Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Làng quê mình

http://blog.yimg.com/1/rp7YYUB7s5_PBntUJKmaUUnebB3INymbgfy5LHLFlEfDSlFHVWEtTw--/27/o/yWl8xH_cKJXoupFimP.WiA.jpg

Làng Tân An của mình một mặt giáp sông Gianh mặt kia giáp canh đồng xanh mênh mông của các xã Quảng Thanh, Quảng Phong và làng Pháp Kệ. Mình đã đi qua rất nhiều làng quê Việt Nam rồi nhưng ít thấy làng nào đẹp như làng mình. Dân làng mình tự hào với vẻ đẹp của làng lắm, bộ phim "Chuyện tình bên sông" đã được quay ở làng mình, đó có lẽ là bộ phim mà dân làng Tân An cho là hay nhất, hi hi.

Ngoài những nét thân quen như bao làng quê Việt Nam khác, điều thật ấn tượng với mình và cũng là điều đặc biệt của làng Tân An là nét rêu phong cổ kính của những thành quách còn sót lại từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Thật đáng tiếc là nét văn hoá độc đáo nay đang mất dần do con người tàn phá. Thậm chí hai cột nanh của Đình làng được xây từ thời Nguyễn cũng bị đập đi để xây hai cái cột mới tinh vô hồn...

1. Nét thân quen
photo


photo


photo


photo


photo


2. Rêu phong
photo


photo


photo

photo




photo

Tình hoa Đà Lạt

Đừng tưởng cỏ cây hoa lá không biết...tỏ tình đấy nhá. Hãy xem trong hương sắc mùa xuân, hoa lá xứ Lang Biang tình tự với nhau như thế nào qua những bức ảnh chộp được trong một ngày lang thang đầu xuân con Mèo...
Một cây thông nở hoa Mai Anh Đào chăng?
photo


Thì ra không phải, hai "anh chị" đang thăng hoa trong tình yêu đấy mà.
photo


Mà đâu chỉ có anh Thông với chị Mai Anh Đào, các "Hoa Nhân" khác vẫn quấn quýt nhau đấy thôi...
photo


photo


Ngoài Mai Anh Đào, nàng Phượng tím vẫn dịu dàng không kém.
photo


Có cả những cuộc tình tay ba nữa nhé...
photo


photo


photo


photo


Cả những bông hoa dại ven đường cũng râm ran chuyện tình...
photo


Hoa trong hoàng hôn làm ấm lòng người xứ lạnh
photo

CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI HÁI PHÙ DUNG

Tết, tình cờ đọc lại tập thơ "Người hái Phù dung" chợt nhớ những kỷ niệm về ông, nhà văn, nhà thơ, nhà Huế học Hoàng Phủ Ngọc Tường.

photo

Bìa tập thơ Người hái Phù dung của HPNT
Mình biết đến cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường từ những năm đầu thập niên 1980 khi còn là một chàng sinh viên trường Đại Học Sư phạm Huế. Thời ấy đọc tạp chí Sông Hương thỉnh thoảng mình bắt gặp một số bài bút kí của  nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng nói thật lúc ấy mình không mê thể loại văn chương này lắm. Là một anh chàng Bọ rin, tuyệch toạc, thẳng ruột ngựa và hiếu thắng, mình chỉ mê các chuyện tình báo trinh thám, hoặc những tiểu thuyết tình lãng mạn sướt mướt chứ chưa quen với giọng văn chầm chậm, đều đều đầy chất suy tưởng của nhà Huế học Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chưa bao giờ mình đọc hết một bài bút kí của ông, thậm chí cả khi mình nghe báo chí công bố tên ông đạt rất nhiều giải về kí, lại còn được mệnh danh “Vua bút kí”…Vì thế, cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường trước đây không mấy ấn tượng với mình.
Tháng 12 năm 1993 mình tổ chức kì thi Huyền đai thường niên cho võ sinh Lâm Đồng. Nhân cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, mình mời sư phụ - thầy Nguyễn Văn Dũng từ Huế vào. Thầy Dũng thông báo là sẽ có bạn thầy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi cùng. Đấy cũng là lần đầu tiên mình được diện kiến ông “vua bút kí”. Nói thật, ngay cả lần đầu tiên nhìn thấy ông mình cũng chả thấy ấn tượng gì ngoài cái nốt ruồi rất to ở dưới cằm là đáng nhớ. Hoàng Phủ Ngọc Tường đây ư? Một người đàn ông nhỏ thó, có phần khắc khổ nữa.
photo

HPNT (áo đỏ) tại Đà Lạt tháng 12 - 1993
Kì thi kết thúc, mình mời hai thầy về nhà (mình gọi luôn Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy) trong bữa cơm chiều. Kể từ đó mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong bữa cơm và suốt những ngày sau đó trong những cuộc nhậu hay ở quán cà phê, ông nói hết chuyện này sang chuyện khác, lạ là toàn những chuyện loanh quanh ở Đà Lạt mà mình chẳng biết tí gì. Mình cứ nghĩ sao ông có nhiều chuyện đến thế, mà chuyện nào cũng hay. Càng rượu vào ông nói càng hay, mình chỉ biết há hốc miệng ngồi nghe say sưa và vô cùng thán phục sự uyên bác của ông. Mình còn phát hiện ở ông có một sự tinh tế, nhạy cảm thường thấy ở những người sống minh triết, có tấm lòng  với tha nhân. Trong tập thơ  “Người hái Phù dung” tặng mình, ông ghi “Thương mến tặng Nguyễn Quốc Túy và người mà Túy đang yêu thương” kèm với lời giải thích “Người mà Túy đang yêu thương ở đây có thể là vợ hoặc một ai đó ngoài vợ”. Quả là rất…Hoàng Phủ, bái phục.
Mình bắt đầu tìm đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường từ thơ đến bút kí, từ tác phẩm xuất bản đến các bài đăng trên báo, càng đọc càng mê. Hết cái thời ngông nghênh hiếu thắng, bị cuộc đời tặng cho mấy đòn nốc ao mình đâm ra biết điều hơn, biết chiêm nghiệm cuộc sống hơn. Phải thế chăng mà mình rất thích những trải nghiệm nhân tình thế thái được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa uyên bác và đầy lãng mạn của nhà văn miền núi Ngự sông Hương. Đọc ông, mình còn phát hiện ra một nỗi buồn da diết bàng bạc trong các sáng tác của ông. Mình còn nhớ mình đã rúng động như thế nào khi đọc xong bài thơ “Sinh nhật” của ông. Một cái tựa lung linh đến thế mà nội dung thì… “Mai này tôi về ngủ trên đồi/ Nắng trải hoa vàng quanh chổ tôi/ Con chim sơn ca thời thơ bé/ Nó bay về khóc mãi không thôi.”.  Hình như trong lòng những người sống có tấm lòng với đời, nhận ra cái phù du vô thường  của đời người như ông, như bạn thân của ông Trịnh Công Sơn, đều mang một nỗi buồn nhân thế. Ông từng phát biểu “…Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. Ôi! Lẽ nào bao trùm cuộc sống là nỗi buồn? Lẽ nào những ai có cái tâm bao la với đời thì phải sống trong nỗi buồn? Hèn chi Trinh Công Sơn đã tự mình tìm cách  cân bằng cuộc sống với trải nghiệm “buồn vui kia là một”?
Đâu khoảng năm 1998 mình nghe tin ông bị tai biến trong một lần thức khuya xem bóng đá Euro. Hè năm 1999 mình mới có dịp ghé thăm ông ở Huế. Thật xót xa khi một con người của những chuyến đi và viết nay ngồi thúc thủ trong xe lăn nhờ sự chăm sóc của người thân, mà gần gũi nhất không ai khác là vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Dịp này ông tặng mình tập nhàn đàm “ Người ham chơi”, nhìn ông khó nhọc viết lời đề tặng mà mình cứ rơm rớm nước mắt. Nghe thầy mình nói, vốn dĩ đã buồn ông càng buốn bã hơn sau cái tai nạn vừa đột ngột vừa đương nhiên ấy. Ông thường tỏ ra hốt hoảng, thậm chí còn giận hờn khi những người bạn đến thăm ông ra về, ông sợ quá khi phải ở một mình.
Tết Đinh Hợi năm 2007 mình lại có dịp ghé thăm ông  thấy ông “mập” ra nhưng lại có vẻ tiều tụy, thất thần hơn. Có lẽ đó là kết quả của việc hàng ngày phải nằm một chổ với bốn bức tường trong sự thiếu vắng hơi thở của cuộc sống và tiếng lao xao của bạn bè?
photo

