Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Thiền 2: QUY TRÌNH HOÀN CHỈNH

          Sau khi đã có thể dõi theo hơi thở, bạn còn cần lưu ý thêm về một số điều xảy ra khi ngồi thiền, về những phương cách cần để thiền mang lại hiệu quả tốt cho bạn. Tóm lại, bạn cần một quy trình thiền hoàn chỉnh. Chúc bạn thành công.

“Đi vào bên trong cơ thể”


Điểm chúng ta xuất phát, và cũng là nơi mọi thực hành tâm linh chân chính xuất phát, chính là trước hết phải đi vào bên trong cơ thể.
        Trong bài tập này, chúng ta bắt đầu bằng cách gắn kết với hơi thở và cơ thể vật lí của mình một cách tỉnh táo, tập trung và chú tâm. GIữ cho cơ thể tĩnh tại sẽ giúp ta rất nhiều trong việc giữ cho tâm tịnh. Cho nên, bước đầu tiên ta cần làm chính là tìm một tư thế vững chãi và thoải mái để có thể nhận biết được cơ thể của mình trong thời khắc hiện tại.

“Tư thế vững chãi, thoải mái”

          Ta có thể ngồi xổm trên nệm…có thể ngồi bắt chéo chân…hay có thể ngồi trên ghế, bàn chân chạm đất.
          Quan trọng là ta cảm thấy vững, thoải mái và dễ chịu. Cơ thể ta phải thư giãn thoải mái trên mặt đất như thể được trợ giúp bởi chiếc ghế hay tấm nệm, nhờ thế ta có thể ngồi yên trong nhiều phút mà cơ thể không cảm thấy căng thẳng.
          “Thiền” không phải là chiến đấu với chính mình, và nếu cảm thấy không thoải mái…ví dụ, nếu chân cảm thấy khó chịu…ta có thể cử động chân.

“Kết nối với hơi thở”

          Khi đã tìm ra tư thế ngồi thoải mái, hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại.
          Tiếp theo, đưa nhận thức của mình vào thời khắc hiện tại. Dùng các dịch chuyển tự nhiên của hơi thở để bắt đầu dẫn dắt nhận thức của mình vào thời khắc hiện tại. “Kết nối với hơi thở” sẽ giúp ta nhận thức được thực tế rằng ta đang thở… hoặc chính xác hơn, “rằng sự thở đang diễn ra”.

“Dẫn dắt nhận thức”

       Trong thiền, mục tiêu của ta là cảm nghiệm hơi thở mà không điều khiển hay thay đổi nó, chỉ cần nhận biết hơi thở tự thở như thế nào theo nhịp điệu riêng của nó.
      Thiền chánh niệm không phải là bài tập thở như pranayama. Nó thực sự chính là một bài tập giúp luyện tập ý thức, luyện tập ở trong thực tại. Vậy nên, ta có cảm nhận hơi thở bằng cách nào cũng tốt cả!
        Một trong những điều đầu tiên ta nhận thấy trong việc thiền này là tâm trí ta hay suy nghĩ lan man như thế nào.
        Ta có thể bảo tâm trí mình tập trung vào hơi thở, nhưng nó có nghe không? Khó lắm! Mỗi khi nhận ra tâm trí mình đang trôi dạt, ta có thể kéo nó về tập trung vào hơi thở trong khoảng 3 lần thở, và rồi nó lại trôi đi và làm việc khác. Khi theo dõi hơi thở, ta sẽ bắt đầu nhận ra cuộc đối thoại và chuyển động nội tại không ngừng của tâm trí.

“Trở lại chú tâm vào hơi thở”

          Trong thiền, điều hướng dẫn căn bản đầu tiên là mỗi lần nhận ra rằng mình bị cuốn vào dòng suy nghĩ, toan tính hay hồi tưởng, ta hãy buông ý nghĩ đó và quay trở lại với hơi thở. Vậy, mỗi lần bị cuốn đi, hãy quay trở lại cảm nhận hơi thở vào tiếp theo hay lần thở ra kế tiếp.
          Thiền chính là qui trình căn bản này để nhận thức về hơi thở và duy trì trạng thái nhận thức đó. Giống như  bất kì một  hình thức nghệ thuật nào khác, “nghệ thuật thiền” cần có thời gian luyện tập.
          Thánh Francis de Sales nói rằng một đời sống thiền đòi hỏi “một tách thông hiểu, một thùng tình yêu và cả đại dương kiên nhẫn”. Sự nhẫn nại này cũng là nguyện ý hết lần này đến lần nọ quay trở lại thời khắc thực tại trong khi hành thiền.
          Việc hành thiền thực chất chính là quá trình tỉnh thức trước thực tế rằng ta đã bị lạc, hãy tập trung sự chú ý trở lại hơi thở, và mang cơ thể cùng tâm trí trở lại khoảnh khắc thực tại.

“Làm đi làm lại nhiều lần”

         Bằng cách làm đi làm lại nhiều lần, việc hành thiền của ta bắt đầu luyện cho ta giữ mình trong trạng thái ‘ngay tại đây’ và ‘ngay bây giờ’ ở bất kỳ nơi nào.
          Người ta nhận ra rằng tâm trí của họ trôi dạt cả trăm ngàn lần trong 10 phút. Tâm trí ta trôi dạt là điều tự nhiên… nó làm như thế trong cả cuộc đời, và tất cả tâm trí đều làm như thế.
         “Nghệ thuật thiền” là nhận ra sự trôi dạt của tâm trí và nhìn nhận nó ngay lúc đó, để rồi quay trở lại với hơi thở của mình. Tâm trí trôi dạt bao nhiêu lần không quan trọng, miễn là ta luôn hướng sự tập trung trở lại vào hơi thở.
       Không phải Suy nghĩ và Toan tính và Hồi tưởng là không tốt…chúng ta không thể sống mà không có những điều đó…nhưng chúng thường chiếm đến 90% cả cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể sống trọn vẹn khi suy nghĩ ít hơn nhiều.
” Chánh niệm của các nguồn năng lượng”

          Sau khi ổn định tư thế ngồi và luyện tập hơi thở, bước tiếp theo là mở rộng trường ý thức hoặc chánh niệm của ta, bao gồm tất cả ác nguồn năng lượng và cảm xúc trong người.
          Trong khi thiền, có thể ta nhiều lần có những cảm giác khác nhau, như thấy thoải mái, tê cứng, dễ chịu, ngứa ngáy, và đôi khi thấy đau.

“Cơ thể tự nhiên bắt đầu mở ra”

       Khi ta ngồi yên, cơ thể ta bắt đầu mở ra một cách tự nhiên. Khi đang ngồi và cảm nhận nhịp điệu thở của mình, bất chợt có nhiều chỗ trên cơ thể ta thấy đau, nóng hay tê cứng.
       Bạn cần phải để cơ thể mở ra…dù cho nó có đau hay khó chịu…để có được sự chú tâm như chúng ta đã dành cho hơi thở. Khi làm được điều này, điều gì đã xảy đến với cơ thể của chúng ta đều không phải là vấn đề, cho dù ban đầu nó có vẻ đau đớn.
“Không quyết định bằng trí năng”

          Khi để tâm đến quá trình khai mở cơ thể trong khi thiền, quan trọng là ta không nên dùng trí năng để đoán định nó sẽ như thế nào. Việc thiền của ta sẽ nở ra như một bông hoa, từng khía cạnh vào từng thời điểm của nó.
          Khi ta để tâm vào cảm giác trong cơ thể của mình, lúc nào chúng cũng sẽ rơi vào một trong 3 tình trạng: chúng biến mất, chúng không thay đổi, hoặc chúng sẽ trở nên tệ hơn. Việc ta phải làm không phải la kiểm soát chúng, mà chỉ cần ở cùng chúng  và để chúng đến và đi trong nhận thức của mình.
          Sự giải thoát  thậm chí có thể còn mạnh mẽ hơn đến nỗi khiến cho cơ thể ta rung lắc hoặc các phần trên cơ thể tự nhiên chuyển động. Điều đó có thể thật đáng sợ, như thể ta đang mất kiểm soát bản thân mình.

“Nhiều cảm giác kì lạ”

           Có nhiều cảm giác kì lạ trên cơ thể sẽ đến và đi trong khi ta thiền. Ta có thể cảm thấy nhẹ như bay, hay thấy nặng như đeo đá.
         Ta có thể cảm thấy như hơi thở len qua khắp cơ thể. Ta có thể thấy ớn lạnh hoặc nhói tim và đủ thứ cảm giác khác.
          Cảm giác mà ta cảm nhận trong lúc thiền đôi khi dễ chịu. Đôi khi, ta sẽ cảm thấy như bị tê hoặc như rùng mình hoặc có một trạng thái mê ly nào đó diễn ra bên trong cơ thể mà ta không kiểm soát được.

“Luyện tập hàng ngày”

          Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của thiền là thực hành mỗi ngày. Quan trọng là không được đánh giá việc thiền của mình.  Việc của ta là ngồi trên nệm hay ghế, chấp nhận và kết nối với những gì diễn ra, những gì sẽ luôn chỉ là sự phản chiếu của bất kỳ trạng thái tâm trí và cơ thể nào của ta trong lúc đó.
          Thậm chí nếu ta căng thẳng muốn phát điên vào cuối ngày, và chỉ có thể ngồi để tập trung vào 3 hơi thở trong vòng 20 phút còn toàn bộ thời gian còn lại toàn là suy nghĩ, thì hãy cứ thực hành. Cố không đặt kỳ vọng gì. Chỉ cần cam kết hành thiền như một bài tập, và không bị nhụt chí trong mọi hoàn cảnh.
          Hãy nhớ rằng tập thiền rất giống học chơi đàn piano.

“Tính kiên nhẫn”

          Tất cả chúng ta có lẽ đã trải qua cả trăm triệu phút giây tâm trí đi lang thang trong đời, thế nên cố gắng thay đổi thói quen suy nghĩ lan man trong phút chốc quả không dễ chút nào. Thiền có tác dụng, nhưng nó cần sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng rèn luyện.
          Hãy tìm một nhóm thiền. Tham gia vào một nhóm như vậy không buộc ta phải trở thành môn đệ của bất kỳ một giáo điều cụ thể nào…mà chỉ giúp ta trong khi hành thiền có được sự trợ giúp của những người hành thiền khác.
          Thiền không phải là việc, mà là một sự thực hành cả đời người. Khi tập trung vào hơi thở, cảm giác cơ thể, suy nghĩ, và năng lượng cảm xúc, ta sẽ trở nên tinh thông hơn trong việc giữ bình tĩnh và hứng thú hơn trong mọi tình huống cuộc sống.

                        Nguồn: “Meditation for beginners”, Jack Kornfield

4 nhận xét:

  1. Hic...
    Qua tới cái "quy trình hoàn chỉnh" này hết thấy dễ rồi Túy ui!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi...thì cũng trên cái nền dễ mà hoàn chỉnh hơn thui mà, sao chị dễ nản thế?

      Xóa
    2. Hihi...
      Cái quá trình từ dễ tới không dễ là ở chữ "nản" đó Túy ơi!!!

      Xóa
    3. Cái chữ "nản" còn thừa sức mang người ta từ sống tới chết nữa ấy chứ, hi hi..

      Xóa