Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

HÃY CỨ VUI CHƠI CUỘC ĐỜI (Phần II)



Nhung buc anh khien ban phai suy ngam, cuoc song

 
What's on your mind? (Bạn đang nghĩ gì?) là câu mời gọi đập ngay vào mắt bạn ở đầu trang facebook, một trang mạng xã hội nổi tiếng với đông đảo thành viên khắp thế giới. Anh Mark Zukerberg sẽ còn làm ăn được dài dài, đơn giản vì hơn bảy tỉ nhân loại luôn luôn trong trạng thái suy nghĩ. Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, từ lúc sinh ra đời cho đến lúc chết, chúng ta sống trong một đống gồm toàn những tư tưởng, nghĩ suy. Chúng ta gần như đồng nhất bản thân mình với tâm trí đến nổi quên cả sống.

Mỗi con người đều có ba trung tâm quan trọng theo thứ tự phát triển là rốn, trái tim và não. Rốn là trung tâm của sự sống là gốc rễ năng lượng của con người, trái tim là trung tâm của cảm xúc yêu thương, não là trung tâm của suy nghĩ. Nếu ví con người như một cái cây thì rốn chính là gốc rễ, trái tim là thân cây còn trí não là hoa lá. Những đóa hoa kiến thức nở ra tại não; các bông hoa tình yêu nở ra trong tim; rốn cung cấp dưỡng chất cho những bông hoa này, không có gốc rễ thì hoa lá không thể đâm chồi nảy nụ.

Một đứa trẻ sinh ra, nó mất đi nguồn năng lượng được cung cấp từ mẹ qua cuống rốn. Bài học đầu đời là bài học yêu thương từ ba mẹ, người thân, nhưng lớn lên nó bắt đầu chú ý tới não, con người ngày càng rời xa gốc rễ của mình. Bi kịch bắt đầu từ đó, việc giáo dục quá sai lầm của con người đã làm cho cái đầu trở nên quan trọng nhất trong cơ thể. Thậm chí ngay cả trái tim nữa, ngày càng được ít quan tâm; hầu hết chúng ta đều chỉ nhấn mạnh tới não. Và với óc não đơn thuần thì chỉ đưa con người tới chổ điên khùng.

Có lẽ bạn không để ý đến điều này: khi cơ thể càng khỏe mạnh thì ta càng ít cảm nhận về nó. Ta chỉ chú ý cái bộ phận đã trở nên bị đau ốm. Ta chỉ để ý đến chân ta khi nó bị đau nhức; ta nhận biết về bàn tay khi nó bị vết thương, nếu tay chân lành lặn không có vấn đề gì thì ta cũng chẳng hề lưu ý đến chúng. Như thế, theo cách này hay cách khác bộ não của ta chắc chắn đã trở nên bệnh hoạn, bởi suốt hăm bốn giờ ta chỉ nhận biết về nó và chẳng còn nhận biết gì khác. Tâm trí con người, óc não của hắn, đã trở thành một vết thương đau ốm. Nó chẳng còn là một trung tâm khỏe mạnh nữa, nó đã trở thành một vết loét bệnh hoạn.

Bạn thử tiến hành một phép kiểm tra rất đơn giản thế này: ngồi một mình trong mười phút rồi ghi lại thành thực xuống giấy tất cả những tư tưởng nào đi ngang qua trong tâm trí. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì những gì ghi được, bạn sẽ không dám đưa tờ giấy đó cho một ai, kể cả người thân nhất. Bởi bạn sẽ thấy những tư tưởng đó điên khùng tới mức có thể bạn phải hoang mang tự hỏi không biết mình đang lành mạnh hay là điên. Đấy là tình trạng chung của nhân loại chứ không riêng gì bạn. Tâm trí bạn đã được huấn luyện để luôn cuồn cuộn với những ý nghĩ, đến nổi bạn không thể bắt nó dừng lại dù chỉ vài chục giây.

Chúng ta thậm chí chẳng bao giờ nhìn vào trong tâm trí ta lấy được mươi phút để xem cái gì diễn ra trong đó - hay có lẽ chúng ta không dám nhìn, chúng ta sợ hãi khi phải đối diện với thực chất của ta. Đó có lẽ là lí do người ta sợ sự cô đơn và luôn tìm cách chạy trốn chính mình bằng cả ngàn lẻ một cách. Nói rằng tâm trí là kẻ thù, tâm trí đồng nghĩa với tội ác quả không ngoa tí nào. Bạn nên nhớ rằng, hầu hết những đổ vỡ, những vụ tự tử, tội ác xảy ra đều có nguồn gốc từ tâm trí.

Tình trạng tâm trí của ta giống như một cái tổ ong vò vẽ, cứ xoay mòng mòng ở bên trong. Nếu nghĩ rằng ta có thể biết được điều gì, hay đạt được một điều gì với một tâm trí như thế thì chúng ta phạm phải một sai lầm rất lớn. Trong hàng ngàn năm, nhân loại đã có cái ảo tưởng rằng người ta có thể đạt được kiến thức bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác.

Tâm trí ta đang thu thập những thứ trên khắp thế giới, từ sách vở, kinh kệ, bài giảng...và cứ nghĩ rằng ta đã trở thành người có học thức. Sự thực, ta đang biến tâm trí của mình thành những cái hồ đựng hằm bà lằng những tư tưởng vay mượn của người khác. Và như thế, những gì chứa trong hồ chẳng bao lâu sẽ trở nên hư thối, vì rằng những gì là vay mượn thì đều không có sức sống, nó là xác chết. Nước tù đọng trong hồ chẳng bao lâu sẽ trở thành hư thối.

Nên nhớ rằng, kiến thức, hiểu biết thực sự đến từ bên trong, còn tư tưởng thì đến từ bên ngoài. Kiến thức là của chúng ta, còn tư tưởng luôn luôn là của người khác, luôn luôn là vay mượn. Và, những gì thu nhặt được từ những người khác không thể nào trở thành kiến thức của ta được, nó chỉ trở thành những cách thức nhằm che che dấu cho sự vô minh của ta. Và khi khi vô minh của con người được che dấu hắn không bao giờ có thể đạt được kiến thức. Những sáng tạo vĩ đại của loài người làm thay đổi cả diện mạo đời sống chỉ đến từ những kiến thức thực sự chứ không phải từ những tư tưởng đơn thuần. Đa số những phát minh, sáng tạo lớn của các nhà bác học trên thế giới xưa nay như Archimedes, Marie Curie, Newton, Einstein...đều do sự lóe sáng tình cờ của tri thức chứ không phải do dùi mài thao tác trên những tư tưởng vay mượn được.

Như thế thì cái gọi là ý nghĩ của bạn na ná giống mối lo âu hơn là nghĩ. Trong cái gọi là ý nghĩ mà bạn đang thực hiện bây giờ, bạn phải mò mẫm tìm câu trả lời - và mò mẫm chỉ có thể trong bóng tối. Hôm nay bạn nghĩ bạn sẽ giải quyết được một cái gì đó và ngày mai rắc rối tương tự lại xuất hiện, mọi thứ lại trở nên bối rối, và bạn vẫn liên tục mò mẫm trong bóng tối. Chính vì vậy mà những nhà tư tưởng thay đổi ý nghĩ của họ hàng ngày. Cái được coi là đúng ngày hôm qua thì hôm nay không còn đúng nữa, và cái đúng vào ngày hôm nay sẽ không tương tự vào ngày mai. Bất kỳ điều gì bạn nghĩ về không phải là nghĩ, thực sự đó chỉ là sự gấp gáp, gấp gáp điên khùng, sự ùn tắc của ý nghĩ.

Cố nhiên, không ai có ý khuyên là bạn không nên sử dụng tâm trí mà suy nghĩ, hoàn toàn không. Khi con người ta còn thở thì ba trung tâm của con người vẫn phải hoạt động để bảo đảm cho cơ thể sống. Hàng ngày bạn vẫn phải tập trung năng lượng về trung tâm rốn, vẫn trải yêu thương từ trái tim, và đương nhiên, bạn phải sử dụng trung tâm não để suy nghĩ. Tuy nhiên, điều bạn cần làm là đừng nô lệ vào tâm trí, đừng biến tâm trí thành tối thượng, thành ông chủ.

Ngược lại bạn phải biến tâm trí bạn thành kẻ nô lệ, chính BẠN mới là ông chủ của tâm trí. Cần phải hiểu rằng, tâm trí như một công cụ của bạn, phục vụ cho bạn, bạn chỉ dùng tới nó khi cần. Khi bạn cần làm việc bạn dùng tay, cần đi bạn dùng chân, cần cày cuốc thì bạn dùng cái cày cái cuốc, cũng thế, cần suy nghĩ thì bạn dùng tâm trí. Không ai cứ suốt ngày khoa chân múa tay, suốt ngày cứ cày cày cuốc cuốc, chỉ có những kẻ điên. Vậy thì đừng biến cái tâm trí của bạn thành tổ ong vò vẽ nữa, sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị thần kinh.

Đừng quên rằng rốn là trung tâm quan trọng nhất, đó là nơi nối kết với nguồn năng lượng sống của mình. Mọi sự giáo dục đều là dành cho bộ não, vì thế bộ não của ta ngày càng trở nên lớn hơn, và gốc rễ của ta ngày càng bé đi, năng lượng sống sẽ tuôn chảy ngày càng yếu đi. Và đó là nguồn gốc của mọi sai lầm, toàn bộ cuộc sống của ta, sự nhận biết của ta cứ lang thang vòng quanh bộ não. Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề chỉ bằng bộ não. Hãy học hành trình di chuyển đời sống của một thiền nhân, ấy là hướng xuống dưới, về nơi những gốc rễ: Từ não xuống tim và từ tim đến rốn.

Nhân tố đầu tiên đối diện với những vần đề của đời sống luôn là bộ não, là tâm trí. Tuy nhiên hãy đừng để bộ não đơn độc một mình xoay xở. Bạn hãy bắt đầu hành trình di chuyển ý thức. Vậy việc đầu tiên là phải để cho não được thư giãn, tĩnh lặng, tránh để nó rơi vào căng thẳng. Kế đến, toàn bộ cơ thể cũng cần được thư giãn, bạn sẽ nghe được nhịp đập của con tim mình. Bạn tập trung chú ý vào rốn và cảm nhận được sự vào ra của hơi thở bạn như là xuất phát từ rốn, trung tâm năng lượng của bạn. Trung tâm rốn càng hoạt động, sức mạnh ý chí của bạn càng trở nên mạnh mẽ, bạn càng có nhiều năng lượng sống để thực hiện một điều gì đấy. Bạn càng suy nghĩ, tri thức của bạn càng phát triển. Bạn càng thương yêu, trái tim của bạn càng phát triển. Bạn càng quyết tâm thì cái trung tâm năng lượng bên trong của bạn, cái đóa hoa sen trung ương tại rốn sẽ càng phát triển.

Cuối cùng, mọi điều bạn cần làm là hãy nhận biết chính thời điểm này - tại đây và ngay bây giờ - quá khứ sẽ trôi xa, tương lai tan biến và thời điểm hiện tại trở nên sống động. Sống trong nó, tồn tại trong nó, và rồi những ý nghĩ gấp gáp điên khùng này không còn nữa. Lần đầu tiên bạn sẽ có khả năng nghĩ. Việc nghĩ mới này có nghĩa nhận biết nhiều hơn, ý thức tập trung nhiều hơn, ánh sáng hội tụ trong bản thể bạn nhiều hơn. Bạn trở nên nhận biết nhiều đến mức bất kỳ khi nào rắc rối xuất hiện trước bạn thì ý thức bạn, ánh sáng hội tụ của bản thể bạn làm tan biến nó. Và khi rắc rối tan biến, bạn biết câu trả lời.

Bên trời vẫn còn nắng, lá trời vẫn còn xanh, phố vẫn còn người đông, hãy cứ vui chơi cuộc đời, hãy cứ vui như mọi ngày, bạn nhé.
                                                                         
                                                              

Đà Lạt, tháng 9 - 2015






2 nhận xét:

  1. Hayyyyy ngớ người ra luôn, hay hơn OSHO

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, đơn giản vì Osho dàn trải vấn đề, đông thời đưa vào những lí luận cao siêu hơi khó hiểu, còn tớ thì xoáy thẳng vào vần đề với những bằng chứng rất gần gũi của đời sống anh KTS ạ.

      Xóa