Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

NÚI LẶNG

                                                                                
                                                                                                                  
     Đoàn gồm hơn tám mươi người từ tuổi học trò trung học đến cụ ông 74 khởi hành lúc 5 giờ sáng dưới chân núi Bạch Mã. Gậy cầm tay, ba lô trên vai cùng lích kích những nồi niêu soong chảo, nét mặt háo hức tươi vui, thứ tâm trạng chỉ có ở những người xác định rõ mục đích và từ lâu chờ đợi chuyến đi của mình. Đoàn người bước hàng hai hướng về đỉnh núi xa mờ tít tắp trong cái oi nồng của mùa hạ Huế. Háo hức náo nhiệt là thế nhưng mọi người hành quân trong trật tự, được tổ chức chặt chẽ cứ như một đoàn quân chuyên nghiệp. Mà có khi còn đáng ca ngợi hơn cả một đoàn quân chuyên nghiệp, vì họ bao gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề chứ làm gì có được sự thống nhất như một đoàn chiến binh. Đủ cả, học sinh, nhà kinh doanh, giáo viên, công chức nhà nước..., họ cũng đến từ khắp mọi nơi, từ đồng bằng miền Trung cho đến Tây Nguyên heo hút.

      Không ai khác, "cụ ông" là võ sư Nguyễn Văn Dũng, sư phụ của mình, còn đoàn quân đa phương trời đa tính cách kia chính là  "đoàn võ sinh Karatedo của Nghĩa Dũng Đường trong cuộc hành hương thường kì của võ đường lên Bạch Mã với mục đích hàm dưỡng nhân cách và lí tưởng hành thế" (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

      Sau nhiều lần lỗi hẹn, lần này mình có mặt trong cuộc "hành hương" cùng thầy như một sự sắp đặt không thể khác. Chuẩn bị cho cuộc chinh phục gần hai mươi cây số leo dốc, nghe lời thầy mình đã tranh thủ luyện tập trước, kể cả tập sự leo núi Lang Biang. Tưởng chừng đã kỹ lưỡng lắm, mình không thể ngờ được chuyến đi lại "kinh khủng" đến thế, nhiều lúc mệt muốn đứt hơi, chỉ muốn nằm lăn ra bên vệ đường. Người ta bảo hạnh phúc chỉ thực sự ngọt ngào sau khi đã nếm trải những nhọc nhằn vất vả ở đời, nếu thế thì dứt khoát những hạnh phúc mà mình được trải qua trong chuyến đi phải ngọt ngào lắm lắm.

       Phàm là người thầy, dù là thầy văn, thầy võ hay thầy tu, mục đích chính hẳn là giáo dục, rèn luyện, là truyền trao cho con người mà nhất thế hệ trẻ một nhân cách, một bản lĩnh sống để họ vững vàng bước vào đời. Về phương diện này thì thầy mình, nhà giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng đã đạt được mục đích một cách mỹ mãn. Sẽ là thừa và không cần thiết nếu mình kể ra đây những thành quả giáo dục của thầy. Đã có quá nhiều những bài viết, phóng sự truyền hình, những bài phỏng vấn từ cấp địa phương tới trung ương về những dấu ấn giáo dục mà thầy đã để lại. Sống động hơn, có lẽ chính những đứa học trò, đệ tử của thầy khắp bốn phương trời, cả trong và ngoài nước đang từng ngày hoàn thiện mình theo mục đích, tôn chỉ mà thầy truyền dạy là những bằng chứng thuyết phục nhất. Người ta bảo cha nào con nấy, thầy nào trò nấy quả là không sai.

     Nếu ai đó còn có chút nghi ngại thì đơn giản nhất là xin mời bạn hãy cùng thầy trò Nghĩa Dũng Đường chúng tôi tham gia một chuyến đi Bạch Mã. Trăm nghe không bằng một thấy, sẽ không có lời nói nào thuyết phục cho bằng những gì bạn được chứng kiến. Cả một đoàn người từ mọi miền đất nước với đủ mọi lứa tuổi, trĩu nặng ba lô trên lưng, nhễ nhại mồ hôi trong cái nóng oi nồng mùa hè xứ Huế, nhưng vẫn mải miết hướng về đỉnh núi cao một cách vui tươi, không một lời than vãn. Thật lạ, phần lớn mọi người trong đoàn lần đầu biết nhau nhưng họ lập tức trở nên thân thiết cứ như gặp nhau lâu lắm rồi. Trên đường, bạn có thể thấy một môn sinh còn khỏe mang ba lô dùm cho một bạn yếu hơn; một sư huynh đang giúp môn sinh băng bó chân vì những vết trầy xước do đá nhọn, gai rừng; bạn cũng có thể gặp một môn sinh đang lặng lẽ nhặt những hòn đá bị rơi ra giữa đường vì có thể gây nguy hiểm cho xe lên xuống núi. Điều đáng nói là họ làm tất cả những hành động ấy không một chút nhăn mặt nhíu mày hay ồn ào miễn cưỡng mà hoàn toàn diễn ra trong tự giác, yêu thương và tĩnh lặng.

      Gần ba ngày hai đêm trên núi, mọi nhiệm vụ, mọi căn dặn của thầy được mọi người thực hiện một cách tuyệt đối nghiêm túc, nhanh nhẹn, gọn gàng và rất sạch sẽ. Có lẽ bạn sẽ khó tin rằng, trong suốt thời gian ấy không một nhánh cây rừng nào bị chặt bẻ, mọi công cụ dựng trại đều được mang lên từ nhà; có khó tin không khi biết bao nhiêu hoạt động diễn ra cho gần một trăm con người trong ngần ấy thời gian nhưng trong cả cánh rừng Bạch Mã mênh mông không hề có một cọng rác thải ra dù chỉ là một mảnh giấy vỏ kẹo, tất cả đều được cho vào bao để ngày về mang ra khỏi rừng. Vì thế, bạn sẽ không ngạc nhiên khi ban quản lí rừng quốc gia Bạch Mã đón thầy, đón đoàn võ sinh Nghĩa Dũng Đường như đón người thân trở về. Đơn giản là họ không phải lo môi trường bị ảnh hưởng, họ không phải dọn rác rưởi chai lọ thải ra như nhiều đoàn du khách khác. Thậm chí họ còn dùng hình ảnh của đoàn võ sinh Nghĩa Dũng hành hương Bạch Mã hàng năm như là tấm gương để giáo dục cho du khách. Mình từng làm công tác giáo dục nhiều năm, phải nói rằng có được những học trò như thế là mơ ước của nhiều thầy cô giáo tâm huyết với nghề. Chợt nghĩ về nền giáo dục nước nhà, nói chi cho cao siêu, chỉ cần đào tạo cho đất nước những thế hệ thanh niên như thế này thì chả mấy chốc mà nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

       Bí quyết nào để thầy thành công được như thế? Có lẽ chẳng phải vì thầy vừa là thầy văn vừa là thầy võ với thật nhiều những thế hệ học trò vừa say mê tài văn vừa ngưỡng mộ tài võ của thầy. Điều cốt yếu làm nên những thành công của thầy theo mình không gì khác đó chính là tấm lòng, là khát khao trui rèn một lớp trẻ có hoài bão, có bản lĩnh và lòng nhân hậu để giúp người, giúp đời. Đi học võ thì đối tượng phải là võ thuật, hẳn nhiên rồi, ban đầu ai mà chả thế. Nhưng sau một thời gian tập luyện, điều làm chúng tôi tin tưởng và gắn bó với thầy lại là từ văn, từ tấm lòng của thầy với đời. Cái mục đích ban đầu dường như là thô thiển, nhưng cùng với thời gian và nghĩa tình thầy trò huynh đệ, mọi thứ có được bổng trở nên lung linh sống động lạ thường. Trong "Tiếng hát con tàu", nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận ra "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Cũng thế, chúng tôi đến với Nghĩa Dũng Đường đến với Thầy lúc đầu chỉ là vì những đòn thế quyền cước, dần dà võ đường trở nên là nơi thân thương như máu thịt để sau này dù có chia xa trăm ngả vì mưu sinh, chúng tôi vẫn hằng ngưỡng vọng về nơi ấy với cả tâm hồn. Đoàn kết yêu thương từ lâu đã trở thành một truyền thống đẹp của Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do, ở đó, chúng tôi tìm thấy không khí ấm áp, tình nghĩa của một mái gia đình mà người thầy cũng là người cha (sư phụ), anh em (huynh đệ) cũng là tay chân ruột thịt.  Một môn sinh huyền đai giã từ Võ đường đi làm anh lính cụ Hồ tận bên nước bạn Lào, ba năm sau về Huế chưa kịp ghé nhà đã mang cả ba lô đến Võ đường chỉ để chào Thầy và xin thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ. Thế đấy, khi nghĩa tình được khơi dậy, nó trở thành nhu cầu sống của con người. Hãy thử hình dung mà xem, nếu trên thế giới này nhân loại đều tâm niệm rằng "Người yêu người sống để yêu nhau" thì "Có gì đẹp trên đời hơn thế", trái đất này sẽ đẹp đẽ lung linh biết bao khi vắng hẳn những hận thù ganh ghét, chỉ còn thương yêu ngự trị.

***
[★]
BM2

      Đêm đầu tiên trên đỉnh Bạch Mã, lạnh và gió rét căm căm. Thầy trò chúng tôi quây quần ra mảnh sân của một biệt thự bỏ hoang thành vòng tròn đốt lửa trại. Ở đó bằng ánh sáng bập bùng của ngọn lửa, bằng cả ánh sáng của điện thoại, chúng tôi say sưa hát về nghĩa tình đồng đội, về khí thế hào hùng của dân tộc một thời. Những là "Nối vòng tay lớn", "Đồng Đội", "Đêm Trường Sơn nhớ Bác"... vang lên từ lồng ngực của chúng tôi bằng ngọn lửa tình yêu và hơi ấm của tình huynh đệ. Chứng kiến cảnh gần trăm thầy trò đủ mọi lứa tuổi quần tụ trên một ngọn núi cao trong một đêm giá lạnh cùng hát vang bài hát nghĩa tình ấy thật là cảm động. Đó hẳn là những phút giây thăng hoa hiếm hoi của đời sống hãy còn nhiều ô trọc này.

     Theo lời giới thiệu của thầy, mình tìm gặp Trần Thị Đông, cô sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Đông là một vị khách của đoàn do mới chỉ mang đai nâu, chưa đủ "tiêu chuẩn" lên núi nhưng do năn nỉ quá nên thầy cho đi theo đoàn như một vị khách "đặc biệt". Hỏi em về động cơ đến với Karatedo, em tâm sự rằng lúc đầu chỉ định đi học một thời gian cho khỏe, nhưng rồi càng học lại càng say mê, không dứt ra được. Điều em thích nhất là tinh thần đồng đội, là nghĩa tình thầy trò huynh đệ rất mực chân tình. Còn tân huyền đai Phạm Thị Thiên An, cô sinh viên Đại học Kinh tế mảnh mai dễ thương rất Huế cũng chẳng nghĩ ngợi lâu, em đáp ngay rằng vì ở Võ đường em gặp được người thầy đúng nghĩa, luôn làm gương cho học trò chứ không chỉ lời nói, ở đó em được học những bài học làm người, ở đó em cảm thấy mạnh mẽ, tự tin và yêu thương mọi người, yêu thương cuộc đời hơn. Mình tranh thủ "ra đòn" thêm, thế em không sợ bạn trai chê con gái học võ à. Rất ngắn, nhưng tôi hiểu câu trả lời chắc nịch của em là không đùa tí nào "Nếu em có bạn trai (ai mà biết được!) thì bạn ấy phải chấp nhận điều đó, nếu không thì...bái bai". Em cười giòn tan, đôi mắt tinh nghịch phản chiếu ánh sáng của ngọn lửa nhảy múa lung linh.

    Thật lạ, chả ai đề cập gì đến công phu võ thuật của thầy với đòn nọ thế kia, với những bài huấn luyện kỹ năng thi đấu để giành huy chương như thế nào. Cho hay, bất cứ môi trường giáo dục nào và ở bất cứ thời nào cũng cần một nhân cách sáng ngời của người thầy để làm gương cho học trò. Thậm chí không cần thầy phải rao giảng nhiều, chính bản thân thầy là một bài học thuyết phục nhất cho trò. Đến đây mình chợt nhớ, trong chuyến hành hương vừa rồi, cả chuyến đi lên và đi xuống, "cụ ông" già nhất đoàn luôn là người đến đích đầu tiên.

     Nhớ có lần thầy mình bảo, một trong những cái thú ở Bạch Mã là đêm ngắm sao trời, mình lặng lẽ rời khu vực lửa trại đi vòng xuống con đường rừng. Cảnh trời đêm trên đỉnh Bạch Mã thật tuyệt, có thể cảm giác được làn khí rất trong lành và tinh khiết, bầu trời như gần hơn với cơ man là các vì sao to nhỏ, có cảm giác như trên đầu là một tấm màn nhung gắn vô số những viên kim cương lấp lánh. Xa dần ánh lửa trại, tiếng hát của huynh đệ mình cũng chỉ còn nghe thoang thoảng. Một mình giữa rừng đêm thâm nghiêm u tịch thốt nhiên mình cảm thấy một chút rúng động, cảm giác như khi ta đang bước vào một ngôi đền linh thiêng vì một lời nguyện cầu trọng đại nào đó. Ở những khoảnh khắc như thế, tâm thức ta thường tập trung cao độ và những tạp niệm đời thường không còn hiện diện, nhường chổ cho những suy tư tử tế thường xuất hiện không nhiều lần trong đời.

      Ngày đến với Võ đường Nghĩa Dũng Karatedo chúng tôi chỉ là những đứa trẻ con, trẻ con cả tuổi đời lẫn nhận thức về võ Đạo. Võ nghiệp mở đầu bằng chiếc đai trắng, tinh khôi hồn nhiên như những cô cậu học trò đến lớp bắt đầu với những chữ cái đầu tiên trong đời. Khổ công luyện tập, đổ thật nhiều mồ hôi, thậm chí đổ cả máu, cùng với sự hướng dẫn tận tâm của thầy, màu đai đậm dần, xanh, nâu...và cuối cùng là màu đen. Khó nói hết niềm vui sướng tự hào của chúng tôi khi được thắt chiếc đai đen Karatedo, niềm mơ ước của bất cứ ai khi mới nhập môn. Điều đáng nói là cái đậm dần của màu đai song hành với cái "đậm" dần trong nhận thức võ Đạo. Chúng tôi hiểu ra rằng luyện tập Karatedo chỉ là con đường để rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình, cũng như phật tử dùng việc gõ mõ tụng kinh mà tu thân vậy.

     Thầy mình bảo, huyền đai chưa phải là mục đích cuối cùng, nó mới chỉ là bắt đầu của con đường đến với Đạo, đến với mục đích tối thượng là rèn luyện mình trở thành một Karateka đúng nghĩa: Thân dẻo dai cường kiện, Tâm tĩnh lặng vô ưu, Trí sáng ngời nhật nguyệt.  Chúng tôi lại lao vào tập luyện cho các kì thi nâng đẳng. Chiếc đai đen lại dần dần được điểm ngang bằng những vạch trắng. Ra thế, chúng tôi đã tốn nhiều công phu để mang được đai đen, nay thì ngược lại, màu đen đang dần nhường chổ cho màu trắng, trắng của những vạch màu và của cả thời gian in dấu. Quá trình luyện rèn tu tập của con người hình như cũng đi theo một vòng tròn, chúng tôi đang hướng về vị trí xuất phát với những phẩm chất khác hẳn lúc mới nhập môn, vững vàng hơn, tĩnh lặng hơn. Những chiêu thức, đòn thế dường như đã được "quên" đi, không dám nói là đã đạt đến cảnh giới thượng thừa của các bậc sư phụ ngày xưa "vô chiêu thắng hữu chiêu", nhưng chắc chắn là chúng tôi chiêm nghiệm và cảm nhận về Võ Đạo, về con đường hoàn thiện mình rõ ràng hơn. 
 
    
       Cũng như thầy, mình vừa là thầy văn vừa là thầy võ, ban ngày lên bục giảng bận bịu với học sinh để chiều tối lại khoác kimono ra sân thao luyện cùng đệ tử. Cùng là mục đích giáo dục nhưng có một sự khác biệt căn bản giữa quan hệ thầy giáo-học sinh và sư phụ-đệ tử. Nhà trường là nơi thể hiện những thành tựu của khoa học với các môn học từ đơn giản đến phức tạp; trong khi võ thuật, võ đạo với những hệ thống triết lí, đạo đức của nó thì giống với một tôn giáo hơn. Trong thế giới của khoa học mối quan hệ thầy giáo/ học sinh tồn tại, bởi vì khoa học có thể được dạy. Nhưng những tinh hoa võ đạo nói riêng và tôn giáo nói chung không thể được dạy, nó chỉ có thể được truyền trao theo một cách riêng.

       Có tri thức mà thầy giáo truyền cho học trò, như vẫn được làm trong các nhà trường. Chắc chắn tri thức đó là sự chuyển trao từ lời nói, nhưng tri thức như vậy sẽ là nông cạn. Cái có thể được trao qua lời sẽ không sâu sắc hơn bản thân lời. Nhưng có những tri thức không thể chuyển trao được bằng lời. May thay, cái không thể nào được trao một cách trực tiếp thì lại có thể được truyền trao một cách im lặng, điều không thể giao tiếp bằng lời thì có thể giao tiếp bằng trái tim. Chúng tôi, những đệ tử của Nghĩa Dũng Đường hiểu thầy của mình đằng sau những gì thầy nói, qua những việc thầy làm. Vì thế chúng tôi không chỉ tập trung để nghe thầy nói mà thực sự là "sống" cùng thầy. Học sinh chỉ cần tập trung, đệ tử thì lại cần thiền. Tập trung nghĩa là người đó phải nghe đúng điều đang được nói. Thiền nghĩa là phải hiện diện đúng; không chỉ nghe đúng.

        Về khía cạnh này ai đó đã nói thật có lí rằng, mối quan hệ sư phụ-đệ tử như là chuyện tình, một câu chuyện tình không kém phần vĩ đại. Hình như những đôi trái gái thực sự yêu nhau, hiểu nhau cũng giao tiếp bằng trái tim chứ không phải thật nhiều lời. Hãy nghe thi sĩ Xuân Diệu kể về một lần chở người yêu trên xe đạp "Ước được ngàn năm bên giọng ấy/Đèo em đi tận cuối không gian/ Và khi không nói em im lặng/ Anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn"; một lần đưa tiễn "Anh nhớ mãi một bến xe/Đến đó đôi ta từ biết/ Em yên lặng anh lắng nghe/Mắt em nhìn ngàn vạn tơ xe..." ; một lần hiểu người yêu đến như thế này "Chuyện trước em chưa kể một lời/Mà anh đã hiểu tận sâu khơi/Vai anh khi để đầu em tựa/Cân cả buồn vui của một đời...".
***
 

       Trời càng về khuya càng lạnh, mình quay trở về căn biệt thự bỏ hoang, mọi người đã ngừng sinh hoạt và tự tìm cho mình một nơi chợp mắt lấy sức cho ngày mai. Mình cũng leo lên võng ngã lưng, chả thể nào ngủ được. Mình nằm nhìn rừng cây cổ thụ lấp loáng dưới ánh sao nhạt nhòa ẩn hiện trông như những gã khổng lồ kì quái, lắng nghe cái yên tĩnh rất động của núi rừng. Ngay cả gió cũng không còn vung vít như hồi đầu đêm, chỉ còn nghe tiếng xào xạc của lá, tiếng của muôn loại côn trùng, cả tiếng của một con chim nào đi ăn đêm vọng về từ một nơi xa ngái nghe thật buồn. Trong cái thâm nghiêm mênh mông của đêm rừng, trong vô vàn những âm thanh lạ lùng cứ như có cả ngàn vạn sinh linh đang cùng tấu lên khúc nhạc rừng liêu trai ấy, mình chợt cảm nhận được sức mạnh vô biên của núi, của vũ trụ bao la, ở đó nhân loại đáng thương mới nhỏ bé và mong manh làm sao.

      Sáng hôm sau, kết thúc buổi lễ phong đai cho các tân huyền đai trên đỉnh Vọng Hải Đài, chúng tôi men theo vách núi hành quân về dựng trại trên đỉnh thác Đỗ Quyên, ngọn thác hùng vĩ cao gần 300 m quanh năm tung nước trắng xóa xuống các khe suối.  Nếu đến Bạch Mã vào mùa trăm hoa đua nở, cả dòng suối như đắm mình trong màu đỏ thắm của hoa đỗ quyên, bởi vậy thác có tên là Đỗ Quyên.

     Theo thông báo của Thầy, tất cả môn sinh mặc võ phục xuống chân thác ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Nhìn cái chân băng bó của mình, thầy đề nghị nên ở lại đỉnh thác vì đường dốc đứng vòng vèo lại trơn trợt rất khó đi. Số là hôm qua, lúc đi lên mới được nửa đường cái vết chấn thương đầu gối trái trong một lần thi trước đây bỗng dưng tái phát rất đau, mình phải băng bó tạm cho dễ đi. Dĩ nhiên là không đời nào mình chịu ở lại, đi cả ngàn cây số từ Tây Nguyên về đây không lẽ lại ngồi chờ cơm. Nói thật là mình cũng không ngờ khi đi xuống cái chân nó lại đau đến thế. Tay gậy, tay vịn cây rừng cùng sự hỗ trợ của hai võ sinh nhưng mỗi bước đi là một lần nhăn mặt. Bù lại, mình được hưởng cái cảm giác choáng ngợp và sửng sốt khi được ngắm trọn vẹn ngọn thác Đỗ Quyên sừng sững từ dưới chân của nó. Bao nhiêu ngọn thác mà mình có dịp đi qua đều không thể so sánh với Đỗ Quyên về mức độ hùng vĩ và hoang sơ. Bằng một cuộn dây thừng buộc vào rễ cây và những tảng đá, lần lượt từng người theo dây xuống đến bãi đá khá bằng phẳng ngay dưới chân thác. Vào mùa mưa nhiều, không ai dám xuống đến đây vì có thể bị nước cuốn phăng đi bất cứ lúc nào. Những người canh rừng bảo chỉ có thầy trò Nghĩa Dũng Đường là tìm được con đường độc đạo bằng dây thừng mà xuống, còn tất cả du khách đều phải dừng lại từ phía tên. Nghe đâu có người cảm khái đặt tên cho "con đường" có một không hai này là đường Nguyễn Văn Dũng. 
       Trong miên man tiếng âm ào thác đổ, thầy nói với mình rằng không biết bao nhiêu lần thầy đã đến đây, đã ngắm ngọn thác này nhưng lần nào thầy cũng cảm thấy xúc động trước cái vĩ đại của tạo hóa. Đứng khoanh tay ngước mắt nhìn lên đỉnh ngọn thác xa mờ, thầy còn nói thêm, giọng  nghe xa xăm như đang tâm sự với núi rừng: "Thầy chia sẻ với em một điều, sau chuyến đi này thầy sẽ không viết gì, không nói gì về Bạch Mã nữa". Chỉ thế thôi, rồi thầy im lặng, cái im lặng đủ để mình hiểu rằng, không nên hỏi thêm hay làm ngắt đi dòng suy tưởng không thể là tầm thường của thầy, một võ sư từ lâu gắn bó gần như ruột thịt với ngọn núi mà ông từng lấy làm biểu trưng của Võ đường. Mình cũng im lặng.

      Ngày xưa, khi thầy quyết định chọn Bạch Mã sơn để làm biểu trưng cho Nghĩa Dũng Đường, thực lòng mình không lấy làm bất ngờ. "Kẻ nhân thích núi", những bậc hiền nhân ở đời xưa nay vẫn thường chọn núi cao để trui rèn những giá trị tâm linh. Ở đó là nơi hội tụ nhiều năng lượng sống của vũ trụ, và khi con người biết phương cách để hòa nhập cái ngã của mình vào với núi thì có thể thu nhận được nguồn năng lượng tâm linh vô biên này mà thăng hoa cho cơ thể và tâm hồn, từ đó mà có đủ công phu để giúp người, giúp đời. Nhiều hiền nhân, đạo sĩ cốt cách hơn người đã được tái sinh từ những ngọn núi cao. Thầy mình từng đặt chân đến những ngọn núi nổi tiếng trên thế giới, từ Phú Sĩ của đất nước Mặt Trời mọc, Himalaya huyền bí, Tây Tạng xa xôi cho đến tận núi Linh Thứu Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng của nhà Phật sau khi giác ngộ. Thế nhưng có lần thầy tâm sự, không có ngọn núi nào thầy đi qua mà năng lượng tâm linh còn dồi dào như Bạch Mã. Chỉ cần tĩnh tọa, thư thái, hòa được cái tâm bé nhỏ của mình với núi rừng như giọt nước hòa vào đại dương, sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng mênh mông tươi mới của núi rừng Bạch Mã. Chỉ tiếc rằng giữa cõi thế nhọc nhằn này, con người quá bận rộn, tất bật với những hỉ nộ ái ố ở đời mà không chịu cúi đầu ngồi xuống dưới chân núi một lần để thanh khiết tâm hồn mình vốn đã quá mịt mờ u tối theo tháng năm.

      Chơt giật mình. Thầy đã có mặt trên bạch Mã từ năm 1956, khi còn là cậu bé 15, 16 tuổi. Hàng chục năm nay, kể từ năm 1980, năm nào thầy cũng lên Bạch Mã, chí ít là một lần để "rèn luyện, tĩnh tâm và hòa cái thân bé nhỏ của mình vào đại ngã bao la". Từ đó, thầy đã có biết bao nhiêu là bài viết đăng ở nhiều sách báo khác nhau về nhiều cung bậc của ngọn núi này.  Điều gì đã thôi thúc thầy quyết định sẽ không phát ngôn gì nữa về Bạch Mã?  Thầy đã nhận ra điều gì chăng sau ngần ấy năm tâm giao cùng Bạch Mã, ngọn núi mà thầy luôn coi là "cõi riêng, trầm lắng, thanh thoát mang phong vị thiền"? Mình mang theo những băn khoăn ấy cho đến ngày xuống núi. 

       Bạch Mã lùi dần sau lưng  cũng trên con đường ấy, khoảng cách ấy nhưng chúng tôi không hề thấy cách xa như lúc đi lên. Đơn giản thôi, như cái đai trắng lúc chúng tôi bắt đầu tập võ và cái đai trắng dần sau huyền đai, một mảnh tâm hồn chúng tôi đã ở lại cùng Bạch Mã, một mảnh tâm linh Bạch Mã đã theo chúng tôi ra về, như thế thì còn đâu là xa cách.

      Một lần ngồi nghỉ mệt bên cạnh một dòng suối nhỏ, uống một ngụm nước mát lạnh, nhắm mắt tĩnh tâm hướng về phía đỉnh núi xa mờ đã trở nên thân thiết, mình cố hòa nhập với núi. Mình như thấy lại một đêm sao rừng huyền diệu, những gã khổng lồ đêm kì quái, bản nhạc rừng kìa lạ, thác Đỗ Quyên lừng lững vô thường, ánh lửa rừng đêm ấm cúng tình thầy trò huynh đệ, Vọng hải đài với những tân huyền đai trang nghiêm, vững chãi...những hình ảnh vừa như thật gần vừa xa xôi lướt qua tâm thức mình một cách tĩnh lặng. Thốt nhiên mình hiểu được thầy. Như ngọn Bạch Mã sừng sững kia tự tại ở đó qua biết bao đời nay, dù nắng dù mưa, dù thế sự vô thường, lòng người thay đổi. Núi vẫn bao dung như vạn thuở, ngôn ngữ không lời của núi đủ lay động thế nhân, trong đó có cả thầy.

       Lão Tử từng nói: "Đạo khả Đạo phi thường Đạo", Đạo không thể được nói ra, và nếu nó được nói ra thì không còn là Đạo nữa. Suốt quãng đời của mình, thầy đã nói thật nhiều, đã dạy thật nhiều những thế hệ học trò. Nay là lúc để cho tất cả những gì đã qua trong đời thầy lắng đọng trong tĩnh lặng, lan tỏa như năng lượng của núi rừng. trong một không gian tâm giao và với cái tâm hòa nhập, đến lượt mình, những đệ tử của thầy có thể cảm nhận, có thể tự chuyển hóa trên con đường đến với Đạo. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần chú tâm cũng từng nghe sông núi "Im lặng dòng sông tôi đã lắng nghe/ Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe", chúng tôi, những huynh đệ Nghĩa Dũng Đường, những đệ tử của thầy cũng đang lắng nghe. Chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe thầy, lắng nghe Bạch Mã, lắng nghe cả từng hơi thở của chính mình. Và, trong sự lắng nghe yên tĩnh ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tâm linh đủ làm tươi mới tâm hồn mà bước đi giữa đời với bước chân vững chãi và trái tim yêu thương.

BM1