Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

BA LẦN TÁN GÁI

Thương mến tặng tuổi thơ tôi và bè bạn.
 Nghe cứ như chiện Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh trong Tây du ký vậy, nhưng đó là một kỷ niệm lạ lùng của mình trong tình trường, khi lần đầu tiên trong đời mình biết đu đưa với giống cái.
Trẻ con bây giờ mới tiểu học đã biết gán ghép cặp đôi, dấm dúi thư tình, chát chít…đủ thứ cả. Chả bù cho mình thời trẻ con, gần cuối cấp hai vẫn chỉ là một thằng cu ngờ nghệch, chả có một tí lưu luyến nào với đám con gái tóc dài tai ngắn cả.
Mãi đến lớp bảy là lớp cuối cấp hai thì hình như cái thằng con trai trong mình mới chịu ngóc đầu dậy, mình bắt đầu nhận ra và bị quyến rũ bởi mùi hương con gái. Một đôi dép nhựa cao gót, cái áo pô-pơ-lin trắng có thắt eo, một mái tóc đen dài, bộ ngực chum chúm chũm cau… cái gì của chúng nó cũng thấy hay hay.
Hay thì muốn thử. Khổ thế. Đấy có lẽ là một trong những tính cách vừa nguy hiểm vừa đáng yêu nhất của con người, bất kể là giống đực hay giống cái, mình tin thế. Lớp mình hồi đó có con Chanh rất xinh, lại cùng tổ với mình. Thực ra thì thời ấy thì mình nào có biết thế nào là xinh với xẻo, chỉ thấy thinh thích, thấy nhiều đứa cùng thích thì gọi là xinh, thế thôi, hi hi. Bây giờ ngồi mường tượng lại em thì mới thấy quả là con Chanh xinh thật: khuôn mặt trái xoan trắng trẻo nổi bật với cái miệng rất tươi, cái mũi dọc dừa và đôi mắt lúc nào cũng  như  đang cười. Nàng lại có cả một mái tóc đen dài lúc nào cũng thơm mùi lá hương nhu thoang thoảng …Năm lớp bảy, chổ ngồi của mình  ngay sau nàng, vì thế hàng ngày ngồi học, đập vào mắt mình luôn là cái lưng của nàng. Đến giờ mình con nhớ rất rõ một bờ vai gầy, một tấm lưng thon với mái tóc đen nhánh thoảng mùi hương nhu lúc nào cũng được kẹp gọn gàng với cái kẹp inox sáng loáng.
Phía sau cái lưng nhỏ nhắn có lọn tóc thoả thuê tung tăng ấy mình ngồi nghĩ cách “tán tỉnh” em bằng cái vốn văn hoá của một thằng cu lớn lên như cỏ cây  bên bờ sông Gianh thơ mộng, chẳng có tí dấu ấn nào của sách vở,  chẳng có tí dấu ấn nào của cái gọi là “giáo dục” do một thứ nhân loại vớ vẩn gọi là người lớn áp đặt.
Cuối cùng thì thời cơ cũng đã đến. Hôm ấy đến lượt tổ của mình trực nhật, con Chanh xung phong mang thau, chả là thời ấy tổ trực phải mang thau lên múc nước đặt lên cái giá gỗ cho các thày cô rửa tay. Tan học, mình quyết định “tấn công” nàng bằng cái việc quái gỡ là giằng lấy cái thau xách ra sân làm quả bóng đá với mấy thằng bạn. Con Chanh đuổi theo mãi mà chẳng tài nào lấy lại được cái thau. Mấy thằng trời đánh chỉ chịu dừng lại khi con Chanh bắt đầu mếu máo “đồ ác” rồi nước mắt lã chã rơi. Cho đến lúc ấy thì cái thau men Trung Quốc rất đẹp bị tróc men loang lỗ không còn ra cái thể thống gì nữa. Mình về nhà trong tâm trạng hả hê của kẻ “chiến thắng”, nào có ngờ con Chanh đã nhanh chân mang cái thau về ăn vạ với mạ mình, kết quả là mình bị mạ dần cho một trận nên thân. Chưa hết, mạ mình lại còn phải mang cái thau lên tận nhà con Chanh xin lỗi bố mẹ nó vì thằng con ngỗ nghịch.
Hôm sau lên lớp,  mình chẳng giận con Chanh tí nào, lại chỉ lo nó giận mình. Những chuyện nghịch ngợm rồi bị trừng phạt đối với mình đã như cơm bữa, cả ở trường và ở nhà,  quá quen rồi, chỉ lo không biết con Chanh có bị bố nó đánh đòn không. Bố nó nổi tiếng là rất nghiêm khắc, mấy năm học cấp hai chưa thằng nào dám bén mảng đến nhà nó cũng chỉ vì ngán bố nó.  Hình như con Chanh cũng hối hận hay sao ấy, nó len lét nhìn trộm mình. Cái nhìn lạ lắm, trong đôi mắt biết cười ấy ánh lên một chút trách móc, một chút buồn. Chính cái nhìn ấy lại thiêu đốt mình, lại thôi thúc mình tiếp tục tìm cách tiếp cận “đối tượng”.
Thời ấy không biết nơi khác thì sao chứ con gái quê mình có một cái mốt rất lạ, ấy là kẹp tiền lên tóc. Đứa mới ti toe học đòi cũng kiếm được tờ năm xu, thông thường thường thì một hai hào, kha khá là năm hào. Con nhà khá giả thì số tiền được kẹp lên tóc cả một đồng, đứa nào kẹp đến tờ hai đồng màu xanh thì đã thuộc hàng đại gia. Thường thì chỉ có các chị thanh niên trong làng đang tuổi yêu đương hò hẹn mới có đến hai đồng, tuổi học trò thì hoạ hoằn mới có đứa có đến một đồng sáng ngời trên mái tóc. Thế thôi mà học trò cả trường đều biết, rồi thì thào bàn tán ngưỡng mộ lắm, “Ua chầu chầu! Con nớ có một đồng bây ơi!”, hi hi.
Con Chanh thuộc loại…năm hào, luôn có năm hào mới tinh được xếp gọn gàng dưới cái kẹp inox sáng loáng của nàng. Tờ tiền ấy là nỗi thèm thuồng của nhiều đứa trong lớp nhưng lại là cái mục tiêu khốn khổ được mình chọn cho lần tán tỉnh con Chanh tiếp theo.
Tiết văn của cô chủ nhiệm mới diễn ra vài phút thì “xoẹt!”, cái kéo trong tay mình đã xén ngang tờ năm hào vô tội. Con Chanh gỡ tài sản của mình xuống nhìn tờ tiền nay còn…hai hào rưỡi, chỉ kịp kêu lên “đồ ác” rồi gục xuống bàn khóc rưng rức. Mình chưa bao giờ ngán chuyện kỷ luật kỷ liếc, nhưng hễ kết quả những trò nghịch phá của mình làm ai rơi nước mắt là mình cứ thấy lúng túng ăn năn vô cùng, thế nhưng rồi thì đâu lại vẫn hoàn đấy, khốn nạn thế! Chẳng có tí lăn tăn nào với việc bị cô giáo đuổi ra khỏi lớp, nhưng mình không quên được hình ảnh đôi bờ vai gầy với mái tóc xoã của con Chanh rung lên từng chặp bên cạnh tờ năm hào cụt lủn.
Dù sao thì cái sự cố năm hào cũng làm mình hơi chững lại đôi chút, định bụng phải tìm cách nào đó nhẹ nhàng, ít chất “bạo lực” hơn. Viết thư tình chăng? Viết cái gì bây giờ? Chữ mình thời học trò cực xấu, cô giáo văn thường nêu gương mình trước lớp là “Chữ như mèo cào dưa cải”; ông anh mình thì thường doạ bảo sau này có yêu con nào thì chớ dại mà viết thư cho nó nếu không muốn bị nó bỏ ngay sau khi đọc dòng đầu tiên. Giờ văn hôm ấy (lại giờ văn), mình nhớ cô giáo dạy bài gì đó về chị Út Tịch thì phải, có mấy câu vè: Anh em ta như bạn con ruồi/ Nó có súng mình có dao găm/ Nó kéo cò mình nhảy vô đâm… Cám ơn cô, em đã có cái để viết thư tình rồi. Tối đó mình toát mồ hôi hột nắn nót viết thư tình cho nàng Chanh yêu dấu mà trong lòng tràn trề hy vọng. Cả buổi học sáng hôm sau mình chả học được chữ nào, cứ lơ mơ nghĩ ngợi chờ cho hết giờ học để trao thư.
Tan học, mình dúi cái lá thư tình đầu đời ấy vào tay con Chanh, nói đọc đi Chanh. Con Chanh mở thư đọc trong khi mình hồi hộp nhìn mặt nó chờ đợi như trẻ con chờ mẹ đi chợ về. Cái mình quan sát được sau đó là da mặt nó tái dần, nó xé toạc lá thư, vứt xuống đất, kêu lên một câu muôn thuở “đồ ác” rồi ù té chạy để lại mình đứng trơ khấc, đực mặt như ngỗng ỉa, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.  Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/ anh cho em kèm với một phong thư/ Em không lấy và tình anh đã mất/ Tình cho đi không lấy lại bao giờ.  Chẳng biết ông Xuân Diệu đã viết gì cho người tình, còn lá thư bất hủ của mình viết cho con Chanh dựa trên bài vè học được của cô giáo văn hôm nào: Anh em ta như bạn con ruồi/ Ấy có bướm mình có con cu/ Ấy kéo quần mình nhảy vô đâm
***
Đâu khoảng gần hè năm 1978 mình bị một trận sốt xuất huyết ra trò, mạ mình hốt hoảng nhờ người trong làng khiêng mình xuống bệnh viện Ba Đồn. Xuất viện là lo cho chuyện thi cử vào lớp tám đầu cấp ba…Bao nhiêu chuyện xảy đến làm mình quên bẵng chuyện con Chanh, cũng chẳng thấy nó học cấp ba Ba Đồn, có đứa bảo gia đình nó chuyển đi nơi khác rồi, đâu tận trong nam. Hết cấp ba mình cũng phải tạm biệt làng quê cho cuộc bể dâu đời người, hơn ba mươi năm nay, thi thoảng có dịp về quê mình đều dò hỏi nhưng chẳng hề có một chút tin tức gì về Chanh cả.
Ôi! Em biến đi đâu thế Chanh của ta ơi?  Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, lão Tôn còn thu được cả một đống xương trắng, ta ba lần cực nhọc tán tỉnh em chả lẽ thu được chỉ một ảo ảnh? Ừ, giá như mình được gặp lại Chanh một lần nhỉ. Dĩ nhiên là mình không có ý định…tán tỉnh em lần thứ tư, hai ta giờ đã tóc bạc da mồi, gần nữa thế kỷ tồn tại với đời rồi chứ ít đâu. Mình cũng chẳng có ý định nói lời xin lỗi với Chanh, hẳn là khách sáo và phù phiếm lắm Chanh nhỉ, thôi thì hãy cứ để cái thau men tróc loang lỗ, tờ năm hào cụt lủn và cả bài thơ tình bất hủ kia nữa làm chứng nhân cho mình.  Ta sẽ im lặng chăng? Im lặng nhìn nhau và mỉm cười? Có khi thế lại đâm hay, những ngày buồn ngẫm lại thấy vui vui/ Những ngày vui ngẫm lại thấy ngùi ngùi…một nhà thơ nào đó đã bảo thế.
Không, có lẽ mình sẽ nói với Chanh một câu, một câu thôi: Mình không hề ác, với Chanh và với hết thảy cuộc đời, chắc chắn thế.

Dalat, 11/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét