Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

ƠI HUẾ CỦA TA


Đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, khi còn là sinh viên mình đã quen với hình ảnh ven một đường phố Huế những ngày đông rét mướt, một chị trùm áo mưa đội nón, co ro bên cạnh thúng trứng vịt lộn ngồi chờ khách. 

Tín hiệu rất dễ nhận ra từ xa là những ngọn đèn dầu nhẫn nại sáng từng đêm. Mình rất ấn tượng với những đốm lửa có vẻ nhỏ nhoi leo lét ấy. Giữa cái giá lạnh ướt át của Huế thì những đốm lửa đèn dầu cho ta một cảm giác ấm cúng yên tâm đến lạ như lời chào của một người thân lâu ngày gặp lại. Chợt nhớ Trịnh Công Sơn với “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng...”, biết đâu ý tưởng về đốm lửa môi em của chàng nhạc sĩ lại chẳng xuất phát từ những  ngọn đèn bên thúng vịt lộn mùa đông xứ Huế...

Đừng tưởng đốm lửa kia chỉ làm phận sự soi sáng cho thực khách, nó còn là...hương vị của món ăn nữa đấy. Trong “Chuyện cơm hến” nhà văn đất Thần Kinh Hoàng Phủ Ngọc Tường từng mô tả: “Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh. Hồi nãy tôi đã đếm và biết gánh cơm trên vai chị có tất cả mười bốn vị. Bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người...”

Nếu như ở Đà Lạt, trong cái giá lạnh về đêm đã có gánh sữa của “chị đậu nành” thơm lừng nóng sốt mời chào lữ khánh, thì ở Huế những đôi tình nhân lại thích sà vào bên thúng vịt lộn nóng hổi vừa thổi vừa ăn vừa trao cho nhau những quấn quýt sau cùng trước khi...ai về nhà nấy. Thời sinh viên, thi thoảng rủng rỉnh, mình cũng chiêu đãi  nàng món trứng lộn vỉa hè. Con giai Huế thuộc loại lãng mạn đến cấp thượng thừa, thử nghe họ tán gái thế này thì rõ: “Anh muốn đời cứ đêm mãi thôi/ Đừng cho nắng phủ nét phai phôi/ Để anh càng lạnh em càng lạnh/Và mãi gần nhau thế đủ rồi...”. Trình độ lãng mạn của giai bọ không được như thế, sau khi đã cẩn thận kiểm tra hầu bao bảo đảm cho mỗi đương sự một quả vịt lộn,  mình dứt khoát kéo nàng đứng lên nói lời từ biệt. Thôi thế em ạ, đời có đêm mãi thôi thì trứng lộn cũng chả đủ mà ăn, he he he...

Gần ba mươi năm sau, giờ này năm ngoái có dịp về lại xứ Huế mộng mơ, mình vẫn thấy bên vỉa hè “chị vịt lộn” trùm áo mưa, chiếc nón cời với ngọn đèn dầu kiên nhẫn sáng. Ôi, Huế thương, Huế của ta ơi, Huế cũ Huế xưa vẫn còn xưa cũ lắm...

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

KÍ ỨC SÔNG



Dâng mạ kính yêu




Cuộc đời của mỗi con người hình như đều có gắn với một dòng sông quê hay chí ít cũng có hình bóng một con sông trong tâm thức để vọng về. Với mình thì đó là con sông Gianh, mình đã trải qua trọn tuổi học trò bên sông và mạ.

Làng Tân An của mình nằm  bên bờ bắc sông Gianh. Dọc theo dòng sông này còn nhiều làng mạc yên bình với đôi bờ xanh ngăn ngắt ruộng đồng đồi núi. Duy nhất đoạn bờ sông qua làng mình là một bãi đá dài suốt từ đầu làng ở Chòm một đến cuối làng ở Chòm bốn. Người ta bảo đó là đá đổ xuống từ bờ thành xây dọc sông thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Cái bãi đá ấy trở thành những cái bến giặt lí tưởng cho dân làng, cũng là nơi mình thường đánh những giấc ngủ ngon trưa hè dưới bóng những cây bàng cây phượng.    
                                                         
Cũng chả hiểu sao dân làng mình đều gọi sông là rào, trẻ con  rủ nhau ra rào tắm, người lớn rủ nhau ra rào giặt rửa, cho đến nay mình chưa nghe ở đâu gọi sông là “rào” bao giờ. Hầu như mọi sinh hoạt trong làng liên quan đến nước từ tắm rửa, giặt giũ…đều diễn ra ở rào, chỉ trừ nước uống và nấu nướng. Tắm giặt, rửa rau, làm cá làm thịt, trơi gạo (đãi gạo) làm bún, thậm chí rửa chén đọi sau bữa ăn…tất tần tật đều ra rào. Mình còn nhớ cứ sau bữa ăn là bọn mình lại í ới rủ nhau bưng rổ ra rào rửa đọi (chén bát) cũng là cơ hội gặp nhau để chơi. Vài lần mình đã để trôi hoặc đánh bể hết cả rổ, lại về nhà len lén vào lậm (kho) lấy ra một loạt mới thay thế. Tất nhiên là sau đó bị mạ phát hiện và cho ăn đòn.
                                                           
Con nít, người lớn trong làng đều biết bơi tuy chẳng học bơi một giờ nào. Bắt đầu vung vẩy tay chân được là nhào xuống sông, sau mấy lần no nước sông Gianh là bơi được. Thời con nít, bọn mình hễ hứng lên là lại rủ nhau “tắm”,  đúng hơn là nhúng nước, người lớn thì mãi lo làm lụng buôn bán chẳng ai rỗi mà trông coi quản lí. Vậy mà sao mình chẳng thấy đứa nào chịu chết đuối cả, thế mới tài. Chả bù cho bây giờ con cái đến hồ bơi có cả bảo vệ lẫn bố mẹ ngồi canh trên bờ mà vẫn cứ lo ngay ngáy.

Nhà chỉ hai mạ con, ở nhà thì buồn nên ngoài giờ học hầu như mình chỉ lang thang ngoài rào. Tắm bến này sang bến khác có khi bợt cả người, hết tắm thì mò ốc, khèo tôm, câu cá…thôi thì đủ thứ trò.  Mình rất thích câu cá bống và cá ngạnh sông Gianh, có điều hình như mình không mát tay trong lĩnh vực này, cả buổi câu đôi khi bạn bè xách cả giỏ cá về còn mình chỉ có được mỗi con cá bé tẻo teo đã khô rang từ lúc nào. Lắm lúc la cà quên cả bữa ăn, những lúc ấy mạ mình lại đi dọc các bến sông réo gọi một câu có lẽ quen tai cả dân làng từ Chòm một đến Chòm bốn “Tuý ơi! Về ăn cơm”.

Sông Gianh tuyệt nhất với bọn con nít trong làng mình có lẽ là vào mùa hè. Nó mang đến cái mát mẻ của những con nước lên trong xanh rời rợi, của những làn gió nam thổi mát tuổi thơ. Những trưa hè, mình thường mang sách ra nằm đọc trên bãi đá  bến sông, dưới tán những cây phượng râm ran tiếng ve rồi ngủ quên. Đôi khi tỉnh giấc nhờ thằng bạn tinh nghịch là nước sông dập dềnh dưới chân.

Kí ức sông với mình còn là những đêm trăng hè tuyệt diệu. Thời ấy làm gì có điện. Trăng lên vành vạnh cùng con nước mênh mang tràn bờ như dát bạc, làn gió mát như quạt hầu thổi từ sông mơn man da thịt. Rất nhiều những đêm trăng như thế mình cứ ngồi mãi một mình ngắm sông trăng, lắng nghe tiếng sóng nhè nhẹ vỗ bờ không biết chán. Vì vậy mà cũng rất nhiều những đêm như thế dân làng lại nghe quen tiếng mạ mình vang lên dọc sông: “Tuý ơi! Về ngủ”.
                                      
Một buổi sáng sớm năm 1981, cách nay vừa đúng ba mươi năm, mình rời ngôi làng xinh như mộng, rời con sông ngập tràn kỷ niệm để dân thân vào cuộc bể dâu đời người. Mình còn nhớ như in khi hai mạ con đi qua con đê sau làng thì bình minh vừa ló dạng. Mình quay lại nhìn về hướng sông khi con nước tinh khôi đang lặng lẽ lên tràn bờ phía Quảng Hải. Bình minh nhuộm hồng làng xóm và cả đôi bờ con sông Gianh huyền thoại bởi những tia nắng mới lên. Ôi, con sông  của tôi đẹp quá, nhưng sao lại có vẻ buồn bã thế nhỉ? Chắc sông cũng biết buồn khi phải chia tay thằng bạn chí thiết của nó?

Rất lâu sau này, khi đã có đôi chút trải nghiệm với đời, mình hiểu rằng sông nào có biết buồn vui, những thứ tình cảm tầm thường và vô thường của nhân loại. Sông cứ chảy miên man đời sông như đã từng và nó vẫn luôn rộng lượng mỉm cười với ai muốn gắn cho nó những hỉ nộ ái ố của người đời, cũng như bao bà mẹ vẫn thường bao dung với những đứa con lầm lỗi mà chẳng một lời than trách.

Một nhà thơ quá nửa đời phiêu dạt, ngày trở về úp mặt vào sông quê mới nhận ra rằng con sông cũng dạt dào như lòng mẹ. Mình sau ba mươi năm, cũng coi như tròn nửa đời người, về ngồi với con sông Gianh thương mến  mà nhớ về bao kỉ niệm. Trong từng giọt kí ức ấy luôn có bóng dáng mạ mình nay đã ra người thiên cổ. Thực ra, trước đây thi thoảng mình cũng có về quê thăm mạ, thăm sông, nhưng lần này về đoạn tang mạ, mình chính thức tiễn mạ về nơi chín suối, chỉ còn sông vẫn rì rào với mình như cái thời tuổi thơ vời vợi. 

Ngần ấy năm, dòng sông của mình cũng có những thay đổi như lẽ vô thường của trời đất. Thế nhưng hồn sông vẫn thế, vẫn miên man trôi chảy, vẫn rộng lượng bao dung như vạn thuở. Vốc một ngụm nước sông úp lên mặt, mình cảm nhận được dòng chảy mát lành của nó, nhưng chợt khát khao một tiếng gọi: “Tuý ơi!...”.