Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

HÃY CỨ VUI CHƠI CUỘC ĐỜI...(I)


Tác phẩm "Người suy tưởng" của Auguste Rodin. Ảnh: Internet

Đã bao giờ bạn ngẫm nghĩ về những...suy nghĩ của mình chưa nhỉ? Nó ở đâu ra? Suy nghĩ để làm gì? Nó sẽ dẫn bạn tới đâu? Có thể sống không suy nghĩ được không?...Tôi đồ rằng bạn chưa, hoặc rất ít khi để ý đến thứ trạng thái tâm trí gần như thường trực này của mình. Cũng như nhân loại nông nổi vẫn thường rất ít khi chú ý vào những thứ gần gũi, thiết thân với mình mà cứ mãi mê vọng tưởng tận đâu đâu.

Một đứa trẻ từ sinh ra cho đến tuổi mẫu giáo hầu như không suy nghĩ. Nó chẳng có gì, chẳng biết gì mà suy nghĩ. Nó sống một cách bản năng trong sự chăm lo của bố mẹ và người thân. Đói thì được cho bú cho ăn, no căng rốn ra rồi thì lê la chơi, chơi chán thì lăn ra ngủ, chả việc gì phải lo nắng lo mưa, nuôi con gì trồng cây gì; chả cần biết người lớn nghĩ gì về nó, xấu hay đẹp, giỏi hay dở. Đó là lí do người ta thường ví trẻ em là thiên thần, hay nói theo cách của Jesus, chỉ ai mang tâm hồn của trẻ thơ mới được vào nước Chúa.

Thế rồi, khi có được đôi chút nhận biết về thế giới xung quanh, về cha mẹ, đồ vật,... đứa bé bắt đầu được "dạy dỗ", tính "thiên thần" trong đứa trẻ mất dần đi. Khởi đầu là ba mẹ và những người thân trong gia đình, sau đó là thầy cô giáo từ mầm non tới sinh viên đại học. Cả một lực lượng hùng hậu ấy bắt đầu gieo vào đầu đứa bé những bài học bằng một ngàn lẻ một cách khác nhau mà họ gọi bằng một từ  rất mĩ miều là "giáo dục". Đứa bé bắt đầu phát hiện ra rằng hễ cứ ngoan ngoãn nghe lời người lớn, hễ cứ "lập thành tích" là được yêu thương, được thưởng, được có quà. Ngược lại thì bị la mắng, phạt vạ, thậm chí là bị ăn đòn. Những suy nghĩ đầu tiên bắt đầu hình thành lên tâm trí vốn trong trong veo như tờ giấy trắng của đứa bé. Nó bắt đầu tìm cách để làm vừa lòng người lớn, để được thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình. Điều này cũng chẳng khác gì mấy việc những con vật được huấn luyện ở rạp xiếc diễn trò để được thưởng kẹo. Chỉ khác ở chổ những con vật không biết giả đò, trong khi đứa bé bắt đầu biết "trò" dối trá, lừa phỉnh, những phẩm chất chỉ có ở thế giới loài người.

Chưa hết, khi lớn lên đi làm, yêu đương trai gái, lập gia đình, rồi những đứa con ra đời, bạn có cả tỉ vấn đề để phải suy tư, nhất là trong thế giới ngày nay khi vật chất, danh lợi trở nên thống trị xã hội trong khi yêu thương, lòng trắc ẩn, những giá trị tâm hồn của loài người lại bị xem nhẹ. Hàng ngày bạn cho tâm trí bạn nhiều thứ để nghĩ, mở mắt ra là đầu óc bạn bắt đầu tràn ngập cả đống những toan tính: công việc, cơm áo gạo tiền, bệnh tật, con cái, quan hệ, thăng tiến...Vô vàn những thứ hằm bà lằng của cuộc sống choán đầy ắp tâm trí bạn, thậm chí đi cả vào giấc ngủ với những mộng mị lo toan.

Tâm trí liên tục nghĩ, nó như cỗ máy hoạt động suốt ngày đêm, hăm bốn trên hăm bốn giờ trong ngày. Không có một máy móc nào chịu đựng được cường độ làm việc liên tục như thế trong suốt một thời gian dài. Hậu quả là hầu hết nhân loại đang bị stress, đang có vấn đề về thần kinh, chỉ là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi. Tình trạng tâm trí con người giống như một cái tổ ong hỗn loạn. Những tư tưởng và tư tưởng cứ quay tít vù vù bên trong. Bị những suy tư này vây quanh, bạn sống trong hồi hộp, căng thẳng, bần thần và lo lắng. Thậm chí nó có thể biến bạn thành điên khùng nếu bạn bắt đầu nghĩ quá nhanh đến mức không thể nối liền hai ý nghĩ. Người điên là người mà ý nghĩ của họ đã đến cực đỉnh: Ý nghĩ của họ đã tràn ngập ý nghĩ khác. Bạn nghĩ lần lượt trong khi người điên nghĩ nhiều vấn đề đồng thời; ý nghĩ của họ quá phức tạp.

Chịu khó tĩnh tâm một chút để quan sát, không khó cho bạn nhận ra rằng: Tâm trí thực chất là quá khứ được tích lũy, và nó liên tục tích lũy. Bởi vì bạn chỉ có thể nghĩ về cái gì đã biết rồi, bạn không thể nghĩ về điều chưa biết; bạn chỉ có thể đến với điều chưa biết khi bạn không nghĩ. Thậm chí, nếu bạn có nghĩ về tương lai đi nữa thì cũng chẳng có gì mới mẻ, nó cũng chỉ dựa trên những điều đã được tâm trí thu thập từ trước đó.

Bạn đã có gì từ quá khứ? Chỉ những kí ức và những ý nghĩ. Bạn không ngừng thu thập ngày càng nhiều kí ức, tâm trí bạn như cái bể nước tù đọng cứ phình lên hàng ngày bởi vì bạn liên tục tích lũy ý nghĩ, kí ức, kinh nghiệm. Bạn càng lớn lên thì cái "bể nước tù đọng" của tâm trí càng lớn hơn và tâm thức càng nhỏ đi. Có thể làm được điều gì khác nữa nếu không ngừng lặp lại ý nghĩ? Còn gì có thể được nghĩ đến ngoài việc lặp lại quá khứ? Không có gì mới xuất hiện. Thậm chí có thể bạn bắt đầu mất ý thức về mình hoàn toàn và thế rồi bạn sẽ trở thành máy tính, máy nghĩ, robot.

Điều tai hại là ở chổ, khi tâm trí bạn đang quá bận rộn với ý nghĩ thì bạn đang KHÔNG SỐNG cho đúng nghĩa. Cũng không khó để bạn nhận ra điều này, cuộc sống chỉ diễn ra trong hiện tại, ngay ở đây và bây giờ, trong khi ý nghĩ chỉ là quá khứ, là cái đã qua, đã chết, cho dù bạn có đang nghĩ về tương lai. Cuộc sống đang diễn ra tươi mươi rực rỡ từng phút giây, "bên trời còn nắng, lá trời còn xanh, phố còn người đông..." (TCS), nhưng nào bạn có nhận ra vì tâm trí bạn đang quá bận bịu với bao ý nghĩ, bạn đang lãng phí hiện tại, tức là đang lãng phí cuộc sống của chính bạn từng phút giây, từng ngày, từng tháng, cả cuộc đời.

Bạn cần nhớ cho rằng, thời điểm hiện tại không bao giờ là một phần của thời gian. Thời gian là một khái niệm do sản phẩm của tâm trí con người: Quá khứ là thời gian, tương lai là thời gian, nhưng hiện tại không phải thời gian. Thông thường chúng ta chia thời gian thành ba phần: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng thực tế không phải như vậy. Hiện tại là cốt lõi, là chính tồn tại. Nó luôn ở đây và bây giờ, và bây giờ là vĩnh hằng. Trong thực tại, không quá khứ và không tương lai. Quá khứ tồn tại chỉ trong ký ức và tương lai tồn tại chỉ trong tưởng tượng. Quá khứ và tương lai thuộc về tâm trí mà không phải tồn tại. Nếu bạn có thể hiểu điều này thì bạn sẽ nhìn thấy thời gian là tâm trí và tâm trí là thời gian.

Vậy thì phải làm gì? Hãy để quá khứ là quá khứ. Đừng mang nó. Hãy quên điều đó đi. Chỉ nhớ thời điểm này. Và thật kỳ lạ là nếu bạn thực sự ở thời điểm này thì bạn không thể nghĩ. Nghĩ chỉ có thể trong quá khứ hoặc tương lai, chưa bao giờ trong hiện tại. Giữ nguyên ở thời điểm này. Đừng rơi vào quá khứ hay nhảy vào tương lai. Giữ nguyên ở thời điểm này, thời điểm đang xuất hiện ngay bây giờ.

Khi bạn ăn, hãy ăn-đừng làm bất kỳ điều gì khác. Khi bạn nghe, hãy nghe-đừng làm bất kỳ điều gì khác. Khi bạn dạo bộ, hãy dạo bộ-đừng làm bất kỳ điều gì khác. Giữ nguyên ở thời điểm hiện tại, giữ nguyên với hành động, và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra quá khứ đã trôi rất xa và không gian mới đã mở ra bên trong bạn. Trong không gian đó, không có ý nghĩ. Sống từ thời điểm tới thời điểm. Sống ở đây và bây giờ sao cho bất kỳ điều gì bạn đang thực hiện cũng là thiền. Hãy thực hiện bất kỳ điều gì bạn đang làm-dạo bộ trên phố, chạy, tắm, ăn, ngủ, nằm trên giường, thư giãn-và giữ nguyên với hành động một cách tập trung toàn bộ. Không quá khứ, không tương lai, giữ nguyên ở hiện tại. Ở thời điểm ban đầu, điều đó sẽ là khó khăn-rất khó khăn và rất gian khổ-nhưng dần dần bạn sẽ có cảm nhận về điều đó và sau đó ô cửa mới sẽ mở ra, một lĩnh vực mới. Thế rồi quá trình nghĩ sẽ không còn nữa, thế rồi bạn đang thực sự sống, từng phút giây.

Cho nên hãy nhận biết. Đừng lãng phí hiện tại thêm nữa. Hãy sống trong hiện tại. Sống băng phẩm chất thiền định của hiện tại. Hãy nghe nhạc sĩ họ Trịnh hát "Hãy cứ vui chơi cuộc đời, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau, còn đây em ngọt ngào đứng bên ngày yêu dấu nhìn mây trôi đang tìm về núi cao...". 

Ngày yêu dấu thế, em ngọt ngào thế, bạn cứ việc mà "sống" đi, còn nghĩ ngợi mà làm gì.


Đà Lạt, mùa Vu lan 2015