Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

CÁI TÊN








       Suýt nữa mình có tên là Đạm, Nguyễn Quốc Đạm. Ông cụ đã hạ bút đặt tên cho thằng con út là Quốc Đạm, thế rồi trong một phút giây thăng hoa nào đấy, cụ gạch đi mà thay bằng Quốc Túy. May thay! Phải là quốc túy quốc hồn nghe mới oách chứ ai lại quốc đạm, nghe cứ sặc mùi…protit, đội ơn cụ ạ.

       Nghe ông anh kể lại, ông cụ đặt tên con cái vô cùng cẩn thận. Cụ phải tra hết sách vở đông tây kim cổ rồi mới quyết, có khi sinh con ra cả tháng rồi mà chưa đặt được tên. Ngày xưa, nghe nói người ta kiêng đặt tên hay, tên đẹp cho con cái, sợ bị ma bắt. Hồi cấp hai, lớp mình có thằng Mày, chị nó tên Xin, bạn bè thường ghép tên cả hai chị em mà réo, Xin Mày, Xin Mày. Ông anh bà con bên vợ mình có cái tên hơi oái oăm là Phân. Mỗi lần anh từ dưới quê lên mình cứ phải chào anh Phân khỏe không, nghe không lễ phép tí nào. Thậm chí thời vua chúa phong kiến, dân đen không phải muốn đặt tên gì thì đặt. Có một số chữ là bản quyền của Hoàng tộc, ai đụng vào coi chừng mang tội phạm húy, khi đó rất dễ trở thành…vô danh.

       Nay thì những ông bố bà mẹ mặc sức mà đặt tên con, nào Kiều Diễm, Mộng Trinh, nào Hùng Cường, Trung Dũng … đủ cả, cứ nghe càng thánh thót, càng hoành tráng càng tốt. Mà không những tên, cả chữ lót cũng được chăm sóc, chải chuốt. Lại có cả sách hướng dẫn đặt tên, nhiều gia đình cẩn thận thuê hẳn "thầy" đặt tên con sao cho mau phát tài phát lộc.

      Đó thực ra là chuyện của đám dân thị thành có tí chữ nghĩa, chứ dân quê cũng chả mấy để ý đến tên con cái. Cái tên cúng cơm của chúng chủ yếu được dùng ở trường học, còn ở nhà thì cứ cu tí, cu tèo, cái mẹt, cái hĩm cho tiện.  Ông cu Thế sau lưng nhà mình ở quê dùng các binh chủng quân đội đặt tên con: Thủy, Lục, Hải, Quân (chẳng lẽ đặt tên là thằng Không). Hết binh chủng thì dùng tên nước cho hai thằng tiếp theo: thằng Việt, thằng Nam. Thêm thằng nữa đặt tên là Quyết, hai vợ chồng cố mãi mà không tòi thêm được đứa nào, mặc dù anh cu Thế đã dứt khoát đặt tên là Thắng bất kể trai hay gái. Thành ra Thủy, Lục, Hải, Quân, Việt, Nam, Quyết, mãi mà không Thắng, hi hi...

***
     Suy cho cùng thì cái tên chả có ý nghĩa gì. Sống trong một xã hội với quá nhiều những định chế do con người đặt ra, người ta cần phải có cái tên để ghi danh cùng với đời. Một ai đó đi học, đi thi, đi làm, được cất nhắc, bổ nhiệm...thì không thể thiếu cái tên. Nhưng rồi cũng chưa đủ, thiên hạ lại đặt ra thêm một loạt những khái niệm để định danh cho cái tên: kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, giám đốc, tổng thống, chủ tịch...Danh thiếp của nhiều người không còn chổ cho một loạt những chức danh, chức vụ, học hàm, học vị rồi mới đến cái tên, nhìn phát khiếp.

      Thuở xa xưa, khi xã hội loài người mới phôi thai thì đã làm gì biết đến cái tên. Ngay giữa thời hiện đại này có những tộc người sống cũng đâu cần đến khai sinh với hộ khẩu. Có ai dám bảo họ không hạnh phúc không? Thử tưởng tượng bạn bị bỏ rơi lại trên mặt trăng hay lạc vào hoang đảo một mình vô phương trở về thế giới loài người như Robinson thì phỏng cái tên  của bạn dùng để làm gì? Bạn định xưng danh giám đốc, tiến sĩ, tổng thống ... với ai?

       Cái nguy của loài người là ở chổ, người ta tự đồng hóa mình với cái tên, với mớ chức danh ảo tưởng đó. Con người ta không phải là cái tên, không phải là chức vụ, học hàm. Thế nhưng thiên hạ cứ thích vỗ ngực tôi là anh Ba, anh Tư, tôi là giám đốc, là tiến sĩ, là ... là... Thế rồi người ta ngày càng đi xa dần bản chất CON NGƯỜI đích thực của mình, họ chẳng còn biết mình là ai. Nhiều người sống bằng lớp vỏ giả tạo ấy cho đến cuối đời mới chợt giật mình "đi tìm cái tôi đã mất". Đơn giản, khi cái lớp vỏ ảo tưởng kia rơi rụng, họ mới thấy sốc, thấy chơi vơi như một kẻ sắp chết đuối không nơi bám víu.

     Anh sinh ra là hình hài một con người chứ không phải một cái tên. Ngày trút hơi thở cuối cùng thì cũng chính xác thân anh chui vào hòm, cái tên quá lắm là xuất hiện trên tờ cáo phó hoặc trên tấm bia mộ sau khi anh "nằm xuống với đất muôn đời". Theo thời gian khi anh bắt đầu trở nên cát bụi thì ngay cả tấm bia mộ cũng chả trường tồn. Giữa hai lần chui ra chui vào ấy là cuộc sống của chính anh, là khoảng thời gian quý báu để thân và tâm anh hành hương trên cõi thế. Hãy biết quan tâm đến phúc lạc của Thân-Tâm anh thay vì bám víu vào mớ tên tuổi hư danh hão huyền.

2 nhận xét:

  1. Bài viết được đấy ! Nhất là đoạn sau có một tý triết , có một chút thiền trong đó . Hay là lây Lão Bu ?
    Cái tên nói cho cùng , cũng để phân biệt người này với người kia , ví dụ trong một lớp học có một tên Hòn Sỏi trùng tên trùng họ , thì người ta sẽ gọi Sỏi A , Sỏi B , Sỏi C thậm chí không còn chữ nữa thì gọi Sỏi Ghẻ
    Điều Salam muốn nói ở đây là VN có quá nhiều danh xưng , lạm phát danh xưng , thậm chí khi nghe danh xưng như thế thì người nghe chẳng hiểu ông / bà này chuyên môn chính là gì ví dụ : Giáo Sư , Tiến Sĩ , Nhà giáo nhân dân , Anh hùng lao động , Bác sĩ Trần văn ... Salam chỉ là một người dân bình thường , nghe như tên kèm theo chức vụ như vậy thì rất kinh sợ . Sợ ở đây không phải là sợ chức danh và ông / bà ấy , sợ ở đáy là họ ( NỔ ) quá sợ bị văng trúng miểng . Vì ở ta tiến sĩ dỏm , tiến sĩ giấy rất nhiều . Người Việt mình mang tính hiếu danh , cứ phải có chức danh này nọ , đièu đó cho thây họ thiếu tự tin , phải đưa chức danh ra để che dấu đi sự tự ti trong lòng họ ... Trông rất buồn cười
    Còn một vấn đề nữa là trong các cuộc họp hay hội thảo , phần giới thiệu dài lê thê . Ông nọ Bà kia phải kèm theo chức danh và phải giới thiệu hết , ôi giời ạ ! Không có gì chán hơn khi xem những hội thảo như vậy
    Salam thích người nước ngoài vì điều đơn giản của họ , họ chỉ cần giớ thiệu Dr hay Professor ( giáo sư ) là đủ . Thong những cuộc hội họp hay hội thảo cũng vậy chỉ cần một câu nói ( chào ) Ladies and Gentlemen ( Thưa quý ông và quý bà ) là đủ , dành thời gian cho cuộc tranh luận rất nhiều . Đó là điều khác biệt về tên gọi và danh xưng mà Salam cảm nhận đươc
    P/ s : Salam có một người quen là người Đức hiện đang điều hành một công ty ở Sài Gòn , thỉnh thoảng cũng hay tranh luận về vấn đề này . Ổng nói theo sự hiểu biết của ông , thì người Đức , người Áo , người Ba Lan cũng mang căn bệnh này
    Vài lời vớ chú Tuý như vậy .... Thân !

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Salam nhiều. Bài viết của em chỉ muốn nói một thông điệp: "Hãy biết quan tâm đến phúc lạc của Thân-Tâm anh thay vì bám víu vào mớ tên tuổi hư danh hão huyền".
    Nhân tiện nói thêm, anh Bu có thể giỏi về triết lí, chứ thiền thì khó mà khai ngộ, lớp vỏ đời sống lưu cửu dày quá rồi, anh í khó bóc tách cho hết.

    Trả lờiXóa