Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

VÊ CU VÀ CU LỜ



 
 
Đọc Vĩnh Quyền bỗng nhiên lại nhớ bọ Quang Lập, thế mới lạ, hi hi...Hai nhà văn với hai phong cách văn chương đối nghịch nhau chan chát.
Một nhà văn Cố Đô lả lướt Hương Giang "văn chương không thoát được chất "Huế mệ""  với một nhà văn quê bọ bạo liệt sông Gianh "tinh nghịch, đáo để, sâu cay và nhân hậu".

Thì hãy cứ liệt vài ví dụ xem...

- Kể chuyện về cuộc hội ngộ giữa đạo diễn và diễn viên made by VQ thì rất Huế "Quay phim và cô diễn viên chính mời anh đi ăn tối. Lúc này anh thấy thèm phóng về khách sạn tắm táp nước nóng hơn là ăn nhưng vẫn nhận lời" (Đêm Huế...), trong khi bọ Lập quê choa thì kể như ri "Một đạo diễn Hà Nội vào làm vở, thấy chị thì thích lắm...Ông này nói tối nay đi ăn tối với anh nhé, chị cười nói ăn tối xong rồi sao nữa anh, ông này cười cười, nói em còn hỏi anh câu đó. Chị nói thôi để em tụt quần cho anh chơi ngay giờ. Ăn uống làm gì mất thời giờ. Nói xong thì tụt quần liền..." (Người đẹp)

- Cu nào thì cũng có nhu cầu tán gái,  bạn gái của VQ thì hiện ra đấy hương thơm và màu sắc thế này "Anh mỉm cười đưa tay nhón viên cốm từ lá sen khẽ đặt vào bàn tay mở cong gợi hình một cánh sen" (Đêm Huế vẫn như thế), bác Cu Lờ thì thay cốm bằng sỏi, thay bàn tay mở cong hình cánh sen bằng cả tấm thân em "Hôm ấy mình tắm dưới suối, em xuống lấy nước, đứng trên bờ lấy sỏi ném đá trêu mình, mình nhảy lên đè nghiến em xuống..." (Ba lần yêu cô giáo).

- Đã đè nghiến em xuống thì chuyện gì đến nó phải đến. Cũng là cảnh ái ân, nhưng chàng trai xứ Huế núp vào sau lưng tượng Phật "Nàng rùng mình đón nhận, ôm ghì lấy chàng, chủ động kéo chàng cùng lăn tròn ra phía sau tượng, sau lưng Phật..." (Sau lưng Phật); à ơi, Ba Đồn quê choa lắm lúa nhiều khoai "Phía vạt khoai, có một bóng đen đang nằm giữa hai vồng khoai...Bóng đen cứ nhấp nhổm, cái đít cứ nhoay nhoáy." (Con nít bắt biệt kích)...





Mình yêu cái lặng lờ sâu lắng của dòng Hương, nhưng mình cũng rất ngưỡng mộ cái "thoáng đãng dữ dội" (chữ bọ Lập) của sông Gianh. Cũng thế, mình quý cả hai nhà văn với hai phong cách dường như trái ngược nhau đến thế.
Nhưng nói cho cùng thì cả hai cũng chỉ là một, đều dùng ngòi bút với trái tim của mình mà "tải đạo", cũng đều đau đáu với những hỉ nộ ái ố đời người.  Nói cho cùng, hai phong cách ấy cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề: Cuộc sống. Hai mặt ấy tồn tại ở hai con người nhưng đôi khi chúng cũng có mặt nội tại trong một con người, chúng song song tồn tại và định danh cho nhau, không có mặt này thì không có mặt kia. Cũng như không có ngày thì cũng chẳng có đêm, không có thiên đàng thì cũng chẳng có địa ngục vậy.

Nói cho cùng thì đích đến của bất kì dòng sông nào mà chẳng là biển cả mênh mông.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

GIÀU NGHÈO VÀ TÂM LINH




     Trước hết hãy nói đôi điều về chuyện giàu nghèo. Có hai loại giàu nghèo ở đời, giàu nghèo về vật chất (thứ mà đa phần nhân loại bàn tới) và giàu nghèo về tâm linh. Giàu nghèo về của cải vật chất thì đã rõ, một người giàu có về tâm linh là một người đạt tới giác ngộ cao, sống với cái tâm thanh thản vô lượng và đầy lòng trắc ẩn. Osho gọi sự giàu có vật chất là giàu có bên ngoài; giàu có tâm linh là giàu có bên trong.
    Thế thì chuyện giàu nghèo ở đời có liên quan gì đến tâm linh không nhỉ? Phương Tây rõ ràng là giàu có (vật chất) hơn Phương Đông nhưng tôn giáo Phương Tây ra đời trong nghèo khó, có liên hệ gì không khi càng nhiều người Phương Tây tìm đến, thậm chí là đốn ngộ với tôn giáo Phương Đông?
Trong khi những tôn giáo phương Đông xuất phát từ Ấn Độ lại được sinh ra trong sự giàu có, nhưng ngay tại đất nước này thì lắm người nghèo đến thế? Có thật nhiều chùa chiền sư sãi ở các nước Phương Đông, họ toàn là những người giàu có tâm linh, luôn trong trạng thái mãn nguyện chăng? 
    Đoạn trích sau đây là những luận giải của Osho về vấn đề này. Khoan bàn đến chuyện đúng sai, hãy cứ đọc và suy ngẫm.

***

Hãy nghĩ về sự nghịch lí này: Khi bạn giàu có bên ngoài, thì chỉ lúc đó bạn mới trở nên nhận biết về sự nghèo nàn bên trong - qua sự tương phản. Khi bạn nghèo bên ngoài, bạn không bao giờ nhận biết về sự nghèo nàn bên trong bởi vì không có sự tương phản nào. Bạn viết với phấn trắng trên bảng đen, không phải trên tấm bảng trắng. Tại sao? Bởi vì chỉ trên bảng đen chữ mới hiện ra rõ ràng. Cần phải có sự tương phản.
Khi bạn giàu có bên ngoài, thì bỗng nhiên sự nhận biết sâu sắc xảy ra, rằng: “Bên trong tôi nghèo, tôi là một kẻ ăn xin”. Và bây giờ, một trạng thái vô hy vọng đến như một cái bóng: “Mọi cái mà chúng ta nghĩ về đều đã được đạt tới- mọi tưởng tượng và bứt phá đều được thực hiện- và không có gì xảy ra từ nó, không có sự hài lòng, không có phúc lạc nào cả.”
Phương Tây hoang mang. Từ sự hoang mang này, một ước vọng lớn khởi lên: làm thế nào để một lần nữa tiếp xúc với bản ngã của mình.
Thiền định không là gì khác hơn ngoài việc cắm rễ một lần nữa vào trong đời sống nội tâm, vào trong tính nội tại của bạn. Do vậy, phương Tây đang trở nên rất quan tâm đến thiền định và rất quan tâm đến những kho báu của phương Đông.
Phương Đông cũng quan tâm đến thiền định khi phương Đông giàu có: điều này phải được hiểu. Đó là lý do tại sao tôi không chống lại sự giàu có và tôi không nghĩ rằng sự nghèo nàn có một chút tính tâm linh nào trong nó. Tôi hoàn toàn chống lại sự nghèo nàn, bởi vì bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo, nó đánh mất tất cả thiền định, tất cả những nỗ lực tâm linh. Bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo bên ngoài, nó không thể nhận biết về sự nghèo nàn bên trong.
Đó là lý do tại sao trên những khuôn mặt Ấn Độ bạn có thể thấy một loại mãn nguyện mà không được tìm thấy tại phương Tây. Nó không phải là sự mãn nguyện thực thụ: nó chỉ là trạng thái u mê về sự nghèo nàn nội tâm. Những người Ấn Độ nghĩ, “Hãy nhìn vào sự lo âu, sự thống khổ, và sự căng thẳng trên những khuôn mặt phương Tây. Mặc dù nghèo, song chúng ta rất sung mãn bên trong.” Đó là sự ngây ngô, vớ vẩn cực kỳ: thực ra, họ không sung mãn. Tôi đã từng quan sát hàng ngàn người- họ không sung mãn. Một điều chắc chắn đúng, là họ không nhận biết về sự bất mãn, bởi vì để nhận biết sự bất mãn, thì phải cần đến sự giàu có bên ngoài Không có sự giàu có bên ngoài, thì không ai nhận biết sự bất mãn bên trong của họ- và có thừa chứng cớ về điều đó.
Tất cả những avatar của những người Hindu đều là vua hay là con trai của vua. Tất cả những tirtankara của đạo Jaina, những đạo sư Jaina, đều là vua: đức Phật cũng vậy. Tất cả ba truyền thống lớn của Ấn Độ đã cung cấp đầy đủ chứng cứ. Tại sao Đức Phật trở nên bất mãn, tại sao Ngài bắt đầu một cuộc tìm kiếm thiền định? Bởi vì Ngài giàu có. Ngài sống trong xa hoa; Ngài sống với tất cả mọi tiện nghi vật chất. Bỗng nhiên ngài trở nên nhận biết. Và ngài chỉ mới 29 tuổi khi Ngài nhận biết rằng có một lỗ hổng đen bên trong. Ánh sáng ở bên ngoài; do vậy, nó cho thấy bóng tối bên trong của bạn. Rồi ngài trốn thoát khỏi cung điện.
Đó là điều đã xảy ra cho Mahavira: Ngài cũng trốn khỏi một cung điện. Nó không xảy ra cho một kẻ hành khất. Cũng có những kẻ hành khất trong thời của đức Phật. Thật ra, theo truyền thuyết, đức Phật từ bỏ thế gian khi Ngài thấy một kẻ hành khất lần đầu tiên , và một ông già, một tử thi, và một sannyasin. Những người ăn xin có mặt ở đó.
Đức Phật (lúc ấy là thái tử Siddharta) sắp khai mạc một lễ hội dành cho giới trẻ. Từ cỗ xe vàng của mình, chàng thấy một kẻ hành khất- lần đầu tiên, bởi vì phụ vương chàng đã bằng mọi cách sao cho thái tử sẽ không bao giờ thấy một kẻ hành khất, hay một người  bệnh, hay một người chết. Bởi vì Ngài đản sanh, những nhà chiêm tinh đã nói với vua cha: “Nếu thái tử thấy những người này, ngay lập tức thái tử sẽ từ bỏ thế gian, cho nên, đừng cho phép thái tử thấy họ.”Do vậy, bất cứ nơi nào Thái tử thường đi tới, những kẻ hành khất được lệnh chuyển đi nơi khác. Những người già sẽ bị chuyển đi, hay bị buộc phải ở trong nhà họ, không được ra ngoài. Ngay trong khu vườn của thái tử, không chiếc lá chết nào được cho phép. Mọi lá chết đều được thu dọn trong đêm, do vậy, vào buổi sáng khi thái tử đi ra vườn, chàng chỉ có thể thấy sự trẻ trung, những chiếc lá non, những bông hoa mơn mởn. Chàng chưa bao giờ thấy một bông hoa héo tàn.
Khi chàng thấy một kẻ hành khất đầu tiên…Và câu chuyện ngụ ngôn này thật đẹp; nó nói rằng, chư thiên trở nên lo lắng; “Vua cha đang quá thành công. 29 năm đã trôi qua và thái tử có năng lực trở nên một trong những kẻ chứng ngộ nhất trên thế gian.” Chư thiên trở nên lo lắng: “Phụ vương chàng xoay sở quá thành công, đến mức có thể chàng sẽ không bao giờ gặp một kẻ hành khất hay một người già; chàng có thể bỏ lỡ.” Do vậy, một vị thần hóa thành một kẻ hành khất, một vị khác, một ông già, một vị khác, một người chết, và một vị khác, một sannyasin.
Do vậy, trong thời của đức Phật, những người hành khất có mặt ở đó- nhưng họ không từ bỏ thế gian. Họ không có gì để từ bỏ; họ mãn nguyện. Nhưng thái tử Siddharta trở nên bất mãn.
Xưa kia, khi Ấn Độ giàu có, nhiều người quan tâm đến thiền định. Chẳng sớm thì muộn, họ buộc phải bắt đầu nghĩ về mặt trăng, về cái  “bên kia”, về cái bên trong. Bây giờ đất nước nghèo, quá nghèo đến mức không có sự tương phản giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Cái bên trong nghèo, cái bên ngoài cũng nghèo. Cái bên trong và cái bên ngoài ở trong sự hòa điệu hoàn hảo- cả hai đều nghèo! Đó là lý do tại sao bạn thấy sự mãn nguyện trên khuôn mặt người Ấn, đó không phải là sự mãn nguyện thực thụ. Và do vậy, người ta đã trở nên quen với việc nghĩ rằng sự nghèo nàn có cái gì tâm linh trong nó.
Sự nghèo nàn được thờ phụng tại Ấn Độ. Đó là một trong những lý do tại sao tôi bị kết án một cách liên tục, bởi vì tôi không ủng hộ bất cứ sự nghèo nàn nào. Sự nghèo nàn không phải là tính tâm linh, sự nghèo nàn là nguyên nhân gây ra sự biến mất của tính tâm linh.
Tôi muốn thế giới trở nên giàu có càng nhiều càng tốt. Người ta càng giàu có, họ càng trở nên tâm linh. Và cả khi đó sự mãn nguyện thực thụ mới có thể khởi lên.
Khi bạn có thể tạo ra sự giàu có bên trong, thì sự hòa điệu lại xuất hiện – sự giàu có bên ngoài gặp sự giàu có bên trong- rồi, có sự mãn nguyện thực thụ. Khi sự nghèo nàn bên ngoài gặp sự nghèo nàn bên trong, thì có sự mãn nguyện giả dối. Sự hòa điệu là khả dĩ trong hai cách này. Cái bên ngoài và cái bên trong hòa điệu, và người ta cảm thấy mãn nguyện. Ấn Độ có vẻ mãn nguyện bởi vì có sự nghèo nàn ở hai phía của hàng rào.
Phương Tây bắt buộc phải quan tâm đến thiền định , không có cách nào để tránh nó. Đó là lý do tại sao Kyto giáo đang đánh mất ảnh hưởng của nó trên tâm trí phương Tây, bởi vì Kyto giáo chưa phát triển khoa học thiền định trên bất cứ phương diện nào. Nó vẫn còn là một tôn giáo rất tầm thường; Do thái giáo cũng vậy.
Phương Tây nghèo nàn khi những tôn giáo này được sinh ra, đó là lý do. Cho tới lúc đó, phương Tây đã sống trong nghèo nàn. Do Thái giáo, Kyto giáo, và Hồi giáo- tất cả ba tôn giáo Phi Ấn Độ này, đều được sinh ra trong sự nghèo nàn. Chúng không thể phát triển những kỹ thuật thiền định, không có nhu cầu. Chúng vẫn còn là những tôn giáo của người nghèo.
Bây giờ phương Tây đã trở nên giàu và có một chênh lệch, cách biệt.
Những tôn giáo phương Tây đều được sinh ra trong sự nghèo khó; chúng không có gì để tặng cho những người giàu. Đối với những người giàu, chúng nom có vẻ trẻ con, chúng không mang lại thỏa mãn. Chúng không thể làm thỏa mãn. Những tôn giáo phương Đông được sinh ra trong sự giàu có; đó là lý do tại sao tâm trí phương Tây đang trở nên ngày càng quan tâm đến những tôn giáo phương Đông. Vâng, tôn giáo của đức Phật đang có ảnh hưởng lớn; Zen đang lan rộng như lửa cháy rừng. Tại sao? Nó được sinh ra từ sự giàu có.
Có một sự tương đồng to lớn giữa tâm lý học phương Tây của con người hiện đại và tâm lý học của Phật giáo. Phương Tây ở trong trạng thái tương tự như của đức Phật khi Ngài trở nên quan tâm đến thiền định. Đó là cuộc tìm kiếm của một người giàu. Và cũng là trường hợp của Ấn độ giáo, cũng là trường hợp của jaina giáo. Ba tôn giáo lớn này của Ấn Độ đều được sinh ra từ sự giàu có; do vậy, phương Tây nhất thiết phải bị hấp dẫn bởi những tôn giáo phương Đông này.
Phương Đông đang mất liên hệ với những tôn giáo của chính mình. Ấn Độ không thể nào hiểu được đức Phật - nó là một đất nước nghèo. Thực ra, những người Ấn nghèo đang cải đạo sang Kyto giáo. Những người Mỹ giàu đang cải đạo sang Phật giáo, Ấn Độ giáo, Vedanta - và những người “tiện dân”, những người nghèo nhất của Ấn Độ, đang trở thành những người Kyto. Bạn có thấy cái điểm then chốt này không? Những tôn giáo này có một hấp dẫn nào đó đối với người nghèo. Nhưng chúng không có tương lai nào cả, bởi vì không sớm thì muộn, toàn thế giới sẽ trở nên giàu có.