HPNT và vợ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1999...
photo

...và HPNT năm 2007
Biết làm sao được, ông là người hiểu rất rõ “bản chất phù hư của thế giới” (chữ của HPNT) nên mình tin rằng ông có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để thấy “buồn vui kia là một” mà sống nốt cuộc đời tài hoa của mình trong an lạc. Hơn ai hết ông là người đủ minh triết, đủ thời gian để hiểu và chấp nhận rằng bản chất loài người là sự cô độc, điều mà bạn thân ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phát hiện “Trời cao đất rộng một mình tôi đi, đời như vô tận một mình tôi về, với tôi".
Một điều hiển nhiên là, cái tâm và cái tài của ông đã kịp ghi dấu một cách sâu đậm trong lòng người đọc nhiều thế hệ và trong văn đàn Việt Nam.Dù ông có mệnh hệ gì thì điều này sẽ vẫn còn mãi với thiên thu. Chắc chắn thế.
photo
Thủ bút của nhà văn HPNT tháng 12 năm 1993...
photo

...và khi đã ngã bệnh năm 1999.

Đọc thêm

Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh hoa phù dung

"Tôi phản đối xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Những điều này đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Đó là nguồn mỹ cảm nuôi cảm hứng sáng tạo của cả loài người", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tâm sự.












Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn).






Cơn bạo bệnh kịch phát cách đây mấy năm đã để lại cho Hoàng Phủ Ngọc Tường những di chứng nặng nề, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc viết và liên hệ với thế giới bên ngoài.
"Nhà tôi phố Đạm Tiên", Hoàng Phủ Ngọc Tường thường chỉ đường như vậy, với nét cười thoáng qua khóe môi. Chút hài hước chấp nhận thân phận, thêm một lần xác nhận thế cuộc phù du.
Huế không có phố Đạm Tiên. Nếu có một phố tên là Đạm Tiên thật thì buồn quá. Ai lấy tên của một kỹ nữ tài hoa chết trẻ mà đặt tên phố để thành xui xẻo, mà mang lấy cái nghiệp bạc như vôi. Phố Đạm Tiên của nhà thơ nay ở Phan Bội Châu.
Đôi nhà thơ nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ đang được che chở dưới mái một ngôi nhà xinh xắn, do Mỹ Dạ thiết kế lấy kiểu dáng. Cuộc hôn nhân bắt đầu năm 1973. Họ cùng đi qua những thăng trầm sóng gió cuộc đời, ngọt ngào nhưng cũng nhiều cay đắng, luôn bên nhau trong những lúc hiểm nghèo. Khi Hoàng Phủ Ngọc Tường phải gắn lưng trên chiếc xe lăn, Mỹ Dạ là người bạn đời nâng giấc dịu dàng.
Nói về vợ, nhà thơ luôn cười vui: "Tui lấy một người vợ làm thơ, đến lúc xây nhà mới biết là lấy nhầm phải một nhà thiết kế. Trong khi tôi, cũng như những đàn ông khác, chỉ phải gánh một gánh là trách nhiệm với chính mình, thì Mỹ Dạ phải gánh gấp đôi, thêm cả bổn phận người phụ nữ. Làm đàn ông thời này thoải mái sung sướng hơn đàn bà rất nhiều".
Hoàng Phủ Ngọc Tường liệt nửa người, bị bạo bệnh giam cầm trong bốn bức tường. Nhiều bạn bè theo anh và Mỹ Dạ đến tận chân giường, đôi khi đồng hành trong những cuộc đi chữa bệnh khó nhọc và tốn kém.
Sau chuyến đi mới đây, hai vợ chồng như được tiếp thêm sức lực và hy vọng vì sức khỏe khá lên. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có thể ngồi khá lâu trên xe lăn, những dòng chữ viết bởi bàn tay duy nhất còn cử động đã bớt vụng dại. Giọng nói đã rõ ràng hơn. Ông có thể ngồi trên xe trò chuyện hàng giờ mà không quá mệt. Trên xe lăn mà vẫn như ngồi trên một con thuyền thúng, nôn nao nỗi đời. Huế yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến mức một tiếng ong bay cũng có thể làm xao động. "Huế rất tốt cho việc làm thơ và ngâm ngợi, cho "một cõi đi về" nhưng thiếu rộn ràng cho công việc, giao lưu và cõi ở", nhà thơ tâm sự.
Dường như trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi hoa. Điều đó, dù cuộc đời lận đận những ngày tù cộng với những năm tháng bôn ba khắc nghiệt của chiến tranh không tước đoạt nổi của ông.
Ông viết rất nhiều về hoa. Thiên nhiên trong thơ ông hiện lên mong manh, rưng rưng, như vẻ đẹp của thiếu nữ, như giọt sương mai. Đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có cả tập thơ mang tên Người hái phù dung. Dung nhan của loài hoa sớm nở tối tàn này thường trở đi trở lại trong văn thơ ông. Trong Hoa bên trời, trên xe lăn trong những ngày giao thời 2005, ông viết: "Hoa phù dung biểu lộ lòng ham thích cuộc sống, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ".
Mô tả nhiều sắc hoa với rất nhiều ưu ái và lưu luyến, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một người mang nợ: "Đã lâu rồi tôi không nhắc đến hoa. Tôi thấy có lỗi với những người bạn tâm tình ấy suốt quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh đi qua, có nhiều cái đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ thành những vết sẹo".
Thôi em, cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về...
(Đêm qua - Người hái phù dung)
(Theo Phụ Nữ)

GIAI THOẠI CHA ÔNG VÀ CHUYỆN ĐÔI CÂU ĐỐI GIA ĐÌNH

Kính tặng quá khứ, hiện tại và tương lai.

 Người ta bảo những người có tuổi hay hoài cựu, thì ra mình đã già rồi cơ đấy, he he.
1.     Đi tìm nguồn cội
Một tuổi rưỡi mất bố, những gì mình biết về bố là qua tấm ảnh trên bàn thờ và những câu chuyện kể đứt đoạn của anh chị. Khi mình ra đời thì các anh chị đều đã lớn và đều đi học đi làm xa nhà cả, thi thoảng mới ghé về thăm nhà một đôi ngày rồi ra đi, kịp để mình hiểu rằng mình có một ông anh và một bà chị đang tồn tại trên đời.
Mạ mình suốt cả một đời kể từ khi về làm dâu nhà chồng-một gia đình quan lại phong kiến cực kỳ khó tính-chỉ biết cung cúc thờ chồng, suốt ngày lo chợ búa bếp núc phục vụ chồng con không quan tâm đến thứ gì khác. Nghe anh mình kể, đến cả biết đọc biết viết cũng là nhờ chồng bắt làm học trò, nhờ thế sau nay bà có thể viết thư hoặc đọc được thư con. Mình sống với mạ cho đến hết thời học sinh chưa bao giờ nghe bà kể một điều gì về gia phả dòng họ, về những truyền thống nhà chồng, cứ như những thứ đó chả liên quan gì đến bà, hi hi.
Mình, một thằng bé lêu lổng ham chơi nên lúc nhỏ cũng chả mấy quan tâm đến gia phả, tổ tông. Học cấp hai mình bắt đầu thấy hơi ngạc nhiên khi nhiều bà trong làng cùng hội chợ búa với mạ mình cứ quả quyết là thằng cu Túy phải học giỏi lắm, trong khi chính các bà còn chưa biết kí tên, hoặc thậm chí chưa biết con cái các bà học hành thế nào. Có bà con cầm tay mình trầm trồ: “Ua chầu! Thằng ni có bàn tay ngòi bút, học giỏi phải biết”, he he.
Mãi đến thời học cấp ba Ba Đồn, có đôi chút ý thức tìm hiểu cội nguồn cộng với chuyện kể của một số vị cao niên trong làng, mình mới hiểu ra đôi điều. Thì ra tổ tông nhà mình cũng oai phết, từ cụ tổ năm đời của mình Nguyễn Quốc Hoan đến tận ông nội mình đều làm quan triều Nguyễn, cụ Hoan làm đến hàm Thượng thư bộ Lại; đã bốn đời nay dòng họ luôn có người có học vị đến Tiến sĩ.
Mình còn nhớ cuối năm cấp ba mình vào Đồng Hới thi đại học xong về làng thấy sau hồi nhà hai cái săng (quan tài) to đùng. Mình tá hỏa hỏi mạ  thì mới biết người ta vừa mới bốc mộ ông quan Thượng (từ của dân làng hay gọi cụ Thượng Hoan). Hai cái săng còn nguyên vẹn sau hơn trăm năm chôn dưới đất và còn thoang thoảng thơm mùi trà, thứ hương liệu trước đây người ta thường dùng để ướp xác trước khi chôn. Cái săng của cụ Thượng to như cái phản, sơn màu đỏ có con rồng vàng cuộn xung quanh rất đẹp, còn săng của bà Thượng cũng sơn đỏ nhưng nhỏ hơn và không có rồng. Nghe mọi người kể lại lúc mở nắp săng cụ Thượng ai cũng hoảng hồn bỏ chạy vì trông cụ như người còn sống, mặt mũi phương phi còn cả râu ria áo mão như một ông quan đang ngủ, phải một lúc sau xác mới “tan” ra. Người ta bảo mả như thế là đang “kết”, sẽ rất có lợi cho con cháu trong làm ăn, công danh sự nghiệp.
Phí của, thế mà bỗng dưng lại đi bốc mộ di dời, hèn chi cái thằng cháu năm đời của cụ là mình đây cứ mãi lao đao lận đận.
Người ta gỡ những thứ gắn trên áo mão chôn theo cụ Thượng được một  bọc giao cho mạ mình cất giữ. Khổ thân bà cụ ngày đêm lo lắng bị kẻ cướp viếng nhà vì người ta đồn có rất nhiều vàng. Mình tò mò lôi ra xem thì thấy một loạt những con rồng phượng và nhiều thứ linh tinh khác lấp lánh vàng. Nghe đâu sau đó hội đồng gia tộc kéo nhau đi thử thì chỉ là kim loại mạ vàng. Không biết đến bây giờ, những kỷ vật vô giá ấy đi đâu cả, may mà thời ấy mình kịp thời chôm được một con rồng nay còn có cái mà bỏ lên bàn thờ các cụ.
photo
Con rồng gắn trên mũ cụ Thượng Nguyễn Quốc Hoan
Người kể cho mình khá nhiều chuyện về gia phả là anh Nguyễn Quốc Cừ con bác ruột, một vị Giáo sư Tiến sĩ lâu năm của trường Đại Học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đặc biệt anh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của các cụ như bút tích của cụ Hoan, sắc phong của vua Thành Thái cho ông nội, đôi câu đối của một vị đại quan triều Nguyễn tặng riêng gia đình do chính bố mình khắc chạm…Lần nào có dịp ra Hà Nội mình đều say sưa nghe anh kể bao nhiều là chuyện thú vị, ngắm lại những kỷ vật ông cha mà như cảm nghe được hơi ấm từ ngàn xưa phảng phất.
photo
Bút tích cụ Thượng Nguyễn Quốc Hoan
photo

Sắc phong của vua Thành Thái cho ông nội Nguyễn Quốc Lung
Điều làm mình thấy cảm động và hãnh diện nhất là chuyện các cụ ngày xưa đều là những công thần nổi tiếng trung chính, thanh liêm và sự tận tụy phục vụ dân. Cụ Nguyễn Quốc Hoan làm quan suốt ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lên đến chức Tổng Đốc, hàm Thượng thư bộ Lại mà vẫn nghèo. Đại Nam quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại rằng; “Sau khi mất đi, tài sản của Quốc Hoan để lại là một nhà sách”. Cụ được vua Minh Mạng tặng kim khánh Thanh Thận Cần, sau này được vua Tự Đức tặng kim khánh Thanh liêm cần cán. Mình còn nhớ thời chiến tranh, khi ấy mình còn nhỏ, mạ mình phải huy động bức kim khánh rất hoành tráng của vua Minh Mạng ra làm hầm tránh bom Mỹ, hết chiến tranh lấy ra thì nó đã mục mất. Ông anh mình phải vào Huế thuê thợ làm lại một bức có nội dung cũ nhưng hồn thì mới tinh.
photo
Bức kim khánh Thanh Thận Cần và đôi câu đối ở nhà anh Cừ, Hà Nội.
photo

Bức kim khánh Thanh Thận Cần và đôi câu đối ở nhà anh Toàn, Đồng Hới. Dòng chữ nhỏ là "Minh Mạng châu phê"
2.     Giai thoại cha ông
      Những giai thoại này mình nghe được từ các cụ cao niên trong làng và từ những ghi chép của anh mình ở Quảng Bình. Thực ra thì còn nhiều giai thoại nữa nhưng mình biết lõm bõm nên chỉ chép ra đây ba trong số những điều được nghe.
CHUYỆN VUA MINH MẠNG TIÊN ĐOÁN
      Làng mình từng có một vị Tiến sĩ nữa tên là Ngô Khắc Niệm cũng làm quan từ thời vua Minh Mạng. Cụ Nguyễn Quốc Hoan  tuy chỉ là cử nhân nhưng lại làm quan to hơn cụ Niệm. Một hôm hai ông quan làng Lộc Điền cùng vua dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, vua đề nghị mỗi người hãy bứt một bông hoa. Cụ Ngô Khắc Niệm tiện tay bứt một bông râm bụt còn cụ Nguyễn Quốc Hoan hái một bông hồng. Vua Minh Mạng nhìn hai bông hoa cả cười mà phán với hai cụ quan rằng: Nhà họ Ngô chỉ có một đời là tiến sĩ, còn nhà họ Nguyễn  sẽ có năm đời làm tiến sĩ.
      Chả biết đúng sai thế nào nhưng kể từ đời con của cụ Hoan cho đến mình là bốn đời đều có tiến sĩ. Thời con nít nghe được chuyện này mình bừng bừng khi thế quyết tâm học cho tới tiến sĩ, cố gắng tới hói đầu cũng chỉ tới được ông thạc. Trong khi ông anh con bác ruột chả mấy cố gắng thì giời bắt làm tiến sĩ, he he.
photo

Anh cháu năm đời của cụ Thượng Hoan hói đầu mới lên được ông thạc, he he.
CHUYỆN CHỮ LÓT “QUỐC” CỦA NAM CHO ĐẾN NAY
Cụ Hoan làm quan dưới thời Minh Mạng thực ra chỉ có 11 năm, nhưng được thăng từ Hành tẩu bộ Lễ lên đến Bố chính Hà Nội – Nam Định là sự phấn đấu phi thường. Qua đó cũng thấy vua ông vua nổi tiếng biết sử dụng hiền tài Minh Mạng ưu ái đến cụ. Triều Nguyễn có một bài thơ gọi là “Đế hệ thi” gồm hai mươi chữ của riêng nhà vua dùng đặt tên đệm cho con cháu trực hệ của mình. Người ngoài dòng tộc nếu không được vua ban tặng mà cứ tự tiện dùng có khi bị khép vào tội khi quân.
Bài thơ như sau:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Tường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy QUỐC gia xương.
Người ta bảo cụ Hoan được vua Minh Mạng ban thưởng chữ QUỐC làm tên đệm cho dòng tộc cùng với kim khánh Thanh Thận Cần. Kể từ cụ Hoan đến nay con cháu đều dùng chữ này làm tên đệm cho nam. Thừa nhận rằng trong số các loại Quốc thì Quốc Túy là...hay nhất, he he.
CHUYỆN QUYẾT TÂM TRẢ NỢ CHỮ NGHĨA
Mình khoái nhất câu chuyện này, nó thể hiện một bản lĩnh rất tuyệt của các cụ, so với các cụ cháu con bây giờ hơi bị yếu khoản này.
Chuyện rằng: Lễ th­ượng nguyên (rằm tháng giêng) năm 1846, lý trư­ởng Lộc Điền rước cụ Nguyễn Quốc Hoan và cụ Ngô Khắc Kiệm về dự. Chức sắc làng đi cho  cụ Kiệm  hai lọng xanh, đi cho cụ Hoan ngoài hai lọng xanh còn thêm hai lọng vàng. Thấy thế, cụ Kiệm mắng lý trư­ởng: "Sao ông  hỗn thế , chỉ đi cho tôi có hai lọng xanh, tôi là tiến sĩ kia mà ?". Lý trưởng khúm núm: " Bẩm, cụ là tiến sĩ  như­ng mới hàm án sát, còn cụ Hoan tuy cử nhân nhưng lại hàm th­ợng thư­, làng đi thế là đúng điển lệ...". Sau buổi lễ ấy, cụ Hoan về kể lại sự tình với  hai con trai (sinh đôi) là Nguyễn Quốc Uyển và Nguyễn Quốc Thành. Nghe xong,  hai ông  quỳ xuống thư­a: "Các con sẽ trả nợ câu nói ấy của cụ án Kiệm". Tối hôm ấy, ông Thành dùng dao nhọn khắc vào cột đình 8 chữ: “不得 亭中” (bất đắc hoa hốt bất đáo đình trung) . Ý rằng, không đỗ tiến sĩ, không ra làm quan, thì không trở về làng. Tối hôm sau, cụ án Kiệm cho ng­ười ra khắc vào bên cạnh lời thề của cụ Thành hai chữ: "大言" (đại ngôn) tức là nói khoác. Khoa thi năm ấy ông Uyển và ông Thành cùng đỗ cử nhân. Năm năm sau (1851), ông Thành đỗ tiến sĩ đ­ược bổ làm tri phủ huyện Ứng Hoà.
Một lần leo lên Ngọ Môn Huế mình đã đọc trong bia ghi các tiến sĩ triều Nguyễn thấy cái tên Nguyễn Quốc Thành làng Lộc Điền, thấy sướng củ tỉ, hi hi.
3.     Chuyện về đôi câu đối
Mình bé tí đã thấy đôi câu đối treo trong nhà. Phải nói hoành tráng nhất trong căn nhà xiêu vẹo của hai mạ con thời đó là cặp câu đối và bức kim khánh của vua Minh Mạng (nói trên). Thời chiến tranh cặp câu đối này thất lạc mấy lần nay được anh Cừ thỉnh về treo tại Hà Nội.
Có lần mình hỏi xuất xứ thì được anh mình kể rằng cặp câu đối này do một vị đại quan triều Nguyễn do cảm phục gia phong nhà Nguyễn Quốc mà tặng cho ông nội mình khi ấy cũng đang làm quan triều vua Thành Thái. Cái đáng quý nữa là cặp câu đối này do chữ của ông anh (bác Nguyễn Quốc Huỳnh-bố của anh Cừ) viết và ông em ( Nguyễn Quốc Toản-bố mình) khắc chạm.
 Chữ trên câu đối là:
周 編 國 重 申 侯 命
唐 榜 家 傳 柳 子 名
Nghĩa hán việt:
Chu biên quốc trọng Thân Hầu mệnh
Đường bảng gia truyền Liễu Tử danh
Về nội dung của đôi câu đối mình nghe anh mình rồi anh Cừ giảng giải mấy lần nhưng cứ cảm thấy chưa thỏa mãn lắm. Tết canh dần 2010 mình quyết định khăn gói lên nhà thầy Phạm Phú Thành, một Cư sĩ Phật học khá uyên thâm hán học ở Đà Lạt, nhờ thầy giải thích. Những kiến giải của thầy về ý nghĩa câu đối theo mình là hợp lí nhất.
Thầy Thành dịch nôm:
(Sử sách) đời Chu ghi lại-đất nước coi trọng (sứ) mệnh Thân Hầu.
Bảng (vàng) nhà Đường (đã nêu) gia truyền danh tiếng của Liễu Tử.
Cũng theo thầy, ở Trung Hoa đời nhà Chu có Thân Bất Hại (Thân Hầu)có thể sánh ngang với Hàn Phi Tử; đời nhà Đường có Liễu Tôn Nguyên (Liễu Tử) được vua Đường rất coi trọng. Cả hai ông Thân Bất Hại, Liễu Tôn Nguyên  đều là những vị quan chính trực, thanh liêm, văn hay chữ tốt, một đời tận tụy phục vụ nhân dân.
Ý người tặng câu đối muốn ví đức độ, gia phong của người được tặng có thể sánh ngang với những tấm gương lớn như thế.
***
Ở xã Quảng Thanh làng Tân An (tên mới của làng Lộc Điền) nhắc đến dòng họ Nguyễn Quốc thì rất nhiều người biết, họ vẫn nhắc tới với sự kính trọng. Không lí gì chính con cháu của các cụ Nguyễn Quốc xưa lại mơ hồ về chính tổ tiên của mình.
Hai “đại ca” còn lại của dòng họ hiện nay có thể kể là anh Nguyễn Quốc Cừ nghỉ hưu ở Hà Nội và ông anh mình Nguyễn Quốc Toàn, nghỉ hưu ở Đồng Hới. Các anh thuộc hàng lão làng của dòng họ hiện nay. Hơn thế nữa hai anh đều là những người học rộng biết nhiều và còn lưu giữ nhiều hiểu biết về lịch sử, giai thoại gia đình. Đáng tiếc là vì một lí do trọng đại nào đó mà các “đại ca” chưa chịu biên soạn lại sử sách dòng họ cho con cháu lưu truyền, ít nhất là một bộ gia phả chi tiết.
Quá khứ dù vàng son đến đâu thì cũng đã đi qua, không ai có thể sống chỉ bằng hào quang của quá khứ, chỉ chực chờ “ăn mày dĩ vãng”. Tuy nhiên mình có thể đoan chắc rằng cuộc đời của một con người sẽ không đi tới đâu nếu quá khứ không hề hiện diện trong tâm thức anh ta. Quá khứ luôn có mặt trong hiện tại và cả tương lai, cả ba thì này có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau. Những viên gạch của hiện tại là quá khứ, còn hiện tại, đến lượt mình sẽ là chất liệu của tương lai, không thể khác được.
Và, như Raxun Gamdatôp từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Đắm say Đồi Cù

Cỏ ở đây xanh màu xanh của trời
Trời ở đây xanh màu xanh của cỏ
Anh đi hết chiều dài ngọn gió
Vẫn không hết màu xanh mắt em

Chả biết đọc mây câu thơ này ở đâu nhưng mình cứ dứt khoát rằng nó viết về Đồi Cù Đà Lạt.
Ở nơi đầy nắng đầy gió, màu xanh của những đồi cỏ uốn lượn dưới gốc thông làm ta có cảm giác trời đất giao hoà trong sắc xanh da diết, nơi ấy là đâu nếu không là Đồi Cù của Đà lạt mộng mơ?

Lại chợt nhớ mấy câu thơ của Bùi Minh Quốc:

Căn phòng đôi ta vách dựng bởi ngàn thông
Giường nệm bồng bềnh đồi cỏ dịu
Sương lãng đãng tấm mền nũng nịu
Chợt dày chợt mỏng chợt hư không

Thưa em! Còn chờ gì nữa mà không đắm say...

photo


photo


photo


photo


photo


photo

photo

ĐamRi, nàng tiên thức dậy

Đầu năm mới 2011 làm một chuyến du lịch ĐamRi thăm lại ngọn thác đẹp bậc nhất Lâm Đồng mà mình đã có dịp ghé cách đây ngót 10 năm rồi.

Thác Đam Ri thời đó như một nàng con gái đẹp ngủ quên trong rừng, đường vào thác còn trắc trở lắm, leo xuống leo lên mệt bở hơi tai có đâu hiện đại như bây giờ. Cuối cùng, bàn tay thời kinh tế thị trường cũng đã "sờ" đến nàng. Nàng tiên Đam Ri đã thức dậy tuy còn ngái ngủ. May thay, nàng vẩn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của mình.

photo

1. Một môi trường trong lành có rừng, có hoa,  có tiếng thác reo hết mình, không thiếu ánh nắng mặt trời. Còn gì hơn?
photo
Ở nơi hùng vĩ, tràn đầy cái đẹp của thiên nhiên con người ta thường dễ cảm nhận được tâm linh. Thế nên người ta đã nhanh tay dựng lên một tượng Phật Quan âm ngắm thác.
photo
Ở giữa rừng nhưng ta cũng bắt gặp hình ảnh bụi tre gốc chuối thân thương gần gụi lắm.
photo

Nàng tiên Đam Ri quyến rủ thế nên các chàng thường xuyên kéo vào đây tình tự với người đẹp cũng là điều dễ hiểu.
photo
Không những thế, các cặp sồn sồn cũng vào đây hòng tìm lại cảm giác của một thời xuân sắc.
photo

Không ngờ đây là đầu nguồn thác, mẹ của nàng tiên Đam Ri xinh đẹp. Hình như bà mẹ nào trên đời cũng rất hiền hòa, rất nhỏ nhoi và trầm lắng. Chỉ có những đứa con luôn ầm ào ngỗ nghịch, cứ tưởng mình là to lớn lắm. Để rồi sau khi vùng vẫy la hét lại bị người đời lãng quên trong một xó rừng hoang sơ nào đấy...

Đọc thêm:              THÁC   
                                                            
Xuân Diệu

Như nước dòng lao gặp đá ngăn
Cuộn từ đáy vực tỏa băn khoăn
Chưa vần được đá, nên tung sóng
Ức mãi ngàn năm vẫn thét gầm

Thắm thiết tình anh gặp cách xa
Cuộn tròn đau khổ sóng tung hoa!
Cuốn em đi đấy em yêu hỡi,
Cuốn mãi ngàn năm chẳng thả ra

9.6.1967

CHUYỆN GÃ CHĂN NGỰA BLOG VĂN CHƯƠNG (Phần II)

Lan man chuyện Quê choa thuở mưa không thuận gió chẳng hòa
http://quechoablog.files.wordpress.com/2011/01/bolap.jpg
“Suốt tháng nay bà con luôn hỏi bọ: bao giờ thì nhà bọ mới mở khoá để bà con vào chơi? Nhiều tin nhắn, email và các cuộc gặp gỡ ngoài đời đã hỏi bọ câu đó. Thực tình bọ cũng không biết nói thế nào...đành phải khóa còm đợi ngày mưa thuận gió hoà.”  (Trích LỜI TRẦN TÌNH CỦA BỌ)
 Xin đọc Phần I ở Quê choa blog.  hoăc ở KênhKiablog

1.  Trong Hợp Tác Xã nơi lão Nập ở, không chỉ có trại ngựa Quê choa mà còn nhiều trang trại khác nuôi đủ thứ từ gia súc trâu, bò, chó, lợn đến gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng; đến cả những động vật nguồn gốc hoang dã gọi là gia…dã khỉ, rắn, nai, hùm.  Đến nỗi, HTX quyết định phải thành lập một hiệp hội của những người chăn nuôi gọi tắt là Hội Súc Dã Cầm có tên giao dịch tiếng Anh là SDC Association do một kẻ vừa giàu vừa có thế lực là lão chủ trại trâu làm chủ tịch Hội.
    Hội viên của Hội Súc Dã Cầm gồm đầy đủ các chủ trang trại trong vùng. Ngay khi có thông báo về việc thành lập Hội, các chủ trại trong vùng đã ùn ùn kéo đến nộp đơn đề đạt nguyện vọng thiết tha xin được gia nhập Hội.
    Chỉ trừ bọ Nập, chủ trang trại ngựa đua Quê choa là kiên quyết không gia nhập Súc Dã Cầm. Lão chủ tịch  Hội đã năm lần bảy lượt gửi giấy mời nhưng bọ Nập dứt khoát từ chối. Tuy cáu tiết lắm nhưng lão chủ trại trâu cũng xuống nước đích thân đến Quê choa chiêu dụ bọ Nập.
     Sau một hồi thao thao về tương lai sáng lạn của Súc Dã Cầm, lão chỉ ra những rủi ro kèm theo cả ngụ ý  đe dọa nếu như trang trại Quê choa không chịu vào khuôn phép. Cuối cùng lão xa xôi rằng sẽ để cho bọ Nập thay cái chân thư kí Hội mà lão chủ trại lợn vốn...ngu như lợn đang giữ. Kết thúc bài thuyết giảng hùng hồn ấy chủ tịch Hội Súc Dã Cầm tự tin hỏi: “Ý ông thế nào, xuôi rồi chứ?”. Câu trả lời của lão chủ trại ngựa Quê choa có lẽ không thể ngắn hơn: “Ẻ quẹt! Choa nỏ vô!”.                                                                                
http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/12/quanglap11.jpg
2.   Năm ấy, trời hành một trận dịch không chỉ lở mồm long móng mà long lở từ đầu đến chân lây lan khủng khiếp trong các trang trại chăn nuôi. Gia súc gia cầm cùng các loại động vật nuôi thi nhau lăn đùng ra chết như ngả rạ. Nhiều trang trại thưa vắng hẳn, chỉ còn lơ thơ vài con vật ngơ ngác chả hiểu bạn bè bỏ đi mô hết.
      Điều kỳ lạ là đám ngựa đua của lão Nập trang trại Quê choa lại chẳng hề hấn gì, ngược lại chúng vẫn cứ khỏe mạnh như...voi. Hàng ngày, từ vươn thở cho đến tận tiếng thơ, từng dòng người nói cười hỉ hả vẫn kìn kìn đổ về Quê choa cho ngựa ăn. Các chủ trại khác vừa lo sốt vó vừa căm tức Quê choa vô cùng.
      Tình hình khẩn cấp đến nỗi  HTX quyết định phải cứu Hội Súc Dã Cầm  bằng cách tổ chức một hội nghị mời các chuyên gia giỏi bàn biện pháp chống lại nạn dịch mà gia súc gia cầm gia dã đang mắc phải gọi tắt là Hội Nghị Mắc Dịch.  Lão chủ tịch Hội và đồng bọn mừng lắm, hạ quyết tâm nhân dịp này phải tìm cách trị bọ Nập và Quê choa cho bỏ tức. Một cuộc họp kín bàn cách triệt hạ Quê choa giữa lão chủ tịch Hội Súc Dã Cầm với đám lâu la diễn ra vô cùng bí mật tại trại trâu.
      Lão chủ tịch và đám tay chân không thể ngờ được rằng toàn bộ cuộc họp ma quỷ này lai bị một điệp viên của Quê choa ghi lại không sót một chi tiết nhỏ nào. Điệp viên này mang bí danh Đ.M178 do cố vấn an ninh của Quê choa là CH30 cài vào SDC từ lâu.
3.   Có lẽ phải mở một cái ngoặc đơn để nói về hai nhân vật đặc biệt này. Trang trại Quê choa có một cố vấn an ninh cực kì lợi hại. Gã vốn là một vị tướng quân đội đã nghỉ hưu. Bà con xứ Quê choa rất kính nể gã và trìu mến gọi gã là Cụ Chánh. Nhưng Cụ Chánh đáng kính của chúng ta lại bị hen kinh niên nên gã chết danh là Chánh Hen. Vì vậy để dễ bề hoạt động bọ Nập đặt cho lão biệt danh CH30. Con số 30 thêm vào đây chả có nghĩa gì, chỉ để cho nó giống…X30 phá lưới thôi. Chánh Tín với Chánh Hen chưa biết mèo nào cắn mĩu nào, he he.
     Thế còn Đ.M178 là ai? Đó là một gã chăn trâu cho chính chủ trại trâu. Điều đáng nói gã này chiếm được lòng tin gần như tuyệt đối của chủ trại trâu do những kinh nghiệm và thành tích chăn trâu tuyệt vời của gã. Chả ai biết tên thật của gã là gì, chỉ biết rằng gã hành nghề chăn trâu và mang luôn cái tên cúng cơm Mục Đồng từ bé. Khắp vùng ai cũng biết tiếng về tài nghệ chăn trâu của gã. Đàn trâu nào mà vào tay gã thì đều béo tốt phương phi và không hề suy suyển một sợi lông. Nghe đâu kiếp trước gã từng chăn...tê giác, nên chuyện chăn trâu đối với gã nhỏ như con...nghé.
     Thực ra thì lúc đầu bọ Nập đặt cho gã biệt danh MĐ178, MĐ là tên còn 178 là tháng sinh năm đẻ của hắn. Nhưng được hai hôm thì hắn tìm bọ Nập mếu máo: “Bọ đặt cho con tên khác đi hu hu, bọn trẻ chăn trâu chúng nó gọi con là Móc Đít ”. Bọ Nập suy nghĩ một hồi rồi quyết định: “Thế thì ta đổi lại là MD178 vậy, cho nó giống tây. Người tây không dùng chữ Đ, chú ưng bụng chưa?”. Mục Đồng sướng rân người, cười tít mắt: “Dạ! Giang hồ đồn bọ văn hay chữ tốt quả không ngoa. Con đội ơn bọ, he he he” .
     Nhưng rồi cũng được đúng hai hôm thì hắn lại tìm đến Quê choa nước mắt lưng tròng. “Chiện gì nữa đây?”, bọ Nập hỏi. “Dạ, thưa bọ bây giờ thì chúng nó lại gọi con là Mò Dái, hu hu”. Bọ Nập bóp trán suy nghĩ hung lắm, cuối cùng chém gió: “Thôi được rồi, đã thế ta đổi chổ cho chữ Đ ra trước. Từ nay chú là ĐM178, nghe vừa ngầu lại vừa mang hơi hưởng...chưởi thề, hề hề”
      Quả nhiên ổn. Không thấy hắn kêu ca than vãn chi nữa, ĐM178! Đáp lại công ơn trời biển của bọ Nập, điệp viên ĐM178 hoạt động rất hăng, cung cấp cho Quê choa biết bao là tin tình báo có giá trị mà đỉnh cao chính là cái thẻ nhớ 14GB ghi lại bằng điện thoại di động đời mới toàn bộ cuộc họp ma quỷ nói trên. Để có được nó, khỏi phải nói ĐM178 đã phải dũng cảm mưu trí, hy sinh gian khổ đến thế nào. Cố vấn an ninh CH30 đã đề đạt với chủ trại Quê choa thưởng cho điệp viên Đ.M178 hẳn một tuần xin nghỉ chăn trâu đi...ngắm sóng ở sông Nhật Lệ.
4.   Tối hôm ấy, tại phòng media của trang trại Quê choa, cố vấn an ninh CH30 cùng bọ Nập dán mắt vào màn hình  nghiên cứu đối tượng rất chăm chú. Tóm tắt diễn biến cuộc họp quái quỷ ấy là thế này. Sau bài mở đầu dài lê thê như trâu đái của lão chủ trại trâu kể về công trạng của lão và thành tích to lớn của Hội Súc Dã Cầm  trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lão quay sang kể tội bọ Nập và trang trại Quê choa là phần tử chậm tiến, lại còn dám coi thường cả Hội Súc Dã Cầm. Cuối cùng, lão đề nghị mọi người hiến kế để dạy cho Quê choa một bài học nhớ đời.
     Chủ trại rắn xung phong trước: “Em đề nghị chúng ta thuê một chiếc xe tải nhân lúc lão Nập ra đường húc cho hắn một nhát là xong.” Chủ tọa - lão chủ trại trâu gạt đi: “Không được! Mày đúng là ác còn  hơn rắn độc! Thằng này rất ít khi ra đường, nếu có ra thì chỉ đi bộ trên lề. Chả nhẽ cho xe tải leo lên lề à? Với lại như thế thì nặng tay quá, ta chỉ định cho nó một bài học thôi mà.”
     Đến lượt lão chủ trại bò: “Hay là ta thuê một bọn côn đồ xông vào trại Quê choa lôi lão Nập ra dần cho một trận? Rồi sau đó...”. Chưa hết câu lão chủ trại trâu đã chặn ngang: "Ngu như bò! Phải có lí gì thì mới xông vào nhà người ta chứ, nó không vi phạm luật, ngựa nó chuyên đua lề phải cơ mà. Với lại, cái ngữ chân vẽ chân xóa như hắn mà thuê cả bọn côn đồ ra tay thì chả đáng mặt anh hào. Chưa kể trang trại của lão luôn có cả trăm người túc trực toàn thứ dữ bảo vệ lão Nập đến cùng. Lạng quạng coi chừng ăn đòn gánh của họ. Tìm cách khác đi.”
    Một cái đít đỏ nhoi lên, thì ra là lão chủ trại khỉ. Lão chậm rãi: “Thưa đại ca, tại sao ta không lợi dụng cái đám người hàng ngày vẫn vào cho ngựa lão Nập ăn cỏ? Ta cử người trà trộn vào mang theo ít cỏ quốc cấm, vài bó cần sa chẳng hạn rồi báo công an đến gô cổ lão lại nhập kho một thời gian cho lão sáng mắt ra. Người vào trang trại lão đông thế làm sao mà lão kiểm soát hết được.”
    Cả Hội khen rối rít hay! hay! Ý kiến hay! Lão chủ trại trâu cũng khen hay! hay! Trò khỉ của mày được lắm, cứ y án thế mà mần.
     Đèn bật sáng, lão Nập mặt tái nhợt, mồ hôi túa ra như tắm thều thào: “Mần răng chừ eng hè?” Cố vấn CH30 mặt lạnh như tiền chẳng biểu lộ một cảm xúc gì, rõ là bản lĩnh cao cường của một cao thủ. Lão lặng lẽ chiêu một ngụm nước tranh thủ uống viên thuốc chống hen rồi thủng thẳng: “Chiện nhỏ như con...nhộng ấy mà, bọ cứ yên tâm đi ngủ đi, choa đã có cách”.
5.   Sáng hôm sau, như thường lệ, mới tinh mơ là hàng đoàn người đã lại tay liềm tay hái, kiũ kịt  gánh, trĩu nặng lòng Quê choa thẳng tiến. Khí thế của họ bị chặn đứng bởi hai cánh cổng sắt của trang trại Quê choa lạnh lùng đóng kín cùng một bảng thông báo rõ to: “Đang có nạn dịch long lở toàn thân lây lan rất kinh. Bọ tạm thời khóa cổng. Mong bà con thông cảm”. Xong om!
     Thiên hạ ra sức gõ cửa, gửi tin nhắn, email, gọi điện thoại...đủ kiểu nhưng hai cánh cổng vẫn không thèm nhúc nhích. Gọi chán không được họ ngồi bệt trước cổng quay ra bàn tán. Quái lạ lâu nay đâu có nghe lão Nập nói gì chuyện dịch dọt đâu nhỉ? Qua lỗ khóa thậm chí vẫn thấy ngựa nhà lão khỏe mạnh cả cơ mà? Hay là tối qua lão đi nhậu về bị ngộ gió không tiếp khách được? Hay là lão đã bán trang trại cho người khác, bỏ nghề nuôi ngựa đua? Hay là...hay là...Thôi thì đủ kiểu đoán già đoán non. Nhiều mụ nạ dòng mau nước mắt ôm đòn gánh khóc hu hu. Có kẻ chép miệng động viên: “Mà chắc là đúng đấy, các mụ nín đi. Không lẽ bọ Nập lại nói dối chúng ta. Chả phải HTX ta sắp tổ chức Hội Nghị Mắc Dịch đấy sao. Thôi bà con ta cứ yên tâm mà về. Đợi xong Hội Nghị, tình hình long lở qua đi chắc bọ Nập lại mở cổng trại thôi.”  
     Mọi người nghe thấy có lí lại lau mồ hôi lục tục ra về, kiũ kịt gánh trĩu nặng lòng. Tuy thế nhưng ngày nào cũng có cả đoàn người tụ tập trước trang trại, mắt lom lom nhìn cánh cánh cổng lạnh lùng mà lòng tràn đầy hi vọng. Nhiều kẻ nhòm qua lỗ khóa ngắm đàn ngựa cho đỡ nhớ rồi cắp nón ra về. Một ngày như mọi ngày.
6.   Lại nói chuyện lão Nập. Sau khi đóng cổng trang trại, lão thấy nhẹ nhõm hẳn. Khỏi phải ngay ngáy lo canh chừng cái “cộng đồng cho ngựa ăn” lúc nào cũng hừng hực như đám kiến lửa. Lão mà không canh kỹ thì không chừng cả ngựa lẫn lão đều cháy ra tro bởi đàn kiến lửa ấy.
     Ăn ngon ngủ yên được đúng hai hôm,  đến hôm thứ ba thì lão bắt đầu thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ một cái gì đó vốn dĩ rất thân quen. Cảm giác giống như một người nghiện thuốc lâu năm nay phải cai, “nhớ gì như nhớ thuốc lào...”, nhạt miệng làm sao, ray rứt làm sao.
     Mà còn hơn cả nhớ thuốc lào ấy chứ, cái “cộng đồng cho ngựa ăn” tuy đầy hỉ nộ ái ố là thế mà đáng yêu làm sao, thân thiết làm sao. Lão đâm nhớ cái tiếng lao xao của những lọn cỏ comments tuy có làm gã mệt đấy nhưng cũng giúp lão bớt đi được cái cảm giác trống trải hàng ngày giữa bốn bức tường vô cảm. Tuyên bố đóng cửa trại cũng đồng nghĩa với việc từ nay lão đơn thương độc mã với bầy ngựa của mình. Thực ra thì lão thừa sức “Cày chuyện xưa, bừa chuyện nay” một mình mà chả cần ai giúp, nhưng “...làm một mình cực thân”, các cụ đã chẳng bảo thế là gì.
     Sau sự cố bọ Nập đóng cửa trang trại, cư dân của Quê choa chạy tứ tán. Họ thừa dịp tạt vào thăm chuồng trại của nhau, những chú ngựa còm của họ bỗng dưng được no cỏ bất ngờ. Có kẻ tức tốc dựng chuồng tình nghĩa rồi “đẻ” vào đấy những chú ngựa con con xinh xinh phần lớn để làm cảnh chứ chả để đua điếc gì. Nhưng cũng nhờ thế mà bà con Quê choa có chổ đi về tám với nhau cho nhẹ bớt gánh, dịu bớt lòng.
    Thế mới thấy, bác Thích Ca có nhọc công khuyên mọi người dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ những dính mắc ở đời mà sống cho bình an tự tại thì cũng còn lâu chúng sinh của ngài mới dẹp bỏ được cái bản năng bầy đàn vốn có. Thưa Phật, giữa cõi đời này, chúng con vẫn còn thấy cô đơn lắm, thấy vẫn còn cần nhau lắm. Một khi cả đến “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” thì cũng xin Đức Thế Tôn thông cảm cho việc chúng con chưa thể trở thành những đệ tử thấu suốt giáo lý của ngài, ít nhất là trong kiếp này, hu hu.
    Ngay cả đến lão Nập, sau khi đóng cửa trại, buồn tình lão cũng tay liềm tay hái nhấc đít đi cắt cỏ cho ngựa hàng xóm ăn.Vốn có tài lại đào hoa lão có khối ả sồn sồn say mê từ thời Quê choa trẩy hội.  Các ả tranh giành nhau chí chóe về chuyện ai là người yêu gã hơn cả. Không những thế các ả còn mang các bộ phận của lão ra bình luận từ mắt, tay, miệng...rồi tổng kết thành vè chép vào sổ tay chuyền nhau đọc: Mắt sát gái/Dái xà nang/Miệng đĩ đàng/Tay Quốc Toản...nghe cứ như kinh nghiệm chọn trâu của Mục Đồng: Sừng cánh ná/Dạ bình vôi/Mắt ốc nhồi/Tai lá mít/Đít lồng bàn..., he he. Có lẽ lão Nập cũng tiếc các mụ nạ dòng này lắm nên rất chăm chỉ xách quần đi rảo chuồng ngựa các mụ, hòng chờ khi mưa thuận gió hòa còn tranh thủ canh tác. Có hôm mới nhọ mặt người, mụ Bạch - một fan cuồng nhiệt của Quê choa-vừa mở cửa dắt ngựa ra đã thấy lão sấn vào đòi bóc tem mụ, he he.
     Nói gì thì nói, ai từng dan díu với Quê choa đều cảm nhận một thời đằm thắm yêu thương biết bao. Người có công gieo cái nhịp cầu thân ái ấy còn là ai khác ngoài lão Nập, ông chủ đáng mến của trang trại Quê choa. Chả biết lão Nập có tâm tư gì không chứ đối với fan Quê choa cái tiếng comments vẫn hoài lao xao trong lòng mọi người. Như lời trần tình của lão, bà con cũng mong đợi cái ngày lại được dịp lũ lượt tay liềm tay hái ca lên khúc khải hoàn nhong nhong ngựa ông đã về  lắm.
    Cứ giả dụ cái ngày ấy không đến nữa thì với một thời Quê choa mưa thuận gió hòa, ếch nhái à uôm, cây trái đâm chồi nảy nụ, chim hót líu lo, cá tôm sung sướng, bà con cũng cám ơn bọ Nập lắm lắm.
    Cái thuận hòa của mưa gió diễn ra khi nào, kéo dài được bao lâu thì còn tùy...trời, nhưng cái thuận hòa của lòng người thì luôn hằn in dấu ấn và hãy còn ngân vang rất lâu, có khi đến tận cuối đời, bọ hè.
photo

06/01/2011