Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Nhớ Trường xưa

Mình quen anh Tuấn từ năm 1994 khi học chung một lớp cử nhân Anh văn tại chức đầu tiên của Đại học Đà Lạt. Khi ấy anh là giám đốc một công ty về thủy lợi ở Huyện Đức Trọng còn mình đang là giáo viên Vật lí một trường cấp 3 ở Đà Lạt. Chẳng biết vì cái duyên gì nhưng từ bấy đến nay mình xem anh như một người anh trong gia đình, đồng thời là một người bạn vong niên. 
Suốt thời gian cùng học và ngay cả sau này khi anh là giám đốc Sở Giao Thông rồi nghỉ hưu, mình luôn xem anh là tấm gương về học hành, nỗ lực.
Anh Tuấn gửi bài này cho mình đã lâu nay mới đọc được, càng mến phục anh hơn vì những cố gắng miệt mài trong khốn khó từ thuở nhỏ. 
----------------------------------------------------
 

                                                 Sông Trà Bồng - Quảng Ngãi
 
Tôi được vào học ở Trường Phan Đình Phùng, Trà Bồng như một sự may mắn tình cờ, như sự đưa đẩy của số phận mà đã giúp một cậu bé nghèo nàn, đã bỏ học vài năm vì không thể nào đủ tiền để theo học Trung học, trở thành một người đỗ đạt, thành công trong học tập và có cơ hội cống hiến sau nầy.
 Chính Trường Phan Đình Phùng,Trà Bồng, nơi dù chỉ được học có 2 năm Đệ Thất và Đệ Lục ( Lớp 6, lớp 7 bây giờ) đã tạo cho tôi một bước ngoặt trong cuộc đời, cho tôi cơ hội lớn để thay đổi số phận mình. Việc học tập và vươn lên trong nghèo khó của tôi nhiều bạn biết, nhưng nay, nhân ngày kỷ niệm 50 năm Trường Phan Đình Phùng, Trà Bồng (1963-2013), tôi viết ra đây để cùng các bạn ôn lại kỷ niệm xưa và cũng để tỏ lòng tri ân, kính gửi tới quý Thầy Đào Ngọc Luy, Phạm Phi, Trần Điệu, ba người Thầy kính yêu đã dạy dỗ, giúp đỡ  chúng ta ở ngôi trường tuy mới thành lập, thiếu thốn mọi thứ nhưng rất hiệu quả trong giáo dục, đào tạo nầy. Xin cầu chúc cho Thầy Đào Ngọc Luy, Thầy Phạm Phi được dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong tuổi già và xin cho Thầy Trần Điệu được siêu thoát. Tôi cũng xin gửi lời cầu chúc sức khỏe đến gia đình các bạn cùng lớp, cám ơn tất cả các bạn đã dành cho tôi nhiều tình cảm ưu ái trong lúc tôi và gia đình hành nghề sửa xe đạp để mưu sinh tại xã Trà Xuân (Trà Khương xưa). Tôi xin đặc biệt cám ơn hai bạn Trầm Thế Phùng và Đặng Phi Hổ, những người bạn thân yêu đã giúp tôi tự khẳng định được mình. Có lẽ chúng ta đã là bạn bè của nhau trong nhiều tiền kiếp cho nên đến kiếp nầy, chỉ bằng vài hành động hay lời nói, các bạn đã giúp cho tôi một cơ hội tuyệt vời, thật như Nguyễn Bính đã viết:
Ai biết thương nhau từ buổi trước,
Bây giờ gặp nhau trong phút giây.
                   ( Hành phương Nam, Nguyễn Bính).
Tôi tên thật là Hứa Minh Tuấn, sinh ngày 18 tháng 10 năm 1948 tại quê mẹ, Làng An Thọ, Xã Tịnh Sơn, Huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Quê cha ở Xóm Mỹ Yên, Thôn Thọ Lộc, Xã Tịnh Hà, Huyện Sơn Tịnh. Cha tôi thời thuộc Pháp, học làm công nhân ở Trường Bách nghệ, Huế. Ra trường làm người lái tàu lửa trong ngành đường sắt, đoạn Tháp Chàm- Đồng Hới, sau chuyển qua ngành đường bộ lái xe lu và điều hành công việc sửa chữa, dặm vá đường. Thời kỳ kháng chiến về làm thợ máy ở Xưởng  sản xuất giấy ở thôn Phú An, Xã Đức Hiệp, Mộ Đức. Về già, trở về quê cũ ở Mỹ Yên, làm nghề rèn, sửa xe đạp và các việc linh tinh mà bà con nông dân trong thôn, xóm cần. Cha tôi là con út trong một gia đình có mười một người con. Chị ruột của Ông là Bà nội của Thầy Lê Ngọc Bửu (Thầy Bửu, niên khóa 1958-1959, là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Khương, và là tác giả bài thơ: Hương quyến luyến, viết về Trà Bồng mà các bạn đều được học khi học ở Tiểu học với Thầy). Cha mẹ của Thầy Lê Ngọc Bửu là những trí thức tuyệt vời. Tuy là cậu, cháu nhưng cha tôi và cha Lê Ngọc Bửu là hai người bạn thân vì tuổi tác không chênh lệch nhiều mà tính tình lại hợp nhau nữa. Cha tôi làm công nhân, ít học nhưng cha, mẹ Bửu là những trí thức, học cao, hiểu rộng, nghệ sỹ đa tài, giỏi ngoại ngữ, giỏi âm nhạc; chồng đệm đàn cho vợ hát rất hay. Cha tôi chính là người Thầy đầu tiên đã truyền cho tôi ngọn lửa khát vọng học tập, vươn lên. Những đêm Trăng sáng hoặc những đêm Trời mưa rả rích, cha con tôi cuộn nhau, bên hiên nhà của ai đó, trên đường đi làm ăn xa vì ở quê bây giờ ít việc làm quá, cha tôi thường kể cho tôi nghe về gia đình của Bửu, với một tấm lòng ngưỡng mộ. Tôi lớn lên thì cha của Bửu đã mất nên tôi chưa được gặp anh, chị bao giờ nhưng hình ảnh và tầm vóc văn hóa lớn lao của anh chị đã thấm vào người tôi, hình thành nên nhân cách của tôi, mà ngay cả nếp nhà của tôi sau nầy, những quan niệm về giáo dục con cái, cũng là nguyên mẫu của gia đình anh chị tôi ngày xưa, theo lời kể của cha, đã thấm vào huyết quản của tôi tự thuở thiếu thời.
Nhà tôi có 3 anh chị em. Chị hai tôi lớn hơn tôi 15 tuổi, học nghề Cô Đỡ ở Trường Y tế Cộng đồng Huế, về làm Bà Mụ ở các Bệnh xá Quận Đức Phổ, Trà Bồng. Tôi và một đứa em trai, nhỏ hơn tôi 4 tuổi. Nhà tôi ở sát bên đường cái quan từ Sơn Tịnh chạy lên Sơn Hà. Nhà có lò rèn và sửa xe đạp. Cha con tôi làm thuê đủ thứ để kiếm sống, nói chung là ai thuê gì cũng làm, từ việc hàn cái nồi đồng thủng đít cho tới việc sửa cái thùng thiếc, gánh nước bị hỏng. Khi rèn, cha tôi làm thợ cái, cầm búa nhỏ, còn tôi làm thợ phụ, cầm búa tạ. Tôi vừa leo lên dàn, thụt bễ vừa leo xuống, quai búa. Thoăn thoắt. Hễ cha tôi đập cái búa nhỏ của ông lên miếng sắt đã nung đỏ, kẹp bằng kèm đặt trên đe, thì lấy sức tôi quai búa tạ vào, làm cho miếng sắt dẹt ra, dần hình thành ra cái rựa, hay cái lưỡi liềm, lưỡi cuốc. Âm thanh hai chiếc búa đập xuống đe như thi đua nhau, quyện vào nhau, tạo thành một dãy âm thanh nghe vui tai, nhưng những người tạo ra những tiếng động vui tai ấy thì đờ đẫn, phờ phạc. Làm cả ngày như vậy mệt lắm, nhưng thu nhập vẫn không là bao. Vậy mà, có lần, nghe mấy thanh niên, vừa cởi xe đi bên đường, vừa la to, khoan khoái:
                   “Cốc cốc, cheng cheng,
                   Cốc cốc, cheng cheng.
                   Mầy cục, tao cục,
                   Mầy cục, tao cục.
                   Cha cục, con cục,
                   Cha cục, con cục.
                   Còn đập, còn nấu,
                   Hết đập, hết nấu!
                   Cốc cốc, cheng cheng.”
Cha tôi nghe vậy thì chửi ầm lên, giận dữ, nhưng tôi thì buồn lắm. Tôi chỉ muốn được đi học, học để thoát khỏi cảnh nghèo hèn nầy.
 Sau khi tốt nghiệp Tiểu học năm 1960, tôi thi vào lớp Đệ Thất Công lập Trần Quốc Tuấn nhưng không đậu, tôi học lớp Đệ Thất ở Trường Tư thục Chấn Hưng được vài tháng thì nghỉ học, vì không có tiền đóng học phí. Tôi ở nhà làm nghề, phụ cha tôi, được một thời gian rồi sau đó đi học nghề sơn xe đạp tại Đức Phổ, để tăng thêm thu nhập. Chị Hai tôi, hồi nhỏ cũng là người học giỏi, tặng tôi cuốn sách:  Tự học để thành công của Nguyễn Hiến Lê, dường như để khuyến khích và an ủi tôi. Tôi luôn đọc và nghiền ngẫm cuốn sách; mơ mộng, ước ao có được sự thành công trong học tập như tác giả cuốn sách. Đây là người Thầy thứ hai của tôi. Tuy tôi chưa gặp Ông bao giờ nhưng cuốn sách của Ông đã dạy tôi cách học, cách sắp xếp, tổ chức công việc theo khoa học. Cả đời tôi đọc sách của Ông và nhớ ơn Ông, tôi tự xem mình là một học trò nhỏ của Ông.
Tôi đến Trà Bồng vào năm 1962, để mở tiệm sửa xe đạp, nhờ sự giúp đỡ của anh chị tôi, để kiếm tiền giúp đỡ gia đình vì ở Tịnh Hà lúc đó, công việc làm ăn hoàn toàn bế tắc. Năm đó, tôi 14 tuổi, thằng em tôi, 10 tuổi, cùng đi với tôi, nhưng đêm nào nó cũng khóc vì nhớ mẹ. Tôi chẳng nhớ ai, tôi chỉ nhớ những cuốn sách của tôi mà thôi. Nguyễn Trãi đã viết: Thư trung hửu nữ nhan như ngọc (Trong sách có người thiếu nữ mặt đẹp như ngọc). Lúc đó thì tôi chưa biết câu nầy, sau nầy lớn lên, trở thành con mọt sách, tôi mới biết nhưng thực sự câu thơ đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi lúc đó.
 Anh chị tôi giúp tôi thuê cái quán của anh Sáu Dặm, gần chợ Trà Lơm, để có chỗ sửa xe đạp. Công việc khá trôi chảy, thu nhập khá lắm vì ở Trà Bồng lúc đó chỉ có vài tiệm thôi, mà tôi thì rất thạo nghề. Cái quán của tôi, nằm sát căn nhà của Trầm Thế Phùng. Một hôm, tôi nghe Phùng học ngoại ngữ. Tôi lắng nghe, không phải tiếng Pháp vì tôi đã học vài tháng tiếng Pháp nhưng không nhận ra từ nào. Tôi qua xem Phùng học. Thì ra Phùng đang học cuốn: Let’s Learn English (Nào chúng ta hãy cùng học Tiếng Anh). Cuốn sách màu xanh, hấp dẫn. Tôi như nghe có một ngọn lửa bùng lên trong tim. Tôi mê mẫn tâm thần, đưa tay chụp lấy cuốn sách, định cầm lên. Bị Phùng chận lại:
“Tay mầy dơ quá, mầy về rửa tay đi.”
Đúng là tay tôi đầy dầu mỡ. Tôi về rửa tay tức thì và trở lại, mân mê cuốn sách một cách say sưa.
 Tôi năn nỉ Phùng:   “Mầy dạy tao học với nghe.”
“Nếu mầy muốn học thì lên trường xin học, tao làm sao dạy mầy được.”, Phùng trả lời.
Không đợi bạn nói gì thêm, tôi qua cái quán tạp hóa bên kia đường, mua hai cuốn vở và hai cây bút bi, một bút đỏ và một bút màu xanh. Trở về, tôi mượn cuốn sách của Phùng, vừa chép vừa học và tự giải bài tập. Nhờ Phùng đọc cho nghe rồi bắt chước đọc theo. Chữ nào, Phùng không đọc được, thì tôi tự nghĩ ra cách đọc, lai lai tiếng Pháp, cốt yếu là nhớ mặt chữ đã, rồi tính sau! Ban ngày tôi sửa xe, lúc không có khách, thì rửa tay rồi đem vở ra học. Vừa sửa xe, vừa lẩm nhẩm trong đầu những từ vừa mới học.
 Mầy lầm bầm cái gì đó, mầy?”

Có nhiều ông khách đang sửa xe, la to lên như vậy vì không biết tôi đang lảm nhảm cái gì!
Tôi học như vậy cỡ một tháng thì tôi cảm thấy mình đã giỏi hơn Phùng rất nhiều! Tôi quyết định đến gặp Thầy Hiệu trưởng xin học. Tôi nhờ anh rể tôi dẫn đến gặp Thầy Đào Ngọc Luy ở Trường. Thầy tiếp hai anh em tôi ở ngoài hành lang. Anh tôi vốn ít nói nên sau mấy lời mở đầu, giới thiệu tôi với Thầy Luy, anh ấy đi làm việc. Đấy là một buổi chiều rất định mệnh đối với cuộc đời tôi.
 Thầy bảo tôi: “Thôi để sang năm, niên khóa tới, thầy sẽ nhận em vào học. Bây giờ trễ quá rồi, các bạn sắp thi rồi, nhất là môn tiếng Anh, làm sao em theo kịp. Thôi sang năm nghe.”
Tôi nghe như vậy lòng bồn chồn. Tôi như người đang chới với giữa dòng, đang chờ chực sự cứu vớt của Thầy.
“Thưa Thầy, Thầy thông cảm cho em vào học. Năm nay, em 15 tuổi rồi, sợ sang năm không có lớp và cũng không còn tuổi đi học nữa. Thưa Thầy, em sẽ cố gắng hết sức để theo kịp các bạn.”
 Tôi năn nỉ Thầy một cách tha thiết. Dường như sự sợ hãi, tuyệt vọng, nếu bị Thầy từ chối nhận vào lớp đã thôi thúc tôi.
“Không được, em ơi. Em sẽ không học nỗi môn Tiếng Anh đâu.” ,Thầy nói.
“Thưa Thầy, Em sẽ học giỏi môn tiếng Anh.”, Tôi mừng rỡ trả lời.
 Thầy cười với hai hàm răng trắng, miệng rộng thanh tú, toát lên vẻ độ lượng, đôn hậu, thương yêu khi nghe câu trả lời đầy tự tin của tôi.
“Em học tiếng Anh ở đâu, với ai mà em dám bảo là em sẽ học giỏi môn tiếng Anh?”
 Thầy hỏi tôi, cặp mắt nheo nheo, hóm hỉnh.
