
Thằng cháu nhắc, chú có phây Bùi Chi
Vinh chưa, đọc vui lắm. Thế là gửi đi một lời mời kết bạn. Non tháng sau, một
sáng chủ nhật đẹp giời, vừa mở mắt nghe điện thoại reng phát, mở ra thấy dòng tin
"Bùi Chí Vinh đã châp nhận lời mời kết bạn của bạn". Ôi! Thì ra ông
trời có mắt, ăn ở phúc đức có khác. Cơ mà lão nhà thơ họ Bùi cũng chảnh phết,
thời buổi cải cách hành chính một cửa, hồ sơ nhận trả trong ngày, thế mà lão
ngâm của mình cả tháng, hi hi.
Bài thơ đầu tiên của Bùi Chí Vinh mà
mình biết từ thời sinh viên đầu thập niên 80 là bài "Thiếu Nữ". Nghe bạn
bè đọc truyền miệng nhau thích quá rồi thuộc chứ chẳng phải đọc ở sách vở báo
chí nào. Thậm chí mãi đến sau này mới biết tên bài thơ là "Thiếu Nữ"
chứ hồi ấy chả biết bài thơ tên gì.
Có một kỷ niệm vui vui gắn với bài thơ
này. Khi ấy đang là sinh viên năm 3, mình phải học chung một môn Triết hay Kinh
tế gì đấy với sinh viên khoa văn. Tình cờ thế nào mình lại ngồi ngay sau lưng
một em văn khoa xinh như mộng. Cò cưa cút kít một thời gian mình đoán rằng nàng
bắt đầu "xiêu". Một hôm trong giờ học, thay vì chú ý vào chuyện bọn
tư bản nó bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư thế nào, mình hí hoáy chép
bài thơ mà mình bịa ra cái tên là "Nhớ" rồi chuyển lên cho nàng.
"Cô gái ơi anh nhớ em/ Như con nít nhớ cà rem vậy mà.../Con kiến còn nhớ
củ khoai/Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau...". Đến đây thì nàng
"đổ" hẳn, cuối giờ, nàng viết mấy chữ gửi lại "chiều nay mình cà
phê nha anh". Xong om! Chuyện gì đến nó phải đến, khi ấy mình mới hiểu
vì sao cái quân tư bản nó thích bóc mí lột đến thế, he he.
Mãi đến 1990 khi mình đang dạy học ở Đà
Lạt, thằng bạn học khoa văn Đại Học Đà Lạt mới tặng mình tập Thơ tình Bùi Chí Vinh đầu tiên do Nhà
xuất bản Trẻ in năm 1989 bằng thứ giấy không thể nào tệ hơn. Mình đặc biệt
thích cái giọng thơ ngang tàng, ngạo nghễ của gã nhà thơ họ Bùi và qua thơ mình
cũng hiểu thêm đôi chút về gã. Hãy nghe Bùi Chí Vinh tự bạch "Thế là giòng
họ nhà ta bậy/Tửu sắc đều say đến bốc trời/Không lập đế vì ưng rượu đế/Xưa nay
say xỉn kỷ nhân hồi/Không lập chúa vì ưng nữ chúa..." (Họ Bùi). À ra thế,
mình nghiệm ra rằng, những thằng đàn ông đam mê tửu sắc thường rất...dễ thương.
Chả biết "tửu" thì thế nào chứ
qua thơ thì lão cực nhiều thành tích với món "sắc". Đến nổi lão phải
điểm danh các em thế này: "Bích ơi, Dung ơi, Thảo ơi/Phương ạ, Giang ạ,
Kim ạ/Các em có mặt như những điếu thuốc lá/Để vành môi anh thở ra sương mù/Các
em trèo vào đời anh như những chiếc ghế đu/Để đôi tay anh mở ra thành vườn
trẻ/Các em xuất hiện bằng đủ mọi danh xưng đàn bà cô bé..." (Điểm danh). Kinh
nghiệm về gái của Bùi Chí Vinh mang dấu ấn cả ba miền "Con gái Huế rất khó
chơi/Ta dân Nam Bộ thốt lời vũ phu/.../Con gái Bắc rất chịu chơi/ Ta dân Nam Bộ
ngỏ lời cầu hôn/.../ Con gái Nam rất hay cười/Ta dùng ngôn ngữ cao bồi biểu
dương..." (Con gái ba miền). Thậm chí với...ma lão cũng không tha:
"Phải là ma cái anh thương/Còn là ma đực khôn hồn cút ngay" (Đọc
truyện liêu trai nửa đêm).
Những anh chàng ngạo nghễ thường rất hay
tự hào về nòi giống mày râu của mình, Bùi Chí Vinh cũng thế: "Ờ, sao trái đất
lắm đàn ông/Đàn ông bay bướm giống con rồng/Con rồng gặp gió con rồng lộn/Cho lạch
Đào Nguyên suối chảy thông". Nhưng rồi đam mê nào cũng trả giá, kể cả đam
mê gái. Bác Thu Bồn từng thú nhận "Em con ngựa chứng không cương/Anh tên
kỵ mã vết thương đầy mình", Bùi Chí Vinh cũng không khá hơn. Mặc dù vẫn
nhận ra "Các em như miếng cá kho/Ngó vô thấy "đã" cắn vô
thấy...bà/Cắn vô xương gỡ không ra", nhưng cuối cùng, chính lão cũng bị bươu đầu sứt
trán mà tởn tới già: "Ờ, sao trái đất lắm đàn bà/Đàn bà hà tiện hệt bông
hoa/Vui vui thì nở buồn buồn khép/Tội nghiệp bầy ong tởn tới già" (Tống
tửu hiền sĩ). Chắc cũng vì vậy mà lão biết sợ, một lần nữa ngay cả cái sợ của lão cũng
mang thương hiệu Bùi Chí Vinh: "Năm, mười, mười lăm, hai mươi.../Kiếm nơi
nào trốn loài người đi em!" (Sợ). Khôn thế! Trốn mà có em bên cạnh ai
mà chả muốn trốn.
Đọc thơ lão mình còn phát hiện ra rằng
lão rất mê Đà Lạt, thành phố trong mơ của mình. Điều lạ là với gái thì lão rất
hùng hổ nhưng khi yêu Đà Lạt thì lão lại rất rón rén: "Mất đến mười năm yêu
Đà Lạt/Mới quàng vai được những ngọn đồi..." (Mười năm đứng trước Đà Lạt).
Yêu đến mười năm mới quàng được vai thì kể cũng...hoàn cảnh thật. Chả bù
cho mình, vừa phải lòng Đà Lạt là mình bỏ ra hẳn nửa tháng lang thang núi đồi,
không những quàng vai mà mà còn từng ôm cả đồi thông Đà Lạt mà ngủ. Một lần chả nhớ
năm nào, cầm tờ báo xuân thấy bài thơ ghi tác giả Bùi Chí Vinh với cái tựa là
lạ "Tết thiếu Hà" mình đọc ngay, không ngờ lại là một bài thơ hay
tuyệt về Đà Lạt. Mình nhớ có đoạn "Anh biết em chậm hơn Cao Nguyên/Hôm ấy
Tường vi nở cháy thềm/Hôm ấy trời sinh hai con ngựa/Dụi bờm nói chuyện lứa đôi
riêng/Hôm ấy Hà quên mặc áo len/Anh làm thi sĩ để hong em/Bài thơ không đủ che
cơn gió/Em lạnh làm trăng cũng lưỡi liềm...". Nói thật, chỉ cần làm được
một câu như câu sau của đoạn thơ này mình dám vỗ ngực xưng nhà thơ được rồi.
Bẵng đi một giai đoạn lâu lắm mình ít có
dịp đọc Bùi Chí Vinh. Trừ tập "Bùi Chí Vinh - Thơ Đời" mình mua ở thành
phố Hồ Chí Minh trong một lần đi công tác đâu khoảng năm 2011 thì nói chung các
hiệu sách ít có những tác phẩm thơ của họ Bùi. Nghe nói sau này lão vẽ tranh
nhiều hơn là làm thơ. Bèn vào phây Bùi Chí Vinh tìm đọc xem sự thể thế nào.
Đây rồi, thì ra lão vẫn làm thơ, bài thơ đầu tiên mình đọc được trên phây họ
Bùi là nguyên một...Cụt cứt, hi hi, nó thế này:
CỤT CỨTCon gì ăn không ỉa
Cứt voi toàn bã mía
Cứt chim lắm cào cào
Cứt loài người ra sao?
Lấy giùm ta kính lúp
Phân tích văn minh cứt
Cứt nhiều nhờ ăn no
Cứt ít vì bo bo
Đói thì đầu gối bò
Bò mỗi thời mỗi khác
Bò làm sao ra cứt
Có cứt là có cơm
Thường ta rặn thấy rơm
Trong rơm thấy thóc sạn
Giận dạ dày khốn nạn
Không ỉa ra bánh mì
Cục cứt nhiều trọng lượng
Để dành cho vua quan
Riêng cứt ta lỏng bỏng
Phải thuộc về nhân dân!
Ôi! Thiếu nữ ơi, vì đâu nên nỗi! Con
sóng bể dâu nào đã biến em một thời nhung nhớ thành cụt cứt lỏng bỏng thế này
hả giời...Đọc cả trăm bài thơ khác thì vẫn là một Bùi Chí Vinh không lẫn vào
đâu được, ngang tàng, dữ dằn và ngạo nghễ. Điều khác biệt có chăng là bây giờ ngoài
em, lão còn quan tâm trăn trở đến nhiều thứ khác. Cũng phải thôi, ngày xưa trai
trẻ, ngày xưa "Nhớ em không biết để đâu/Nếu để trên đầu thì tóc che
đi", nay thì lão không thể biện minh như thế được với cái đầu trọc lóc thế
kia.
Con người ta có thể thay đổi theo thời
gian nhưng hắn chỉ còn giá trị khi cái phẩm chất thẳm sâu nhất của mình vẫn
thường hằng, hoàn toàn không phụ thuộc vào ngoại cảnh, dù đó là thiếu nữ hay
cụt cứt. Mình thật sự vui và mong nhà thơ họ Bùi vẫn thế, vẫn sống với trọn trái
tim nóng bỏng của mình.

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét