Bút ký của Lê Thanh Phong
Có lẽ con người ngày càng bơ vơ trong “cõi người ta” lắm nỗi
bất an, cho nên cố tìm kiếm chút tịnh tâm nơi cửa phật. Đi lang thang khắp những
ngôi chùa đó đây, suy ngẫm được đôi điều, không phải ngộ đạo mà ngộ lẽ đời.
Không cần nước Otowa
no taki
Trên con đường nhỏ dẫn đến ngôi chùa cổ nghìn năm Otowasan Kiyomizo ở cố đô Kyoto – Nhật Bản, những đoàn người tứ xứ thả
từng bước hành hương. Người ta đi trong thinh lặng như đang trôi về cõi thiền.
Có thể không phải ai đến chùa cũng là phật tử, nhưng tất cả đều có chung một
thái độ thành kính. Người Nhật thật đáng khâm phục, ngôi chùa cổ rực rỡ sắc đỏ
của một rừng phong thu, khách viếng chùa rất đông nhưng yên lặng, sạch sẽ. Người
Nhật ứng xử đầy tôn trọng với môi trường và di tích như vậy nên du khách nước
ngoài dù cẩu thả đến đâu cũng không dám thất lễ. Từ trên chánh điện, có thể
phóng mắt ra khoảng không gian mênh mông núi đồi xanh ngắt, đẹp mơ mộng pha
chút ảo diệu, lòng tự nhiên thanh thản mà không cần một câu kinh lời kệ dẫn
dắt.
Nakagawa, anh bạn người Nhật thong thả kể về lịch sử ngôi
chùa. Chùa được xây dựng từ năm 778, trùng tu vào năm 1633. Cùng với kiến trúc
độc đáo, đặc sản của ngôi chùa là những cây cột làm bằng gỗ zelkova, to lớn đến
kinh ngạc. Hàng trăm cây cột gỗ chống vào sườn núi để nâng tòa chánh điện lên,
nhìn ngôi chùa như được treo trên không, dáng vẻ uy nghiêm phi phàm. Nhưng đáng
kinh ngạc nhất là khả năng giữ gìn di sản của người Nhật. Nghìn năm đi qua,
biết bao thử thách của thời gian, của thăng trầm lịch sử, nhưng Kiyomizu vẫn
vẹn nguyên. Hình như người ta không phân biệt giữa bức tượng phật sơn son thiếp
vàng với cây cối bên ngoài. Dù là tượng hay là cây cũng đều được chăm sóc kỹ
lưỡng, sự tôn trọng hết mực. Có lẽ vì quan niệm và sự ứng xử đó mà Kiyomizu tồn
tại đến hôm nay, chỉ có những nếp nhăn trên các thớ gỗ, những vệt mòn trên từng
phiến đá là dấu chỉ của nghìn năm.
“Đến đây rồi, nhìn cây thấy Phật” – Nakagawa nói. Tôi hiểu
anh muốn nhắn gửi với tôi điều gì. Không cần phải vào trong điện thờ để vái lạy
các bức tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay mới thành tâm hướng phật, không cần
phải đến thác nước Otowa no taki chảy xuống theo đường
dẫn thành ba dòng phía sau chùa để uống nước ngõ hầu xin được trường thọ, khỏe mạnh và thành công. Ngôi chùa cổ dù có nghìn năm
tuổi cũng không cứu được ai, nghìn bức tượng phật dát vàng tỏa hào quang với
vạn cánh tay cũng không che chở cho ai được thanh thản nếu trong tâm loạn động.
Và tôi còn tin chắc rằng, có nhiều người suốt đời không bước đến ngôi chùa nào
nhưng sống thiện tâm. Thiện tâm đến mức không còn biết trên đời này có chùa có
phật nữa.
Điều khó hiểu của
“Golden Rock”
Trên đỉnh đồi Singuttara của thành phố Yangon – Myanmar sững
sững một đỉnh tháp cao chót vót sáng rực ánh vàng của ngôi chùa Shwedagon cổ
kính. Đây là biểu tượng tôn giáo và là niềm tự hào của Myanmar. Không biết bao nhiêu là
vàng bạc và châu ngọc, trí tuệ và sức người đã đổ ra để làm nên ngôi chùa lộng
lẫy này, chỉ biết rằng, dân tộc Myanmar đã để lại cho thế giới một kỳ quan tôn
giáo, khuất phục được niềm kiêu hãnh của bất cứ ai bước đến. Tổng thống Mỹ Barack
Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong chuyến công du 6 tiếng đến Myanmar
ngay sau khi tái đắc cử, đã không thể không dành thời gian trong lịch làm việc
sát rạt để viếng thăm chùa Shwedagon, và tất nhiên cả hai vị phải cởi giày đi
chân trần quanh khuôn viên chùa rộng lớn. Với Shwedagon 2500 tuổi, mọi quyền
lực của trần gian nông nổi này đều nhỏ bé phù du.
Thật khó có thể hiểu được niềm tin tôn giáo, dù hàng nghìn
năm qua con người cố tìm để hiểu. Đến Myanmar, thăm viếng các ngôi chùa
của xứ sở này, lại càng khó hiểu hơn, ngay cả điều mình tưởng rằng đã ngộ được
đôi chút cũng trở nên mong manh dễ vỡ. Người dân Myanmar đi chùa như phải thở, chùa
là nguồn mạch của sự sống. Họ hy sinh của cải, châu báu để cung hiến xây dựng
hàng ngàn ngôi chùa lớn nhỏ. Dù cho đất nước có biến động, đổi thay, con người
còn nghèo khổ, nhưng niềm tin tôn giáo vẫn vững bền. Phải chăng khi nhìn bảo
tháp Shwedagon tráng lệ được làm và dát
bởi 8 tấn vàng, con người tự nhiên có
niềm hạnh phúc và hoan lạc vượt qua chuyện cơm áo ngày thường.
Một ngôi chùa khác được tín đồ Phật giáo khắp thế giới biết đến là chùa Kyaikhtiyo cách
Yangon khoảng 200 km, nằm trên ngọn núi cao hơn 1.100 m so với mực nước biển.
Phật tử, du khách vượt qua đoạn đường dài đầy khó khăn để đến chùa. Nhiều người
không thể hoặc không muốn leo núi nên mướn đội quân gánh thuê chuyên nghiệp từ bãi
đổ xe dưới chân núi. Đi chùa, có nhiều người bỏ tiền mua vàng lá dát vào đá
không tiếc, nhưng họ trả giá với phu gánh võng từng đồng. Từ xa, có thể thấy “Tảng
đá thiêng” (golden Rock) nằm chênh vênh
bên mép núi, phần tiếp xúc bờ đất chỉ 78cm2. Phật tử có niềm tin rằng, do trên hòn đá có ngọn
tháp giữ xá lợi tóc của Đức Phật nên đủ sức mạnh thiêng liêng giữ hòn đá không
rơi xuống vực. Bao nhiêu năm tháng đã qua, phật tử dành dụm tiền bạc mua vàng
đến dát vào đá, và những năm tháng tới, họ sẽ tiếp tục làm như vậy. Người dát
vàng và ôm hôn hòn đá với niềm tin sẽ được giàu có, thịnh vượng. Hòn đá chính
vì thế mà cứ dày lên bởi các lớp vàng mà con người đem đến mặc cả với thánh
thần.
Trước Tảng đá thiêng, đàn ông được phép bước đến gần để chạm
tay vào, còn đàn bà không được phép. Họ xếp hàng trước hàng rào ngăn cách hòn
đá vàng, thắp nến quỳ mọp lâm râm khấn vái. Trái tim u tối của tôi chưa được
khai sáng để hiểu vì sao niềm tin vào chánh quả lại phân biệt đàn ông hay đàn
bà. Bởi vì Phật tính bình đẳng trong chúng sinh, không phân biệt nam nữ, quý
tiện. Sự phân biệt không cho đàn bà đến “Tảng đá thiêng” trên chùa Kyaikhtiyo còn khó
trả lời hơn câu hỏi vì sao hòn đá to lớn nằm chênh vênh bên mép núi mà không
rơi xuống vực.
Đi từ dưới chân lên được đỉnh núi Linh Thứu của thành Vương
Xá, Ấn Độ cũng là thử thách đối với
khách hành hương. Ở đây, Đức Phật từng sống 7 năm. Quanh đỉnh núi còn có thạch
thất của các tôn giả A Nan, Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên. Tôi từng
kinh ngạc trước những ngôi chùa tráng lệ, lại kinh ngạc hơn khi lên núi Linh
Thứu. Đức Phật và các bậc tôn giả không ai có chùa, chỉ sống trong những thạch
thất lạnh lẽo mà vẫn bình tâm tu đạo. Khó có thể tin được, những cái hang đá
nghèo hèn này đã từng là nơi ở của những con người vang danh trong sử sách Phật
giáo suốt 2500 năm qua.
Nghiệm lại chợt thấy, Đức Phật không có gì ngoài tấm thân tu
hành và sự đại giác ngộ. Lần theo các dấu tích của Đức Phật, cũng không thấy
ngài có ngôi nhà nào trú ngụ. Sáu năm trong cái hang đá trên núi Khổ Hạnh. Ngài
đi tìm con đường giải thoát bằng sự khổ hạnh nhưng không thành. Cuối cùng, ngồi
bên gốc bồ đề tu luyện và thành đạo, cũng chỉ giữa trời đất, bên một gốc cây. Sau
khi thành đạo, ngài đi rao giảng ở vườn Lộc Uyển. Ở đâu ngài cũng chỉ có cây
cối, thảm cỏ, vườn trúc để làm nơi ở và hành đạo. Hương thất của ngài trên núi
Linh Thứu cũng chỉ là những phiến đá vô nhiễm như gió ngàn. Suốt cuộc đời du
hóa của ngài, tuyệt không một chỗ cao sang cho riêng mình. Sinh ra trong vườn
hoa vô ưu, tắm bằng dòng nước của chiếc hồ giữa rừng. Viên tịch cũng trong rừng
cây tala thành Kushingar nhỏ bé.
Đứng trên núi Linh Thứu, chợt nhớ câu chuyện “Niêm hoa vi
tiếu” (Giơ hoa - mỉm cười). Có lần trên ngọn núi này, giảng pháp cho đại chúng,
Đức Thế tôn giơ cành hoa ra, mọi người im lặng không hiểu ý của ngài, chỉ riêng
Ca Diếp mỉm cười rất tươi. Cũng không ai hiểu được vì sao Ca Diếp có nụ cười an
lạc như vậy. Thông điệp từ tâm đến tâm, vô ngôn, nhưng thấu suốt mọi lẽ.
Cho đến hôm nay, các bậc thiền sư vẫn cố tìm câu trả lời về
nụ cười của Ca Diếp nhưng hình như chưa ai thỏa mãn với luận giải của chính
mình. Đó là chưa kể còn phải hiểu ý của Đức Thế tôn khi ngài đưa cành hoa ra.
Điều mà Ca Diếp hiểu đôi khi chỉ mới là một cách hiểu trong vô bờ bến huyền
nhiệm của đạo. Tôi lạm bàn với người bạn đồng hành, rằng tôi từng đọc đâu đó,
có người giải thích muốn tâm thanh tịnh phải như đóa hoa tinh khiết, không
nhuốm bụi trần trên tay Đức Phật. Nghe câu chuyện, bạn tôi - một người không hề
quan tâm gì đến thiền, cũng chẳng biết gì đến giáo lý nhà Phật, chỉ thích du
sơn ngoạn thủy - nói như không cần suy nghĩ rằng: Ca Diếp thấy cành hoa quá
đẹp, tươi trong nắng, rực rỡ giữa núi non nên mỉm cười. Còn đại chúng vì cố gắng
bóp trán suy nghĩ quá nhiều điều, họ cứ tưởng trên tay Đức Phật thì cái gì cũng
ảo diệu vô lường cho nên tối tăm mụ mẫm đầu óc. Đức Thế tôn cầm trên tay cành
hoa, chỉ đơn giản thế thôi, tại sao con người lại nghĩ ra lắm thứ cho mê tâm
muội trí.
Ừ nhỉ! Mỗi buổi sáng thức dậy, tai nghe tiếng chim hót, mắt
thấy áng mây trời, nhìn nụ hoa hàm tiếu là đủ để nở môi cười, “bầy chim non lần
hạt, cho câu kinh bước tới” (Trịnh Công Sơn). Tại sao những điều vốn đơn sơ,
giản dị, nhưng lại bị con người phủ lên quá nhiều thứ phù phiếm và rồi tự mình
đắm đuối với những thứ phù phiếm ấy. Đạo có phức tạp đến mức con người ta phải
hao tổn tâm trí và sức lực của cải đến như vậy không? Hay bởi con người ta đem
đời vào trong đạo quá nhiều?
Theo báo Lao Động Miền Trung Tây Nguyên số Xuân Quý Tỵ
Hihi...
Trả lờiXóaCon người bị dính mắc vào cái óc phân biệt chia chẻ nên đâm ra rắc rối và khổ.
Đơn giản như đang giỡn là OK nhất, Túy ha?
Đúng như thế thưa chị. Con người ta tự làm khổ mình chứ chẳng ai bắt mình khổ được. Chúc chị...sướng, hi hi.
Trả lờiXóaHihi...
Trả lờiXóaOK luôn!