Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

MƯỜI NĂM TẮM GỘI...




1. 

Tắm à?
Ừ thì tắm, sợ chóa giề, lên đường đi đánh giặc tàu tớ cũng còn chả sợ nữa là tắm. Vợ chồng mí nhau thì quan tâm nhau cũng được, cơ dưng mà đến mức giục nhau đi tắm là tớ cực lực phản đối đấy nhá, vi phạm nhân quyền quá đáng thể.
“Mười lăm tuổi hãy còn con nít
Đến năm mươi cút kít đã về già
Thế nên vòng thưởng nguyệt chơi hoa
Ngồi ngẫm lại ba mươi năm đã kiệt

Thế mà còn
Đi học đi hiếc
Đi thi đi thiếc
Làm quan làm kiếc…”

Ấy là mấy câu thơ trào lộng của Nguyễn Công Trứ than thở về cái sự nhiêu khê của đời người, mềnh là mềnh còn phải thêm câu này “Đi tắm đi tiếc”. Đời người vốn ngắn chẳng tày gang, thế mà bao nhiêu là thứ hằm bà lằng vô bổ làm mất hết cả thời gian sống, thời gian vui chơi thưởng thức hoa nguyệt thanh tao ở đời. Không biết từ khi nào, tắm gội bỗng nhiên trở nên không thể thiếu với con người, với ai không biết, riêng với mềnh thì hoạt động này chả có gì hay ho, ngoài việc nó chiếm một khoảng thời gian kha khá của đời người.

Thời con nít, tắm đồng nghĩa với việc nhảy ùm xuống sông Gianh bơi lội nghịch nước, chán chê thì lên bờ. Lên rồi đi dọc sông thấy có đám nào hay hay lại nhảy xuống nước. Cứ thế, có ngày phải cả chục lần “tắm” như thế, bợt hết cả người, sạch sẽ đến thế là cùng, hi hi. Tất nhiên cũng có ngày mãi chơi tới tối, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng quên cả tắm vẫn leo lên giường ngủ như thường. Nhớ có lần đêm chui bụi lủi bờ chơi trò đánh trận giả, mềnh lãnh trọn một bãi cứt chó rồi cũng quên luôn. Nữa đêm bị mạ phát hiện ra mùi thum thủm bèn dựng cổ mềnh dậy nện một trận, bắt tắm rửa thay đồ mới cho ngủ tiếp.

Đó là chuyện của mùa hè, còn vào mùa đông thì tắm là một động từ xa lạ với bọn con nít nhà quê dưới cái rét cắt da cắt thịt của quê nghèo miền Trung. Có khi trốn tránh qua được mùa đông nhưng cũng có khi bị mạ nấu nước rồi cưỡng bức tắm, đó quả là những lần cực hình không kém bị…tra tấn. Nhà quê thời ấy làm gì có nhà tắm, đến cái nhà ở còn hở toang hoác gió lùa nữa là. Tuy nhiên cũng có một lần mềnh tắm gội trong tự giác cao độ. Ấy là vào dịp gần tết khi mạ ra điều kiện không tắm không cho mặc đồ mới. Ba mươi tết mình bưng nồi nước nóng, xách cái đòn ra ngồi giữa sân nghiến răng thực hiện cái nghi lễ thổ tả ngay trước cái nhìn mãn nguyện của mạ, bụng thầm nghĩ thà làm cây đuốc sống như bạn Lê Văn Tám lao vào đốt kho xăng giặc có khi còn sướng hơn, hi hi…

Thử gõ cụm từ “Tắm là cái gì”, trong 0,44 giây anh Gu gồ cho tới 834000 kết quả. Ua chầu, té ra tha nhân cũng còn lúng túng chuyện tắm táp lắm. Tiện thể, mở luôn từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1992 trang 879 định nghĩa động từ tắm thế này: “Giội nước lên người hoặc ngâm mình trong nước cho sạch sẽ, mát mẻ hoặc để chữa bệnh” chấm hết. Chời chời! Quả là ngớ ngẩn, hi hi…

Mà thôi, mệt dồi, không viết nữa, tớ đi tắm phát cho sạch sẽ, mát mẻ cái đã he he…

2.




Mềnh trải qua trọn đời sinh viên trong thời bao cấp. Khỏi phải nói làm anh sinh viên “ăn như sư ở như phạm” thời ấy khổ cực đến như thế nào. Nhưng thôi, kể lể dài dòng làm gì, tập trung vào chuyện tắm gội cái đã.
 
Đại học Sư phạm Vinh có một cái bể tắm ngay sát quốc lộ dùng cho sinh viên nam cư xá. Cũng có mấy cái phòng được gọi là phòng tắm nhưng chả cái nào còn cửa. Ban đêm đói bụng, bọn sinh viên cư xá bẻ hết cửa làm củi nấu ăn rồi, thành thử vào “phòng tắm” cũng như ở ngoài trời.  Đại khái là chiều chiều khách đi trên quốc lộ thường chứng kiến cảnh một lũ sinh viên chúng tôi tồng ngồng đứng bu quanh bể nước thi nhau múc nước dội, lại còn chuyện trò cười hát rất mực náo nhiệt, hi hi…

Còn xà phòng tắm à? Chuyện xa xỉ. Hàng tháng sinh viên bọn mềnh được bao cấp một cục xà phòng 72% chủ yếu để giặt, không ai tắm bằng cái thứ xà phòng toàn xút ấy. Cũng có vài đứa đào hoa dính vòng bồ bịch gái gú nghiến răng mua cục xà phòng thơm bé bằng cái kẹo cất tận đáy va li, nhưng cũng chỉ dùng khi có hẹn hò và cũng chỉ xoa vào vài khu vực cần thiết, he he… 

Thời sinh viên ở Huế mình có đọc bác Nguyễn Trọng Tạo, hát bác í còn sớm hơn, khi còn là học sinh cấp 3 với bài “Làng Quan họ quê tôi”. Gần đây thì mình rất mê “Khúc hát sông quê”, bài hát bác Tạo phổ thơ Lê Huy Mậu, quá hay, quá tài.
Mà nói chung thì khen cũng bằng thừa, bác í vừa là nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, “nhà” nào cũng giỏi. Nhưng, nói thật, mềnh ngưỡng mộ  bác Tạo nhất là thành tích…lười tắm. Cái tên Nguyễn Trọng Tạo trở nên thật khó quên đối với mềnh khi đọc bọ Lập kể về đại ca “Tạo Bẩn”. Biết là nhà văn nhà veo thì hay nói quá, nhưng mềnh dứt khoát tin vào những gì bọ kể. Có sao đâu, người ta sẵn sàng tin vài điều đôi khi không thật lắm về người mình yêu quý. Ai nỡ lòng nào bắt con chiên đừng tin Chúa Jesus sống lại, hi hi…

Nói có sách mách có chứng, thôi thì cứ trích nguyên một đoạn về đại ca Nguyễn Trọng Tạo hỗn danh Tạo Bẩn trong tập “Bạn văn” của bọ Lập.
Anh Quán thấy cái áo anh Tạo đã sẫm màu thời gian, nói tắm đi cái mi. Anh Tạo nằm dài  ra sàn, nói để em nghĩ xem tắm có phải thuộc phàm trù văn hoá không đã.
Một hôm vừa sáng bảnh mắt anh Tạo đã đến nhà mình, nằm dài ra sàn kêu chán. Mình hỏi sao. Anh nói mình đi nhậu suốt ngày, nghĩ thương vợ, tối qua ở nhà, quyết định rửa bộ đồ nghề hầu vợ phát thì nó lại hành kinh. Rửa ráy thế có phí không.
Mình kể cho chị Kim Quí (vợ đạo diễn Xuân Đàm) nghe. Chị dài môi,  nói chà,  ông Tạo mà rửa bộ đồ nghề thì trời sập cái đoàng. Tao mà yêu ông Tạo thì tao phải lấy đũa gắp chim ông chứ chẳng dám cầm.
Mình có viết chuyện này ở Say 4, cô X. cười ngất. Hôm anh Tạo vào Vũng Tàu, nhắn tin cho cô X.: “Anh đang một mình ở bờ biển, buồn lắm, ra với anh đi.” Cô X. reply ngay lập tức: “Dạ dạ…Em ra liền nè. Em có phải mang theo đũa không anh?”.

 Chuyện lười tắm của bác Tạo còn hay hơn cả…bài thơ hay nhất, ngưỡng mộ bác í quá cơ. Mềnh đưa chuyện cho bà xã đọc hòng để mụ í hiểu ra rằng so mí bác Tạo, “thành tích” của mềnh chỉ đáng liệt vào hạng…muỗi. Ngồi kiểm kê lại các cuộc hẹn hò với “đối tác” của mềnh kể từ khi biết đu đưa với giống cái đến nay, chưa thấy ả nào bới theo đũa cả. May thế, he he…

3.



“Anh không muốn mất sông
Sông đã quành hướng khác
Anh không muốn mất em
Em đã về xa lắc

Có bầu trời phụ bạc
Đã thay rồi màu mây
Có nỗi buồn ngày trước
Đã reo cười đâu đây

Em dòng nước đang đầy
Đã vơi ngày nắng hạn
Anh con thuyền mắc cạn
Trong lưới tình mắt em.”

Ấy là bài thơ “Anh không muốn mất em” của bác Nguyễn Trọng Tạo. Thì ra bác í lười tắm cũng có lí do đấy chứ. Dù rất muốn “úp mặt vào sông quê” nhưng “Sông đã quành hướng khác”; ngay cả “Em dòng nước đang đầy” rồi cũng “Đã vơi ngày nắng hạn”, thế thì lấy đâu ra nước mà tắm cơ chứ. Kết quả là bác í mắc cạn, nhưng là mắc cạn khôn thế, tận “Trong lưới tình mắt em” hẳn hoi nhá. Nói thật, lười tắm mà làm thơ hay được thế thì mềnh cũng xin xung phong lười cho đến tận kiếp sau, hi hi…

Mà cũng lạ, chẳng riêng gì bác Tạo, bao nhiêu bậc tài hoa khác ở đời thậm chí còn là sư phụ bác Tạo về cái khoản lười cọ rửa. Lại trích bọ Lập: “Thực ra anh Tạo lười tắm không bằng cái móng tay anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) và anh Sơn (Trịnh Công Sơn), nói chung mấy ông hay rượu đều lười tắm cả…Anh Quán vẫn hay trêu anh Tạo, anh Sơn, anh Tường, nói ai cũng như mấy ông này thì khỏi lo sông Hương hết nước. Anh có câu trêu anh Tường: Nếu không tát cạn biển đông/ Thì cha Hoàng Phủ đừng hòng tắm cho. Lại có câu trêu anh Sơn: Bao giờ sông cạn đá mòn/ Công Sơn mới rửa hai hòn cho em”.

Mềnh không đồng ý lắm khi bọ Lập tổng kết “mấy ông hay rượu đều lười tắm cả”, có lẽ nên thêm vào “và rất tài hoa” nữa mới được. Phải nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn là hai thần tượng của mềnh về văn chương và âm nhạc từ thuở sinh viên. Thi thoảng mềnh lại phải chìm đắm vào thế giới bút kí bác Tường để trải nghiệm sự uyên bác hào hoa của văn chương; ngâm nga nhạc Trịnh mà tìm sự bình an và thấm thía rằng “chỉ có tình yêu mới cứu chuộc được thân phận trên cây thập giá đời”.

Cơ dưng mà, khổ chưa, các thần tượng của tôi ơi, sao quý vị lười tắm thế, sao quý vị đáng yêu giống…mềnh thế, he he. Có sự liên quan nào giữa lười tắm và tài hoa không nhỉ, không chừng phải làm cái luận án tiến sĩ về đề tài này mới được, hi hi…

Mềnh có đọc trong đâu đấy về một tôn giáo ở Ấn Độ, hình như Jaina giáo thì phải. Họ thờ thần lửa nên rất ít khi tiếp xúc với nước. Ba tháng các tín đồ Jaina giáo mới tắm một lần và mỗi lần cũng chỉ dùng một bình nước nhỏ. Không hiểu ở xứ sở Cà ri nắng nóng như nung, họ sẽ xoay xở thế nào sau mỗi ba tháng với chừng ấy nước. Ngưỡng mộ các đại ca quá đi mất, có khi phải khăn gói sang Tây trúc gia nhập Jaina giáo thôi, hi hi...

Chưa hết, Mahavira, nhà sáng lập Jaina giáo cũng có một cuộc đời kì lạ. Xuất thân là hoàng tử của bộ lạc Lichavi, vương quốc Kosala sống cùng thời với Thích Ca Mâu Ni. Năm 19 tuổi, ông lập gia đình và có một con gái. Tới năm 30 tuổi, Ngài rời gia đình, từ bỏ vợ con, dấn thân vào cuộc sống tu hành. Suốt 12 năm trời, Mahavira sống như một nhà tu khổ hạnh, khắc kỷ. Thời gian đầu, Ngài chỉ khoác trên mình một chiếc áo khoác duy nhất và không hề thay đổi. Sau 13 tháng, Ngài bỏ luôn chiếc áo và ở trần truồng cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Danh hiệu Mahavira có nghĩa là Ðại Anh hùng, một biệt danh dùng để tôn vinh cá biệt vị tổ sư này. Kết thúc 30 năm rao giảng, xây dựng và phát triển Jaina giáo, Mahavira từ trần sau một cuộc tuyệt thực cho tới chết tại Para, nơi gần Patna ngày nay, thọ 72 tuổi. Và nơi ấy từ đó trở thành thánh địa hành hương của mọi tín đồ Jaina giáo. Cho tới thời điểm nhập diệt, Ðức Mahavira có rất đông đệ tử, khoảng 50.000 người trong đó ba phần tư là phụ nữ.

Nể chưa, ai ngờ một vị tu hành gần như không dan díu với nước, thậm chí khỏa thân, lại có đông đệ tử đến thế, mà chủ yếu là phe tóc dài nữa mới tài. Mềnh chỉ cần có số đệ tử bằng một phần trăm ông Ðại Anh hùng thôi là đủ no cơm ấm cật, cơm no bò cưỡi quanh năm dồi, he he…

Hóa ra giá trị con người không chỉ phụ thuộc vào sự sạch sẽ thân xác. Có một thứ sạch sẽ còn cao quý hơn nhiều, ấy là “sạch sẽ tâm hồn”. Làm sạch thân xác thì chỉ cần mười phút, nhưng để có được tâm trong trí sáng như trăng rằm thì phải mất mười năm tắm gội. 

Mà có khi phải mất hết cả đời cũng chưa chắc làm được ấy chứ, bác Trịnh nhỉ.

Dalat, 2-2015

2 nhận xét:

  1. Tắm cũng có nhiều điều lạ nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, nói chung cứ xem xét cho kỹ thì cuộc đời cái gì cũng lạ chị TTM nhỉ.

      Xóa