Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Trịnh Công Sơn: Xin cho tôi...

Kỷ niệm 13 năm ngày ông qua đời, cũng định viết vì tình cảm với người nhạc sĩ mà mình yêu thích không ngờ cũng được cái xuất sắc, hi hi.
-----------------------------------------------------------------



Xin - cho là chuyện vẫn diễn ra hằng ngày của nhân loại ở đời. Chẳng biết tự khi nào, có lẽ là từ khi nhận thấy thế giới này chưa được hoàn thiện, thiên hạ bèn tìm cách xin để bổ khuyết cho cái phần chưa hoàn thiện kia. Xin cái gì? Cũng tùy người, kẻ tham lam xin bất cứ cái gì miễn là có lợi cho mình, người có trái tim yêu thương xin những gì mang đến hạnh phúc cho tha nhân. Cứ cho tôi biết bạn xin cái gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai.

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ suốt thời gian rong chơi cõi tạm cũng từng xin. Ông xin cái gì? Trước tiên lại phải trả lời câu hỏi, Trịnh Công Sơn là ai? Thật là phù phiếm khi tôi lại gán cho ông thêm một định nghĩa nữa. Trong tác phẩm Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài, Bửu Ý đã liệt kê gần ba mươi định nghĩa mà người ta gán cho ông. Với tôi, nghe và hát Trịnh Công Sơn bao năm nay điều đọng lại về ông chính là một nhạc sĩ của tình yêu. Cứ như chất liệu làm nên trái tim ông là tình yêu, cứ như quanh ông luôn tỏa ra một trường yêu thương bất tận.
Thế thì Trịnh Công Sơn còn xin gì nữa nếu không phải là yêu thương? Ông yêu tất cả mọi thứ gặp phải trong cái trường yêu thương bất tận ấy, quê hương, con người, thiên nhiên, cây cỏ... Thực ra, thật khó mà phân định rạch ròi, tình yêu quê hương cũng chính là tình yêu đồng loại, thiên nhiên, đất trời. Tất cả đan xen, hòa quyện, lắng đọng bên nhau không hề có ranh giới rạch ròi. Trịnh Công Sơn đơn giản gọi tất cả là "đời", ở đó ông tự thấy mình "yêu quá đời này", ở đó ông chỉ biết nói lời tạ ơn, dù đến rồi đi.
Quê hương - hai tiếng thân thương gần gụi ấy đối với ông đôi khi là "một trời mưa bay", là "đồi thông nắng đầy", đơn sơ góc phố, hay chỉ là một chiếc lá thu phai. Hãy bắt đầu hành trình yêu thương cùng ông từ một con đường, con đường thong dong "một ngày cầu xin thong dong con đường" (Vẫn nhớ cuộc đời). Chưa cần phải đi đâu vội, cứ đứng yên đấy mà chiêm ngưỡng nét đẹp quê hương hiện ra từ một chiều hoàng hôn "xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn" (Tình xót xa vừa). Mà đâu chỉ có hoàng hôn, người nghệ sỹ còn muốn nối rừng núi với biển xa, nối từ đêm tới ngày "xin ngủ dưới vòm cây,... xin chờ những rạng đông" (Ru ta ngậm ngùi). Sống giữa cuộc đời còn đầy sân hận này mới thấy tình cảm yêu quê hương, yêu đồng loại của Trịnh Công Sơn tinh khôi và đáng quý biết bao. Ông không hề xin một tí lợi danh nào cho bản thân, mọi mong ước của ông đều chỉ dành cho quê hương thần thoại. Ông "xin có một ngày ngồi thong dong" chỉ để "trao đến mọi loài chút tình tôi" (Như tiếng thở dài). Ông ngồi đó thong dong hướng về quê hương nhọc nhằn gian khó mà xin cho mưa thuận gió hòa, "xin cho bốn mùa đất trời lặng gió" (Hoa vàng mấy độ), "xin hãy cho mưa qua miền đất rộng" (Diễm xưa).
Chứng kiến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn xương tan thịt nát, bất lực nhìn quê hương bị cày xới với bao người dân lành vô tội phơi thây trên ruộng đồng, người nghệ sĩ với trái tim đau chỉ còn biết ngửa mặt lên trời xin đôi bên quên đi thù hận "thù hận xin quên, đây quê hương mình" (Lại gần với nhau). Nhưng nào có ai nghe lời cầu xin của người nghệ sĩ, trong những cái đầu nóng kia chỉ đầy ắp súng đạn và bạo lực, mặc cho ông miệt mài "xin cho đêm không có đạn bay", "cho tôi đi nâng dậy hòa bình" (Xin cho tôi). Quê hương với tình yêu bao la của mẹ, với bước chân trẻ thơ rộn ràng là thế bỗng trở nên xa ngái trong khói lửa chiến tranh, để Trịnh Công Sơn xót xa thêm một lần "xin tay mẹ nồng nàn, cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền" " (Xin cho tôi).
Thân thể quê hương cũng như thân thể một con người. Không ai có thể yêu thương với một cái tâm bấn loạn, thân thể chỉ có thể ban phát tình yêu trong sự bình yên, tĩnh lặng. Trịnh Công Sơn cũng thế, khi quê hương có được "giấc ngủ thật hiền" ông nhận ra rằng "từ đó tôi yêu em" (Xin cho tôi).
Quê hương là em và em cũng là quê hương, cũng như em là tôi và tôi cũng là em vậy. Với trái tim chan chứa yêu thương của mình Trịnh Công Sơn dành trọn tình yêu cho em không hề vụ lợi, không định chiếm đoạt điều gì. Mọi thứ ông vẫn chỉ dành cho em rất chân thành "xin cho tay em còn muốt dài", "xin chân em qua từng phiến ngà, xin mây xe thêm màu áo lụa" (Còn tuổi nào cho em). Phần mình, ông chỉ rón rén "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ), hay đơn giản chỉ "xin làm quán trọ buồn chân em ghé chơi". Mà nếu em có đành đoạn ra đi thì Trịnh Công Sơn cũng tình nguyện "xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài" (Biết đâu nguồn cội).
Trong "Trịnh Công Sơn một người thơ ca một cõi đi về", tôi thích một đoạn Anh Ngọc viết về Trịnh Công Sơn như thế này: "Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả. Bởi yêu thương con người - từng con người một, bé nhỏ và mong manh - mà dẫn đến yêu thương dân tộc, yêu thương nhân dân, và yêu thương cả nhân loại". Trịnh Công Sơn từng "xin cho tôi nguyên vẹn hình hài" chỉ để "cho tôi nghe lời hát cỏ cây", nhưng nay trái tim ông đã ngừng đập, hình hài của ông đã không còn nguyên vẹn mà tan theo cát bụi. Tuy nhiên cái chết đối với ông có lẽ chẳng lạ lùng gì. Thậm chí ông còn hình dung ra cái ngày "tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này". Đến cả lúc ấy, ở bên kia thế giới, ông vẫn còn lắng nghe đất đá tự tình "xin được xin nằm yên, đất đá hân hoan một miền" (Rơi lệ ru người). Tôi tin rằng ở cõi vĩnh hằng ông vẫn còn đau đáu với tình yêu quê hương. Trái tim ông ngừng đập nhưng trường yêu thương từ đó vẫn lan tỏa như một thứ ánh sáng nhật nguyệt có thể cứu chuộc thân phận như ông hằng mong mỏi.

http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/nhac-trinh-trong-toi/trinh-cong-son-xin-cho-toi-56726.html





Lễ trao giải 'Nhạc Trịnh trong tôi': Ấm áp nơi căn nhà số 47C

Sau gần 1 tháng phát động, sáng nay (1.4), Lễ trao giải cuộc thi viết bài cảm nhận Nhạc Trịnh trong tôi đã diễn ra tại nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TP.HCM). 

Chủ trì buổi trao giải ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) cùng gia đình đã trao giải cho 7 cây viết xuất sắc nhất được Ban giám khảo là những người có chuyên môn cao như: Nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà báo Nguyễn Trọng Chức, nhà báo Lê Thanh Phong, nhà thơ Nguyễn Duy xem xét và tuyển lọc, dựa trên hàng trăm bài cảm nhận gửi về cho Báo Một Thế Giới tham dự cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi. 
Theo đó, đã có 3 bài viết xuất sắc nhất được trao cho: 
Trịnh Công Sơn, xin cho tôi (Tác giả Nguyễn Quốc Túy – Lâm Đồng)
Chiều trên quê hương tôi (Tác giả: Hoàng Quang Hiển – TP.HCM)
Tôi chọn Huế vì Trịnh (Tác giả: Hoàng Phương Thảo – Hà Nội)
https://www.youtube.com/watch?v=jHZZqTuVKtI

2 nhận xét:

  1. - "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rất nhiều ca khúc, trong số đó có những bài rất hay, và tôi vẫn thích hát những bài ấy.

    Nhưng tôi muốn phát bệnh khi thấy một số người loay hoay tìm cách tô vẽ, thổi phồng Trịnh Công Sơn thành một cái gì to lớn quá cỡ so với con người thật của ông ta, đặc biệt trong những chiến dịch rầm rộ diễn ra ở Việt Nam kể từ ngày ông ta qua đời.

    Trong số những người ưa thổi phồng Trịnh Công Sơn, hiển nhiên có những kẻ mang ý đồ chính trị, có những kẻ mang ý đồ thương mại, và cũng có những kẻ suốt đời vẫn chưa thoát khỏi cái tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên...
    (...)
    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng tự hạ phẩm giá của mình để nói giống y như cái miệng lưỡi ghê tởm của chế độ. Ví dụ: trưa ngày 30/4/1975, ông ta đã nói “Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.”
    (...)

    - Trịnh Công Sơn đã có khi nào nhìn vào tấm gương soi?
    http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=12505

    Trả lờiXóa
  2. Xin chào và cám ơn bác Trung Tín Võ ghé thăm. Có lẽ mọi người ít khi nhìn vào tấm gương soi, đến nỗi họ quên cả chào hỏi khi ghé nhà người khác.

    Trả lờiXóa