“Thưa Thầy, em học theo bạn Trầm Thế Phùng.”, Tôi tự tin, trả lời.
Thầy cười ngất. Một tràng dài, vẫn nhìn tôi với cặp mắt đôn hậu.
“Trời ơi! Cái trò Phùng học tiếng Anh đã không muốn nỗi rồi mà em còn là học trò của trò Phùng nữa thì làm sao mà em theo kịp lớp.”, Thầy vừa cười vừa trả lời.
“Thưa Thầy, vậy Thầy làm ơn, cho em học thử một tuần. Một tuần thôi. Một tuần đó nếu Thầy kiểm tra mà em không theo kịp, em sẽ xin nghỉ, sang năm em xin học lại.”. Khát vọng học tập, thôi thúc tôi thuyết phục Thầy.
“Thầy xúc động quá. Trong đời dạy học của Thầy, chưa có học sinh nào, xin Thầy cho học thử cả, em là người đầu tiên. Thầy đồng ý cho em vào học thử một tuần, nếu không theo kịp, thì em hãy nghỉ, sang năm học nghe Tuấn!”, Thầy bảo vậy.
 Khi Thầy nhắc tên tôi nghe Tuấn, tôi nghe như có cả tình thương gói bên trong lời dạy của người anh dành cho em, của người mẹ dành cho đứa con thương yêu của mình.
Rồi Thầy gọi Thầy Trần Điệu đến và dặn kiểm tra môn văn, chính tả của tôi. Thầy Điệu bảo là tới giờ cả lớp viết Chính tả rồi, Thầy đề nghị cho tôi vào kiểm tra luôn. Thầy Luy đồng ý. Vậy là tôi được tạm thời vào lớp. Sau khi Thầy Điệu giới thiệu tôi với lớp và nói rõ lý do cho tôi tham gia kiểm tra môn Chính tả, Thầy bố trí tôi ngồi một bàn riêng, ngay trước mặt Thầy. Thầy cho tôi một tờ giấy đôi, rồi quay ra cả lớp dặn chuẩn bị viết Chính tả. Tôi không cảm thấy lo lắng gì vì tôi vốn giỏi môn văn từ nhỏ, lại hay đọc sách báo và rèn luyện chữ viết, tự hào về chữ viết của mình! Bài chính tả hôm đó, đích thân Thầy Trần Điệu chấm cho tôi. Thầy khen chữ tôi đẹp. Thầy chấm không lỗi và cho 20/20 điểm. Thầy trình kết quả với Thầy Luy. Thầy Luy vẫn nhìn tôi cười với hàm răng trắng, cái miệng rộng, đầy độ lượng.
Ngày mai, tới phiên Thầy kiểm tra môn tiếng Anh, nghe Tuấn!”, Thầy dặn tôi.
Tối hôm đó, tôi mượn cuốn sách tiếng Anh của Phùng để ôn thêm. Thực ra, chỉ là để cho an tâm, chắc ăn thôi, chứ mọi thứ tôi đã thuộc nằm lòng rồi. Hôm sau, cái ngày dễ thương vô cùng trong đời tôi. Khỏi phải nói là Thầy Luy khen tôi trước lớp như thế nào về tinh thần ham học, tự học. Thầy cho tôi điểm tiếng Anh 20/20 và chính thức nhận tôi vào lớp ngay từ buổi sáng hôm đó, không cần đợi học thử một tuần nữa. Từ đó về sau, tôi luôn luôn đứng đầu lớp. Cả hai năm Thất, Lục, tôi đều nhận phần thưởng thứ Nhất. Cũng trong năm Đệ Thất đó, tôi đổi tên thành Hứa Văn Tuấn, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1950, do sự giúp đỡ của Bác Lục sự già ở Quận Sơn Tịnh (nay là Huyện Sơn Tịnh) để đủ tuổi thi Tú tài sau nầy.
Tôi còn hai người Thầy, hai tấm gương sáng trong tự học, tự vươn lên nữa.
Một người là Thầy Lê Ngọc Bửu (tác giả bài thơ Hương quyến luyến, viết năm 1959, tại Trà Bồng mà nhiều bạn thuộc!). Cha Bửu với tôi là anh em cô cậu nên Bửu gọi tôi bằng chú. Tuy là cháu nhưng Bửu lớn tuổi hơn tôi nhiều và lại là Thầy Hiệu trưởng. Khỏi phải nói, Cha tôi rất thương Bửu, Bửu là niềm tự hào của Ông và như thế, Bửu đã trở thành thần tượng và là Thầy của tôi từ lúc nào, dù Bửu chẳng dạy tôi ngày nào. Khi Cha mất sớm, Bửu sống với bà nội, vừa chăn bò vừa cầm sách tự học. Hồi nhỏ tôi ngưỡng mộ Bửu bao nhiêu nhưng sau nầy, chứng kiến những công trình của Bửu, làm thơ, dịch thơ, viết sách dạy tiếng Anh, đều do tự học cả, thì tôi vô cùng thán phục Bửu. Bửu là một người tài thực sự. Người nữa là anh con dì ruột tôi, anh Nguyễn Tấn Ích. Anh vào Sài Gòn, vừa làm thợ may, vừa tự học. Nay anh là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, ở hải ngoại. Tôi nhớ ơn Anh vì Anh đã truyền cho tôi ngọn lửa. Cứ mỗi lần, Anh về thăm quê thì Anh đều ghé thăm Cha mẹ tôi. Mỗi lần như thế, Anh đều cầm tập vở của tôi lên và tấm tắc, khen ngợi.
 Dượng ơi, dượng! Em Tuấn, nó viết chữ đẹp quá, viết văn hay quá, sao dượng không cho em tiếp tục việc học, uổng quá vậy dượng?”
Mỗi lần như vậy, Cha tôi đều thở dài buồn bã, thực ra thì Ông rất muốn cho tôi đi học, muốn lắm chứ, muốn với khát vọng cháy bỏng, nhưng không biết làm sao, lấy tiền đâu ra?
Cuộc đời ta, có khi chỉ vì một câu nói, một lời góp ý chân thành nào đó mà sẽ giúp ta đưa ra được những quyết định quan trọng, làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau nầy. Cuộc đời tôi là như vậy. Hôm anh rễ tôi đưa tôi đến nhà anh Sáu Dặm, ở Trà Bồng, để xin thuê cái quán của anh mở tiệm sửa xe như tôi đã kể ở trên. Anh nói với anh tôi:
“Thằng em nầy, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú quá, sao không cho học văn hóa mà để đi sửa xe đạp, uổng quá!”
 Anh tôi giải thích với anh là do nhà nghèo quá, không có tiền đi học.
 Lời góp ý của anh Sáu Dặm như những giọt mưa cuối mùa, tưới vào mảnh đất tâm hồn khô cằn, nắng hạn đang mong chờ từng giọt nước của tôi, nó làm nẫy lên, những mầm mống khát khao, học tập đang bị chôn vùi, qua năm tháng, như hạt bắp đang chờ cơn mưa trên cánh đồng khô hạn. Xin đội ơn anh Sáu, xin cho Anh được an nghỉ.
Sau hai năm học ở Trà Xuân và Trà Phú ( Xưa là Trà Khương và Trà An) Trường đóng cửa vì lý do chiến sự. Thực ra, Trường Phan Đình Phùng, Trà Bồng, cũng chỉ mở cửa tạm thời thôi vì nó chưa hề có Quyết định thành lập chính thức. Việc nầy làm cho học bạ hai năm Thất, Lục của chúng tôi không được phê duyệt. Sau khi Trường nghỉ, chỉ có một số ít học sinh có đủ điều kiện xuống Thị xã Quảng Ngãi tiếp tục việc học, còn đa số đều phải nghỉ học. Trong số những học trò bỏ dỡ việc học có tôi. Tôi ở lại Trà Bồng tiếp tục sửa xe đạp cùng Cha tôi. Công việc bây giờ ít lắm, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng. Tôi lại bàn với Cha tôi, gom cho tôi ít tiền, để tôi vào Sài Gòn, kiếm nghề khác học, nhằm có thu nhập khá hơn, như nghề sửa Radio chẳng hạn, chứ cái nghề sửa xe đạp bây giờ khó sống quá. Cha tôi đồng ý. Tôi gom được một ít tiền làm lộ phí và xin đi nhờ máy bay quân sự xuống Quảng Ngãi. Lúc nầy, các bạn Đặng Phi Hổ, Đặng Thái Quang đang học Trường Chấn Hưng mới, trên đường Hùng Vương, và tạm trú trên nhà của chú Bùi Công Khanh, gần Ga An bố. Tôi ghé qua đó, ở nhờ một đêm, và nhân tiện, mời các bạn đi uống nước, để hôm sau tôi lên đường tìm nghề để học.
 Ra khỏi quán giải khát, Hổ cầm tay tôi, nói: “Thôi, tạm biệt mầy, kể từ ngày mai, mầy sẽ khoát áo công nhân, còn bọn tao vẫn khoát áo thư sinh!”
 Câu nói, hơi mang màu sắc cải lương nầy, tự dưng làm lay động lòng tôi, khơi dậy sự khát khao học tập đang bị cố chôn vùi mấy tháng nay do sự bế tắc về kinh tế.
Nếu bây giờ tao muốn vào học với mầy thì Trường có nhận không?”, Tôi hỏi Hổ. “Được nhưng phải chịu ba điều kiện.”, Hổ trả lời.
Điều kiện gì?”, Tôi hỏi.
Thứ nhất là phải nộp đủ học phí từ đầu năm đến nay. Thứ hai là phải tự lo việc phê duyệt học bạ hai năm Thất, Lục ở Trà Bồng, Trường nầy không chịu trách nhiệm. Thứ ba là phải lo học vì năm nay, Đệ Ngũ, khó lắm, Quỹ tích khó quá, tụi tao học từ đầu năm mà theo còn không muốn nỗi huống hồ gì mầy mới vào.”, Hổ đáp.
Tôi nhẩm số tiền mình mang theo. Đủ nộp học phí từ đầu năm đến nay cho Trường, còn dư chút đỉnh. “Mầy có thể nói giúp với Ông bà chủ nhà cho tao ở tạm và ăn cơm vài tháng rồi tao trả tiền sau được không?”, Tôi nhờ Hổ.
Tao nghỉ là được vì Ông bà chủ chứa học sinh cho vui nhà thôi chứ không phải vì tiền vì Ông chủ là Thầu khoán.”, Hổ trả lời.
 “Vậy ngày mai tao vào nộp tiền và đăng ký học cùng lớp với mầy, tao không đi Sài Gòn nữa.”, Tôi quyết định.
Vậy thì tốt.”, Hổ đáp.
Tôi nhớ ơn Đặng Phi Hổ. Hổ là đứa học trò thông minh, nghệ sĩ, luôn vì bạn bè, dễ tính, dễ gần, luôn giúp đỡ bạn bè. Hổ chơi đàn hay, hát hay. Khi còn học ở Trà Bồng, nhiều lần hai đứa ôm nhau ngủ, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, rồi cùng nhau cười ha hả, vui sướng vô cùng.
Tới đây, tôi cũng xin cảm tạ Cô Chú Bùi Công Khanh, đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Mới đầu, vào học Đệ Ngũ, khó quá, học không muốn nỗi, được Thầy Châu, một vị Thầy già nghiêm khắc, xếp tôi vào hạng đội sổ của lớp. Tôi không hề nản chí. Tôi học gấp ba, bốn lần các bạn khác. Các bạn ngủ tôi vẫn học. Các bạn chưa thức, tôi đã thức dậy tự lúc nào và đang ngồi học. Nhờ vậy, có nhiều chuyện thật vui. Có lần Thầy Châu thấy tôi vươn lên tốp đầu trong lớp, Thầy kéo mục kỉnh xuống và la to lên.
“Cái trò Hứa Văn Tuấn nầy, mới vào, mấy tháng trước còn đội sổ, tháng nầy vị thứ 5, tại sao? có coi bài trò Hổ không đây?” Nói rồi Thầy gọi tôi lên bảng trả bài, tôi làm bài thông suốt, Thầy gật gật nhưng có vẻ chưa tin! Nhưng từ đó về sau cùng với Đặng Phi Hổ và nhiều bạn khác, tôi là một trò giỏi trong lớp.
Cuối năm đó, tôi chuyển vào Đức Phổ, thi vào Công lập trong Trường Bán công Lê Văn Duyệt, Đức Phổ, tôi đậu đầu nên không phải nộp học phí. Học ở Đức Phổ khá nổi tiếng nên tôi được một gia đình mời về làm gia sư, cho ở trong nhà, ăn cơm miễn phí để dạy cho con cái họ, trong đó có một người bạn học cùng lớp với tôi. Vừa có nhà ở, có cơm ăn lại không phải lo học phí nên năm này tôi học xuất sắc. Xin nhớ là đất Đức Phổ là đất học nên lớp tôi có rất nhiều bạn học giỏi nhưng tôi vẫn nhỉnh hơn. Cuối năm đó, tôi thi Trung học Đệ Nhất cấp để được nhận vào Trần Quốc Tuấn vì học bạ hai năm ở Trà Bồng, không được phê. Tôi đậu Bình Trung học Đệ Nhất cấp và được nhận vào Trường Trần Quốc Tuấn. Vừa làm Gia sư, vừa dạy kèm tôi đủ tiền ăn học. Hai năm sau, năm 1969, tôi đậu Tú tài 1, Hạng Bình, là một trong 7 học sinh đậu cao nhất ở Quảng Ngãi, không có người đậu Ưu.
Sau khi đỗ Tú tài 2, rồi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TPHCM), tôi ra công tác ở Đà Lạt. Sau hơn 10 năm công tác, tôi có học bỗng học Thạc sĩ tại Đại học Roorkee, Ấn độ. Tôi tốt nghiệp Thạc sĩ, loại giỏi (First Division) nên tôi được Trường chấp thuận cho làm tiếp Tiến sĩ và, thực sự, tôi cũng có một cơ hội đi học ở Nhật nữa, nhưng năm đó, tôi đã 41 tuổi rồi, nghĩ thương vợ tôi, một mình nuôi con nhỏ, mẹ già, nên tôi đành thôi, ở nhà tự học, làm việc và nuôi dạy con cái. Đối với tôi, nàng thiếu nữ ẩn trong trang sách mà Nguyễn Trãi đã ví, luôn trẻ trung và hấp dẫn!
Năm nay, sau 50 năm, ngày đầu tiên đến với lớp học ở Trường Phan Đình Phùng, tôi trở lại thăm Trà Bồng xưa, cùng đi có vợ và con trai lớn của tôi, dự họp lớp cùng bạn bè 50 năm trước. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Bạn cũ, nhiều người đã ra đi, có người mãi mãi nằm lại ở vùng xa xăm nào đó; Thầy cũ, người mất, người ở xa; cảnh cũ, giờ hiện đại quá đỗi, không còn bóng dáng của những căn phố nghèo, u tịch ngày xưa. Lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn, hoài niệm về những năm tháng trên mãnh đất nầy, những con người năm xưa đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Tôi nhớ ơn Trà Bồng và những ân tình bên trong mãnh đất Thiêng Liêng nầy! 
  
Viết tại Đà Lạt, ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ 
(24 Feb 2013)

Hứa Văn Tuấn
(B14 Lý Nam Đế, P8, Đà Lạt).
Phone: 0913.865.043

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét