Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

ĐỊNH LUẬT 3 NEWTON VÀ LUẬT NHÂN QUẢ


      
      Giải thích về sự ra đời và vận hành của Thế giới, cả khoa học và tôn giáo cùng vào cuộc. Einstein từng nói, nếu có một tôn giáo gần với khoa học nhất đó chính là Phật giáo. Dựa trên những phương pháp luận khác nhau nhưng lí thuyết phật giáo và khoa học có những kết quả giống nhau đến kì lạ. Nội dung định luật 3 Newton và thuyết Nhân Quả của nhà Phật là một trong những trường hợp như vậy.

      Ba định luật về chuyển động của Newton là một nội dung quan trọng làm căn cứ cho chương trình Cơ học cổ điển. Chúng không chỉ được giảng dạy trong chương trình Vật lí trung học mà còn được nghiên cứu trong cả các trường Cao đẳng, Đại học chuyên ngành Vật lí.

       Định luật 3 Newton trình bày về tác dụng tương hỗ (tương tác) giữa hai vật bất kì, những đặc điểm và kết quả của tương tác. Trong khi thuyết Nhân Quả của nhà Phật nói về mối quan hệ giữa những hành động (Nhân) của con người và những hậu quả nhận được (Quả) do những hành động gây ra trước đó. Không hẹn mà gặp, Định Luật 3 Newton và Thuyết Nhân Quả có những điểm tương đồng đáng kể.

      Theo định luật 3 Newton, khi có lực tác dụng của vật A lên vật B thì luôn có phản lực của vật B tác dụng lên vật A với cùng cường độ.  Mọi quá trình tương tác trong tự nhiên luôn xuất hiện cặp lực và phản lực, kể cả lực đàn hồi, ma sát hay lực hấp dẫn. Điều đó xảy ra giữa hai vật bất kì, không phụ thuộc là vật gì hay đang ở đâu. Bạn không thể chỉ ra một lực mà không có phản lực (trừ lực quán tính, thực ra là một hiệu ứng khi hệ vật chuyển động có gia tốc).

     Một cách rộng lớn hơn, khái quát hơn, Phật giáo cho rằng mọi hành động của con người luôn là một cái nhân và hiển nhiên sẽ có một sự tác động trở lại tương ứng cho người đã gieo ra hành động nói trên. Đã có Nhân thì luôn luôn có Quả, không có ngoại lệ, không tùy thuộc người đó là ai, kẻ ăn mày hay hoàng đế.

     Để công bố những phát minh của mình, ngoài việc quan sát những hiện tượng trong tự nhiên, các nhà khoa học phải tiến hành các thí nghiệm, thực hiện những phép đo đạc, tính toán cần thiết. Trong khi giáo lí nhà Phật được xây dựng dựa trên những quan sát, chiêm nghiệm dài lâu nhờ sự tập trung khai mở những dạng năng lượng tâm linh đặc biệt. Các thiền sư Phật giáo không có phòng thí nghiệm với những thiết bị tối tân. Nói chính xác, phòng thí nghiệm của họ là vạn pháp, từ vũ trụ bao la cho đến những sinh linh nhỏ bé. Từ những vật thể hữu hình vĩ mô như Trái đất, Mặt trời, Thiên hà cho đến cả những suy nghĩ vô hình của con người. Vì thế, các kết quả của khoa học có thể định lượng, đo đếm, trong khi Quả của Nhân định tính hơn, nó phải được trải nghiệm, phải được nhận thức bằng chính tâm linh của con người.

     Đặc điểm của lực và phản lực trong định luật 3 Newton là chúng luôn cùng cường độ, cùng loại, lực tác dụng là ma sát thì phản lực cũng là ma sát, lực tác dụng là đàn hồi thì phản lực cũng đàn hồi…Theo luật Nhân Quả, khi trao đi năng lượng với chất lượng thế nào, ta sẽ nhận lại được năng lượng với chất lượng như thế ấy, nhân thiện thì quả lành, nhân ác thì gặp hung, không thể nào khác được. Những kết quả của vật lí có thể kiểm nghiệm gần như ngay lập tức hoặc chỉ cần một thời gian tác dụng rất ngắn, trong khi “quả” của “nhân” không xuất hiện ngay. Mỗi hành động (Karma) đều để lại dấu ấn của hành động hay còn gọi là phản hồi của hành động. Các phản hồi có thể đến sớm hoặc trễ, có thể đến tháng sau, năm sau, có thể từ đời bố đến đời con, từ kiếp này sang kiếp khác.

      Khác với Định luật 3 Newton chỉ áp dụng cho một lực cơ học cụ thể, Thuyết Nhân – Quả không chỉ áp dụng cho những hành động của con người. Tất cả chúng ta đều phát tỏa năng lượng dưới dạng ý nghĩ, lới nói, thái độ, hành động - như những đợt sóng trong “biển cả” cuộc đời – và năng lượng ấy sẽ quay lại với chúng ta vào một ngày nào đó. Một suy nghĩ ác sẽ nhận được quả ác, một suy nghĩ thiện lành trong sáng sẽ nhận được niềm phúc lạc. Luật Nhân Quả nhắc nhở ta rằng hoàn cảnh và nhân cách của ta hôm nay chính là “quả” từ những điều ta đã nghĩ, đã làm, đã ‘gieo’ hôm qua, tháng trước, năm trước, có thể là trong cuộc đời trước. Gieo ý định, gặt suy nghĩ; Gieo suy nghĩ, gặt cảm xúc; Gieo cảm xúc, gặt thái độ; Gieo thái độ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách của bạn vào tất cả các mối quan hệ trong hành trình cuộc sống, bạn sẽ gặt số phận của mình.


     Có vô số những bằng chứng từ xưa đến nay minh họa cho thuyết nhân quả nhà Phật. Các cụ ngày xưa bằng kinh nghiệm của mình đã tổng kết quy lật này bằng những câu tục ngữ ca dao mộc mạc nhưng đầy triết lí Phật giáo “Ác giả ác báo; Ở hiền gặp lành”, “Chạy trời không khỏi nắng’, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”…Cũng thế, những câu chuyện cổ tích mang tính giáo dục như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh Lý Thông”, “Cây khế”…thể hiện rõ luật Nhân Quả.

     Suy rộng ra, thế giới này như một tấm gương phản chiếu, gương mặt bạn, hành vi của bạn sẽ được trả lại nguyên vẹn. Bạn tươi vui thế giới sẽ cho bạn tươi vui, bạn cau có sẽ nhận được cau có; Ban ném vào thế giới sự tức giận, hận thù, nó sẽ ném trả lại chúng ta tức giận hận thù. Nếu chúng ta trao cho nó tình yêu, nó sẽ trao lại  cho chúng ta tình yêu.

      Khoa học và Phật giáo sẽ vẫn còn đồng hành trong việc giải thích thế giới mà định luật 3 Newton và thuyết Nhân Quả của nhà Phật chỉ là một trường hợp điển hình. Nhiều kết quả khác của khoa học đã được Phật giáo giải thích từ lâu. Tuy nhiên, dù là Phật giáo hay khoa học, thế giới luôn vận hành theo những quy luật riêng của nó. Những phát hiện của con người không ngoài mục đích để cho nhân loại biết sống cho đúng quy luật, biết hướng tới cái Chân Thiện Mỹ, vốn là bản chất của vũ trụ, bản chất của con người.


      Vậy thì, còn chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng nhạc sĩ họ Trịnh hát lên bài “Hãy yêu nhau đi”, hãy trao cho thế giới muôn ngàn yêu dấu mà xua đi những hằn học, hận thù. Đơn giản là vì thế bạn sẽ nhận được trọn vẹn yêu thương phúc lạc ở đời, thứ mà nhân loại hằng mong mỏi.


Đà Lạt, mùa Nguyên Tiêu, tháng 2 - 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét