên kim cương nghĩa
tình đang ngày một hiếm đi giữa lòng nhân loại.
CON ĐƯỜNG KHÔNG THỦ
Đường lên LangBiang
Ngày
xưa khi muốn học được một điều gì đó là cao đẹp, là thần thông vi diệu ở đời,
người ta thường phải “lên núi”. Những tiên ông đạo mạo cốt cách hơn người,
những bậc thức giả đạt đạo chỉ tìm được trên những ngọn núi cao chứ khó tìm ra
giữa cõi nhân gian đầy ô trọc. Lịch sử dân tộc từng ghi dấu son chói lọi muôn
đời khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để lên núi trở thành Phật hoàng
Trần Nhân Tông khai sinh một dòng thiền Trúc Lâm độc đáo Việt Nam để con cháu
mai sau còn biết ngưỡng vọng về núi thiêng Yên Tử. Thế rồi, sau khi khổ luyện thành tài, những
đệ tử sẽ được sư phụ cho xuống núi hành hiệp, mang những gì là tinh túy học
được từ núi cao ra giúp đời, độ thế.
Chuyện
ngày xưa vẫn thường đẹp như cổ tích. Nhưng bao giờ cho tới…ngày xưa. Chúng tôi,
những môn sinh của võ đường Karatedo Nghĩa Dũng không phải lên núi tìm thầy.
Chúng tôi luyện tập Karate ngay giữa phố thị ồn ào náo nhiệt. Nhưng may thay, chúng
tôi luôn “hàm dưỡng nhân cách và lý tưởng hành thế” dưới bóng dáng tự tại ung
của những ngọn núi . Phải thế chăng mà mỗi khi “xuống núi” hòa vào cuộc mưu
sinh tất bật chúng tôi vẫn mang trong tâm tưởng cái dáng vẻ sừng sững của nó
như một chổ dựa vững chắc, như một nơi chốn để vọng về.
Rời
xa võ đường vừa tròn hai mươi lăm năm, mình lấy làm tự hào là người đã mang hạt
giống Karatedo Nghĩa Dũng đi gieo trồng trên mảnh đất Tây nguyên này. Không
những thế, hạt giống ấy đã phát triển một cách vững chắc giữa núi rừng Lang
Biang, khiêm tốn đóng góp với đời những
hoa trái ngọt lành trong vườn hoa nhân loại mênh mông. Đồng hành với những bước
đường tạm gọi là thành công ấy luôn có
bóng dáng một ngọn núi nữa luôn uy nghi trong mình, đó không phải là ai khác ngoài
Thầy mình – võ sư Nguyễn Văn Dũng – một ngọn núi bằng xương bằng thịt, linh hồn
của Nghĩa Dũng đường Không thủ đạo.
Huyền thoại Langbiang kể rằng: Ngày xưa
tại vùng núi này, có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương
người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng
Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ
trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang
hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré...thành chung một dân tộc
K'Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Mộ hai
người dần trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn
núi này là núi LangBiang. Một câu chuyện
tình thật đẹp và cảm động. Hình như nơi những đỉnh núi cao bao giờ cũng dành
cho cái đẹp, cái cao thượng. Thật là một
tình cờ đầy may mắn khi mình rời xa một ngọn núi-Bạch Mã thì đã lại đứng bên chân một ngọn núi
khác-LangBiang. Mình có đọc ở đâu đó câu “Vinh
quang sẽ chạy trốn những ai định giành nó bằng nhưng phương tiện thấp hèn”,
cám ơn lắm những ngọn núi ở đời, những ngọn núi đủ sức lay động mình, đủ sức
cảm hóa mình để mình nhận ra rằng: dù mình chẳng định giành một vinh quang nào
nhưng chắc chắn mình sẽ không bước đi trong đời bằng đôi chân thấp hèn. ******
Chiều
nay sau một cơn mưa vừa tạnh, nhìn lên ngọn núi LangBiang huyền ảo với những
quầng mây trắng bao quanh. Đột nhiên mình thấy quầng mây ấy mang bóng dáng một
con ngựa, một con Ngựa Trắng đang mang trên mình nó chàng Lang và nàng Biang
trông họ vô cùng hạnh phúc cùng chú ngựa êm ái của mình đang tung vó lên cao, cao
mãi…
Hôm sinh nhật thầy Dũng được gặp thầy. Bây giờ đọc được bài viết của thầy. Bài viết sâu sắc quá! Hi vọng em có thể gặp thầy lần nữa. Lần này hi vọng được ngồi đàm đạo với thầy.
Trả lờiXóaChào onlylove_eagle, có dịp lên Dalat thì alo nhá, chúc vui!
XóaHiHi...
Trả lờiXóaChàng Túy nhà mình đang cho "núi liền núi, sông liền sông" ha?
Vâng chị ạ, nói chung thì liền lại vẫn hay hơn là chia ly, hi hi...
Xóa