Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Trịnh Công Sơn chờ nhìn quê hương sáng chói

Kỷ niệm 12 năm ngày ông rời cõi tạm, định viết một cái gì đó để tưởng niệm người nhạc sĩ mà mình ngưỡng mộ thì đọc được bài này hay quá bèn đưa lên đây "thay lời muốn nói". Không  am hiểu về Trịnh Công Sơn, về nhạc Trịnh thì không thể viết được như thế. Cái tài của tác giả còn ở chổ viết về "Ca khúc da vàng" của một thời đã xa nhưng mang đầy hơi thở của xã hội Việt Nam hiện tại. Vâng, không riêng gì Trịnh Công Sơn, mỗi người dân Việt từ xưa đến nay vẫn luôn đau đáu chờ nhìn quê hương sáng chói...
************************************************************
Công chúng Việt Nam say mê tình ca Trịnh Công Sơn. Nhưng có một dòng nhạc bất tử của ông viết về quê hương trong những năm chiến tranh được in thành tập “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam” chưa được giới trẻ biết đến nhiều. Với những ca khúc ấy, Trịnh Công Sơn dành trọn trái tim mình cho đồng bào, cho đất mẹ.
Ám ảnh chiến tranh và khát vọng hòa bình

Ngay cái tên gọi “da vàng” đã thể hiện cảm xúc sâu sắc nhất về nòi giống dân tộc mà khó có tên gọi nào khác thay thế được. Sống trong các đô thị miền Nam đầy khói lửa và sự ngột ngạt của không khí chiến tranh, chứng kiến những mất mát, đau thương của từng con người, từng gia đình, người nghệ sĩ ấy đã hạ bút viết về một niềm mơ ước chứa chan hy vọng “Chờ nhìn quê hương sáng chói” là bài ca mang nỗi niềm đó: “Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im. Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

Sự chờ đợi không của riêng ai mà của người lính hai bên chiến tuyến, của những người mẹ Việt Nam ở hai miền: “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ. Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ. Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu”. Và trong nỗi chờ mong rất dài, khắc khoải một điều lớn lao hơn cả hòa bình, đó là xóa đi lòng hận thù, lấp đi những khoảng cách trong tim con người. Trịnh Công Sơn có những tiên cảm đầy lo lắng về sự hàn gắn tình thương sau cuộc chiến. Trong ca khúc này, hai lần ông lên tiếng: “Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu” và “Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm”.

Trịnh Công Sơn mang nỗi ám ảnh dữ dội về cái chết. Trong các bản tình ca, nhiều lần ông nói về những cuộc “khăn gói đi xa”, “có một ngày tôi đi” hay “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”. Có thể đó là những suy tư triết học của người nghệ sĩ, nhưng cũng có thể do ông chứng kiến quá nhiều cái chết. Cho nên trong “Ca khúc da vàng”, không phải là cái chết mộng mị và nỗi đau siêu hình, mà là cái chết trần gian với cơn đau xác thịt: “Hàng vạn chuyến xe Claymore, lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương có mẹ có em” (Đại bác ru đêm), “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương” (Xin mặt trời ngủ yên), “Người con gái chợt ôm tim mình. Trên da thơm vết máu loang dần” (Người con gái Việt Nam da vàng).

Ông hoảng loạn, sợ hãi và đau đớn vì cái chết của bạn bè, của những đứa bé, của những cô gái, những người mẹ. Ông sử dụng bút pháp tả thực để viết về những nạn nhân vô tội của cuộc chiến. Trịnh Công Sơn sáng tác như một người viết nhật ký về cái chết, từ hoảng loạn, ông bình tĩnh ghi lại tỉ mỉ từng cái chết, từng kiểu chết. Sự liệt kê tưởng như rất lạnh lùng của ông thực ra là bản cáo trạng chiến tranh đầy bi ai khiến lòng người tê tái, kinh sợ. Xác người trôi trên sông, phơi trên ruộng đồng, trên những nóc nhà. Xác người dưới hố hầm, xác người già cạnh em bé, xác đứa con thơ trên tay mẹ. Có những người chết cong queo, chết dưới gầm cầu, chết mình không manh áo hoặc chết cháy như than, có người chết hai lần thịt da nát tan. Người chết tang thương, còn người sống thì sao: “Người già co ro buồn nghe tiếng nổ. Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi” (Người già và em bé).

Những năm trước 1975, “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Khánh Ly như một lời kêu gọi khẩn thiết về hòa bình. Những ca khúc đó còn là sự ủi an, chia sẻ với những phận người vô tội. Khát vọng hòa bình là một mạch chảy trong “Ca khúc da vàng”. Chỉ riêng bài “Tôi sẽ đi thăm”, Trịnh Công Sơn mang niềm hân hoan về sự thống nhất: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng. Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng. Và mong sẽ quên, chuyện non nước mình”. Quên chuyện chiến tranh để vun trồng cây hòa bình: “Ngày lên cùng niềm tin. Bàn tay ta quyết lo vun trồng. Hoà bình như lúa thơm nuôi dân mình” (Cánh đồng hòa bình).

Cùng với phong trào sinh viên đấu tranh, ca khúc của Trịnh Công Sơn đi vào công chúng, tạo thành làn sóng phản chiến mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Sài Gòn coi ông như một phần tử nguy hiểm. Trong bút ký “Như con sông từ nguồn ra biển”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi lại chi tiết ông nhận được bài báo đưa từ Sài Gòn lên rừng, trong đó có mẩu đối thoại giữa nhân vật Giao (Trịnh Công Sơn) với cảnh sát:

- Tại sao anh lại làm bài hát ca ngợi hòa bình vào lúc này?

- Ủa, thế chẳng lẽ ông lại bảo tôi ca ngợi chiến tranh?

- Nhưng anh có biết rằng lúc này, ai nói hòa bình là trung lập, trung lập là cộng sản không? Tôi nhắc lại cho anh rõ: Sắc luật ngày 7.5.1965 của chính phủ đã đặt hòa bình ra ngoài vòng pháp luật.

- Chính vì các ông đặt hòa bình ra ngoài vòng pháp luật của các ông, nên nó phải đi vào trong tiếng hát của chúng tôi.

Lời nói đó như một cam kết của đời mình, với đất nước, và Trịnh Công Sơn đã thực hiện với tất cả trách nhiệm công dân cùng với tấm lòng và tài năng của một nghệ sĩ.

Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương


Công dân - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối diện với một hiện thực chiến tranh không thể phủ định và bắt buộc phải có sự lựa chọn. Từng có diễn đàn tranh luận về một Trịnh Công Sơn phi chính trị, ông trốn lính chế độ cũ nhưng cũng không nhảy núi hay hoạt động thành như bạn bè cùng thời. Nhưng tại sao phải bắt ông cầm súng? Người nghệ sĩ có sự rung cảm, có thái độ sống và hành xử với thời đại tùy theo nhận thức, nhân cách và tầm nhìn của cá nhân. Ông chán ghét chiến tranh đến mức chỉ xin làm mây để bay ra khỏi cuộc đời, cho đến khi nào bình yên thì quay trở lại trần thế xin làm người: “Xin cho tôi làm kiếp của mây. Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời. Để bao giờ trời đất yên vui. Xin cho tôi xin lại cuộc đời” (Xin cho tôi).

Nói thế thôi, nhưng ông không lảng tránh mà dấn thân vào tâm điểm nóng bỏng của thời cuộc với một niềm xác tín mạnh mẽ, không súng đạn mà cất tiếng hát. Cầm súng và siết cò, dù phi nghĩa hay chính nghĩa thì giới hạn cuối cùng vẫn nằm trong phạm vi và tầm vóc của một cuộc chiến. Còn phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình là tầm vóc và không gian nhân loại, đó cũng là mục đích mà cộng đồng thế giới hướng tới. Chính vì vậy nên các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn không chỉ chiếm lĩnh trái tim của công chúng miền Nam lúc đó, mà còn vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới, không phải ở giai đoạn chiến tranh trước 1975, mà cho đến hôm nay.

Hành động phản đối chiến tranh của Trịnh Công Sơn không phải là tung nắm đấm lên không, mà níu con người đến với nhau, đề cao giá trị của tình yêu quê hương đất nước và tinh thần dân tộc.“Ca khúc da vàng” chảy vào trong đời sống như những dòng sữa ca dao ngọt ngào về lòng yêu nước, mặc dù Trịnh Công Sơn chưa bao giờ lên gân bằng một loại khẩu hiệu to tát. Quê hương Việt Nam và người mẹ là hai hình tượng chủ đạo được ông xây dựng trong các ca khúc để gợi mở tình yêu trong trái tim mọi người. Bao nhiêu người mẹ khổ đau vì mất con, bao nhiêu đứa trẻ bơ vơ vì mất cha, mảnh đất Việt Nam ngập chìm trong bom đạn dữ dằn, bao nhiêu đôi lứa bị chia ly, cho nên lời ca như tiếng kinh cầu: “Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn. Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền. Rồi từ đó tôi yêu em” (Xin cho tôi).

Ông nhắc nhớ về một quê hương còn trầm luân, dân còn sống trong đau khổ: “Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong” (Nước mắt cho quê hương). Giọt nước mắt của ông ngày ấy, đến nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.

Và với ông, tấm lòng của người mẹ Việt Nam chính là nơi để các con tìm về nương náu: “Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh. Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn. Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương” (Ca dao mẹ). Mẹ còn dạy thế này đây: “Dạy cho con tiếng nói thật thà, mẹ mong con chớ quên màu da, con chớ quên màu da, nước Việt xưa” (Gia tài của mẹ). Trịnh Công Sơn rất sợ sự dối trá, ông từng cảnh báo có “một bọn lai căng, một lũ bội tình”, dẫn đến một đất nước “u mê ngàn năm”, cho nên ông nhắc lại thêm một lần hai chữ thật thà: “Đường Việt Nam hôm nay có bước chân tự do. Người Việt ta hôm nay sống với nhau thật thà” (Đồng dao hòa bình).

***

“Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình. Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình. Chờ trống dồn tin mừng khắp phố làng ta. Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do”. Trịnh Công Sơn vẫn còn ngồi đó, ôm cây đàn guitare hát bài “Chờ nhìn quê hương sáng chói”.






LÊ THANH PHONG

(TPHCM, kỷ niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
http://laodong.com.vn/Van-hoa/Trinh-Cong-Son-cho-nhin-que-huong-sang-choi/108330.bld

5 nhận xét:

  1. Vẫn còn chờ nhìn quê hương sáng chói sau ngần ấy năm "hòa bình" ư?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có cái độ sáng chói nào là chuẩn đâu bác dung, càng sáng chói càng tốt mà.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Ông đã chờ cho tới khi nằm xuống và để lại nỗi đợi chờ đó cho chúng ta chờ tiếp?
    Cho tới bao giờ???

    Trả lờiXóa
  4. Theo em thì chẳng có gì phải chờ đợi cả. Cho nên chẳng cần biết đến bao giờ.

    Trả lờiXóa