Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

TÂM ĐỘNG

Lụm được bài thơ nghe như bài vè hay bài kệ, chẳng có gì mới
nhưng cũng dễ hiểu, dễ mần theo, hi hi...

Bạn lái xe giữa phố,
Mà đầu nghĩ vấn vương,
Thì dễ gây tai nạn
Hay có thể nhầm đường.

Là vì tâm bạn động,
Tức là lòng chưa yên,
Đang làm bạn đãng trí
Và che khuất tầm nhìn.

Bạn ngồi học trong lớp,
Mà nghĩ chuyện đi chơi,
Cô giáo gọi lên bảng,
Ấp úng, khó trả lời.

Là vì tâm chưa tĩnh,
Tai bạn không thể nghe,
Hoặc nghe mà không hiểu,
Gây hậu quả nặng nề.

Chừng nào tâm còn động
Thì chúng ta, con người,
Chưa nhìn rõ sự việc
Và thấu hiểu sự đời.

Vì vậy, quan trọng nhất
Là cái tâm phải an.
Tâm mà an, mọi việc
Trở thành dễ và nhàn.

Tâm của ta luôn động,
Chỉ trừ lúc ngủ say.
Nên ta dễ lầm lỗi
Trong cuộc sống hàng ngày.

Duy nhất chỉ Đức Phật
Tâm luôn tĩnh, vì Ngài
Nắm được Tuệ, Định, Giới,
Để thoát cõi trần ai.

Tuệ tức là trí tuệ.
Định là an định tâm.
Giới gồm năm điều cấm
Như sát sinh, tà dâm…

Muốn có được trí tuệ,
Tâm phải định, thảnh thơi.
Tâm thảnh thơi chỉ có
Khi không phạm giới đời.

Điều giúp ta có thể
Đạt cái tâm an này
Là thường xuyên thiền định
Hay niệm Phật hàng ngày.

Khi cặn bẩn lắng xuống,
Nước lặng yên như tờ,
Ta có thể nhìn rõ
Mọi cái dưới đáy hồ.

Khi tâm trí an định,
Ngọn đèn Tuệ sáng lên,
Ta thấy hết sai đúng,
Tức là đạt đến Thiền.

*
Một người hỏi Đức Phật:
Để đạt được chân thiền,
Vì sao cứ nhất thiết
Phải ngồi lâu, ngồi yên?

Ngài sai lấy chậu nước
Nhúng tay, quấy một vòng,
Ôn tồn hỏi người ấy:
“Con có thấy gì không?”

“Bạch, không, chỉ thấy nước.”
Chờ nước lặng, vỗ vai,
Ngài nói: “Con nhìn lại.”
“Bạch thầy, con thấy Ngài!”

“Giờ chắc con đã hiểu
Để đạt được chân thiền,
Vì sao phải im lặng
Ngồi lâu và ngồi yên.”

2 nhận xét: