Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

BẠN TÔI, NHỮNG NGỌN GIÓ PHONG TRẦN…

  1. Chiếc mũ cát két ngay ngắn trên chiếc đầu hiếm tóc, veston loại mốt, cà vạt trang nhã. Ấy là Phong. Nhưng lúc đó chưa phải là Lê Thanh Phong với bút danh khác là Lê Chân Nhân, cây bút phóng sự và chính luận nổi tiếng không chỉ riêng tờ báo Lao Động. Đó là cái hình dong thẳng thớm của anh công chức trẻ mẫn cán, khiêm nhường của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Lâm Đồng. Và lúc ấy, Phong đang là huấn luyện viên ngũ đẳng huyền đai Karatedo, một trong ba môn đồ ưu tú được võ sư Nguyễn Văn Dũng “truyền mệnh” lên xứ sương mù “mở mang cơ nghiệp” Nghĩa Dũng. Tôi đã tiếp xúc với Phong những ngày đầu như thế. Và lúc đó, tôi đã không hiểu nổi và cũng không thể nào chịu nổi với sự mẫn cán một cách quá đáng của Phong. “Một bản”. “Dạ, có ngay”. “Hai bản”. “Dạ, chị chờ chút xíu, máy vừa bật, chưa nóng”. “Phong, photo tập tài liệu này, cần gấp”. Lại “dạ”, một giọng Huế có chút gì đó như cam chịu, nhún nhường. Ôi, Phong ơi là Phong! Răng mà mi chịu cực ra rứa. Hồi đó, tôi đã không hiểu nổi và nói thật là không chịu nổi!
        Lúc đó, hắn đã cầm trong tay mấy tấm bằng đại học. Lúc đó, hắn đã thạo mấy cái ngoại ngữ. Lúc đó, hắn đã là ông thầy võ nổi tiếng trong giới võ lâm Đà Lạt. Tất cả những thức nhận về thế giới này mà hắn có được, hắn cho chui tuột qua cái máy photocopy với thao tác đặt cái mặt trái xuống thì cái mặt phải lòi ra. Tôi chỉ đưa ra một phép tính giản đơn: cái chuyện ấn vài ba cái nút trên chiếc máy phô tô đời 90 thì cần chi đến mấy tấm bằng đại học, cần chi mấy cái ngoại ngữ và đặc biệt là cần chi đến nội công thâm hậu của một ông thầy võ Không thủ đạo. Thế rồi tôi buồn, thế rồi tôi ấm ức không chịu nổi. Tôi không chịu nổi mà Lê Thanh Phong thì hắn chịu nổi. Người chi người lạ! Sáng, verton, cà vạt thẳng thớm, mũ cát két ngay ngắn đến công sở đúng giờ và với cử chỉ quá ư là tử tế, hắn khởi động chiếc máy phô tô rồi nhẫn nại ngồi chờ mệnh lệnh: một bản, hai bản, ba bản…
         Hidenhiko Nakagawa, một võ sỹ kiếm đạo Nhật Bản và là bạn chung của chúng tôi giải thích về cách thi lễ cúi đầu khiêm nhường của người Phù Tang: ““Những cây lúa trĩu bông thì cong mình xuống, còn những cây lúa lép thì dựng đứng lên.” Phong, Túy tâm đắc và tôi tâm đắc. Đến lúc này thì tôi hiểu, tại sao Phong, “chịu nổi cái tưởng chừng không chịu nổi.” Cái đức khiêm nhường đó tôi được ngắm qua hình dáng khom mình của Phong trước lăng mộ của samurai cuối cùng Saigō Takamori hay nhà doanh nhân số một Honda ngay trên đất Phù Tang hoặc trong cách nghênh kính “Ba đại sư” - ba nhân vật trong bài bút ký thấm đẫm phong vị Thiền với một sự từng trải và phông văn hóa sâu sắc. Có những người tỏ vẻ khiêm nhường vì không thể khác, nhưng Phong khiêm nhường bởi tôi nghĩ rằng bạn của tôi là một “cây lúa trĩu bông”… 
        2. Tôi gặp Túy sau Phong. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, ông võ sư Karatedo ngũ đẳng huyền đai không nói gì về võ học và nghiệp võ của mình. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những bút ký thấm đẫm chất triết lý trong tư tưởng, hào hoa tinh tế trong ngôn ngữ và giàu biểu cảm trong hình tượng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Câu chuyện của chúng tôi được tiếp nối là sự chia sẻ cùng nhau những hưng phấn và cảm nhận về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đọc thơ, những vần thơ đá vàng kim cổ và ngay cả những vần thơ do mình ngẫu hứng sáng tác. Và chúng tôi ôm đàn và hát, những nhạc phẩm nổi tiếng đã đi qua thời gian. Khi Túy ôm cây đàn guitare, đắm đuối trong giai điệu, trông anh thật hào hoa trong tinh thần nhập cuộc. Thế mới biết, người luyện võ thì nhiều nhưng người sống trong tinh thần võ đạo không nhiều. Bạn võ nói chuyện văn, nhưng là cao đàm khoát luận văn chương bằng cảm thức tinh túy và sự nhạy cảm từ mỗi giác quan. Chúng tôi đã có những đêm ít ngủ để dành cho nhau cảm xúc, những cảm xúc trong lành và thi vị. Chúng tôi sẻ chia với nhau những cuốn sánh hay, những điều tâm đắc của mỗi người và cùng nhau đọc những trang viết của bạn bè trong niềm đồng cảm…  
         Là bạn, nhưng tôi sống với Túy bằng tinh thần tương kính. Đã có những lúc tôi lặng lẽ đến võ đường của anh và lặng lẽ ngắm Nguyễn Quốc Túy từ một góc khuất. Những lúc đó, hình ảnh bạn tôi là hình ảnh mẫu mực của người võ sư uy nghi trước môn sinh mà tôi xúc cảm thu trọn vào ánh mắt và tâm hồn mình. Tiếp nối tinh thần của Dũng Nghĩa đường, bao nhiêu năm qua, hàng trăm võ sinh của Túy đã bước vào đời. Và tôi biết, trong mỗi hành trình đơn lẻ ấy, có sự sẻ chia gánh nặng khi nhớ về hình ảnh người thầy mà họ tôn kính, khi “ngộ” ra những lời dạy của thầy từ những bước đầu tiên chập chững đến võ đường.            
         Ở cùng nhau trong một thành phố, hằng ngày, tôi vẫn thường gặp Túy. Lúc thì khi anh đến nhiệm sở với tư cách là một nhà sư phạm. Lúc thì trong bộ võ phục tỏa sáng, uy nghi trước võ đường. Nhưng hình ảnh làm tôi xúc động nhất chính là lúc người cha hào hoa và mạnh mẽ ấy dắt tay đứa con gái tật nguyền dạo gót trên đường phố Đà Lạt vào mỗi sáng Chủ nhật. Đó là đứa con gái mà anh bất chấp tất cả vì nó, bất chấp những cám dỗ vật chất, bất chấp sự thăng tiến sự nghiệp và thậm chí là sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho mỗi niềm vui bé mọn của con. Bao năm qua hành trình cùng Túy, chưa bao giờ tôi thấy miệng anh tắt nụ cười, nhưng trong mỗi nụ cười của anh luôn ẩn chứa một nét héo hon. Tôi thương Túy, thương những giọt nước mắt chảy âm ỉ trong tâm can người cha!...       
       3.Cha mẹ sinh ra ta. Tư chất và sự từng trải trong cuộc đời cho ta trí khôn. Nhưng người góp phần định hướng cho ta biết chọn trí khôn nào, cách hành xử nào trên hành trình phận người lại chính là thầy. Sau mỗi bước đi của Phong và Túy cũng như những môn sinh khác từ Võ đường Nghĩa Dũng có hình bóng của người thầy đáng kính, người mà mỗi lần nhắc tên, những người bạn của tôi sáng lên trong ánh mắt lấp lánh tràn đầy cảm xúc. Trên bước đường đời, Túy và Phong đã có bao nhiêu người thầy, nhưng võ sư Nguyễn Văn Dũng luôn là một sư phụ mà họ cùng đồng môn của họ luôn cúi đầu ngưỡng vọng. Cái bản lĩnh nhập thế tử tế, cái chữ “nhẫn” vững chãi, cái phong thái khiêm nhường mà những người bạn của tôi có được đã được truyền từ thầy trong những tháng ngày luyện rèn cam go nhưng đầy hưng phấn từ Nghĩa Dũng đường, nơi tiếp nối cơ nghiệp từ võ sư Choji Suzuki huyền thoại, người gieo hạt giống karate ở Việt Nam, và hệ phái Suzucho. Qua những câu chuyện của Phong và Túy, tôi tiếp nhận về hình ảnh người thầy của họ, võ sư Nguyễn Văn Dũng. Không chỉ dạy thuật, thầy đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để luyện rèn võ đạo cho môn sinh. Ngôn ngữ của thầy, những chỉ dẫn của thầy mà họ lĩnh hội đã cho họ tác phong khiêm cung trong uy vũ. Thầy đã chỉ dạy họ với tất cả sự tận tâm, tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn. Bạn tôi nói, đó là lối dạy "trực chỉ nhân tâm" nhằm khai phóng bản ngã, vượt qua những "hạn độ" thông thường…
         Và, họ đã được khai tâm mở trí, khai phóng sức mạnh. Túy và Phong, tôi nghĩ, phần nào đã thức ngộ nguyên lý "tâm sáng như trăng rằm" (tsuki no kokoro), dù "không tấn công trước" (no go sen), nhưng khi cần thiết, họ đã có thể phóng ra giữa cuộc đời này những cú đòn đấm sấm sét (téken tsuki). Những kiến giải của Phong trên các tờ báo luôn là những hùng biện về các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Đó có thể là cuộc tranh biện về chủ quyền quốc gia. Đó có thể là các vấn đề về vai trò của đội ngũ trí thức đương đại. Đó có thể là những vấn nạn lớn của đất nước trên bước đường hội nhập. Có thể là những vấn nạn giáo dục hay y tế quốc gia. Trước khi đọc bài Phong, mọi người đã nặng lòng; đọc xong càng nặng lòng hơn vì những điều Phong lý giải bằng chính khí của kẻ sỹ phu. Túy cũng vậy, là người thầy, anh là một thầy giáo lòng trong, tâm sáng và luôn thể hiện chính kiến và trách nhiệm. Là một võ sư, anh luôn biết cách kế tục con đường mà sư phụ và các bậc tiền bối khai sáng để truyền lại cho môn sinh của mình bản lĩnh trước sóng gió cuộc đời. Và ngay chính anh, những cú đấm téken tsuki sấm sét nhất, anh bắt đầu giáng xuống tâm hồn chứa nhiều trắc ẩn của mình trong những đêm mất ngủ.      
Đà Lạt, 17- 6 - 2010
U.T.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét