Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

KÊNH KỊA, NGÀY ẤY – BÂY GIỜ

KÍNH TẶNG BỌ LẬP

Có một bận đã khá lâu ngồi nhậu với bọ Lập (Nhà văn Nguyễn Quang Lập), bọ hỏi mình: “Mi ngài Ba Đồn hay răng mà lấy nick Kênh Kịa? Tau có nhiều kỷ niệm với cầu Kênh Kịa lắm, khi mô rảnh tau sẽ viết”. Lòng mừng khấp khởi, có hẳn  một đại ca văn chương như bọ viết về cái nick của mình thì còn gì bằng. Thế rồi đợi mãi, chờ hoài, bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu Kênh Kịa nhưng bài của bọ thì vẫn bóng chim tăm cá.
Như rứa mà lại đâm hay, tết nhất ngày rộng tháng dài mình mới có cơ hội mà viết về nó chứ. Vô lẽ bọ Lập đã dựng lên cả một tòa lâu đài hoành tráng mà mình lại còn cơi nới thêm cái lều chăn vịt, he he...

Cầu Kênh Kịa bắc qua sông Kênh Kịa (nghe nói còn có cái tên mỹ miều là sông Mai), nối xã Quảng Long với các xã Quảng Phong, Quang Thanh thuộc huyện Quảng Trạch.  Chả biết cái tên Kênh Kịa có từ lúc nào, chỉ biết là đã từ lâu lắm, nhiều người mới nghe tên cứ tưởng nhầm là kênh kiệu. “Kênh” thì dễ hiểu rồi, cầu thì phải bắc qua kênh rạch sông ngòi, chứ còn “Kịa” là cái gì thì bó tay, mình đọc nhiều tài liệu, hỏi nhiều người mà chả ai cắt nghĩa được. Thôi thì Kênh Kịa cứ hãy cứ là Kênh Kịa cho nước nó trong, hi hi.
Người Ba Đồn không mấy ai không biết về một giai thoại thật đẹp liên quan đến cầu Kênh KịaNguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) , một nhà thơ nổi tiếng của đất Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ ông đã được xem là một thần đồng. Lớn lên, với tài văn thơ, ông trở thành người bạn tâm đắc của Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương của đất Thần Kinh. Ở vùng Quảng Trạch, ông là bậc kì tài, có lắm người kính nể, nhưng cũng không ít kẻ ghét ghen. Những người mộ tài ông nhiều lần tìm dịp để thử tài, khẳng định thêm một lần nữa lòng tin yêu và ngưỡng mộ của họ là đúng đắn.

Chuyện rằng, ngày ấy có một chàng trai làng Trung Ái (nay là Trung Thuần) cưới một cô vợ người làng Phan Long (tức là Ba Đồn). Trung Ái là quê của Nguyễn Hàm Ninh, còn Phan Long là phố huyện, có lắm học trò giỏi. Người Phan Long biết trong đám người đi đón dâu có cả Nguyễn Hàm Ninh. Họ liền bày một hương án chắn ngang đường vào làng, ngay ở đầu cầu Kênh Kịa. Trên hương án có bày một vế câu đối nôm. Họ nhà gái ra điều kiện nếu họ nhà trai không đối được thì nhất định không cho qua cầu đón dâu về. Vế xuất đối là : “Chân dậm, tay mò bỏn hói Kịa”.
Bỏn là cá thờn bơn, mình dẹp như lá đa, có nhiều ở con ngòi nước mặn (người miền Trung gọi là hói) chảy dưới cầu Kênh Kịa. Từ cái ý thực ấy nẩy sinh cái ý lỡm, ám chỉ việc người con trai về đất này tìm vợ.

Đám người đi đón dâu còn ở đầu cầu, ngơ ngác, lúng túng nhìn nhau, chưa biết xử trí thế nào thì Nguyễn Hàm Ninh vượt lên, ứng khẩu tức thì : “Má kề, miệng ngậm bống Khe Giang.”
Vế đối hợp cả ý thực lẫn ý lỡm. Khe Giang là con suối lớn chảy qua phía cuối làng Trung Ái, có nhiều cá bống nước ngọt. Còn ý lỡm đối lại cũng rất đạt, nói bóng gió chỉ việc người con gái về lấy chồng ở đất Khe Giang.
Hai vế của câu đối thật là đẹp, đẹp lời, đẹp ý và đẹp cả tình người. Dĩ nhiên sau đó người Phan Long vội vàng dẹp hương án để họ nhà trai tiếp tục cái công việc trọng đại của họ là rước dâu về trong niềm vui thờn bơn cá bống, he he...
Suốt ba năm trời mình đạp xe qua cầu Kênh Kịa để đi học cấp III Bắc Quảng Trạch. Thời ấy, cầu chỉ là những tấm ván ngang dọc rách nát do dấu tích chiến tranh, được buộc lại bằng dây thép. Hai bờ là con đường đất đỏ bụi mù, đủ nhuộm đỏ áo quần mỗi ngày đi học về. Mình nhớ hồi ấy nước dưới cầu rất trong chứ không ô nhiễm như bây giờ. Đi học về, nhất là mùa nóng, bọn mình thường dựng xe bên cầu rồi nhảy tùm xuống tắm. Không ít lần mình uống no nước Kênh Kịa vì bị bọn bạn chơi trò nhận nước (trấn nước). Bây giờ đã không còn một dấu tích nào của cầu Kênh Kịa khi xưa. Thay vào đó là một cây cầu bê tông bình thường như báo cây cầu khác. Cả con đường đất đỏ bụi mù năm nào giờ cũng đã được trải nhựa phẳng lì.
Điều đặc biệt là trong vùng chỉ có thanh niên làng mình chơi thân với thanh niên thị trấn Ba Đồn. Một phần là do dân làng mình chủ yếu hành nghề buôn bán, rành chuyện ăn chơi đua đòi không kém dân thị trấn, trong khi dân các làng khác quanh năm lam lũ chỉ biết làm ruộng.  Phần nữa là do trai thị trấn hay lên tán gái làng mình và ngược lại trai làng mình thường đi tăm các em Ba Đồn rất mực lúng liếng. Làng Tân An của mình, một ngôi làng tuyệt đẹp nằm ngay bên bờ sông Gianh. Người ta bảo con gái ven sông thường  xinh đẹp, điều đó tuyệt đối đúng với con gái làng mình. Các o đa số da trắng môi hồng, tóc dài chấm gót thướt tha, đủ hút hồn con trai thị trấn. Lớp đàn chị của mình thời ấy có o Thuận con ả mẹt Dực ở Chòm Bốn đẹp thôi rồi. Không đêm nào là không có trai Ba Đồn mò lên tán tỉnh, nghe nói bọ Lập cũng từng có mặt trong số đó, he he.

Tranh giành gái gú thì thể nào cũng xảy ra “chiến tranh”, chuyện ấy xưa như trái đất. Mình chứng kiến không biết bao nhiêu là trận chiến nảy lửa giữa trai làng mình và trai thị trấn. Vũ khí thường dùng là gạch đá gậy gộc, nóng hơn nữa là mảnh chai,súng cao su... Nơi thường xảy ra những cuộc chiến này chính là cầu Kênh Kịa, không ít kẻ bươu đầu mẻ trán ở đây. Mình ít tham gia những cuộc chiến này, chỉ đứng nghe ngóng từ xa, phần vì nhát gan phần lại chẳng cua được em Ba Đồn nào nên vô can, hi hi. Kết quả của phần lớn những cuộc chiến nảy lửa này thường không có bên thắng cuộc. Sau khi choảng nhau chí chóe, hai bên lại bắt tay giảng hòa, nói cho cùng thì bên nào cũng có nhu cầu món cá thờn bơn, he he.
Đi qua khỏi cánh đồng sau làng mình gặp con đường đất đỏ (mình chẳng nhớ tên đường là gì) rẽ phải là đi qua cầu Kênh Kịa về với Ba Đồn, rẽ trái là đi về phía huyện miền núi Tuyên Hóa, nơi có con đường Trường Sơn khi xưa đi qua, cũng là nơi tản cư của người dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trừ vài lần lên xã Quảng Trường chơi, mình rất ít khi rẽ trái.  Đi học, đi chơi, ra Bắc vào Nam đều rẽ phải. Có thể nói, Kênh Kịa là cây cầu đã đưa mình đến với thế giới, mọi buồn vui, mọi dấu ấn ở đời mình có được đều sau những lần qua cầu Kênh Kịa. Chả thế mà vào khoảng năm 2007, khi bắt đầu biết đến nét niếc, bắt đầu cần một cái nick để dan díu với blog Quê choa của bọ Lập, mình chẳng cần suy nghĩ gì nhiều mà chọn ngay cái tên “Kênh Kịa” – cái cầu nối về mặt địa lí giữa làng mình với Ba Đồn, cái cầu ảo nối tâm sự của mình với Quê choa. Rất nhiều bạn còm băn khoăn với cái nick trẹo lưỡi này, chả hiểu nó là cái gì. Họ còn nhân tiện sửa sang thành Kênh Kiệu, Khệnh Khạng, rồi thì Kụt Ku...đủ cả. Chán chê rồi thì chỉ đơn giản gọi là KK, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu...Hết cái thời Quê choa mưa thuận gió hòa, bọ Lập khóa còm, mọi người rùng rùng qua phây búc lập hội Quê choa, mình cũng khăn gói tản cư qua đấy. Nghĩ cái nick Kênh Kịa cũng nên thay, trở về với cái tên cúng cơm của mình cho nó danh chính ngôn thuận. Nào ngờ, mới được hai hôm lão Thuận Bài kịch liệt phản đối, đề nghị khổ chủ phải trở về thương hiệu “Kênh Kịa”. Thế là bà con phây búc lại tiếp tục có cơ hội...trẹo lưỡi, he he.
Tết năm trước anh chị mình rủ nhau về thăm lại làng sơ tán từ thời chống Pháp. Ấy là làng Còi tận trên Tuyên Hóa, anh chị mình đã trải qua thời thơ ấu bên ngôi làng thơ mộng này. Mình quyết định cùng đi, mặc dù khi mình sinh ra thì cả nhà đã trở về Quảng Thanh. Khi quay về Đồng Hới ngang qua Ba Đồn, theo sự quảng cáo của Mục Đồng mình đề nghị mọi người ghé quán cháo Lươn mang tên ông Lược ngay đầu cầu Kênh Kịa. Quả là danh bất hư truyền, ngon tuyệt, hiếm có nơi nào trên thế giới có món cháo lươn ngon thế. Lúc lên xe, một cụ ông dáng chừng chủ quán tất tả đi theo. Trông cụ có vẻ mệt mỏi, đi đứng khó khăn với nước da tai tái của người có bệnh. Cụ rụt rè vỗ vai bà chị mình : “Nì, có phải con Tâm không hè?”. “Ơ kìa, thằng Được!”. Hai người gần như ôm chầm lấy nhau ríu ra ríu rít. Thôi thì đủ thứ chuyện từ thời tám hoánh được hai người nhắc lại rồi cười tít cả mắt. Bà chị mình ra Hà Nội từ thuở còn mười chín đôi mươi, nay đã ra cụ bà gần bảy mươi cái xuân xanh, giọng nói cũng chẳng còn tí “bọ” nào. Quả là cảm động khi nhìn cái cảnh hai “cụ” tóc bạc da mồi, một giọng “bọ” rin một sệt giọng bắc cứ mi mi tau tau chuyện cũ rồi ngửa cổ cười nắc nẻ như trẻ con. Thời gian quả là tàn nhẫn khi lạnh lùng xóa đi nét thanh tân vô thường trên thân thể, nhưng rõ ràng là nó bất lực trước tâm hồn con người. 

Xe chạy được một quãng, ngoái lại vẫn thấy cụ Được đứng đầu cầu trông theo. Mình buột miệng hỏi “Người tình xưa hả chị?”. Chả nghe tiếng trả lời, quay sang thì thấy bà chị kính yêu xấp xỉ tuổi bảy mươi đang lặng lẽ thấm nước mắt. Hiểu rằng những kỷ niệm của cả một thời son trẻ đang sống động trong chị nên mình cũng im lặng. Qua khỏi cầu Gianh, chừng như những con sóng kí ức đã kịp lắng xuống chị thong thả kể: “Ông Lược mất rồi, ông Được là em ông Lược. Hồi ấy anh em nhà nó nghèo lắm, chỉ chuyên làm nghề chèo đò ngang, trong khi nhà mình buôn bán nên cũng có chút của ăn của để. Hình như cũng cảm nhận được phận nghèo của mình nên dù thích chị lắm nhưng nó đâu có dám thổ lộ. Suốt thời con gái, nó toàn chèo đò chở chị từ Lạc Sơn qua Minh Cầm đi học và bao giờ cũng thế, khi chị lên bờ nó cứ đứng trông theo cho đến khi chị khuất dạng nó mới chèo đò trở về, tội lắm. Ngần ấy năm không gặp, đến tuổi này lần đầu nó mới cầm tay chị trò chuyện thoải mái thế đấy...”.
 Hình như chị lại sụt sịt... Kỷ niệm là những thứ đã qua, đôi khi ta cứ tưởng nó đã được đào sâu chôn chặt ở một góc nào đó thẳm sâu trong tiềm thức, nhưng khi có dịp chúng lại ùa về tươi mới như những vết thương tỉnh thức. 

Một lần mình được đọc và rất thích tản văn đầy cảm động “Những con rạm bè sông Gianh” của nhà văn người Ba Đồn Nguyễn Quang Lập. Ở đó nhà văn kể về những con rạm sông Gianh bé nhỏ mong manh kết lại với nhau thành bè để tồn tại qua cơn mưa lũ. Ở đó qua hình ảnh “những con rạm bè khát sống nhưng chúng khát sống để sống vì nhau”, nhà văn nói từ gan ruột về “Người sông Gianh như những con rạm bè cố kết với nhau để mà sống giữa bao nhiêu hoạn nạn”. Sống xa quê đã lâu, thi thoảng trong tĩnh lặng, mình vẫn dành thời gian ngưỡng vọng về cố hương bằng những hình ảnh dường như đã là máu thịt. Và, trong thật nhiều những hình ảnh rưng rưng như thế,  có bóng dáng cụ Được hao gầy, xiêu xiêu đứng đầu cầu Kênh Kịa.

Đà Lạt, ngày hạ nêu tết Quý Tỵ, 16/2/2013.

2 nhận xét:

  1. Té ra là nhớ cái cầu Kênh Kịa!
    Hihi...
    Chị ghé thăm, đứng bên cầu Kênh Kịa đây!

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, cám ơn chị ghé thăm, lâu ngày chưa gặp chị, mời chị ghé vào quán cháo lươn ông Lược nhá, hi hi..

    Trả lờiXóa